Frédéric Ozanam: 7 lời khuyên để lớn lên trong đức ái

679

 

Đức Phanxicô rửa chân cho những người tị nạn trong một trung tâm của các người di dân đến từ Nigéria, Êrythrê, Mali, Syria, Pakistan và Ấn Độ.

famillechretienne.fr, Jérome Delsinne, 2013-07-24

Người nhiệt thành bảo vệ đức tin, chân phước Frédéric Ozanam sinh năm 1813, ngài phải đối diện với làn sóng bài hàng giáo sĩ giữa thế kỷ 19. Những người phản biện ông cho rằng kitô giáo đã chết: nhưng ông Ozanam hiểu, các công việc từ thiện thì lớn hơn là các bài diễn văn và các công việc này sẽ chứng minh ngược lại. Từ đó, người trí thức xuất sắc này lan tỏa đức ái khắp nơi. Một chứng tá rất thời sự.

Lời khuyên thứ nhất: Dựa trên các bạn của mình

Suốt đời của Frédéric Ozanam (1813-1853), ông luôn được bạn bè trong giới đại học, chính trị, nghệ sĩ, kitô hữu ở Pháp cũng như ở nước ngoài ở chung quanh mình.

Ông trao đổi rất nhiều với họ, ông nói về các công việc của mình và cho họ biết, ông cần họ để thực hiện sứ vụ: “Không có sự công nhận của các bạn, không có sự nâng đỡ của các bạn tôi không làm được gì”.

Bà Amélie vợ ông, người ông rất yêu quý cũng nâng đỡ ông rất nhiều. Cùng với bà, ông lớn lên trong tình hiến dâng. Ông cũng kết bạn với người nghèo. Ông thường xuyên đến thăm họ để kết tình bạn. 

Lời khuyên thứ hai: Bám rễ trong đức tin

Đó là thời đại chiến thắng của thuyết duy lý. Ozanam quyết định phục vụ cho sự thật và cùng với các bạn, ông làm việc để có được sự hòa đồng kitô giáo về mặt tri thức. Sau đó là củng cố đức ái trong đức tin đã được xây dựng vững chắc. Hội Từ thiện Vinh Sơn đầu tiên ra đời, tiếp theo là rất nhiều hội khác ra đời, đáp ứng nguyện ước của ông: “Tôi muốn siết chặt thế giới trong mạng bác ái”.

Với lòng nhân lành và dịu dàng của Chúa Kitô, ông muốn thể hiện sự thật của đạo kitô giáo cho xã hội và cho thế giới.

Lời khuyên thứ ba: Yêu kẻ thù của mình

Ozaman có rất nhiều người phản biện, nhưng ông luôn trả lời có lập luận và tế nhị: “Phải chứng tỏ đức ái khi mình yêu thương những người không cùng suy nghĩ như mình”. Khi có một giáo sư không có đạo nào làm hạ kitô giáo trước mặt các sinh viên, ngay ngày hôm sau, ông trả lời trong lớp học của mình hoặc trong một bài viết. Ông không bao giờ dùng chữ ác ý, ông tôn trọng sự khác biệt và người khác vô cùng.

Lời khuyên thứ tư: Đi gặp người nghèo

“Chúng ta còn quá trẻ để được bầu, để ở trong hệ thống quyền lực. Điều tối thiểu chúng ta có thể làm là đi một vòng quanh mình.” Nhờ nữ tu Rosalie Rendu, ông đến khu vực Mouffetard ở Paris, khi đó ông mới ý thức được nạn khốn cùng (ở chung lộn, nhà cửa dơ dáy, bệnh tật, tử suất cao) và sự quan trọng của việc viếng thăm nơi người nghèo sống, các xưởng làm việc tay chân, các nhà ở. Điều này đòi hỏi cả một cố gắng nhưng cũng để giúp thấy được các triệu chứng để có thuốc chữa.

