Ronald Rolheiser, 2009-12-13
Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo nhấn mạnh rằng Đức Giêsu chỉ có thể sinh ra trong một cung lòng khiết tịnh, và Linh đạo Kitô cũng nêu bật lên rằng Ngài chỉ triển nở trong một tâm hồn khiết tịnh. Tại sao? Tại sao đức khiết tịnh lại được nhấn mạnh đến như vậy?
Đức khiết tịnh cần được hiểu cách đúng đắn. Đã qua rồi một thời kỳ lâu dài chúng ta đã có quan niệm sai lầm và hẹp hòi về khiết tịnh. Khiết tịnh hầu như được đồng hóa với sự tiết chế tình dục và rồi do đó, tình dục được coi như tự bản chất là đối nghịch với khiết tịnh và tu đức. Nhưng khiết tịnh không cùng nghĩa với độc thân, mà thực sự, nó trước hết và trên hết là một quan niệm về tính dục. Có người có thể sống khiết tịnh nhưng không độc thân, cũng như có người sống độc thân mà không khiết tịnh. Bố mẹ tôi không độc thân, họ có nhiều con cái, nhưng họ là những người sống khiết tịnh tuyệt vời. Và điều ngược lại cũng có thể đúng. Có người độc thân nhưng lại không có chút gì khiết tịnh.
Khiết tịnh là gì? Chúng ta khiết tịnh, khi chúng ta đứng trước cuộc đời, tha nhân, Thiên Chúa theo cách để cho họ nên trọn vẹn trong chính con người của họ, mà không để cho tính thiếu kiên nhẫn, ích kỷ, thiếu thiện chí của chúng ta lôi kéo họ, vi phạm đến thực tại và tiến trình tự nhiên của họ. Điều này có nghĩa gì?
Tôi xin minh họa ba hình ảnh sau về điều này:Trong quyển sách Kiên quyết thánh thiện (Holy The Firm), Annie Dillard đã chia sẻ câu chuyện này: Một buổi tối, một mình trong căn phòng, bà quan sát một con bướm đêm chầm chậm chui ra khỏi cái kén của nó. Quá trình đó thật hấp dẫn nhưng chậm đến vô tận. Đến một lúc bà mất kiên nhẫn và cần đi làm chuyện khác, bà thắp một cây sáp để làm cho nó ấm thêm. Và có kết quả. Sự ấm nóng đã thúc đẩy quá trình nhanh hơn, con bướm chui ra nhanh hơn, nhưng vì quá trình tự nhiên bị can thiệp bởi một gấp gáp không tự nhiên, nên con bướm chui ra với đôi cánh yếu ớt, nó không bay được. Một lỗi lầm trong khiết tịnh đã dẫn đến sự trì trệ tăng trưởng.
Bộ phim, Lý trí và tình cảm, do Emma Thompson đóng vai chính, dựa trên tiểu thuyết cổ điển của nhà văn Jane Austen, đã mô tả nhân vật này như một người chuốc lấy căng thẳng đau đớn tột độ trong một thời gian dài, do tình yêu dang dở và không được đáp trả. Cô không có ai để thực lòng chia sẻ nỗi đau đó và hoàn cảnh buộc cô phải chịu đựng, dù cô không đủ sức chịu đựng. Cô chịu đựng tình trạng đè nén này rất lâu, thăng hoa nó thành lòng khoan dung tử tế thậm chí đối với người đã gây ra nỗi đau. Và chỉ sau một thời gian dài, cuối cùng áp lực đó cũng được giải quyết, lòng kiên nhẫn của cô không thúc ép để có giải pháp nhanh chóng, quyết tâm chịu đựng áp lực cho đến cùng, đã giúp mang lại không chỉ cho cô mà còn cho mọi người một đời sống sâu sắc hơn. Đây là cốt lõi của khiết tịnh.
Tác giả thiêng liêng người Ý, Carlo Carretto, sau khi sống nhiều năm ẩn tu trong sa mạc Sahara, khi được hỏi đâu là lời ông nhắn cho mọi người biết khi có người hỏi: Trong cô tịch và cầu nguyện, ông đã nghe được Thiên Chúa nói gì với chúng tôi, những người có cuộc sống năng động trong thế giới này? Carretto đã trả lời: Thiên Chúa nói: phải học chờ đợi, học để chờ đợi mọi thứ – tình yêu, hoàn thiện, ăn nằm – cho Chúa! Học để chờ đợi, cho Thiên Chúa và cuộc sống một khoảng không gian để triển nở theo như cần thiết, đó là tinh hoa của khiết tịnh.
Trong một số sách của Nikos Kazantzakis, ông vừa trìu mến vừa chua chát nói: Thiên Chúa gần như không bao giờ vội vã, trong khi chúng ta lại luôn luôn vội vã. Ông đúng: Cuộc sống triển nở theo nhịp bẩm sinh của nó, thử thách lòng kiên nhẫn chúng ta và sẽ không để nhịp điệu đó bị gấp gáp, ngoại trừ một giá. Cả cuộc sống và tình yêu đòi hỏi thời gian và khoảng không gian để triển nở theo tiếng gọi bên trong của nó. Bất cứ khi nào, vì thiếu kiên nhẫn, ích kỷ, hay thiếu thiện chí khi chịu áp lực, chúng ta cắt ngắn chu trình đó, thì theo những cách nặng, nhẹ khác nhau, chúng ta đã vi phạm thực tế của nó.
Khiết tịnh là đức hạnh mời gọi chúng ta sống trong kiên nhẫn, chờ đợi, tôn trọng người khác, và chịu áp lực đủ lâu để người khác trung thực với chính họ, và tặng phẩm có thể triển nở đúng như một tặng phẩm.
Từ cao thượng có gốc từ chữ thăng hoa. Không có gì cao thượng nếu không có thăng hoa lúc đầu. Không ai sinh em bé mà không có thời gian dài mang thai, không ai viết luận án tiến sĩ trong vòng hai giờ, không ai sáng tạo kiệt phẩm nghệ thuật mà không đổ mồ hôi lao nhọc lâu ngày, và không ai là anh hùng cá nhân mà không chịu đựng áp lực khó khăn. Cô bé lọ lem chỉ đến buổi tiệc sau khi ở lâu trong bếp tro. Đức Giêsu chỉ mang lấy vinh quang và tự do của ngày Chúa nhật Phục sinh nhờ những giọt mồ hôi máu đầu tiên trong vườn Dầu.
Đó là lý do tại sao Đấng Thiên Sai chỉ có thể sinh ra trong một cung lòng khiết tịnh, và sống trọn vẹn trong một tâm hồn khiết tịnh. Thiên Chúa Giáng Sinh không thể đi đường tắt.
J.B. Thái Hòa dịch