ncronline.org, Michael Sean Winters, 17-7-2014
Cha Dwight Longenecker vừa có một phục vụ tuyệt vời cho Giáo hội khi cho đăng một bài trên trang Patheos, khuyên những người Công giáo bảo thủ không ưa Đức Phanxicô phải làm sao để ứng xử tốt nhất với triều giáo hoàng này.
Nhưng, điều tốt mà cha Longenecker đem lại không phải là những gì cha tưởng. Cha đã viết bài với mục đích đem lại một lập luận cho những người bất mãn. Thật sự thì, bài báo của cha là một cánh cửa sổ nhìn vào thế giới quan cũng như các đàm luận của một kiểu người nào đó trong số Công giáo bảo thủ Hoa Kỳ, mà chúng ta có thể gọi họ là “Công giáo Trà Đàm”, họ là 15% người không tán thành với giáo hoàng Phanxicô. Thật đáng buồn, tôi ngờ rằng con số người bất đồng với đức Phanxicô trong giới linh mục và giám mục còn cao hơn trong giáo dân nữa. Khi các giám mục công khai khất lần, như chúng ta đã thấy trong những bài phỏng vấn yếu ớt của giám mục Robert Morlino, hay trong các lời bình luận của hồng y Raymond Burke, bạn có thể cá rằng các giám mục này, riêng về phần mình, đang nghe, hay đang nói những lời kiểu hệt như những gì mà cha Longenecker đã ghi lại trong bài báo trên. Và trước khi bị đẩy khỏi Hội đồng Giám mục, hồng y Burke có thể bổ nhiệm cho nhiều người có cùng tư tưởng giống mình nắm giữ chức ở các tòa giám mục lớn.
Longenecker viết rằng:
Một vài người đã từ giáo hoàng Phanxicô. Những người khác nói rằng ngài là “ngôn sứ giả”, rồi cuối cùng cũng sẽ bắt tay với bè phản Kitô. Những người khác không ưa khiếu phẩm phục của ngài, cằn nhằn về những lời ngài nói hớ trên truyền thông, số khác thì nghĩ là những lời này đều có toan tính và ngài là một linh mục dòng Tên mưu mô muốn đào mòn đức tin Công giáo.
Rõ ràng, cha không nói đến những người Công giáo mà tôi hay nói chuyện, mặc dù có lần tôi đã từng nghe một giám mục suy luận rằng “chúng ta không thể loại bỏ khả năng mình có thế có thêm một ‘phản giáo hoàng’ nữa.” Tôi thích cách cha Longenecker đặt những quan ngại này vào miệng người khác, nhưng lại nuôi dưỡng chúng khi viết lại trên mặt báo. Thực sự có cần phải viết ra kiểu có người nghĩ rằng Đức Phanxicô là một “linh mục dòng Tên gian xảo muốn đào mòn đức tin Công giáo”, để nhằm phục vụ cho bài viết hay không? Và lời bình này nghe như trong một bài luận của những người theo phái Jansen thời đầu thế kỷ XVIII, tôi cho đây là một so sánh hợp và phản ánh xa hơn nữa, bởi khuynh hướng ngả về phái Jansen của tập hợp những người chống Phanxicô.
Cha Longenecker đã đưa ra 10 điểm để nhớ và bắt đầu với một lời cốt để hạ nhiệt những người đang sôi sục của các hình ảnh về một giáo hoàng Phanxicô bắt tay với bè phản Kitô. Cha viết rằng:
Điều đầu tiên phải nhớ là ngài là giáo hoàng. Ngài không định thay đổi giáo lý Công giáo hay huấn giáo luân lý. Ngài không thể và ngài biết như thế. Ngài có thể là một “người cải cách” nhưng ngài không thể làm được gì nhiều. Tuyên bố của ngài về chuyện nữ linh mục đã cho thấy điều đó: “Khép lại chuyện phong chức cho phụ nữ.”
Đúng là từ “thay đổi” cho thấy một chuyện gì đó quá lỗ mãng khi dùng để mô tả cung cách Giáo hội sống truyền thống tín lý và luân lý của mình. Nó không phải kiểu đèn đỏ đổi qua xanh như ở cột đèn giao thông. Nhưng, chắc chắn là, giáo lý của Giáo hội phát triển. Trước giáo hoàng Lêô XIII, đã có những dấu chỉ về huấn giáo xã hội của Giáo hội, nhưng nhờ ngài mà nó được nên trọn vẹn xuyên suốt. Có thời linh mục lấy vợ. Có thời việc cho vay lấy lãi bị cấm tuyệt đối. Thật vậy, có thời, một thời gian dài, khi hôn phối của người Tin Lành không được xem là có giá trị bí tích, và người ta không cần phải bãi hôn khi tái hôn trong Giáo hội Công giáo. Vậy nên, nỗ lực cố gắng của cha Longenecker chứng tỏ cho thấy một niềm tin không nói ra của cha rằng các độc giả chỉ biết rất ít về lịch sử Giáo hội.
