Nicolas Buttet: «Hiến tặng, nguồn tài nguyên phong phú của chúng ta»

217

Nicolas Buttet: «Hiến tặng, nguồn tài nguyên phong phú của chúng ta»

Bài diễn văn của cha Nicolas Buttet đọc trong buổi kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức từ thiện Trẻ Em Vùng Sông Cửu Long – Enfants du Mékong, buổi lễ được tổ chức tại Nhà Unesco, Paris, Pháp, ngày 23 tháng 11-2008.

Trước khi làm linh mục, cha là luật sư, là nghị viện hạt Valais ở Thụy Sĩ. Luật sư giỏi, nghị viên giỏi, cha bỏ tất cả để lên núi sống ẩn tu.

Sau khi xuống núi, năm 1992 cha làm việc trong Hội Đồng Cổ Võ Công Lý Hòa Bình của Tòa Thánh ở La Mã.

Năm 1994 xây dựng trường Philanthropos chuyên về khoa học nhân văn.

Năm 1997, về Thụy Sĩ thành lập Huynh Đệ Thánh Thể ở Saint-Maurice-d’Agone.

Năm 2003 chịu chức linh mục.

Cha là người bạn lâu đời của tổ chức Trẻ Em Vùng Sông Cửu Long.

Tôi rất vui được đến đây để kết thúc các suy luận hai hôm nay và cũng thật xúc động khi được nghe quá trình hoạt động của tổ chức Trẻ Em Vùng Sông Cửu Long. Tôi cũng xúc động khi đọc quyển sách kể 50 năm hoạt động của tổ chức, cuộc phiêu lưu của ông René Péchard trong quá trình này, công việc của các người cộng tác, các thiện nguyện viên… Cùng tất cả những gì đã xảy ra qua quá trình này, tôi chỉ muốn nói lên tiếng nói: đã đến lúc khẩn cấp phải thương yêu nhau.

Có hai lý do để phải khẩn cấp yêu thương nhau, lý do đầu tiên không thuyết phục, cũng không hấp dẫn lắm nhưng cũng đáng được nêu lên ở đây. Nó cũng như phản ứng của chúng ta đứng trước hiện trạng thế giới hiện nay. Tôi muốn nói thế giới này sẽ được biến đổi nhờ đức ái và lòng kính thờ hoặc nó sẽ biến dạng vì chủ nghĩa tiêu thụ và hận thù. Có những lựa chọn sâu xa cần phải làm, những chọn lựa quyết định, những chọn lựa lối sống, những chọn lựa yêu thương mà cuộc đời đưa đến dịp để chúng ta lựa chọn. Tôi lấy một ví dụ tiếng Anh, như một trò chơi chữ, các bạn nhớ bức Tường Bá Linh – Wall of Berlin – bị sụp đổ năm 1989. Và gần đây bức tường kinh tế – Wall Street bị sụp đổ. Đó là hai bức tường ngăn không cho con người đối thoại với nhau, như thử có một cái gì dựng lên trước mặt chúng ta, không cho chúng ta nhìn thấy nhau… Và bỗng nhiên các vật liệu này bị sụp đổ, nó làm chúng ta phải đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi về tinh thần sáng tạo, về tinh thần bác ái.

Năm 1989, trước hiệp định Taef, lúc đó tôi ở Liban trong một sứ vụ hòa bình – thời buổi đó tôi làm việc cho Vatican với đức hồng y Etchegaray. Chúng tôi ở đó với đủ hạng người, các chính trị gia, các thành viên trong cộng đoàn, các người nghèo nhất, các người sống tạm bợ trong nhà xe, các người tị nạn, các người sống trên núi… Và rồi có người đến nói với tôi: “Đi, đi thăm gia đình này.” Một gia đình rất giàu ở Liban. Tôi nói: “Chúng ta có ít thì giờ, chuyện đi thăm chắc không phải là chuyện cấp bách.” Họ nói: “Đi, đi, bạn sẽ hiểu thêm vài chuyện.”

Và thế là tôi đến một căn nhà huy hoàng, có rất nhiều người ở đó. Cả trăm người ở la liệt trên sân cỏ, trong phòng khách, trong nhà xe… Bể bơi thành hầm trú bom. Tôi gặp các chủ nhân – tôi thật sự xúc động – họ vui vẻ đón tôi. Tôi nói: “Tôi thật xúc động khi thấy quý vị làm như vậy, thật là tuyệt vời!” Họ trả lời: “Chúng tôi thật không xứng đáng. Hàng xóm chúng tôi cũng có một căn nhà như chúng tôi, và rồi một đêm, bom thả trúng xuống, người chết, người bị thương, tất cả đều bị tàn phá… Chúng tôi tự nhủ: cái gì sẽ còn lại khi mọi sự đã biến mất? Hai vợ chồng tôi nhận ra chỉ còn tình đoàn kết là còn lại, đoàn kết với những người không nhà, những người thiếu thốn. Vậy thì mọi người cùng ở trong nhà hạnh phúc với nhau. Nếu nhà có bị bom thì mình cũng hạnh phúc vì đã giúp được nhiều người. Và tình bằng hữu với những người mình giúp sẽ còn lại mãi mãi. Nó sẽ cự lại được với bom, với hận thù, với hung bạo…”

Câu chuyện này đã làm tôi suy nghĩ. Những biến cố tiêu cực, hung bạo lại tạo nên dịp để mình tiến xa hơn. Người ta nói rất nhiều về tiến bộ của nhân loại, tiến bộ khoa học, kỹ thuật sẽ dẫn đến kỷ nguyên hòa bình. Một tương lai tươi sáng, xã hội không còn đẳng cấp, thế giới chẳng còn chuyện gì xảy ra và rồi bức tường Bá Linh sụp đổ, người ta lại bảo nhau: tranh chấp đẳng cấp chấm dứt! Và: không phải giai cấp của Marx thắng nhưng giai cấp khác. Chỉ cần một ít ráp nối, một ít chi tiết bù vào, và rồi thì xã hội sẽ tươi sáng, sẽ có thiên đàng hạ giới.

Chúng ta thấy đó, lúc nào con người cũng hoài niệm một Thiên Đàng. Các tư tưởng gia tiến bộ cũng đã nghĩ đến chuyện này. Và rồi, vậy mà không phải vậy. Người ta quên một yếu tố quan trọng trong chuyện này, đó là yếu tố nhân bản của sự dấn thân từng người một của chúng ta. Chúa mà tôi tin là một Chúa không giỏi toán. Chúa chỉ biết đếm tới số một và không biết làm thống kê. Đối với Chúa, mỗi người là duy nhất, là không thể thay thế, là được yêu thương vô bờ. Và vì thế nó có một lô-gic riêng. Một ân sủng lớn lao mà Phúc âm mang lại cho chúng ta một dịp may, đó là trở lại làm con người.

Trong vòng hai thế kỷ, người ta đã suy nghĩ về cấu trúc, nghĩ rằng thay cấu trúc thì sẽ thay đổi được thế giới; nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề điều chỉnh, lên khái niệm, cơ khí hóa, thay mô thức kinh tế chính trị và rồi chúng ta sẽ tìm được một công thức tốt, một cơ cấu tốt, rồi thế giới sẽ sống trong hòa bình và công chính. Và rồi người ta quên hoàn toàn những gì mỗi người trong chúng ta làm gì trong thế giới này.

Một ngày nọ, có người hỏi mẹ Têrêxa: mình phải làm gì để thế giới được tốt hơn. Mẹ Têrêxa tươi cười trả lời: “Thì ông và tôi đó, ông và tôi.” Một nữ ký giả thấy mẹ Têrêxa ở gần người bị bệnh phung, cô nói: “Cho tôi một triệu đô-la tôi cũng không làm như mẹ làm.” Mẹ trả lời: “Con yên tâm, mẹ cũng vậy. Cho một triệu đô-la mẹ cũng không làm nhưng vì tình yêu của Chúa, vì tình yêu đối với người này, mẹ làm.”

