Ronald Rolheiser, 2009-05-10
Trong quyển tiểu thuyết Con Ma Của Anil, Michael Ondaatje tạo ra một nhân vật tên là Ananda. Vợ của Ananda bị giết trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka và Ananda cố gắng cứu để mình khỏi bị điên và đi đến tự tử vì chuyện này. Làm sao ông giữ được sức mạnh tinh thần? Nhờ nghệ thuật, sáng tạo, tạo dựng một cái gì.
Gần cuối câu chuyện, tác giả để Ananda tái tạo một cái tượng Phật đã bị bể. Ananda cố ý làm con mắt của bức tượng giống con mắt của loài người, chứ không phải con mắt của vị thần: Ông nhìn con mắt mà trước đây là con mắt của thần. Và đây là cảm nhận của ông: Như một nghệ nhân, bây giờ ông không mừng vì có đức tin cao lớn. Nhưng ông biết, nếu ông không giữ tâm hồn nghệ nhân, thì ông sẽ trở thành quỷ. Chiến tranh chung quanh ông hẳn do quỷ làm, những bóng ma của hận thù.
Chúng ta muốn mình là nhà sáng tạo hay muốn giữ cho mình tính khí hung bạo. Một cách nào đó, chúng ta phải trở thành nghệ sĩ nếu không chúng ta thành quỷ. Đối với Ondaatje, đó là lựa chọn duy nhất của chúng ta. Ông có lý hay không?
Tôi tin, một nền thần học đúng về ân sủng sẽ đồng ý với ông. Tại sao? Bởi vì tự chúng ta, chúng ta không thể nào tự làm cho mình là người tốt. Chúng ta không thể nào chỉ quyết định, à, từ nay mình sẽ yêu thương và hạnh phúc, cũng như không bao giờ có thể quyết định từ nay không giận dữ, không chua cay, không ghen tương. Cậy chỉ vào ý chí không thể có được loại quyền lực này. Chỉ có một luồng tuôn chảy vào tâm hồn chúng ta một cái gì đó không phải gịân dữ, cay đắng, ghen tương có thể làm chuyện này. Chúng ta gọi đó là ân sủng, và nó không phải là ý chí, nó cho phép chúng ta cuối cùng yêu thương được cuộc sống.
Sáng tạo, mở lối cho người nghệ sĩ cũng như đồ tạo tác, có thể là sinh lực thiết yếu cho ân sủng này.
Nhưng nó có đúng không? Những người nghệ sĩ và những người có đầu óc sáng tạo có ít hung bạo hơn người khác không? Chúng ta có thấy ân sủng nào tác động ở đây không? Chung chung là có. Dù các nghệ sĩ cũng có các lỗi lầm khác, nhưng hiếm khi nghệ sĩ gây chiến tranh. Tại sao? Vì hung bạo tước đoạt hết cái đẹp mà cái đẹp thì rất cần và rất quan trọng cho nghệ sĩ, bởi vì sáng tạo cái đẹp bất cứ loại nào cũng giúp cho tinh thần, cho nội tâm người sáng tạo được chín chắn.
Đơn giản, khi chúng ta sáng tạo, chúng ta thấy được một chút những gì Thiên Chúa cảm nhận lúc ngài tạo dựng vũ trụ và lúc Chúa Giêsu nhận phép rửa, khi, quả đất tươi mới vừa thoát ra khỏi cảnh hỗn mang và khi đầu Đức Giê-su trồi lên mặt nước, câu nói bật lên lúc đó: “Thật là tốt đẹp! Thật là tốt đẹp!” “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Sáng tạo có thể cho chúng ta cảm nhận này. Kinh nghiệm người sáng tạo có thể giúp chúng ta thấm nhuần tâm tình thán phục, tri ân, và có được sảng khoái thần thánh.
Đương nhiên ở đây cũng có một hiểm nguy. Cảm nhận giống Thiên Chúa cũng là một loại ma túy mạnh, nhiều nghệ sĩ, trình diễn viên, lực sĩ đã học bài học này. Trong kinh nghiệm sáng tạo, người nghệ sĩ dễ đồng hóa mình với năng lượng, tự cho mình là Thượng Đế hoặc cho nghệ thuật và sáng tạo là thần thánh và cùng đích ở trong nó. Ý nghĩa hơn cả thành tựu và khó hơn nữa là phải tách chúng ta ra khỏi nó, không đồng hóa chúng ta hoặc tác phẩm của chúng ta với Thiên Chúa. Sáng tạo tạo ra nhiều nguy hiểm. Nhưng dù có cơ nguy này, chúng ta cần sáng tạo, nếu không, một cách nào đó như Ondaatje cảnh cáo, chúng ta sẽ trở nên cay đắng và hung bạo.
Hơn nữa, phải hiểu sáng tạo một cách đúng. Chúng ta thường e ngại về quan điểm sáng tạo và thấy mình không có gì để có thể sáng tạo. Tại sao?
Bởi vì chúng ta có khuynh hướng đồng hóa sáng tạo với những gì phi thường và được công chúng công nhận. Ai là người phán xét xem chúng ta có phải là người sáng tạo? Chỉ những người có bài hát được thâu, có bài thơ được xuất bản, có điệu vũ được nhảy ở Broadway, có thành tựu được công chúng tán thưởng, có tài ăn nói trên truyền hình.
Nhưng 99% sáng tạo không dính gì với những chuyện trên. Cùng đích của sáng tạo không phải là được công chúng biết đến hay có đóng góp ngoại hạng. Đó là khả năng biết diễn tả, nuôi dưỡng một cái gì cho cuộc sống và thoả mãn những gì nó mang lại cho mình.
Sáng tạo có thể đơn giản (và điều này thật tuyệt vời) như làm vườn, trồng hoa, may vá, nuôi dạy con, nấu ăn, sưu tập tem, viết nhật ký, âm thầm làm thơ, làm thầy giáo, hướng dẫn một nhóm, trưởng hướng đạo, nhảy trong phòng một mình, lắp ráp xe cũ. Không nhất thiết phải được nhận biết hay được công bố. Bạn chỉ cần thích làm.
Một thi sĩ người Mỹ, ông William Stafford đề nghị chúng ta mỗi buổi sáng nên viết một bài thơ. Có người hỏi ông làm sao làm được khi mình không có hứng sáng tác? Ông trả lời: “Thì hạ tiêu chuẩn của mình xuống!”
“Hãy xuất bản hay hãy chết!” Chúa không bao giờ nói câu này. Thế giới khoa bảng nói câu đó. Luật của Chúa về sáng tạo thì khác. Chúa Giêsu nói điều này trong dụ ngôn nén bạc: “Hãy là nghệ nhân với một vài tài sản của con hoặc chắc chắn con sẽ trở thành quỷ!”
J.B. Thái Hòa dịch