Lời khuyên thứ năm: Tự rèn luyện

Giúp người nghèo cần phải biết cách làm để trở thành một thói quen, cũng giống như người lính chữa lửa, phải học cách săn sóc người bị thương. Khả năng chuyên môn này vượt quá lòng tốt tự nhiên. Chúng ta gọi đó là đức ái vì nó liên hệ với Chúa Kitô. Câu nói nổi tiếng của ông: “Chúng ta hãy đến với người nghèo!”. Câu này không phải là câu khẩu hiệu dùng để tập họp. Đây là câu nói mang tính thần học. Là quyết định của chính Chúa khi nhập thể nơi Chúa Giêsu và xuống thế thấy con người tội lỗi, bệnh tật, sống cô quạnh…

Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã nói: “Người nghèo, chúng ta không hiểu họ, họ xấu xí, thô tục, gớm ghiếc. Quý vị quay tấm mề-đai lại, quý vị sẽ thấy ánh sáng đức tin mà Con Thiên Chúa hiện diện nơi người nghèo: – Họ không có bộ mặt con người… -” Chính vì vậy, các các đồ đệ của Thánh Vinh Sơn thực hành “lời cầu nguyện của bực thang”: “Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần xuống cho chúng con để cuộc gặp gỡ được tốt đẹp, xin khởi hứng nơi con cử chỉ và lời nói phù hợp”. 

Lời khuyên thứ sáu: Thăm người anh em trong cảnh nghèo

Ozanam dạy rằng, người nghèo là những người đáng yêu. Họ là tạo vật của Chúa, dù tình trạng sức khỏe của họ không tốt, dù họ ăn mặc xấu xí, dù phẩm cách của họ không được thấy rõ. Nhưng họ cũng có lòng tốt, dịu dàng và thân tình. Chúng ta đừng khép họ vào khuôn “người nghèo” để rồi quan hệ trở nên một chiều.

Khi chúng ta đến với người nghèo, chúng ta xem họ là người ngang hàng, ngay cả trước khi chúng ta phục vụ hay giúp đỡ họ. Frédéric Ozaman nhấn mạnh để các cuộc thăm hỏi được thường xuyên, vui vẻ, luôn sẵn sàng phục vụ. Thánh Vinh Sơn Phaolô khuyên đến với người nghèo phải khiêm tốn, dịu dàng, đơn sơ, sốt sắng: “Phải đến với người nghèo như khi mình đến với lửa”. Ngài còn nói thêm phải chịu nhục để chấp nhận những chuyện không làm vừa lòng chúng ta.

Lời khuyên thứ 7: Tìm sức sống nơi Chúa Kitô

Thánh Vinh Sơn nói: “Hãy cho tôi một người đọc kinh nguyện, họ có khả năng làm tất cả”. Nhà nghiên cứu, người giảng dạy, ký giả, người bạn, người chồng, người cha gia đình, nhà sáng lập, người đi thăm kẻ nghèo… Ozaman hoạt động trong nhiều sứ vụ khác nhau. Nhưng trước hết ông là con người của cầu nguyện. Mỗi ngày ông đều đọc và chiêm niệm Lời Chúa. Ông rước lễ và thường xuyên xưng tội, để lòng nhân lành và dịu dàng của Chúa đến với mình. Bệnh lao thận đã làm cho ông không hoạt động được nhiều, nhưng lòng tốt của ông không giảm. Ông tiếp tục dâng hiến. Trên Thập giá, Chúa Giêsu bề ngoài không còn sức nhưng Chúa hiến dâng trọn vẹn: từ cái áo, Đức Mẹ, hơi thở và sự sống của Ngài. Cũng như Chúa Giêsu, ông Frédéric Ozanam chịu nạn nhưng ông đi đến cùng trong đức ái của mình.

Linh mục Jérôme Delsinne là cha Dòng Ladarô từ năm 1998. Cha là cố vấn thiêng liêng của Hội Từ thiện Vinh Sơn nhiệm kỳ thứ hai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chân phước Frédéric Ozanam: