Tại sao Đức Phanxicô dành quá nhiều thời gian để đối phó với mafia?

309

Hình: Đức Phanxicô trong chuyến thăm Caserta tháng 6-2014.

washingtonpost.com, Josephine Mckenna, 21-7-2014

Bắt đầu với vụ giết hại một trẻ em vô tội mới 3 tuổi, bị thiêu chết trong chiếc xe của ông nội mình, trong một vụ ám sát do bàn tay của mafia hồi tháng giêng vừa qua. Đức Phanxicô đã quá chấn động vì cái chết của Nicola “Coco” Campolongo, đến nỗi ngài lên án chống lại sự dã man của tội ác này và của những kẻ đứng sau nó.

Nhưng ngài không chỉ dừng lại ở đó. Tháng 6 vừa qua, vị giáo hoàng thẳng tính này đã đến thành phố miền Nam nước Ý, nơi xảy ra vụ mưu sát này và lên án các thành viên mafia về tội “thờ ma quỷ”. Rồi ngài còn nói xa hơn nữa.

“Họ không đứng về Thiên Chúa,” ngài lên tiếng trong chuyến thăm thành phố gần Sibari, vùng Calabria, nơi đóng quân của tổ chức tội ác toàn cầu ‘Ndrangheta. “Họ bị rút phép thông công!”

Ở nhà tù địa phương nơi giam giữ người cha và hai người bà của cậu bé Coco, Đức Phanxicô đã ôm họ và tuyên bố “tội ác này phải được phơi bày và đẩy lui.”

Sắp tới, Đức Phanxicô sẽ đến thăm thành trì tội ác của mafia ở Caserta, gần Napoli (vào ngày 26 tháng 7). Với chuyến thăm lần thứ hai này của giáo hoàng đến trung tâm Mafia Ý, các chuyên gia đang bàn luận về ảnh hưởng của lập trường không nhân nhượng của ngài cũng như ý nghĩa của việc này với triều giáo hoàng của ngài.

Philip Willan, là tác giả người Anh quyển “Vatican thời chiến”, được xuất bản năm ngoái bàn về các liên hệ giữa Tòa Thánh với các tội phạm có tổ chức trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, ông cho hay, “Tôi nghĩ điều này có ý nghĩa hệ trọng vì cộng đoàn này đang bị phân rẽ. Giáo hội đã bị chia rẽ trước lập trường chống lại tội phạm có tổ chức. Khi Giáo hoàng đặt uy thế mạnh mẽ của mình sau lưng những người chống lại mafia, ngài cho họ thêm sức mạnh và can đảm.”

Thứ bảy này, giáo hoàng Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ và gặp các linh mục Công giáo ở Caserta, tổng hành dinh của nhóm mafia hùng mạnh Casalesi, những kẻ đã gây vô số tội ác, bao gồm buôn thuốc phiện, mãi dâm, tống tiền và rửa tiền.

Với giáo hoàng, người có lập trường mạnh mẽ về nạn nghèo khổ, công bằng xã hội, và nạn bất bình đẳng, thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên trước cách tiếp cận của ngài với bè lũ mafia. Nhưng ở nước Ý này, nơi hàng giáo phẩm Công giáo và mafia có mối quan hệ xuôi chèo mát mái lâu năm, thì vị giáo hoàng xuất thân từ Argentina này đang lay chuyển mọi sự và đặt ra những lằn ranh mới.

Willan cho biết, “Tôi nghĩ đơn giản là ngài mong muốn liên kết với thông điệp Kitô giáo, ngài xem các tội phạm có tổ chức là tuyệt đối bất tương với tinh thần Kitô. Và ngài đang tái khẳng định một chuyện vốn đã bị quên lãng hay bị dìm xuồng trong quá khứ.”

