Bỏ qua những khác biệt của chúng ta

244

 

Ronald Rolheiser, 2010-04-25

Trong tập đầu quyển tự truyện “Dưới làn da của tôi” “Under My Skin”, Doris Lessing, nữ văn sĩ người Anh được giải Nobel văn chương năm 2007, kể câu chuyện này: Trong cuộc hôn nhân giữa bà với Gottfried Lessing, đến một lúc cả hai đều thấy rõ họ đơn giản không tương hợp để làm vợ chồng với nhau, rốt cuộc họ sẽ phải tìm cách ly dị. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, họ quyết định sống với nhau như bạn, cho tới khi nào cả hai có thể dọn qua Anh quốc, lúc đó họ sẽ làm thủ tục ly hôn. Cuộc hôn nhân của họ kết thúc, nhưng không ngờ tình bạn giữa họ lại bắt đầu nảy nở. Họ đã chấp nhận sự không tương hợp giữa họ là một thực tế, và là một điều gì đó không gây oán giận trong lòng mỗi người. Tại sao lại oán giận một ai đó chỉ vì người đó cảm thấy và suy nghĩ khác với mình?

Một đêm nọ, khi đang nằm chung phòng nhưng trên hai giường khác nhau, cả hai cùng hút thuốc và không ngủ được, Gottfried nói với bà: Kiểu không tương thích này là một điều đáng tiếc chứ không phải là một tội. Đó là một nhận thức chín chắn: Không tương hợp không phải là một tội ác hay tội lỗi gì, nó chỉ là một điều đáng tiếc.

Liệu trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể áp dụng chân lý đó không, bởi vì trong đó chứa đựng một thách thức quan trọng về mặt tình cảm, trí tuệ, luân lý và tôn giáo. Chúng ta dành quá nhiều thì giờ và năng lực để tức giận và chán chường nhau về một điều gì đó mà về căn bản chúng ta không thể nào kiểm soát hay thay đổi được. Những khác biệt giữa chúng ta, dù có làm chúng ta chán ngán tới mức nào và đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn nhiều ra sao đi nữa, cũng không phải là tội ác hay tội lỗi gì, hay kể cả (đa phần) là lỗi của ai đi nữa. Chúng ta không cần phải trách cứ, tức giận hay phẫn uất với người nào đó chỉ vì người đó khác với chúng ta, cho dù những khác biệt đó chia rẽ chúng ta, làm chúng ta chán ngán, thử thách lòng kiên nhẫn, hiểu biết của chúng ta đến đâu đi nữa.

Chúng ta không nên trách móc và bực bội lẫn nhau vì khác nhau. Ấy vậy mà chúng ta lại luôn luôn làm thế. Chúng ta oán giận người khác, đặc biệt là những người gần gũi nhất trong gia đình mình, trong giáo hội và ở nơi làm việc của mình, bởi vì họ khác với chúng ta, như thể họ là người phải chịu trách nhiệm vì những khác biệt đó. Đáng buồn cười thay, chúng ta lại hiếm khi nhìn ngược lại và tự trách mình. Mà thông thường chúng ta đi trách móc người khác hay điều gì khác. Sự bất tương hợp trong gia đình, giáo hội và nghiệp đoàn ít khi giúp tạo dựng sự tôn trọng và tình bạn như trường hợp giữa Gottfried và Doris Lessing. Thực tế là ngược lại. Những khác biệt giữa chúng ta thường là nguồn gây nên chia rẽ, giận dữ, phẫn uất, cay đắng, và buộc tội lẫn nhau. Chúng ta hăng hái trách cứ người khác về sự bất tương hợp như thể đó là một lỗi luân lý hay một sự chia rẽ cố ý.

Dĩ nhiên, đôi khi có trường hợp đúng như vậy. Sự thiếu chung thủy hay thậm chí lười biếng và không chịu nỗ lực trong mối quan hệ cũng có thể bào mòn mối hòa thuận và đặt ra chướng ngại không thể vượt qua để thông cảm với nhau và tương hợp nhau. Đi lại với người không phải là vợ/chồng của mình có thể nhanh chóng khiến nảy ra những bất tương hợp trong hôn nhân. Trong trường hợp như vậy, nếu nói “Đó chỉ là một điều đáng tiếc” là không đúng. Có người đáng trách ở đây. Tuy nhiên, phần lớn những khác biệt khiến chúng ta trở nên xa cách  – như lời của Gottfried Lessing – chủ yếu chỉ là một điều đáng tiếc, chứ không phải là một tội.

Vậy ai đáng trách? Ai có lỗi? Nếu phải trách cứ ai, thì chúng ta hãy trách cứ tạo hóa và Chúa.

 

Chúng ta có thể trách tạo hóa vì đã hào phóng, vì phong phú quá mức, vì đa dạng không ngờ, tạo ra hàng tỉ tỉ giống loài, với những khác biệt nhiều đến mức hoang mang trong cùng một giống; có thể trách tạo hóa có khuynh hướng đem cho chúng ta những điều lạ thường và sắc màu ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta cũng có thể trách cứ Chúa đã đặt chúng ta vào một vũ trụ mà quy mô, tính đa dạng và phức tạp vô cùng của nó phải khiến cho trí tuệ và sức tưởng tượng của chúng ta bối rối. Vũ trụ của chúng ta vẫn còn tiếp tục phát triển về cả quy mô lẫn biến thể, với những thay đổi liên miên.

Ta sẽ thấy, Chúa và tạo hóa không tin vào sự đơn giản, đồng dạng, nhàn nhạt và đơn điệu. Chúng ta không sinh ra trên đời này từ những băng chuyền công nghiệp như xe hơi sản xuất hàng loạt từ nhà máy. Sự kết hợp vô hạn giữa những tình cờ, những điều kiện, ngẫu nhiên và thiên mệnh quy hợp lại để tạo ra giống loài chúng ta và ADN của từng cá nhân là quá phức tạp tới mức không thể tính toán được hay thậm chí không thể hình dung chính xác được.

Nhưng trách cứ không phải là từ thích hợp ở đây, kể cả nếu trong lúc chán ngán với những khác biệt của nhau, chúng ta cảm thấy mình cần phải trách móc một ai đó. Chúa và tạo hóa không nên bị trách móc vì đã đem lại cho chúng ta sự phong phú lớn đến như vậy, đã đặt chúng ta vào một thế giới với quá nhiều sắc màu và đa dạng như vậy, và vì đã tạo ra những tính cách riêng quá sâu sắc và phức tạp như vậy cho chúng ta. Đời sống sẽ buồn tẻ tới mức nào nếu chúng ta không phải đối diện mãi mãi với tính chất mới lạ, sự muôn màu muôn vẻ và khác nhau. Thế giới này sẽ tẻ nhạt biết chừng nào nếu mọi thứ đều cùng sắc màu, nếu tất cả các bông hoa đều cùng một loại, và nếu tất cả các tính cách đều giống y như tính cách chúng ta. Chúng ta sẽ phải trả một giá đắt cho sự an nhàn và thông hiểu dễ dàng xuất phát từ sự đồng nhất đó.

Gottfried Lessing là người theo thuyết bất khả tri và là người Mác-xít, không phải là thân hữu dễ chịu của Ki-tô giáo. Nhưng chúng ta (những người mà qua phép bí tích rửa tội đã nguyện hiểu biết, cảm thông, tha thứ và tạo bình an) cần được thách thức một cách mạnh mẽ và lành mạnh bởi nhận thức và hiểu biết sâu sắc đó của ông: Không tương hợp không phải là một lỗi hay một tội, mà chỉ là một điều đáng tiếc!

J.B. Thái Hòa dịch