Ronald Rolheiser, 2009-06-28
Có lẽ thực tế khó chấp nhận nhất trong đời là sự thực bất di bất dịch rằng, cuối cùng, những gì quý nhất của chúng ta sẽ bị tước đi, theo một cách nào đó. Con cái lớn lên xa nhà, bạn bè đi xa, người thân mất đi, sức khỏe giảm sút, và rồi cuối cùng chúng ta ra đi. Ngay cả những gì quý giá nhất của chúng ta là đức tin và các giá trị chúng ta có suốt cả cuộc đời cũng phải chịu chung số phận: sự vật thay đổi, suy nghĩ và cảm xúc đổi thay, các nền tảng từng là chỗ nương tựa vững chắc cho chúng ta bị lung lay, nỗi hoài nghi len vào, nền móng sụp đổ, còn lại chúng ta trơ trọi và tự hỏi: mình thật sự tin vào cái gì và cái gì thật sự có thể tin tưởng được.
May mắn thay, đây mới chỉ là một vế của phương trình: Những gì mất đi, cuối cùng sẽ quay trở lại với chúng ta một cách sâu đậm hơn. Con cái trưởng thành đến không ngờ và bắt đầu phụng dưỡng cha mẹ, bạn bè liên lạc lại dù ở cách xa, chúng ta lại có những mối liên hệ sâu xa và bền vững hơn đến những người thân yêu đã mất, chúng ta tìm thấy một điều gì đó sâu kín và lâu bền hơn là sức khỏe thể chất. Cái chết mở ra cho chúng ta chạm đến vô tận, và nền móng những niềm tin xưa cũ sụp đổ đưa chúng ta rơi tự do xuống tới một nơi mà ở đó chúng ta đặt chân lên nền đá, một nền tảng vững chắc, an toàn tới nỗi không bao giờ còn bị lung lay nữa.
Chúng ta thấy điều này trong Sách Thánh, qua câu chuyện của cộng đồng dân Do-Thái và cuộc lưu đày ở thành Ba-bi-lon. Câu chuyện như sau:
Sau khi đến Pa-lét-xtin (“Đất Hứa”), dân Do-Thái mất nhiều thế hệ mới gây dựng được cơ nghiệp, thống nhất các bộ lạc về một mối, xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem thành trung tâm thờ phượng. Các vị vua vĩ đại Đa-vít và Sa-lô-môn đã thực hiện điều này, và người dân cảm thấy an tâm cả về chính trị lẫn tôn giáo. Đặc biệt họ cảm thấy vững mạnh trong đức tin. Thiên Chúa hứa ban đất, bây giờ họ có đất; Thiên Chúa hứa ban một vị vua, bây giờ họ có vua; Thiên Chúa hứa ban đền thờ, bây giờ họ có đền thờ. Họ thấy ba thực tế: đất hứa, vua, đền thờ là bằng chứng chắc chắn cho sự hiện diện và thánh ý Thiên Chúa đối với họ. Những lời hứa của Thiên Chúa rõ ràng đã trở thành hiện thực.
Nhưng ngay khi dân Do-Thái mãn nguyện trong vỏ bọc an toàn này, thì người At-xi-ri đến, chiếm lấy đất đai, đày họ đến Ba-bi-lon, giết vua, phá hủy đền thờ cho đến viên đá cuối cùng. Với những chuyện như vậy, đất đai, vua, đền thờ bị mất đi, thế giới của họ bị sụp đổ, cả về nghĩa đen lẫn về mặt tôn giáo. Những gì từng bảo đảm an toàn cho họ đã bị tước đi và họ cảm thấy mình bị lưu vong, không những đối với quê hương mình, mà đối với cả Chúa và tôn giáo của mình. Nếu sự hiện diện của Chúa được bảo đảm ở đất hứa, vua, và đền thờ, mà những điều này bị mất đi, vậy Chúa ở đâu? Làm sao bạn có thể tiếp tục tin, tin tưởng và hân hoan sống khi tất cả những gì từng làm chỗ dựa vững chắc cho niềm tin, lòng tin tưởng và niềm vui của bạn bị tước đi?
Câu trả lời của Thiên Chúa lúc đó là: Các con sẽ lại tìm thấy Ta khi các con tìm một cách sâu sắc hơn, với tất cả trái tim, khối óc và tâm hồn. Ngày nay Chúa cũng cho chúng ta câu trả lời đó bất cứ lúc nào chúng ta cảm thấy mình bị phản bội, bơ vơ, và mất phương hướng.
Và đây là bài học sâu sắc: Trong các giá trị và đức tin của chúng ta, những gì không thuộc về Thiên Chúa, cho dù tuyệt vời và chính xác tới đâu, cuối cùng sẽ đi ra khỏi cuộc đời chúng ta. Tại sao? Vì chúng không thuộc về Thiên Chúa. Chúng có thể là biểu tượng của chúng ta trong nhất thời, nhưng những biểu tượng được nắm giữ quá chặt, quá lâu đã trở thành các thần tượng mà chúng ta cần dẹp bỏ.
Điều này cũng đúng kể cả đối với những gì quý giá nhất trong tôn giáo chúng ta – Sách Thánh, giáo lý đức tin, Giáo Hội, các vị thánh lớn, các tư tưởng gia vĩ đại. Dù cho tất cả những điều đó có tuyệt vời đến thế nào, rốt cuộc đó cũng không phải là Chúa. Đó có thể là những phương tiện tuyệt diệu để đưa chúng ta đến với Chúa, là những biểu tượng, là các bài trình bày PowerPoint về Chúa, nhưng không phải là Chúa. Và bao giờ cũng vậy, bằng cách này hay cách khác, cuối cùng, cần phải đập vỡ thần tượng, không phải là không đau đớn và thất vọng sâu xa, nhưng chúng ta sẽ học được bài học này qua kinh nghiệm cay đắng. Tất cả các sách vở thiêng liêng, kể cả Sách Thánh đều nói rõ ràng về điều này.
Các biểu tượng trợ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, còn thần tượng ngăn cản chúng ta tiếp cận Thiên Chúa. Một thần tượng chỉ đơn giản là một biểu tượng bị nắm giữ quá lâu. Và chính vì thế trong bản chất truyền thừa của đức tin đã ghi rõ động năng giúp thanh lọc: Chúng ta được trao một số điều nào đó để nương theo trong một thời gian: một ngôn ngữ nhất định, những lễ nghi nhất định, giáo lý và tín điều nhất định, một cách hiểu nhất định về đức tin của chúng ta, những vị thánh nào đó làm hình mẫu, những sách thánh để nuôi dưỡng chúng ta, và, không kém phần quan trọng, một cảm thức tin tưởng và an toàn nhất định trong sâu xa rằng tất cả những điều này là tốt lành, đúng đắn, và trong một cách nào đó chính là Thiên Chúa
Tất cả điều này là tốt, trong một thời gian. Nhưng rồi ngày đó sẽ đến, thường là đi kèm với nỗi đau và mất mát sâu xa, khi nền móng sụp đổ và chúng ta suy sụp trong trạng thái rơi tự do, ta cố gắng bám vào cái gì cũng không được, cho tới khi chúng ta cuối cùng chạm chân vào một cái gì vững chắc như nền đá tảng, và đó chính là Thiên Chúa.
J.B. Thái Hòa dịch