Các bạn thấy đó, có những lôgíc khác với lôgic lợi nhuận, kỹ thuật và khuôn mẫu. Và đó là may mắn của nhân loại. Bởi vì mỗi người có thể gieo tình thương nơi mình ở. Mỗi người làm cách mạng tình thương cho thế giới của mình. Có một thất bại ở loại nhân bản trí tuệ, loại nhân bản đầu óc, loại khái niệm trừu tượng về nhân bản. Không có khái niệm trừu tượng nhân bản. Chỉ có chuyện thực, một khuôn mặt đang đứng trước mặt mình, và đó là khái niệm nhân bản thật, cách mạng thật ngay phút đầu tiên mình đón nhận người kia trong hoàn cảnh sống thực tế của họ.

Marguerite, cô bé người Sénégal đọc bài thơ của Jacques Prévert:

Bạn nói với tôi bạn yêu gió, nhưng bạn đóng cửa sổ,

Bạn nói với tôi bạn yêu mưa, nhưng bạn mở dù,

Bạn nói với tôi bạn yêu mặt trời, nhưng bạn đội mũ,

Bạn nói với tôi bạn yêu hoa, nhưng bạn cắt hoa,

Bạn nói với tôi bạn yêu chim muông, nhưng bạn nhốt chúng trong chuồng,

Bạn nói với tôi bạn yêu trái táo, nhưng bạn ăn nó,

Bạn nói với tôi bạn yêu chó, nhưng bạn cột cổ chúng.

Vậy thì khi bạn nói: «Bạn yêu tôi», tôi rất sợ.

Các bạn thấy đó, chữ «yêu» là một cái gì sáng rực nhất, nhân bản nhất. Nhưng nó cũng có thể là cái gì tổn hại nhất…  Nếu tôi nói tôi thích bữa ăn của tôi và thích người nào đó cũng một cách giống như vậy thì đúng là có một cái gì khập khiễng ở đây, một cái gì không đúng… Trong quan hệ lứa đôi cũng vậy, có người gởi cho tôi bài viết sau: 

Sau 6 tuần: Chào em yêu.

Sau 6 tháng: Cưng, một ngày đẹp nhé.

Sau 6 năm: Hôm nay có thơ không? 

Sau 6 tuần: Đừng lo, anh sẽ đến.

Sau 6 tháng: Em muốn anh đến không?

Sau 6 năm: Đến không? 

Sau 6 tuần: Em yêu, có bạn của em gọi.

Sau 6 tháng: Điện thoại của anh hả?

Sau 6 năm: Điện thoại! 

Sau 6 tuần: Anh sẽ đưa em đi du lịch.

Sau 6 tháng: Em có thích đi thật không?

Sau 6 năm: Ở đây cũng được rồi. 

Sau 6 tuần: Anh nghĩ cái nhẫn này em sẽ thích.

Sau 6 tháng: Anh nghĩ cái lọ hoa thì lợi hơn.

Sau 6 năm: Này, em thích mua cái gì thì mua. 

Sau 6 tuần: Anh không hoàn toàn đồng ý với em.

Sau 6 tháng: Em sai rồi.

Sau 6 năm: Những gì em kể đúng là ngốc. 

Sau 6 tuần: Em nấu ăn giỏi quá.

Sau 6 tháng: Chiều nay có gì ăn không?

Sau 6 năm: Lại cơm. 

Sau 6 tuần: Cái áo này em mặc đẹp ghê.

Sau 6 tháng: Lại mua áo mới.

Sau 6 năm: Cái áo này tốn bao nhiêu vậy?

Các bạn thấy đó, tình yêu chỉ là tình âu yếm đã cạn kiệt, tình yêu mà nguồn của nó nằm trong tình cảm, cảm nhận, bốc đồng hoặc xúc cảm nhất thời thì nó sẽ cạn kiệt, sẽ ráo hoảnh và sẽ có thể nhanh chóng biến qua hận thù hoặc dửng dưng. Nhưng 50 năm Trẻ Em Vùng Sông Mékong không phải là tình yêu đã vào quá khứ mà một tình yêu kéo dài, một tình yêu có nguồn gốc không ở trong xúc cảm, cảm nhận. Và bây giờ tôi phải tin trọn vẹn vào  điều quan trọng này: phải có một cái gì khác hơn là xúc cảm để cam kết dấn thân vào làm việc. Các bạn nhìn xã hội hiện nay của chúng ta: phải tạo một cái gì mạnh ở mức độ xúc cảm mới gây được phản ứng.

Sau cơn sóng thần tháng mười hai năm 2004, các cơ sở từ thiện quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nhận không biết bao nhiêu là tiền đến mức họ không biết làm gì. Tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới đã phải nói: “Xin ngưng gởi tiền cho chúng tôi, chúng tôi chưa biết sẽ dùng như thế nào.” Có biết bao nhiêu công trình, cơ sở làm việc cật lực ngày đêm ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi không có phương tiện truyền thông đến làm quảng cáo! Những tổ chức đôi khi không có phương tiệïn cần thiết để hoàn tất các công việc từ thiện và bác ái họ được giao phó. Tôi vẫn tin vào sự khẩn cấp phải yêu thương, một khả năng đích thật biến đổi nhân loại bằng tình thương. Đôi khi chúng ta đặt câu hỏi: “Nhưng chúng ta thấy gì qua tình yêu này? Có phải chỉ là một cảm nhận, có phải đó là một quan hệ mà người kia là quan trọng, mình có thể cam kết sâu xa hơn không?”

Tiếng Pháp chỉ có một chữ để diễn tả tình yêu, đó là chữ “yêu-aimer”. Tiếng Hy-Lạp thì còn chữ “eros” đễ diễn tả một tình yêu hấp dẫn nhau, nó có giá trị của nó, có tầm quan trọng của nó. Đức giáo hoàng Biển Đức XVI cũng có viết một bản thông điệp tựa đề là Chúa là tình yêu  – Deus caritas est, tóm gọn cả một đức tin kitô. Đức giáo hoàng đơn giản giải thích, trực giác đến với ngài khi ngài viết bản thông điệp này: đó là lúc ngài suy nghĩ về một bản văn của Dante: “Toàn vũ trụ này, cái vũ trụ được biến đổi bằng tình yêu, được tỏa sáng bằng một sức cuốn hút giữ toàn bộ nó lại bằng “tình yêu thần thánh – eros diva”, “tình yêu của Chúa”. Theo nghĩa tiếng Pháp, nó có một cái gì gợi dục, nhưng nó hoàn toàn không mang cùng ý nghĩa như người Hy Lạp nghĩ. Và đó là một tình yêu mà cái “tôi” hơi ở trọng tâm. Như thế thì chưa đủ, tình yêu còn đi xa hơn thế.

Giai đoạn thứ nhì, đó là tình bạn, tình yêu cho các quan hệ. Xem người khác là một người đáng kể, một người có tên riêng, tình yêu “filia”: bạn quan trọng đối với tôi, bạn đáng kể dưới mắt tôi, tên bạn là gì, bạn là ai? Và rồi có một tình yêu còn đi xa hơn, là yêu điên cuồng mà nguồn cội không phải ở trong chúng ta, đó là tình yêu “agapè”, tình yêu cho đến tận cùng. Thánh Phêrô phải qua ba cuộc phỏng vấn để được chọn làm giáo hoàng. Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Con yêu mến Ta không? Con yêu mến Ta không? Con yêu mến Ta không?” Nghe như Chúa tha cho ba lần chối Chúa của ông. Nhưng cũng câu này tiếng Hy Lạp lại có nghĩa: “Con có sẵn sàng hy sinh đời con cho Ta không?” Đó là nghĩa của chữ «agapè» ở đây. Nhưng thánh Phê-rô trả lời: «Con yêu mến Thầy một tình yêu bằng hữu-filia.» Chúa Giêsu hỏi một đàng, Phêrô trả lời một nẻo. Cẩn thận, quan trọng vì đây là việc chọn lựa giáo hoàng, không được lầm… Dù vậy, ông cũng bị lầm. Chúa Giêsu hỏi lần thứ nhì, ông cũng trả lời như vậy. Chưa được. Nhưng vì là người Chúa chọn nên thánh Phêrô không thể nào thi rớt. Chúa Giêsu đành đổi lại câu hỏi: «Phêrô, con yêu mến Ta như bạn không? » Thánh Phêrô trả lời: «Dạ con yêu mến Thầy như bạn.» May quá: «Con là chủ chăn, con chăn đàn chiên của Ta.»

