Sự nổi tiếng của Đức Phanxicô cho thấy điều gì về văn hóa Mỹ?

284

jonathanmerritt.religionnews.com, Jonathan Merritt, 11-7-2014

Có vẻ chúng ta cần thêm một lý do nữa để yêu mến Đức Phanxicô.

Ngày thứ hai tuần trước, giáo hoàng nói rằng Giáo hội Công giáo phải “khóc thương và cải tổ” vì các tội ác xâm phạm tình dục. Trong lời nhận định đanh thép trong thánh lễ cử hành chung với các nạn nhân bị xâm hại, Đức Phanxicô nói rằng nhiều hành động của Giáo hội đã ngả theo chiều hướng “phạm thượng”.

Các hành động này của ngài được các nhà bình luận tôn giáo lẫn thế tục tán dương, cộng hưởng với lòng hâm mộ ngài trên toàn thế giới. Dường như, ngài luôn luôn sẵn sàng ôm lấy một trẻ tật nguyền, rửa chân cho các tù nhân, ôm một người dị dạng, hay đưa ra những nhận định đầy lòng thương rất lạ về những người bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, và rồi từ những hành vi này, ngài được mọi người ngưỡng mộ.

Cuối năm 2013, một khảo sát của CNN cho thấy 88% người Công giáo Hoa Kỳ tán đồng việc Phanxicô ở ngôi giáo hoàng. Nhưng đáng chú ý nhất là, 3/4 người Mỹ nói họ ái mộ giáo hoàng. Ngay cả những người vô thần cũng thể hiện tình cảm dành cho vị lãnh đạo Giáo hội này. Ngài không chỉ là người được nhắc nhiều trên internet trong năm 2013, mà còn được chọn là nhân vật của năm theo tờ The Avocate, một tạp chí dành cho người đồng tính.

Xét rộng ra, sự nổi tiếng của giáo hoàng, ngay cả trong giới thế tục, cho thấy một chuyện gì đó về văn hóa. Đó là chuyện, nó cho thấy xã hội Mỹ thực sự cởi mở và thuận chiều với các Kitô hữu và đức tin Kitô giáo hơn chúng ta tưởng.

Từ quân đội cho đến sảnh đường của các tổ chức giáo dục cấp cao, một số Kitô hữu phàn nàn họ đang bị chế giễu, loại trừ và phân biệt. Brietbart”s Austin Ruse, người từng viết trên Twitter rằng người đồng tính luyến ái là “rối loạn từ bản chất và bất thường” (câu này đã bị xóa đi), ông cho rằng “các Kitô hữu đang ở trong một lãnh địa thù địch.” Thật vậy, theo khảo sát của Pew vào năm 2011, 71 % các Kitô hữu phái Phúc âm cho rằng chủ nghĩa thế tục là mối đe dọa lớn nhất đối với tôn giáo.

Việc gần đây hầu như cả nước Mỹ bày tỏ sự ái mộ dành cho giáo hoàng, đang khiến kiểu nhận định như trên bị lung lay. Chẳng hạn Marvin Olasky đã cảnh báo về tâm thức bài Kitô giáo trong giới truyền thông tin tức Mỹ. Vậy thì ông nghĩ sao khi thấy hình ảnh của một siêu giáo hoàng tràn lan trên các trang báo chính? Trang web bảo thủ RedState.com cho rằng tờ Time cũng có khuynh hướng bài Kitô giáo. Vậy thì tại sao nhà xuất bản này lại chọn giáo hoàng Phanxicô làm nhân vật của năm 2013?

Và còn những người kêu ca Hollywood cứ chăm chăm bài Kitô giáo? Làm sao họ giải thích được chuyện này khi Hollywood nở rộ các bộ phim dựa trên nền tảng đức tin đang được các hãng phim lớn thực hiện?