Từ khi giáo hoàng Phanxicô đưa ra vạ rút phép thông công đầy tranh cãi, thì ngay cả Vatican cũng tìm cách để đảo ngược, cho rằng thành viên mafia không bị chính thức rút phép thông công theo giáo luật. Một linh mục tuyên úy nhà tù, cha Marco Colonna, đã trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Ý La Repubblica rằng, cha tin giáo hoàng đơn giản đang kêu gọi lòng ăn năn hối tội. Và cha cho biết, có nhiều người mafia đang bị giam trong tù, thấy hoang mang vì những lời này của giáo hoàng, và họ từ chối đến dự thánh lễ trong tù.

“Tôi cố gắng giải thích với họ là, Giáo hội không hất ai ra ngoài, và sau một vài ngày suy ngẫm, tôi khuyên họ nên tiếp tục nhận các bí tích.”

Nhưng có vẻ lập trường của giáo hoàng là để tăng thêm can đảm cho các linh mục. Một giám mục ở Calabria đã kêu gọi ngưng việc các thành viên mafia làm cha đỡ đầu rửa tội trong vòng 10 năm để cố gắng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của họ.

Giáo hội và mafia lại đối đầu lần nữa hồi đầu tháng này, khi một giám mục khác ra lệnh ngưng việc rước kiệu, sau khi những người khiêng tượng Đức Mẹ đã dừng lại cúi chào trước nhà một bố già mafia quyền lực.

Giám mục Francesco Milito đặt vấn đề với đức tin của những người đã cúi chào ông trùm mafia, Giuseppe Mazzagatti, 82 tuổi, bị kết án giết người, cha mô tả việc này là một “hành động phạm thượng.”

Đạo Công giáo đã luôn luôn bị gắn vào những nghi lễ và cử hành bí mật của mafia vùng Calabria. Những người gia nhập tổ chức mafia thề trung thành và mang theo mình ảnh của tổng lãnh thiên thần Michael, thánh bổn mạng của các chiến binh. Người ta cũng biết là các ông trùm treo thánh giá trong các hầm ngầm của mình và thậm chí còn tổ chức những buổi họp kín tại các nơi tôn nghiêm của Kitô giáo.

Enzo Ciconte, một trong những chuyên gia hàng đầu nước Ý về mafia cho biết, ông tin là nhiều mafia dùng tôn giáo đơn thuần là công cụ để lấy lòng dân và làm lợi cho hệ thống tổ chức tội ác của mình. Ông cho biết các hành động của giáo hoàng có thể là đường phân chia rõ rệt giữa mafia và tín hữu đích thực.

“Từ quan điểm này, chắc chắn lời của giáo hoàng là hòn đá tảng, rất khó để mafia vượt qua.”

Phanxicô không phải là giáo hoàng đầu tiên lên tiếng, và một người dấn thân chống tội ác cho biết, có lẽ ngài sẽ phải đối diện với những cú phản đòn.

Năm 1993, thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo các thành viên mafia ở đảo Sicili rằng “rồi đến một ngày, họ sẽ phải đối diện với công lý của Thiên Chúa.” Mafia trả lời bằng các vụ gài bom tàn ác ở một số nhà thờ, kể cả Vương cung Thánh đường Gioan Laterano, nơi được xem là tòa của giám mục địa phận Rôma.

Mùa thu năm ngoái, một công tố địa phương ở Calabria đã cảnh báo rằng việc giáo hoàng Phanxicô tập trung nhổ tận gốc nạn tham nhũng trong mạng lưới tài chính Vatican có thể đẩy ngài vào những hiểm họa mất mạng do tay mafia. “Nếu các bố già có thể tìm được cách ngăn ngài lại, họ sẽ nghiêm túc xem xét nó,” công tố viên Nicola Gratteri cho biết. Về sau, Vatican cho hay, “tuyệt đối không có lý do gì để lo ngại.”

Ông Ciconte cho biết ông không tin giáo hoàng đang gặp nguy hiểm.

“Mafia không ngu. Không đáng để mafia tấn công giáo hoàng. Họ sẽ tìm những cách khác gây áp lực lên các tín hữu hay sẽ ngưng không dâng cúng tiền cho Giáo hội nữa.”

J.B. Thái Hòa dịch