Đây không phải là cuộc khảo hạch thần học xuất chúng để nhận chức vụ chủ chăn của Chúa Giêsu giao. Nhưng Chúa Giêsu còn nói với Phêrô: «Sẽ có một ngày anh sẽ dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh không muốn. Ở đó, anh sẽ nhận được tình yêu, một tình yêu đi rất xa, một tình yêu đi đến tận cùng.» Và ở đó là một tình yêu mới, không phải tình yêu do xúc cảm, không phải là tình yêu giữa những người cần trao đổi qua về. Trong ánh nhìn, qua hành động, người ta biết có một cái gì đang sống: «Tôi yêu bạn và tôi biết bạn yêu tôi.» Đó là tình yêu hiến dâng, hoàn toàn được trao ban và mang bộ mặt của Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh, một khuôn mặt trao ban và tha thứ, vượt những gì người ta có thể hình dung, vượt quá mọi hiến tặng.

Tôi nghĩ, chúng ta phải ở trong lôgic này, phải yêu một tình yêu điên cuồng. Khi còn hoạt động trong lãnh vực chính trị, có một hôm tôi nghe cha Pierre nói một câu trên đài truyền thanh làm tôi xúc động: «Phải tin như những người điên, để yêu như những người khùng.» Đối với một chính trị gia, câu này không phải là một cương lĩnh «tin như người điên để yêu như người khùng.» Trong chính trị, không ai nói vậy. Nhưng nó lại là tên lửa. Trong đức tin cũng như trong tình yêu, tôi là người khó đi đến một cam kết để dấn thân và bỗng chốc có một cái gì xẹt đến trong lòng tôi, một suy nghĩ. Cũng thời gian này, tôi đang lo cho một người đàn ông, ông can tội hiếp dâm và làm phỏng bảy đứa con nít. Đó là một thảm kịch khủng khiếp. Trong lãnh vực chính trị cũng có những dự án không được đẹp cho lắm. Tôi tự nghĩ: dù vậy cũng không được, ông ấy đã làm như vậy… Ông ấy đã làm như vậy… Ông ấy đã làm như vậy… Và các bạn biết, khi mình chỉ ngón tay vào người khác thì còn mấy ngón kia chỉ lại mình: «Còn mình? Còn mình? Còn mình?» Và tôi tự nhủ: «Còn tôi, tôi làm gì đây?» Và lúc đó tôi hiểu, việc đầu tiên khi mình muốn thay đổi bộ mặt thế giới bằng chính trị và cố gắng đi tìm để hiểu cái gì đã xảy ra nơi thảm kịch khủng khiếp này, thì trước hết phải thay đổi quả tim mình.

Vào thời buổi đó, tôi có một người bạn Ý, anh làm trong một nhà lo cho người khuyết tật thể xác và tinh thần, nhà Cotto Lengo, căn Nhà Chúa Quan Phòng. Tôi điện thoại cho anh và nói: “Tôi có thể đến ở ba tuần Noel với bạn không?” Anh trả lời: “Bạn đã làm việc với những người khuyết tật chưa?” Tôi trả lời: “Chưa bao giờ.” Anh nói: «Bạn có biết có những người đến đây, mới thấy người khuyết tật là họ đã cuốn gói ra đi, chưa kịp mở vali. Họ nói: “Không, chỗ này không phải của tôi…” Vậy tôi nói trước cho bạn biết để bạn liệu.” Tôi rời Nghị Viện Thụy Sĩ và lái xe qua Ý. Trên đường đi, tôi ghé thăm em tôi vừa sinh con. Tôi đến lúc em thay tả cho con. Quý vị từng làm cha mẹ quý vị biết, khi mở tả ra thì có mùi khai bốc lên! Khi ngửi thấy mùi khai, tôi lùi lại đàng sau và làm bộ cười cười chào chào cháu. Tôi nghĩ: «Em tôi thật giỏi.»

Sau đó thì tôi đi Ý. Đến đó, điều trước tiên làm tôi ngạc nhiên là sau khi tôi đi vào, họ khóa trái cửa lại. Ngay lập tức, tôi chưa hiểu vì sao, sau đó thì tôi hiểu ngay: để ngăn không cho người bệnh đi ra ngoài. Còn tôi thì bị kẹt! Tôi thấy có khoảng mười lăm người đang đi đến gần tôi, những người ít nặng nhất, họ đi trong đủ tư thế, đủ hình dạng, đủ cử động. Họ cứ đi tới, đi tới… Cửa thì khóa, không có cách nào đi ra. Họ cứ đi tới, đi tới… và họ nhảy thoắt lên ôm tôi. Chỉ mấy giờ trước đây, tôi vừa bắt tay chào các bộ trưởng ở Nghị Viện Thụy Sĩ… Và tôi hiểu, trên thực tế, chào người anh em khuyết tật thì dễ hơn chào bộ trưởng… Tôi không biết, có thể có một lý do nào đó…

Tôi chỉ khám phá cái đơn sơ này vào tối hôm đó, lúc 10 giờ, người bạn nói với tôi: «Đi, đi xem mấy người bệnh có ngủ ngon không», tôi cũng muốn ngủ ngon vì tôi đang buồn ngủ. Cửa phòng ngủ mở ra, lại bốc mùi… Đây là những người bệnh nặng nhất, những người nằm liệt giường… Tôi còn nhớ, người bạn nói với tôi: «Mình rửa cho họ.» Tôi nói một cách tự nhiên: «Được, ngày mai sẽ rửa.» Khi đó anh nói với tôi: «Bạn, bạn thích để như vậy mà ngủ sao?» Tôi nói: «Không, đương nhiên là không.» Và anh trả lời: «Họ cũng như bạn vậy.» Và tôi nói: «Bạn, tôi không biết bạn có giống tôi, nhưng tôi không chịu được cái mùi này lâu. Tôi có thể mở cửa sổ, mình đi uống một ly cà-phê Ý rồi trở lại đây sau.» Anh nói: «Nếu mở cửa sổ thì mười ngày sau họ sẽ chết hết vì sưng phổi.» Tôi nói: «Vậy thì thôi.» Tôi thầm muốn có cái mặt nạ nhà binh, loại chống hơi độc nhưng ở đây không có. Và chúng tôi bắt đầu rửa, anh giải thích: «Anh làm bên mặt, tôi làm bên trái, đi giáp vòng là xong.» Tôi nói: «Được, chúng ta cùng làm.» Tôi giở cái mền của người đầu tiên lên và khi tôi thấy bên dưới, tôi tự nhủ: «Không, bạn mình quen việc này mười năm rồi, mình mới tới, anh phải rửa những người dơ nhất, tôi rửa những người ít dơ hơn…» Rồi tôi đi đến giường thứ nhì, cũng vậy. Khi đó tôi nghĩ mình chẳng còn lựa chọn nào, phải làm thôi.

Và tôi đã sống một kinh nghiêm đảo lộn: sau hai giờ lau rửa cho bệnh nhân, tôi không còn cảm thấy mệt và tôi khóc vì vui. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi, tôi quên tôi, tôi vượt qua được các cảm xúc, các cảm nhận của tôi. Tôi không có cảm nhận: «Chà, oách quá, làm được việc phi thường!» Không, đó không phải là cảm nhận của tôi. Tôi cảm nhận: «Mình đã làm được, đó là người anh em của mình! Cái gì con làm cho người nhỏ bé nhất là con làm cho Ta…» Và đây là lần đầu tiên trong đời tôi vượt qua bực thềm cảm nhận – giống như tôi nói lúc nảy – để có được một hành vi yêu thương đầu tiên. Điều thứ hai tôi khám phá được, đó là niềm vui của hiến tặng, niềm vui của quên mình, niềm vui của hành vi không vụ lợi, niềm vui biết mình đã vượt được chính mình, tôi đã nhận 100 lần hơn. Và đây cũng là điều tôi khám phá, đó là ân sủng. Câu chuyện nho nhỏ của cháu tôi lại là câu chuyện quyết định vì trước đó, tôi đã không cách nào sống trong một hoàn cảnh bình thường, thay tả cho trẻ con là chuyện bình thường, hôi khai là chuyện bình thường. Tôi nhớ lại câu chuyện một bà mẹ vừa ở nhà thương sinh về, đứa bé khóc, khóc hoài, thằng anh bực mình vì em khóc hoài. Bà mẹ nói: «Để mẹ đi đổi em bé.» Và thằng anh nói: «Đúng rồi mẹ, mẹ đi đổi đứa nào ít khóc hơn.»