Những gì đang xảy ra cho nền văn hóa này, như thường lệ, phức tạp hơn những gì người ta tưởng. Người Mỹ về căn bản không dị ứng với các Kitô hữu, nhưng đúng hơn là với một vài biểu hiện nhất định của Kitô giáo. Tầm đại chúng của giáo hoàng giúp chúng ta hiểu chính xác người ta cự lại điểm nào của Kitô giáo.

Người Mỹ đón nhận các Kitô hữu đứng ra bảo vệ những người bị loại ra ngoài rìa xã hội.

Nhưng chống lại các Kitô hữu tìm kiếm quyền lực để loại trừ người khác ra ngoài rìa xã hội.

Người Mỹ đón nhận các Kitô hữu muốn phục vụ xã hội.

Nhưng chống lại những người muốn xã hội phục vụ mình.

Người Mỹ đón nhận các Kitô hữu nhìn thấy được những sai phạm của cộng đoàn mình cũng như của người khác.

Nhưng chống lại những người mang óc đảng phái hay bè nhóm.

Người Mỹ đón nhận các Kitô hữu có lòng cảm thông và phát ngôn khiêm nhượng.

Nhưng chống lại các Kitô hữu thích gây sự và phát ngôn kênh kiệu.

Thực sự, đây không phải là khuynh hướng của riêng thế kỷ XXI mà thôi. Nhìn lại các năm 1990, chúng ta sẽ thấy: với Mẹ Têrêxa và Jerry các Falwell. Người ta không thích những người phán xét và đói khát quyền lực, cho dù họ theo tôn giáo nào đi nữa. Hầu hết mọi người không ưa các Kitô hữu hợm hĩnh chỉ vì họ là kẻ hợm hĩnh, chứ không phải vì họ là Kitô hữu.  (Theo một khảo sát năm 2013 của Barna, khoảng 51% những người tự nhận mình là Kitô hữu bị người ta xem là có những thái độ và hành động kiểu “bè Pharisiêu giả hình” đi ngược lại với “tinh thần nên giống Chúa Kitô”.)

Nhưng việc hiểu sai động cơ khiến xã hội chối bỏ một vài Kitô hữu, lại có lợi cho những người cứ chăm chăm vào vấn đề này. Cái kiểu lúc nào cũng nói rằng “tất cả mọi người ghét Kitô hữu”, lối suy diễn này cho phép người ta biến mình thành nạn nhân, xem những người khác là quái vật, kích động nỗi sợ, và thu được cả đống tiền.

Tất nhiên có một số người theo chủ nghĩa thế tục và người vô thần, họ khinh miệt các Kitô hữu chỉ vì một lý do duy nhất, họ là Kitô hữu. Nhưng bè lũ chống báng kiểu Richard Dawkins là những ngoại lệ. Tầm đại chúng đến lúc này của giáo hoàng, đã chứng tỏ rằng trong tâm thức của đa số mọi người không có sự thù ghét vô lý cố hữu đối với đức tin Kitô giáo.

Nhận ra sự phức tạp trong văn hóa này sẽ cho những người nhận mình là Kitô hữu cơ hội để suy tư lại vì sao mình thực sự bị chống đối trong một số mảng xã hội. Và có đáng bị như vậy hay không? Sự chống đối nào có thể xem là khinh khi vô lý và cái nào là khinh thường hợp lý đối với một khiếm khuyết nào đó trong đức tin? Khi nào sự căng thẳng xã hội này là kết quả tất yếu của việc tuyên xưng lời ngôn sứ và khi nào là  cái giá đau lòng mà đáng ra chúng ta không nhất thiết phải trả?

Đáng ra, các Kitô hữu Mỹ nên đặt ra những câu hỏi này thường xuyên hơn, nhưng hầu hết mọi người lại không làm vậy. Nuốt ngấu nghiến một luận điệu đơn giản thì dễ dàng hơn nhiều so với việc suy ngẫm về tính phức tạp của tình hình thực tế. Nhưng sống một đời sống đức tin thì cần phải biết suy ngẫm hiện thực.

J.B. Thái Hòa dịch