Trong một cố gắng rõ ràng muốn nhấn mạnh những ơn riêng mà mỗi giáo hoàng đem lại cho sứ vụ của mình, một điểm đáng lưu ý, cha Longenecker đã có một sự so sánh, khá là hạ giá và hoàn toàn vô căn cứ, giữa giáo hoàng Phanxicô với hai người tiền nhiệm. Cha viết rằng:
Điều thứ hai phải nhớ là chúng ta đã có phúc trong suốt 30 năm qua với hai giáo hoàng xuất chúng. Nhiều người trong chúng ta không nhớ những triều giáo hoàng khác. Cả thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI đều là những người ngoại hạng về sự thánh thiện, tài năng trí tuệ, can đảm và nhận thức, và họ là những vị chủ chốt. Họ hỗ trợ nhau. Phanxicô thì khác, và nếu ngài không ngang tầm với họ về những đặc nét trên, thì ngài có một sức mạnh khác. Thay vì chỉ trích vì những điều ngài không có, chúng ta nên yêu mến về những gì chính con người thật của ngài.
Tôi chưa từng gặp giáo hoàng Phanxicô, và tiếng Tây Ban Nha của tôi cũng không quá giỏi, nên tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc đàm luận với ngài, nhưng tôi không thấy có bất kỳ chứng cứ nào biểu hiện ngài là một kẻ kém trí tuệ. Thật vậy, Đức Bênêđictô XVI là một tri thức hiếm có. Giáo hoàng Gioan-Phaolô II rất mẫn tuệ. Cả hai người chắc chắn thánh thiện, dũng cảm, và có óc nhìn nhận đặc biệt. Nhưng, khi nói riêng về hai giáo hoàng gần nhất này, thì Gioan-Phaolô II không phải hứng chịu chuyện kinh khủng về các linh mục xâm phạm tính dục, cũng như sự thối nát của những người ngài cất đặt vào các vị trí uy quyền trong Giáo hội. Đức Bênêđictô XVI đã không nhận ra được sự cần thiết phải cách chức Hồng y Quốc vụ khanh, Bertone, cho dù khắp cả giáo triều đã chìm trong hỗn loạn và đi xuống. Mặt khác, mỗi buổi sáng, giáo hoàng Phanxicô đều có những bài giảng cho thấy nền tảng trí thức sâu sắc của mình, bắt nguồn từ một cảm nhận Kinh thánh rất sâu đậm, mạnh mẽ, và sự khôn khéo trong phân tích các vấn đề của thế giới hiện đại và Giáo hội hiện thời. Sự thánh thiện của giáo hoàng Phanxicô là một chuyện hiển nhiên, đặc biệt nhất là khi ngài không có kiểu cách hào quang, khi ngài sẵn sàng trả lời một câu hỏi tự thuật rằng “Tôi là một tội nhân,” khi ngài có một quả tim quá nồng nàn, chan chứa, đổ tràn trề trên những người quanh ngài, đặc biệt là những người nghèo, người yếu đuối, những người quá trẻ và quá già, tất cả mọi người đều rung động trước ngài, ngoại trừ cha Longenecker và bạn của cha. Còn về óc nhìn nhận, trong lúc một vài người mà ngài bổ nhiệm đã không thể tồn tại lâu, thì hầu hết các giám mục mà ngài chọn để giúp điều hành Giáo hội đều là những người có năng lực vượt trội và không bị tha hóa. Chắc chắn rằng, khi bàn về óc nhận định, ít người bằng được Phanxicô.
Cha Longenecker đã lặp đi lặp lại giọng bảo thủ rằng truyền thông đã hiểu lầm và nói sai về những lời của giáo hoàng Phanxicô. Một số là vậy, chắc chắn rồi. Nhưng, những nỗ lực kiên quyết nhất muốn diễn giải sai về những lời của giáo hoàng lại phát xuất từ nhóm Công giáo bảo thủ, những người bác bỏ những nhận định của ngài về vấn đề kinh tế và xem đó là lời của một người Argentina chậm tiến, bị giam hãm trong hiểu biết kiểu châu Mỹ La tinh và trong chủ nghĩa tư bản dựa trên quen biết của nó, họ không chịu hiểu rằng toàn cầu hóa đã nâng một số người lên nhưng đồng thời đẩy số khác xuống sâu hơn nữa trong khốn cùng đau khổ và bị loại trừ.
Phần còn lại trong bài viết của cha Longenecker, bạn có thể tự mình xem xét tiếp. Bài báo của cha Longenecker đã vô tình vén mở những kiểu đàm luận mà chúng ta không có. Nhưng, như tôi đã lưu ý ở đầu bài, người ta ngờ rằng cái kiểu vặn vẹo này không phải là không phổ biến trong một số giám mục và linh mục, khi những phấn khích và hy vọng mà giáo hoàng Phanxicô đem lại đang đe dọa họ, cướp đi của họ một Giáo hội đang suy tàn gần như không thể tránh được, mà theo suy nghĩ của họ là do bị bủa vây bởi các thế lực thế tục hóa trong một nền văn hóa ngày càng thù địch, chứ chắc chắc chắn không phải là do thiếu bậc cầm quyền có đạo đức. Khi cha Longenecker đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua thế giới những người bất mãn với giáo hoàng Phanxicô, thì thiết nghĩ chúng ta cũng mang ơn cha nhiều.
J.B. Thái Hòa dịch