Thay tả cho trẻ con là chuyện bình thường. Nhưng cho người lớn thì…

Và bỗng tôi khám phá có những chuyện mình không thể làm được thì Chúa lại làm cho có thể làm được. Tôi gọi đó là: ân sủng đột nhập vào cái khốn cùng của con người. Sức mạnh tình yêu của Chúa đột nhập vào trong cái khó nghèo của con người. Những gì con làm cho người anh em nhỏ nhất là con làm cho Ta. Trong vòng mười hai năm, mỗi năm tôi qua Ấn Độ làm việc một tháng nơi những căn nhà dành cho người chờ chết của Mẹ Têrêxa ở Calcutta và các trung tâm khác, tôi còn nhớ khi nào có Mẹ Têrêxa ở đó, lúc nào Mẹ cũng nói với chúng tôi: «Các con có một bàn tay, là để đếm.» Mẹ nói trong nhiều thứ tiếng: «Con làm cho Ta. Con làm cho Ta.» Tất cả những gì con làm cho người nhỏ nhất, đó là con làm cho Ta… Con sẽ khám phá ánh nhìn, khuôn mặt của một người. Người kia không phải chỉ là một con số, họ là một người, duy nhất, đáng kể, được Chúa yêu thương vô bờ dù cho con người của họ đã bị biến dạng. Và chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng biến dạng một cách khác.

Một ngày nọ, Đức giáo hoàng Lêô XIII tiếp một họa sĩ, anh nói: «Kính Đức Thánh Cha, con xin vẽ chân dung của Cha…» «Con cứ vẽ.» Vài tuần sau anh đem bức tranh đến, thành thật mà nói, nhìn bức tranh người ta không nghĩ anh có tài! Anh có lòng rất nhiều nhưng tài thì hơi ít. Đức giáo hoàng rất ngạc nhiên nhưng tế nhị nên ngài nói: «Cám ơn anh, thật là đẹp, nhưng tôi có thể ghi chú một câu Thánh Kinh ở dưới tấm ảnh không?» Anh họa sĩ nói: «Con rất vui, Đức Cha muốn viết câu gì?»  «Ồ, chỉ một chữ: Ga 6: 20» Khi xem lại Thánh Kinh, người ta biết câu này là câu Chúa Giêsu nói với các tông đồ trên bờ hồ Tibêria khi họ gặp bão tố, họ thấy bóng ma đang đi đến và Chúa Giêsu nói với họ: «Các con đừng sợ, Ta đây…» Đôi khi chúng ta cũng như vậy, chẳng cần đến bàn tay họa sĩ làm biến dạng khuôn mặt chúng ta, chính mình làm biến dạng mình bằng thói ích kỷ, bằng hèn nhát, bằng keo kiệt, bằng cách ứng xử của mình: «Đừng sợ, tôi đó.»

Tôi nghĩ đến câu chuyện của Pier Giorgio Frassati, một thanh niên trẻ người Turin chết năm 24 tuổi, người miền núi. Anh được Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong chân phước. Cha mẹ anh là chủ nhân của một trong những tờ báo lớn nhất Ý, anh có một gia tài khổng lồ, anh muốn gì cũng được… Nhưng tiền bạc không phải là động lực sống của anh. Anh ở hàng giờ dưới gầm cầu để giúp người nghèo, anh giúp từng người một… Khi anh chết, không biết bao nhiêu là người nghèo đi chôn anh. Dân chúng ngạc nhiên, họ hoàn toàn không biết cuộc sống thầm kín của Pier Giorgio. Anh đã thành lập «Hội Những Người Mờ Ám.» Anh nói: «Chúng ta sẽ làm nổ bom bác ái khắp nơi.» Và thế là anh đi tìm người già, người không nhà, anh gieo rắc bom tình thương.  Anh đến gầm cầu, đến những nơi không ai đến để đặt bom tình thương. Tổ chức của anh là tổ chức chuyên gài bom tình thương! Bác ái như thế này thì quá tài tình! Tôi nghĩ đến một suy nghĩ của Gabirel Marcel – vào giữa chiến tranh, năm 1943 – ông viết:

Trước hết là phải thay đổi phong tục tập quán. Có thể thành lập những cộng đoàn nho nhỏ, những cộng đoàn nòng cốt làm gương mẫu và từ đó tái dựng lại một xã hội bị xé tan thành một cộng đoàn có một nền đạo đức nguyên thủy. Đây không phải là chuyện mơ mộng lỗi thời. Kinh nghiêm hiện nay cho thấy con người có thể học lại để sống khi đặt họ trong những điều kiện thực tế và một ánh sáng sẽ soi sáng cho họ và cho các công việc họ làm. Tất cả cho thấy sự thành công của các tổ chức này liên hệ đến tinh thần khiêm tốn của con người nguyên thủy của họ và với các mục đích đã vạch ban đầu.

Những cộng đoàn nhỏ gương mẫu này có thể là những gia đình, những hiệp hội như hiệp hội Trẻ Em Vùng Sông Cửu Long, những cộng đoàn này chia nhỏ ra khắp nơi như rải bom tình thương khắp nơi. Nói theo hình ảnh của bom nguyên tử, bác ái rọi sáng vào nơi tăm tối. Chính trong nghĩa này mà chúng ta làm việc.

Điểm đầu tiên, tôi muốn nói đến là khẩn cấp về thời gian, cần có một tinh thần phẫn nộ đúng, không phải phản kháng, nhưng tựa như một bước nhảy của một cái gì cao lớn trong lòng chúng ta làm chúng ta nói: «Không, chúng ta không thể để những chuyện như thế xảy ra, không thể được!» Tình yêu phải vượt trội để cân bằng với những gì không phải là tình yêu, những gì không đẹp, những gì không đúng với hình ảnh con người mà Chúa đã dựng nên.

Cộng đoàn chúng tôi đón tiếp các thanh niên đã từng hung bạo, đã từng sống bụi đời, đã từng ở tù… Tôi bị đánh động mỗi khi thấy họ đến. Tôi nghĩ đến một cậu bé đã trốn khỏi Trung Tâm Xã Hội vì đã đánh vỡ mặt một giáo sư. Từ đó em sống bụi đời cho đến 30 tuổi. Cách đây một thời gian, sau khi uống hết chai whisky và vì không tin vào Chúa, anh nói: «Vì đời tôi chẳng còn ý nghĩa, tôi sẽ tự tử nhưng trước khi tự tử, tôi đi đến Lộ Đức. Gần đây tôi nghe nhiều người nói đến Lộ Đức, nếu có Chúa thì phải có một nơi để Chúa hạ cánh xuống, một nơi để Chúa cất cánh lên.» Rồi anh chìa cánh tay ra cho tôi xem: «Con thử ba chục lần rồi bằng cách dùng thuốc, vẫn không được. Cha thấy mấy cái tỉnh mạch này không? Con tìm không ra chỗ để tiêm, không bình thường chút nào. Con bực mình, con đi lậu xe lửa và trên xe lửa, con gặp một người, họ nói với con: «Bạn làm gì vậy? Không có việc gì làm sao? Đi lên trên Var đó, có một cộng đoàn…»

Thật là kinh ngạc, điều kỳ lạ của đức ái đã bừng nở. Quả tim đã sống trong phẫn nộ, trong khép kín, trong đau khổ bỗng nhiên có thể nói lời yêu thương, mở lòng ra như cái hoa, sau khi đã bị vùi dập, đi tấn công người cũng như bị người tấn công, vì khi bị tấn công thì đi tấn công lại. Những người bị biến dạng nhất không phải là những người bị tấn công mà là những người đi tấn công người khác, chúng ta thấy rõ chuyện này trong các trại tra tấn, chính những người không còn nhân tính là những người đi tra tấn người khác chứ không phải những người bị tra tấn – vậy mà con người bị tổn thương này tìm lại được nhân tính của mình, tìm lại được con người của mình dưới cái nhìn yêu thương. Và tôi tin điều đó, cái lôgíc đầu tiên.

Cái lôgíc thứ nhì là có một cái gì cao lớn trong chúng ta được tạo dựng để yêu thương. Con người được tạo dựng ra để yêu thương, bản tính của nhân loại là ở đó. Con người là ai? Bản thể con người là ai? Điều đó có nghĩa là gì? Đó là điều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra ánh sáng. Trên khía cạnh triết học, ngài cũng nói giống như các nền văn hóa nhân bản chứ không hẳn riêng gì gia sản kitô. Mỗi người chúng ta là quà tặng của Chúa. Chúng ta được Chúa tạo dựng nên vì chúng ta. Và chúng ta xem mình là món quà Chúa cho mình. Các bạn thấy đó, món quà mà tôi cho tôi là món quà tôi tự làm cho tôi. Và đó là lôgíc căn bản của nhân chủng học, trong bản chất con người, trong cấu trúc con người, trong tâm hồn con người, trong đơn vị xác, hồn, tôi là món quà tôi tự làm cho tôi qua Chúa. Tôi nhận cuộc đời của tôi.

Rõ ràng là khi các bạn đọc Jean Paul Sartre, những gì ông nói không hẳn là đúng: mỗi người sinh ra do tình cờ, sống một cách dửng dưng và chết… tôi không còn nhớ ông nói như thế nào… Từ chối món quà đầu tiên: tôi không là ai, tôi không nợ ai cái gì hết, tôi tự tạo ra tôi, tôi là người tạo dựng, vv… Ai cũng có lỗ rún để hiểu mình không thể sinh ra mình. Người đàn ông đàn bà trở thành người hợp tác với Chúa để tạo nên một con người khác mà chỉ có một mình Chúa mới tạo nên một con người với hình ảnh của Chúa và giống Chúa. Vậy chính Chúa dựng ra tôi, tôi là món quà của Chúa. Và tôi tìm thấy được con người thật của tôi, tôi thấy được nhân cách thật của tôi khi tôi hiến tặng đích thật con người tôi: đó là đích thực bản thể con người, tiếp nhận mình như món quà, sống trải nghiệm mình chính là món quà, không phải vì tôi bằng lòng tôi, tôi giỏi, tôi tài năng, tôi thực hiện được tất cả mơ ước… không phải vậy. Nhưng là vì tôi là món quà của một người thương tôi vô tận, tôi như thế nào cũng được thương. Và chính vì vậy mà đến lượt tôi, tôi cho lại.

Có một dụ ngôn Ấn Độ kể chuyện người ăn xin ngồi bên vệ đường bụi bặm ít người qua lại, có chăng thì cũng những người nghèo như ông. Không ai qua, không ai đến. Bỗng ông thấy từ đang xa một đám bụi mịt mùng, ông tự hỏi: «Ai vậy? Ai đi trên con đường này?»

Lờ mờ trong đám bụi là một cỗ xe lóng lánh vàng, rồi thì các vệ sĩ cũng mặc áo lóng lánh vàng đi trước cỗ xe. Đúng là vua rồi, thật không tưởng tượng. Ngày hôm nay là ngày gì của tôi, tôi gặp may rồi! Rồi ông đưa hai bàn tay ra như sẵn sàng nhận các nén vàng vua sẽ ban. Ông vua đi qua con đường này là chỉ để cho người ăn mày ngồi ăn xin ở đây. Và rồi cỗ xe vàng ngừng lại. Cửa mở ra.

Đúng là vua rồi, áo bào lộng lẫy. Đừng run, phải đứng vững vàng để còn nhận vàng. Nhưng kìa, vua lại xin tôi: «Người bạn ăn mày, anh có gì để cho tôi không?» Anh tự nói, lạ chưa kìa, tôi mới là người ăn xin, vì sao vua lại xin tôi. Anh nói: «Ngài là vua, tôi là người nghèo. Ngài là người giàu, ngài cho tôi mới đúng.» Ông vua lặp lại: «Bạn có gì cho tôi không?» «Tôi không có gì hết, ngài với áo bào lộng lẫy, xe vàng lóng lánh, tôi không có gì hết!» Vua lặp lại thêm một lần nữa: «Anh có gì cho tôi không?»

Người ăn mày nhìn vào chén cơm của anh, chỉ còn hai hạt gạo, anh bỏ vào lòng bàn tay đức vua, tự hỏi không biết vua làm gì với hai hạt gạo này. Vua nhận hai hạt gạo, trân trọng để trong lòng bàn tay, cám ơn và chào người bạn ăn mày rồi lên xe đi. Người ăn mày chẳng hiểu gì, cứ tự hỏi: «Sao lại có chuyện này?»

Ông vua giàu lại xin mình, mình chẳng có gì để cho, rồi lại ra đi như vậy… Anh buồn. Anh cảm thấy mệt, buổi chiều đói bụng, anh nấu cơm, anh vo gạo và bỗng thấy hai hạt gạo bằng vàng anh đã cho vua. Anh tiếc, phải chi mình cho vua cả xắc gạo!

Lạ lùng thay cho ông vua, ông không xin của cải tài sản của mình, ông xin cái khó nghèo của mình, cái mình không thích, cái làm mình đau, cái khuyết tật của mình, ông xin trước như vậy…

Mình có tài năng, đương nhiên, nhưng phải dùng tài năng để phục vụ người khác. Mình có quà tặng, đương nhiên, nhưng phải dùng vào công ích chung, xây dựng xã hội. Nhưng trước hết là tình trạng nghèo khó. Nếu trước tiên mình không chấp nhận cái khó nghèo, cái khốn cùng của mình thì các tài năng của mình chỉ là một dạng đi tìm chính mình, một dạng che giấu. Nào xem, tôi nhớ có một ông giám đốc hãng đã đặt rất nhiều câu hỏi. Ông đến gặp tôi và nói đủ chuyện. Ông rất nóng nảy. Và rồi tôi nói với ông: «Nào, ngừng lại.» «Tại sao, tôi chưa giải thích hết cho cha nghe.» Tôi nói: «Để đó đã, mình nói sau, bây giờ trước hết, bạn nói cho tôi biết bạn là ai?» Ông nhìn tôi và nói: «Mà tôi đã tự giới thiệu rồi, cha cũng đã có danh thiệp của tôi, cha…» «Tôi cóc cần nhìn cái thiệp của bạn, con người đàng sau tấm thiệp này, đàng sau cái cà-vạt này là ai? Cái gì làm cho bạn khổ hôm nay?» Ông nói: «Đâu có gì đâu, tôi không sao, tôi chỉ trình bày cho cha nghe các vấn đề ở công sở.» Tôi nói: «Không, không phải các câu bạn nói làm tôi lo nhưng là giọng điệu bạn nói làm tôi lo. Không phải công sở của bạn là vấn đề, vấn đề là chính ở bạn. Cái gì ở trong quả tim bạn?» Và ông khóc, ông giải thích cho tôi nghe vấn đề thật của ông. Tôi nói: «Bạn thấy đó, nên bắt đầu như vậy, mình là anh em với nhau, bây giờ mình có thể nói cho nhau nghe nỗi lo của nhau! Tôi cũng là một người nghèo, bạn cũng nghèo, cả hai đều nghèo.» «Thật không tưởng tượng được, nhưng bạn không phê phán tôi đấy chứ?» Các bạn thấy đó: đón nhận nhau! Cuộc đối thọai ở trong tinh thần quà tặng, quà tặng đón nhận nhau, quà tặng có một cái gì mang đến cho nhau và bỗng nhiên cuộc đối thoại trở nên phong phú.

