Nỗi sợ lành mạnh và không lành mạnh về Thiên Chúa
Linh mục Ron Rolheiser, OMI
2017-10-02
Là một thần học gia, linh mục và giảng viên, tôi thường nhận được những câu hỏi: “Tại sao giáo hội không nói nhiều về nỗi sợ với Thiên Chúa nữa? Tại sao chúng ta không nói nhiều về hỏa ngục nữa? Tại sao chúng ta không giảng nhiều về cơn giận của Thiên Chúa và lửa hỏa ngục nữa?”
Không khó để trả lời những câu hỏi này. Chúng ta không giảng nhiều về nỗi sợ nữa, bởi đơn giản rằng việc đó là sai, trừ khi chúng ta cực kỳ cẩn thận khi nói về nó. Phải công nhận, nỗi sợ có thể khiến cho người ta thay đổi hành vi nhưng nó cũng có thể hạ giá và phần nào là tẩy não con người. Một thứ có tác dụng không đồng nghĩa rằng nó đúng. Chỉ được giảng về nỗi sợ Thiên Chúa trong một bối cảnh yêu thương mà thôi.
Chính Kinh Thánh dường như cũng cho chúng ta thông điệp phức tạp. Một mặt nói rằng kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan, nhưng Kinh Thánh cũng nói, mỗi lần Thiên Chúa xuất hiện trong lịch sử nhân loại, thì những lời đầu tiên của Ngài luôn là “Đừng sợ.” Lời này xuất phát từ chính miệng Thiên Chúa, hay qua các ngôi sứ, những người truyền tin của Chúa. Lời này đã xuất hiện hơn 300 lần trong Kinh Thánh. Những lời đầu tiên chúng ta sẽ nghe, trong mọi lần Thiên Chúa xuất hiện trong cuộc đời chúng ta là “Đừng sợ.” Chúng ta phải cẩn thận khi giảng về nỗi sợ với Thiên Chúa. Nỗi sợ bị trừng phạt không phải là thông điệp đích thực mà chúng ta nghe khi Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta.
Vậy thì làm sao kính sợ Thiên Chúa lại là khởi đầu của khôn ngoan? Trong mối liên hệ chúng ta với Thiên Chúa, cũng như trong mối liên hệ giữa chúng ta với người khác, có những nỗi sợ lành mạnh và không lành mạnh. Nỗi sợ lành mạnh là gì?
Nỗi sợ lành mạnh là nỗi sợ của yêu thương. Khi chúng ta yêu ai đó, tình yêu của chúng ta sẽ có một số nỗi sợ lành mạnh và chúng ta sẽ phải cẩn trọng. Chúng ta sợ mình tỏ ra thiếu tôn trọng, sợ mình ích kỷ. Mọi tình yêu lành mạnh đều có một nỗi sợ, rằng mình không để người kia được hoàn toàn tự do. Sự tôn kính và tôn trọng cũng là một phần của nỗi sợ. Nhưng đây không phải là kinh sợ, thấy mình nhỏ bé hay khiếp đảm trước một hình phạt nào đó. Nỗi sợ vì yêu thương chính là nỗi sợ mà Thiên Chúa đã tạo ra trong lòng ông Môsê khi ông đứng trước bụi gai bốc cháy: “Hãy cởi giày ra, vì nơi người đang đứng là đất thánh!”
Chúng ta hiểu “kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” là như thế nào? Chúng ta khôn ngoan và theo lẽ phải khi chúng ta đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu với đôi giày đã cởi ra, nghĩa là có một sự tôn kính. Chúng ta khiêm nhường và mở lòng ra với mầu nhiệm lớn lao định hình chúng ta cho những mục đích vô tận. Nhưng điều này rất xa và gần như là đối lập với nỗi sợ mà chúng ta cảm nhận khi bị đe dọa, với người hoặc vật đang đe dọa chúng ta theo kiểu nhẫn tâm độc đoán và trừng phạt.
Cũng có một nỗi sợ Thiên Chúa lành mạnh nảy sinh trong chúng ta khi sợ mình đang gây hại cho những gì tốt lành chân thật và xinh đẹp trong thế giới này. Một vài tôn giáo gọi đây là nỗi sợ trước nghiệp chướng. Còn Chúa Giêsu thì mời gọi chúng ta đến với nỗi sợ thánh thiện này khi Ngài bảo chúng ta rằng “anh em đong đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy.” Có một cơ cấu luân lý trong vũ trụ này trong cuộc đời và trong mỗi chúng ta. Tất cả mọi sự đều có một giới hạn luân lý mà chúng ta cần phải tôn trọng. Sợ mình xâm phạm chân thiện mỹ là một điều làng mạnh.
Chúng ta cần rao giảng nỗi sợ lành mạnh này hơn là một nỗi sợ rằng chúng ta phải sợ Thiên Chúa trừng phạt chúng ta theo một cách vị luật và cứng ngắc. Bất cứ lúc nào chúng ta rao giảng nỗi sợ không lành mạnh này, nỗi sợ một Thiên Chúa chực chờ giáng lửa hỏa ngục, là chúng ta gần như đang rao giảng về một Thiên Chúa không cảm thông, không thông hiểu, và không tha thứ cho lắm. Một Thiên Chúa mà chúng ta phải sợ vì những hình phạt này là một Thiên Chúa mà không bao giờ chúng ta tìm thấy được sự thân mật nồng ấm bên Ngài. Tình yêu không có chỗ cho đe dọa, trừ khi đó là một nỗi sợ rằng mình có thể làm gì đó thiếu tôn trọng, sợ làm mất đi tình yêu. Biển lửa hỏa ngục có thể là một chiến lược có hiệu quả để giúp người ta thay đổi hành vi, nhưng xét theo Tin Mừng, đó là một chiến lược sai trái.
Sợ là một trong những bản năng sâu xa nhất và giúp duy trì sự sống cho bạn. Không biết sợ bạn khó mà sống thọ được. Nhưng nỗi sợ là một hiện tượng phức tạp đa chiều. Một vài nỗi sợ giúp bạn sống sót, Nhưng có những nỗi sợ làm bạn bị biến dạng và bị giam hãm.
Trong đời có những thứ cần phải sợ. Nhưng Thiên Chúa không nằm trong số đó. Thiên Chúa không phải là một kẻ bắt nạt trong sân chơi cũng không phải một bạo chúa độc đoán, nhưng là tình yêu luôn mãi mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch