Kín đáo ăn chay và cầu nguyện

921
Ronald Rolheiser, 2010-02-07
Triết gia David Hume từng phân biệt giữa cái ông gọi là đức hạnh chân thật và cái ông đặt tên là đức hạnh giống tu sĩ. Ông nói, đức hạnh chân thật là những phẩm chất bên trong chúng ta mà có ích cho người khác và bản thân chúng ta. Còn các đức hạnh giống tu sĩ là những phẩm chất không nâng cao đời sống con người, đối với xã hội cũng như bản thân người thực hành những phẩm chất đó. Ông liệt kê các đức hạnh giống tu sĩ như việc sống độc thân, ăn chay, sám hối, hành xác, tiết dục, nhún nhường, thinh lặng và cô tịch. Ông chứng minh những điều đó chẳng đóng góp gì cho xã hội và thậm chí còn làm giảm đi sự tốt lành thịnh vượng của con người. Do vậy, ông quả quyết rằng những điều đó bị chối bỏ bởi “những người hiểu biết”. Điều này xem ra khó nghe đối với người có đạo.
Nhưng những gì tiếp theo đó còn khó nghe hơn. Những người thực hành những đức hạnh giống tu sĩ phải trả một giá đắt, ông nói, sức khỏe của họ không tốt và họ bị loại ra khỏi cộng đồng con người: con người nhiệt tình nông nổi và ảm đạm đó, sau khi chết, có thể có tên ghi trong cuốn lịch, nhưng khi còn sống thì khó có thể được ai chấp nhận vào vòng thân thuộc và vào xã hội, trừ những người cũng mê sảng và chán ngắt như vậy.
Mặc dù điều này nghe tàn nhẫn, nhưng nó mang một lời cảnh cáo lành mạnh, nhắc lại rõ ràng điều Giê-su đã nói khi người cảnh cáo chúng ta phải kín đáo ăn chay, cầu nguyện, đừng có bộ mặt ảm đạm khi tu hành khổ hạnh, bảo đảm rằng lòng mộ đạo của chúng ta không quá lộ liễu trước đông người. Nếu Giê-su có nói rõ ràng về điều gì, thì đây chính là điều người đã nói rõ.
Tại sao? Tại sao chúng ta phải tránh mọi việc phô diễn trước đông người về việc ăn chay, tu hành khổ hạnh và cầu nguyện riêng tư của chúng ta?
Một phần cảnh cáo của Giê-su là chống thói đạo đức giả và giả dối, nhưng còn hơn vậy nữa. Còn có vấn đề về việc chúng ta toát ra như thế nào và chúng ta được cảm nhận ra sao. Khi chúng ta bộc lộ sự khổ hạnh và mộ đạo trước đông người, dù có chân thành đi nữa, thì điều chúng ta muốn toát ra và điều người khác cảm nhận về chúng ta (mà không chỉ là những David Humes của thế giới này) là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có thể bày tỏ đức tin vào Chúa và sự trung tín đối với những gì vượt xa hơn kiếp sống này, nhưng những người khác dễ dàng diễn giải quan điểm và hành động của chúng ta như một  tình trạng yếu đuối, u sầu, phiền muộn, khinh khi những chuyện thông thường, và là một sự bù đắp chẳng-đáng-kể-gì cho việc phải mất đi sức sống.
Và đó chính xác là điều ngược lại với những gì chúng ta cần tỏ ra. Tất cả các đức hạnh giống tu sĩ (mà chúng là những đức hạnh thật sự) nhằm làm cho tâm hồn chúng ta mở ra để tiếp cận thân mật sâu sắc hơn với Chúa và vì vậy, nếu lời cầu nguyện và tu hành khổ hạnh là lành mạnh, thì những gì chúng ta sẽ tỏ ra chính là an mạnh, vui vẻ, thương yêu thế giới này, và cảm nhận những niềm vui bình thường của cuộc sống là phước lành Chúa ban.
Nhưng không dễ gì làm được điều đó. Chúng ta không toát ra được đức tin của mình nơi Chúa và toát ra là đang an mạnh bằng cách chấp nhận một cách không suy xét hay hô hào cổ vũ mọi nỗ lực để vui vẻ của thế giới này, cũng không phải bằng cách gượng cười giả tạo trong khi sâu thẳm bên trong chúng ta đang khó lòng kiểm soát được trầm uất. Chúng ta toát ra đức tin nơi Chúa và an mạnh qua việc toát ra tình thương, bình an và thanh thản. Và chúng ta không thể làm điều đó nếu toát ra sự khinh khi đối với cuộc sống hay đối với cái cách những con người bình thường kiếm tìm hạnh phúc trong cuộc sống này.
Và đó là một thách thức khó khăn, đặc biệt ở thời buổi này. Trong một nền văn hóa như nền văn hóa này, chúng ta dễ dàng nuông chiều bản thân mình, thiểu hiểu biết sâu sắc về sự hy sinh, đắm chìm trong đời sống và bản thân đến mức đánh mất tất cả ý thức về cầu nguyện, và sống không hề tiết dục chút nào, đặc biệt về mặt tình cảm. Bên cạnh những chuyện khác, chúng ta còn thấy điều đó trong căn bệnh bận rộn của mình, trong tình trạng mất khả năng duy trì đời sống cầu nguyện riêng tư, ngày càng mất đi năng lực trung tín với những gì mình cam kết, và với những nỗ lực gắng gỗ chống lại mọi thể loại nghiện ngập: thức ăn, rượu chè, tình dục, thú vui giải trí, công nghệ thông tin. Khiêu dâm trên internet đã là bệnh nghiện lớn nhất của toàn thế giới. Cầu nguyện và ăn chay (ít nhất trong tình cảm) đang thiếu hụt. Những đức hạnh giống tu sĩ giờ đây đang cần có hơn bao giờ hết.
Nhưng chúng ta phải thực hành các đức hạnh đó mà không phô diễn trước đông người, không khinh khi tính chất tốt lành vốn được Chúa ban cho trong mọi thứ của thế giới này, không ám chỉ rằng sự thánh thiện riêng tư là quan trọng đối với chúng ta và với Chúa hơn những điều tốt lành thông thường của thế gian này, và không ngụ ý rằng Chúa không muốn chúng ta vui vẻ với tạo vật của người. Thực hành khổ hạnh và cầu nguyện của chúng ta phải thực chất, nhưng chúng phải toát ra sự an mạnh, chứ không phải là sự bù đắp cho việc không an mạnh.
Và như vậy, một sự an mạnh chứng tỏ sự tốt lành của Chúa, chính xác là điều tôi thấy ở những ai thực hành các đức hạnh giống tu sĩ theo cách lành mạnh. Cầu nguyện và ăn chay, nếu làm đúng đắn, sẽ toát lên sự an mạnh, không phải là khinh khi. Nếu David Hume đã chứng kiến sự an mạnh và tình thương yêu của Giê-su trong việc cầu nguyện và thực hành khổ hạnh của ông thì hẳn là, tôi nghĩ, ông đã viết khác đi về đức hạnh giống tu sĩ.
Vì vậy chúng ta cần xem xét nghiêm túc hơn lời dạy của Giê-su rằng việc thực hành khổ hạnh và cầu nguyện riêng tư phải được làm “trong kín đáo”, đằng sau cánh cửa đóng kín, để vẻ mặt chúng ta bộc lộ ra trước đông người toát lên an mạnh, vui vẻ, thanh thản và thương yêu những điều tốt lành Chúa đã tạo ra, người mà cầu nguyện và thực hành khổ hạnh đã đưa chúng ta đến gần hơn.
J.B. Thái Hòa dịch