Quà tặng thì không nói đến hiệu năng nhưng đôi khi trong các cơ quan từ thiện, các tổ chức phi chính phủ cũng cần phải có hiệu năng. Một ngày nọ, thánh Vinh Sơn thấy một nữ tu đang quét hành lang. Ngài nói: “Thưa xơ, xơ quét nhà vì vinh danh Chúa phải không?” Xơ buông chổi xuống, trả lời như đang ở trong trạng thái ngây ngất: “Dạ thưa cha đúng,” Và thánh Vinh Sơn trả lời: “Ma xơ ơi, tôi thấy chứ, nếu xơ quét nhà cho sạch thì khác…” Có nghĩa là nếu làm vì vinh danh Chúa thì không những xơ nắm kỹ thuật quét nhà mà còn quét với nụ cười. Các bạn có để ý, khi mình đón tiếp ai mà mặt mày ủ rũ thì khách sẽ tự động đi chỗ khác.

Sáng nay tôi đi Paris nhưng tôi không có bản đồ thành phố Paris. Tôi đến quầy chỉ dẫn, tôi thấy có hai người. Từ đàng xa, một trong hai người đã cười với tôi, không ngần ngại, tôi tiến về phía người đó. Tôi không đi về phía người kia, các bạn thấy: đó chỉ là phản xạ. Người nhân viên tười cười nói với tôi: “Hôm nay ông may mắn, ông gặp người duy nhất không phải là người Paris ở đây và ông cũng gặp người rành vi tính ở đây, tôi sẽ tìm các chỉ dẫn cần thiết cho ông.” Và anh clic, clic trên bàn phiếm, tôi nói với anh: “Anh chờ nhé, để tôi ghi…” Anh nói: “Ông khỏi cần ghi, tôi in ra cho ông.» Tôi nói: “Anh biết không, bên Trung Quốc có phiếu ghi mức độ hài lòng hay không hài lòng của khách hàng, ở đây, nếu có phiếu, tôi sẽ ghi “xuất sắc!” Anh cười trả lời: “Tốt hơn là không có phiếu, cười đùa trao đổi nói chuyện là tốt rồi.” Như vậy, sáng nay khi xuống máy bay, tôi được đón tiếp vui vẻ. Các bạn thấy đó, chỉ có loài người mới biết cười. Nụ cười là quà tặng của người biết cho, của người biết mở lòng.

Tôi có một người bạn, anh kể cho tôi nghe, có một hôm anh ở trong trạng thái chỉ muốn tự tử. Khi đó anh ở Genève và anh đã lên một chương trình khá hoàn hảo. Anh ở trên xe buýt, trên xe buýt thì các bạn biết đó, người nào có thiện cảm nhất thì người đó toét miệng. Còn không thì vậy vậy, người Thụy Sĩ mà. Và bỗng anh thấy một đứa bé đang được mẹ bồng, đứa bé cười với anh… Và thế là đủ cho anh: anh không tự tử vì đứa bé cười với anh. Tôi không biết tên đứa bé, có thể tôi sẽ gặp nó trên trời, lúc đó tôi sẽ nói với nó: “Em đã cứu tôi, em đã cứu bạn tôi.” Nụ cười của một em bé có thể cứu một mạng người!

Khi tôi ở Cotto Lengo, có một thanh niên dưới 20 tuổi tên là Liborio. Anh nằm trên một cái giường rất nhỏ. Anh bị liệt tứ chi nặng, nằm co quắp như chữ S, anh bị teo đầu, khuôn mặt biến dạng; anh rất đau đớn khi tắm rửa và khi cho anh ăn…

Nhưng mỗi lần được vuốt ve dịu dàng trên mặt, hai con mắt anh chớp chớp như hai cánh bướm, lúc đó, tôi chỉ còn thấy nụ cười trên khuôn mặt biến dạng của anh. Tôi đến gặp anh nhiều lần, vì đối với tôi, anh như Chúa Giêsu đứng trước mặt tôi. Tôi còn nhớ có hôm một sư huynh nói với tôi: “Bạn biết không, có hôm mấy người trong tổ chức tài trợ cho cơ sở này đến đây, họ gặp Liborio và một trong những người đó, mặc một áo sơ-mi trắng muốt nói: “Ôi, quá đớn đau khi nhìn Liborio, thà chết còn hơn.” Nhưng sư huynh vội trả lời: “Đúng là Liborio rất đau đớn, nhưng bạn biết không, anh là tia sáng mặt trời của chúng tôi.”

Chúng tôi không biết có cái gì đàng sau cái khuyết tật của anh, đàng sau cái bất động của anh nhưng Liborio đúng là một gia sản của chúng tôi. Lúc sư huynh vuốt ve khuôn mặt của Liborio và anh nở một nụ cười, một trong các giám đốc có mặt ở đó nói: “Nếu một người như vậy mà còn có thể cười thì đúng là Chúa hiện hữu.” Khi tôi ở đó, cũng đã 9 năm liền, mỗi sáng thứ bảy, ba ông giám đốc trong tổ chức này ăn mặc lịch sư, áo vét, sơ-mi trắng, thắt cà-vạt đến nói chuyện với những người bệnh. Từ 9 năm nay, cứ mỗi sáng thứ bảy, mùa hè thì họ thay phiên nhau để khi nào cũng có hai người đến trung tâm, họ mua cho mỗi người một máy cạo râu, viết tên mỗi người trên máy dù những người này không thể phân biệt máy nào là của ai vì họ nằm liệt giường, vậy mà vì nụ cười của Liborio, mỗi sáng thứ bảy họ đến, khiêm tốn như người anh em của họ, chỉ để cạo râu cho người bệnh.

Một ngày nọ ở Calcutta, tôi đến một trong các trung tâm của Mẹ Têrêxa, ở lối vào có một người đàn ông trần truồng nằm dưới đất. Với một người như vậy, không có thì giờ để mặc áo choàng trắng hay khoác tạp-dề, chỉ mau mau lo vực họ lên, lau rửa, mặc áo và khiêng lên giường. Bỗng có một ông khoảng 50 tuổi khóc ràn rụa nói: “Nicolas, trong đời tôi, tôi chưa bao giờ thay tả cho con tôi, bây giờ 50 tuổi, lần đầu tiên tôi làm công việc này, một công việc đơn giản… chỉ chừng đó.»  Chỉ có niềm vui khi cho đi, khi mở lòng ra với người khác, dù niềm vui này đôi khi cũng đau đớn.

Hồi tôi ở trên núi, tuy gọi là ở ẩn nhưng có nhiều người đến thăm tôi, họ đến hỏi tôi chuyện này chuyện nọ… và các bạn biết đó, khi người ta gõ cửa nhà mình, mình trả lời “có” một cách thờ ơ nhưng bỗng mình nhận ra: “Người anh em đến với mình đây hẳn có chuyện gì lo lắng lắm, có một vấn đề gì cần giải quyết, có một cái gì làm anh nhức đầu đây, vậy mình giúp anh được gì đây?”  Lúc đó mình tỉnh người lại và há miệng ra cười, có một cơ chế lạ lạ là khi mình buông tay thì nụ cười lại hiện ra. Mỗi lần mình kiệt sức chẳng còn làm được gì thì chỉ biết cười.

Rồi mình đến gần người anh em và nói: Bạn rất quan trọng đối với tôi, như lần đầu tiên tôi được viếng thăm. Giống như thánh Silouane nói: “ Ôi Chúa Giêsu, Chúa đến thăm con qua gương mặt của người anh em đến gõ cửa nhà con.” Tôi muốn nói với các bạn, nhiều khi rất đau. Mẹ Têrêxa luôn luôn nói với chúng tôi: “Đúng, đôi khi phải thương đến đau.” Mẹ kể kinh nghiệm đau thương, sau khi đi bộ ròng rã 24 giờ trên hè phố Calcutta, cuối cùng Mẹ sụm vì mệt quá, Mẹ thấy hóa ra tình yêu là như vậy, là đi đến tận cùng, là quên mình, là đòi hỏi mình đi ra khỏi con người mình.

Cách đây ít lâu, có một bà mẹ kể cho tôi nghe chuyện con gái bà bị ung thư máu, cách chữa trị duy nhất là phải ghép tủy. Người cho hợp với tủy của em là đứa anh trai 7 tuổi, phải mổ lấy tủy của anh để ghép cho em. Cha mẹ đứa bé kêu đứa con trai ra nói chuyện: “Bây giờ em con đau nặng lắm, bác sĩ nói chỉ cách duy nhất để cứu em là phải thay tủy. Con có thể cho em con tủy được không?” Đứa bé trả lời: “Ba mẹ hỏi con một chuyện quá quan trọng, con phải vào phòng cầu nguyện.” Mười phút sau, đứa bé đi ra với nụ cười trên môi: “Con đồng ý, vậy khi nào con chết?” Nó không hiểu là nó chỉ cho một phần tủy và nó vẫn sống, nó tưởng là phải chết để cứu em, vì vậy mới cần mười phút để suy nghĩ.

Đó là quà tặng đến cùng. Quà tặng không phải là những gì mình có, những gì mình hiểu biết, những gì mình làm, mà chính là con người mình. Nhân phẩm con người không phải nơi công việc họ làm. Chủ nghĩa Mác-xít nhấn mạnh: giá trị con người ở nơi những gì họ làm. Chủ nghĩa tự do thì nói: giá trị con người nơi những gì họ có. Một vài nền văn hóa khác thì cho giá trị con người là nơi những gì họ biết, vậy khi mình không biết thì mình không có giá trị gì. Còn những người chú trọng đến thể lý thì nói: con người có giá trị khi các tế bào còn tốt; nếu tế bào không còn tốt thì chẳng còn giá trị gì. Có người cho giá trị của con người là khi có cảm nhận, khi không còn cảm nhận gì thì không còn giá trị.

Và các bạn thấy đó, tất cả cái nhìn về con người như thế này là cái nhìn giảm giá trị nhân bản. Mỗi người trong chúng ta có giá trị vì chính con người mình. Và từ chính con người mình thì mình mới làm được, mới biết được, mới hành động được. Trước hết phải chính là mình!

Một hôm tôi ở bên cạnh một người cha có con bị liệt, ông nói với tôi: “Nicolas, anh có 60 kí lô tình thương trên cái giường này.” Tình yêu thì không cân, đứa bé này cũng không cân, nhưng điều đó có nghĩa: không có một tế bào nào trên cơ thể đứa bé này mà không phải là tế bào tình thương, không thấm đượm tình thương. Người ta có thể nói về mặt sinh lý hay khoa học, đó là người nằm liệt giường; về mặt kinh tế: không lợi; về mặt mác-xít: không sản xuất được, để qua một bên; nhưng về mặt nhân bản: 60 kí lô tình thương, một con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Và khi chúng ta đi theo lôgic này thì chúng ta có thể làm được, điều đáng kể là nó không dựa trên tài năng của mình. Trong Thánh Kinh, tiếng gọi của Chúa thật lạ lùng. Chúa gọi ông Nôê khi ông đang say, gọi Áp-Ram khi ông đã già, gọi Isaac khi ông đang mơ mộng, gọi Giacóp khi ông nói dối, gọi Giôna khi ông trốn Chúa, gọi ông Gióp khi ông sạt nghiệp, gọi thánh Phaolô khi ông đi bách hại người kitô…  Và với những nhân vật này, Chúa viết lên Giao Ước, Lịch Sử Tình Yêu! Cái gì làm nên các kế hoạch lộn xộn này? Chỉ là một chữ «vâng» của họ, trong khốn cùng, trong khó nghèo. «Vâng» với cả con người mình, chứ không phải qua hiểu biết, của cải, quyền lực. Và đó là nét phong phú của nhân loại, khi chính con người mình đã được biến đổi, được chạm đến bằng món quà hiến tặng thì mình sẽ hành động với hiểu biết, với của cải, với quyền lực của mình.

Một ngày nọ có ông giám đốc có vé đi nghe bản Giao Hưởng Nửa Vời – Symphonie Inachevée của Schubert nhưng vì ông không đi được nên ông nhờ người đại diện đi thế và dặn ông này ghi lại nhận xét cho ông. Hôm sau, người đại diện đến gặp ông và nói: «Bốn người đàn hautbois thì không đàn gì hết suốt một thời gian. Mười hai tay violon thì đàn các nốt giống hệt nhau. Bao nhiêu người mà chỉ đàn giống nhau thì nên giảm số nhạc sĩ này, nếu cần đàn mạnh hơn thì có thể dùng máy khuếch đại. Các nhạc công khác thì… cũng vậy, bản nhạc thì có những chỗ lặp đi lặp lại. Tóm lại bản này có thể rút ngắn thành 20 phút thay vì hai giờ dài đằng đẵng… và thưa ông giám đốc, nếu nhạc sĩ Schubert làm việc trong tinh thần này thì ông sẽ có thể làm xong bản giao hưởng chứ không để nửa vời như vậy.» Và các bạn thấy đó, cũng là một cái nhìn, nhưng mỗi người mỗi khác. Món quà tặng nhưng không! Được cho không tính toán!

Tôi nghĩ để sống được như vậy, đôi khi món quà hiến tặng làm mình đau, bứng mình ra khỏi con người mình. Các bậc cha mẹ có kinh nghiệm với món quà tặng này, món quà tặng làm mình đau, không gì bực mình khi trẻ con khóc đêm… Chẳng có gì bứng mình ra khỏi giấc ngủ, chỉ có tình thương! Bỏ ego, bỏ cái tôi, hoa quả của đức ái mới kết trái được.

Đón nhận mình như quà tặng của Chúa, nếu mình cho cái gì mà mình không nhận, cũng chưa quen thuộc với nó thì mình giả dối, như vậy phải nhận mới cho lại được. Giai đoạn này rất quan trọng vì có nhiều người đi trực tiếp từ món quà hiến tặng của Chúa qua món quà hiến tặng mình mà không qua giai đoạn đón nhận con người mình, cho một cái mà không thuộc về mình thì về lâu về dài sẽ kiệt sức. Chỉ sau vài năm là kiệt sức, là mệt lã và sẽ tự nhủ: Đến lúc tôi phải có thì giờ cho tôi, tôi cho người khác quá nhiều rồi. Nhưng mình đã cho cái gì chưa thuộc về mình, thay vì được thêm phong phú thì mình bị cạn kiệt. Bởi vì mình không có giai đoạn đón nhận chính con người mình. Đó là một cái gì rất tinh tế, rất vi diệu trong tiến trình này và cần phải ngừng lại ở vấn đề này.

Như trên tôi đã nói: Tin như người điên để yêu như người khùng. Trong suy nghĩ này, tôi nghĩ đến văn sĩ Alphons Allais mà tôi rất thích suy nghĩ này của ông. Ông nói: «Để sống hạnh phúc, phải ngủ trên cọng rơm mình thấy nơi con mắt của người bên cạnh và sưởi ấm với cái đà mình có trong con mắt của mình. Và nếu không có đủ rơm vì người bên cạnh không có cọng rơm thì lúc nào mình cũng có đủ gỗ để sưởi.» Và chính cái lôgic này là cái lôgic mình cần để sống. Về chuyện này, tôi nhớ đến lợi ích của cây tre. Người làm vườn kia có một cây tre tuyệt đẹp trong vườn, nó là niềm tự hào của ông. Và ai cũng biết, cây tre này làm tăng giá trị căn vườn của ông. Ông làm vườn đến hỏi cây tre:

– Tre thân mến, tôi cần đến bạn.

– Dạ, tôi xin tuân lệnh ông, ông muốn làm gì tùy ý ông.

– Được, bạn sẵn sàng giúp tôi chứ?

– Tôi sẵn sàng làm bất cứ gì ông muốn.

– Nếu bạn muốn phục vụ tôi, tôi phải cắt bạn.

