Vậy là tôi đã ngoài 60. Khi 27 tuổi, tôi tham dự một buổi hội thảo về đề tài: Cái chết và lúc sắp chết. Một trong những việc chúng tôi phải làm là điền một số câu hỏi, sau đó máy điện toán sẽ thông kê và nói cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ chết ở tuổi nào. Máy điện toán nói tôi sẽ chết ở tuổi 59.
Máy dựa trên một số dữ kiện: Cha tôi chết ở tuổi 62, mẹ tôi chết ngoài 50, tôi là linh mục, lại sống độc thân (cuộc sống này không thọ bằng người lập gia đình), công việc làm của tôi lại lắm stress. Theo thống kê, tôi sẽ chết trước 60 tuổi. Nhưng hôm qua là sinh nhật thứ 60 của tôi và tôi còn đủ sức để nâng ly hướng về tương lai. Tôi đã ngoài 60!
Nhưng nó lại làm tôi suy nghĩ. Tôi sẽ nói gì đây khi bước qua tuổi 60!
Mấy năm trước khi chết, tiểu thuyết gia Morris West viết quyển tự truyện có tựa đề Cái Nhìn Từ Triền Núi. Tôi thích mấy lời nói đầu của ông, ông đề nghị: Khi đã đến một số tuổi, vốn từ vựng của bạn chỉ còn một câu: Cám ơn! Cứ đến mỗi ngày sinh nhật, lòng biết ơn càng sâu đậm, cho đến khi nó tô phủ lên trên từng góc cạnh cuộc đời. Tôi không chắc là tôi được như vậy, nhưng ít nhất tôi biết tôi sẽ đi về đâu.
Đọc tiểu sử của Morris West làm tôi nhớ lại buổi nói chuyện với nhà thần học người Ái Nhĩ Lan, ông Pat Collins, tôi gặp ông trên toa xe lửa ở New Jersey mấy mùa hè trước đây. Cùng dự một buổi hội thảo, cùng ngồi với nhau trên xe lửa, Pat mạnh khỏe, anh có nhận xét sau: “Tôi yêu đời và tôi muốn sống thọ nhưng nếu tôi phải chết hôm nay thì cũng không sao bởi vì tôi biết tôi được yêu. Tôi biết có nhiều người thương tôi và thế là đủ.” Một nhận thức thật tuyệt vời. Hôm qua là ngày sinh nhật 60 tuổi của tôi, giống như Pat Collins, tôi vẫn thích sống lâu nhưng nếu tôi chết ngày mai thì cũng không sao vì tôi cũng biết có nhiều người thương tôi. Không phải lúc nào tôi cũng có cảm nhận như vậy về cái chết, về những người thương tôi, nhất là khi tôi còn trẻ.
Và tôi học được gì khi tôi quá sáu mươi tuổi?
Giữa dòng đời, tôi biết tôi được may mắn, tôi được học với những người thông thái, những người đỡ đầu tôi, có khi họ là những bậc thánh. Về mặt đời cũng như mặt đạo, phải nói là ba mươi lăm năm linh mục và sứ vụ của tôi thật là phong phú, ít nhất tôi mong, nó cũng dạy cho tôi những bài học của cuộc sống thật.
Vậy thì tôi học được những gì?
Trước hết, đó là Chúa, dù không phải tất cả những gì chúng ta làm nhân danh Ngài đều sáng danh Ngài. Trong một cuộc tranh luận với Frederic Copleston, ông Bertrand Russel đã tuyên bố: “Nếu vũ trụ có ý nghĩa thì mới có Chúa.” Vũ trụ thật sự có ý nghĩa nhưng không phải lúc nào ý nghĩa cũng nằm ở trên bề mặt sự việc. Còn những chuyện ở bên sâu thì có một ý nghĩa, đặc biệt là về mặt tinh thần và chúng ta biết điều này khi chúng ta trung thực với chính mình. Đây là luật nghiệp quả, không khí chúng ta thở ra là không khí chúng ta sẽ hít vào. Đó là luật công bằng tối hậu của sự việc.
Thứ nhì, huyền bí của Chúa, vũ trụ, đời sống con người thì quá lớn, quá lớn đến mức chúng ta không bao giờ tưởng tượng được và cũng không thể nào tưởng tượng được. Càng lớn tuổi chúng ta càng thấy mình không biết gì bao nhiêu và huyền bí vô cùng thì vượt ngoài sức hiểu biết của chúng ta, như thánh Gio-an Thánh Giá từng nói “để bắt đầu hiểu nhiều hơn, tốt hơn là không hiểu hơn là hiểu.” Còn nhỏ khi chúng ta hỏi mẹ ban đêm mặt trời đi đâu, mẹ trả lời nó lặn đàng sau cây cối để nghỉ ngơi. Lớn lên khi chúng ta học về tinh tú, thiên hà và thuyết big-bang, rồi chúng ta dùng chương trình Power Point để minh họa. Chúng ta cần cái rắc rối cầu kỳ này. Tuy nhiên đến một số tuổi, mặc cho Albert Einstein, Stephen Hawkings, chương trình Power Point và tuổi đời sáu mươi, khi ngôn ngữ đẹp nhất vẫn chỉ là ngôn ngữ của trẻ con, khi mặt trời đi ngủ đàng sau cây cối. Và đó là điều đặc biệt đúng về Chúa và các giáo điều lớn về đức tin. Chúa thì không thể diễn tả được, và mọi ngôân ngữ để nói về Chúa thì không đủ chứ không phải đủ, các giáo điều lớn về đức tin của chúng ta thì có nhiều ngôn ngữ của quả tim và cõi lòng hơn là đề tài của trí tuệ.
Và cuối cùng, một chút thôi: chúng ta càng ngày càng cần tin vào tình yêu và cần buông mình, đặc biệt là buông bỏ tự hào, tổn thương, sai lầm, quá khứ, yếu đuối, buông mình nhiều hơn để tha thứ. Ông Morris West đã nói, đến một số tuổi, chỉ còn một chữ: “Cám ơn!” Ông nói đúng, nhưng muốn nói một chữ “Cám ơn” thì có nghĩa là phải cần đến ba chữ khác: “Tha thứ, tha thứ, tha thứ!”
J.B. Thái Hòa dịch