– Cắt tôi? Không thể được, tôi là cây tre đẹp nhất vườn ông mà!

– Nhưng nếu tôi không cắt bạn thì tôi không dùng bạn vào được việc gì hết.

– Được, vậy ông cứ cắt tôi.

hi đã cắt xong, người làm vườn nói:

– Bây giờ tôi phải cắt làm hai.

– Không, không thể được, ông đòi hỏi tôi nhiều quá!

– Nếu không cắt làm hai thì tôi không làm gì được.

– Được, vậy thì được.

Cắt làm hai xong, cây tre chỉ còn hai khúc nằm dưới đất.

– Bây giờ tôi phải moi hết ruột của bạn.

– Moi ruột, vậy thì tôi còn gì, chẳng còn hình dạng cây tre đẹp nhất của ông.

– Nếu tôi không moi hết ruột của bạn, tôi không làm được gì hết.

– Nhưng moi xong ruột thì ông làm gì tiếp?

– Thì tôi dùng thân của bạn để làm ống dẫn nước tưới cho cả vườn để cây cối trong vườn tươi tốt nhờ bạn.

Người ta không biết cuối cùng cây tre trả lời như thế nào nhưng một hình ảnh rất đẹp là cây tre thành ống dẫn nước, thành một cái gì không phải của nó. Ai trong chúng ta cũng có khả năng yêu thương, chúng ta được tạo dựng bằng tình thương để yêu thương. Và sự nảy nở của con người là yêu thương, là cho, là dâng hiến. Nhưng tự sức mình thì mình sẽ mau cạn kiệt và tôi phải đến nguồn suối mà thánh Gandhi nhắc lui nhắc tới không ngừng, nguồn suối tình yêu, nguồn suối ân sủng, nguốn suối đến từ một nơi khác, nguồn suối của Chúa mà chúng ta ăn xin bằng lời cầu nguyện. Tôi nghĩ đến người đàn bà Do Thái, bà ở Hoà Lan và đã cứu được nhiều người, khi bị bắt vào trại tập trung Auschwitz, bà đã nói trong phòng hơi ngạt: «Tôi quỳ gối trước mặt Thiên Chúa, đó là công việc cuối cùng của con người có thể làm được trong một nơi cay đắng như thế này.» Con người cao cả quỳ gối xuống. Vinh quang của Thiên Chúa là con người đứng thẳng, con người sống động. Nhưng cao cả của con người là quỳ gối xuống, làm tỏa sáng một tình yêu đến từ một nơi khác, phản ảnh một tình yêu đến từ nơi khác và hiểu nguồn suối đích thực là từ chỗ khác.

Có một câu châm ngôn cổ Trung Hoa nói như sau: «Khi thiền sư chỉ mặt trăng thì học trò nhìn ngón tay.» Rốt cùng, những ai có lòng bác ái rộng lớn tất cả đều nói nguồn suối tình yêu của họ ở nơi khác, mạnh mẽ hơn, cao cả hơn. Tôi còn nhớ các cuộc tranh cãi khi chúng tôi ở Calcutta, có người nói: «Những chuyện Mẹ Têrêxa làm thì thật tuyệt vời.» Và Mẹ trả lời: «Không phải Mẹ làm mà chính Chúa Kitô làm.» Đương nhiên Mẹ là công cụ dễ bảo của Chúa, nhưng nguồn suối thì ở chỗ khác. Vòi nước thì xả nước, ống tre dẫn nước thì nước mới tới được vườn cây, nhưng dụng cụ không phải là nguồn. Có một nguồn suối vượt sức tưởng tượng của chúng ta, nó là bí mật của lòng kiên trì, của công việc kéo dài, bí mật của những ai trung thành, kiên trì trong bất cứ một tình yêu nào, dù đó là tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ con cái, trung thành với bổn phận đối với tổ quốc, với những chuyện nho nhỏ. Và đó là bí mật, là có một nguồn suối không phát xuất từ chúng ta. Cách duy nhất để trung thành đến cùng là xây dựng trên lòng trung thành của một người còn trung thành hơn tất cả chúng ta. Chính lúc đó là lúc phép lạ biến đổi mọi sự việc được xảy ra.

Tôi xin kể hai dụ ngôn nhỏ để kết thúc.

Một dụ ngôn hy vọng để khi chúng ta dấn thân vào lôgic tình yêu, một lô-gic khác với lôgic của báo chí truyền thông cổ động. Một đứa bé nhìn mẹ đang ngồi thêu. Nó nhìn mặt trái tấm vải và nói với mẹ: «Mẹ, mẹ rất dễ thương nhưng con phải nói thật với mẹ, mẹ đang thêu cái gì xấu xí quá, chỉ chạy lung tung, màu sắc loạn xạ, mẹ, mẹ đừng thêu nữa. Mẹ làm bánh ngon hơn, con thích hơn, nhưng thêu như vậy thì con không thích.» Nghe vậy, bà mẹ đưa mặt phải lên cho con xem, bà nói: «Phía này được hơn phải không?» «Dạ, đẹp rồi!» Đó là cái nhìn của tình yêu làm cho chúng ta thấy mặt kia của tấm vải thêu. Đàng sau những gì có vẽ như rời rạc là một ánh nhìn từ trên cao, thấy được cái gắn bó chặt chẽ của một tình yêu xếp đặt chuyện nào ra chuyện đó. Và chỉ khi nào mình khép mắt lại, nhìn bằng con mắt của quả tim thì mình mới thấy được toàn cảnh này.

Dụ ngôn thứ nhì cũng là câu chuyện của trẻ con. Một đứa bé hỏi cha nó đủ loại câu hỏi: «Ba, vì sao cái này, vì sao cái kia…» người cha hơi bực, nói với con: «Bây giờ ba ra điều kiện này nhé, ba sẽ cắt bản đồ thế giới trên tờ báo này, con ráp lại cho đúng. Sau khi ráp xong thì cha con mình chơi với nhau.» Người cha nghĩ, một tấm bản đồ đen trắng như vậy, ít nhất nó cũng mất một giờ để ráp, mình được yên thân một giờ. Ông yên tâm ngồi đọc sách, nhưng mười phút sau, đứa bé chạy đến hỏi: «Ba, vì sao mưa rơi xuống đất mà không bao giờ rơi lên?» «Vừa rồi con đồng ý với ba, ba đọc sách, con ráp bản đồ, khi nào con ráp xong thì con đến nói chuyện với ba.» «Nhưng con ráp xong rồi.» «Nhưng làm sao con làm được, khó lắm mà!» Đứa bé giải thích: “Ba, đàng sau bản đồ là khuôn mặt của một ông, con chỉ ráp mặt sau thì ra mặt trước.”

Thiên Chúa đã làm như vậy, Người xuống thế, mặc xác phàm làm người, trần trụi trong máng cỏ, trần trụi trên thập giá, trần trụi trong Thánh Thể, Người tận hiến hoàn toàn, để làm mới nhân loại từ bên trong. Khi đổi mới từng người là Người đã đổi mới toàn nhân loại. Và đó là con đường dẫn đến một nền văn minh của tình yêu, một nền văn minh mà chúng ta phải làm việc cật lực. Một nền văn minh mà động lực là tình yêu làm chúng ta nâng đỡ lẫn nhau. Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong một bài ứng khẩu đêm Noel đã nói như lời tiên tri: “Không phải hận thù, không phải đấu tranh, không phải tiền bạc là động lực, không phải lợi nhuận tức thời là động lực mà chính tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô, Chúa Kitô ở trong đau khổ, trong sự thiếu thốn của đồng loại. Nền văn minh của tình yêu sẽ thắng các cuộc đấu tranh dai dẳng, sẽ biến đổi bộ mặt thế giới, để rồi nhân loại được giải hòa trong Chúa Kitô. Và để kết thúc Năm Thánh, với tất cả lòng can đảm, anh em chúng ta đi đến cùng cuộc gặp gỡ cuối cùng, từ bây giờ mọi người chúng ta đều nguyện cầu: Maranatha: Xin Chúa hãy đến.”

Marta An Nguyễn dịch