Fatima: Khi lòng mộ đạo bình dân bắt gặp Lịch sử

766

Fatima: Khi lòng mộ đạo bình dân bắt gặp Lịch sửRước nến tại Fatima

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2017-05-05

Một trăm năm sau ngày Đức Mẹ hiện ra, Đức Phanxicô đến đền thánh Fatima, nước Bồ Đào Nha để phong thánh cho hai trong ba em bé mục đồng đã thấy Đức Mẹ hiện ra. Fatima là nơi thu hút khách hành hương trên toàn thế giới, mà sứ điệp Fatima ngày nay vẫn còn là đề tài của nhiều cuộc tranh cãi.

Có nhiều lý do để đến Fatima. Thắp cây đèn cầy để xin Đức Mẹ che chở ở nơi mà các ngọn nến thắp suốt ngày đêm, đến mức mà sáp chảy đọng lại thành vòng rộng cả trăm mét. Đối với một vài người bệnh và thân nhân của họ, ngọn nến tượng trưng cho một phần cơ thể họ, thắp vào đây là hòa với các tràng chuỗi, các tượng nhỏ mang hình ảnh các cánh tay, đôi chân, ngực, thận, ruột, quả tim… Đến để lần một tràng chuỗi ở nhà nguyện nơi Đức Mẹ hiện ra. Trở lại với đời sống bí tích, đi xưng tội ở nhà nguyện giải hòa, nơi có bản điện tử niêm yết như bản niêm yết lộ trình ở nhà ga, tòa giải tội nào trống và ngôn ngữ nào ở tòa giải tội đó. Xa xa đó vài mét là nơi chầu Mình Thánh Chúa. Hoặc đơn giản là đến đây như một du khách.

Người Bồ Đào Nha thấm nhuần lòng mộ đạo bình dân, đối với họ, Fatima là truyền thống gia đình. Đó là trường hợp của người tài xế taxi, anh còn nhớ rõ kỷ niệm Fatima cách đây 20 năm khi anh còn nhỏ. Anh chỉ cho thấy con đường bằng đá hoa nhẵn bóng vì vết quỳ của những người ăn năn hối lỗi đã quỳ chầm chậm trên hàng chục mét, lặp lại hình ảnh của một trong các em đã thấy Đức Mẹ hiện ra, Lucia đã cầu nguyện cho mẹ của mình khi đó bà đang bị đau: “Khi còn nhỏ, tôi thấy một bà quỳ gối, hai tay bồng hai đứa con… Vào thời đó con đường này tráng bằng dầu hắc, chứ không bằng đá nhẵn như bây giờ. Hai đầu gối bà rướm máu”. Cách đây vài năm, đền thánh dọn dẹp lại nơi chốn để trách các hình thức sùng bái quá độ.

Tuy nhiên quỳ từng bước dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt vẫn là rất mệt, và luôn là điều bí ẩn khi thấy họ từng bước quỳ, nhưng đến khi đứng dậy thì nụ cười trên môi như người phụ nữ trẻ lịch sử, mặc quần vét đen: “Tôi từ Cap-Vert (vùng đảo ở Senegal) đến đây để cầu nguyện cho hòa bình. Đây là lần thứ nhì tôi đến đây. Tôi cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cho các gia đình được bình an. Lòng tôi cảm thấy hân hoan, tôi cảm thấy thanh thản, tất cả các xúc động này thật không thể nào diễn tả nên lời được”.

Sứ điệp bị chính trị hóa

Đối với các người khác, như cặp vợ chồng Pháp đến từ Auvergne, động lực của họ vừa là du lịch, vừa suy nghĩ: “Chúng tôi đi một chuyến du lịch và nhân tiện qua vùng này, chúng tôi nghĩ mình không thể không đến đây”, người đàn ông nói, anh mặc áo jean, mang mắt kiếng che nắng, trông rất bình thản, anh cho biết, anh rất nhạy cảm với di sản của kitô giáo, các nhà thờ kiểu gôtic và đặc biệt anh không thích những gì là “tín lý, giáo điều”. Sau đó anh nói thêm: “Có thể tôi sẽ làm cho bà bị sốc vì bà là ký giả, chúng tôi ở đây cũng là để cự lại với hồi giáo, để bảo vệ văn hóa kitô giáo”. Một người khác ngồi trên bờ tường, anh cũng nói tiếng Pháp, anh bật dậy khi nghe câu đó và tuyên bố: “Chúng ta chỉ duy nhất có một Mẹ, đó là Mẹ Thiên Chúa”, rồi anh đi về nhà nguyện để cầu nguyện.

Nếu khách hành hương đến đây để cầu nguyện cho hòa bình, thì các tư tưởng khác nhau cũng không phải là không có ở đây. Lý do, vấn đề chính trị hóa sứ điệp Fatima của một vài người, và chuyện này không phải là mới. Để hiểu vấn đề này phải đi trở lại từ nguồn gốc, ngày 13 tháng 7-1917, ngày ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giacinta thấy Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba khi các em đang chăn cừu.  Trong lần hiện ra này, ba em được Đức Mẹ dặn không được loan sứ điệp này ra ngay lập tức.

Rất nhanh chóng, các lần hiện ra được một nhóm bảo thủ trong hàng giáo sĩ và giáo dân kiểm soát theo kiểu “sùng bái Đức Mẹ cực hữu”.

Bí mật gồm ba chuyện, mà hai đã được tiết lộ năm 1941, chuyện thứ ba được tiết lộ năm 2000. Năm 1941, nước Bồ Đào Nha tránh được nội chiến và chế độ cộng sản, nước Tây Ban Nha lâm vào cảnh nội chiến dưới thời Franco. Việc tiết lộ chuyện Đức Mẹ xin “dâng nước Nga” cho trái tim vô nhiễm của Mẹ, đã phải đặt vấn đề xem lại hai chuyện bí mật đầu tiên dưới ánh sáng của Lịch sử, như sử gia Joachim Bouflet, chuyên gia về thần nghiệm bình dân giải thích trong quyển sách Fatima 1917-2017 (Cerf, 2017) của ông: “Rất nhanh chóng, các lần hiện ra được một nhóm bảo thủ trong hàng giáo sĩ và giáo dân kiểm soát theo kiểu “sùng bái Đức Mẹ cực hữu” nhằm làm thất bại mọi manh nha của các đảng hay các chế độ thân tả, trong đó nước Nga – sau đó là Liên bang Xô-viết – là biểu tượng và là ngọn cờ đầu, nhưng cũng ngay cả trong chính Giáo hội, mọi cố gắng cải cách,  đặc biệt là cải cách được Công đồng Vatican II đưa ra”.

Các áp lực của hàng giáo sĩ xen vào vấn đề rắc rối chính trị. Năm 1963, đang giữa cuộc chiến tranh lạnh và sau kỳ họp Công đồng thứ nhì, một bài của báo Đức Neues Europa cho rằng bí mật thứ ba của Fatima là “giả”, tác giả xác nhận Đức Gioan-Phaolô II đã chuyển tin này cho Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Chủ tịch Xô-viết Nikita Khroutchev. Vào thời đó, bí mật thứ ba chưa được tiết lộ. Như thế, tin “giả” của năm 1963 gán cho Đức Mẹ là để cảnh cáo một “cơn khủng hoảng trầm trọng” đe dọa Giáo hội với tông điệu có tính cách ngôn sử giả.

Từ đó sử gia Joachim Bouflet viết: “Rất nhiều tác giả và ngay cả tín hữu, cả cho đến bây giờ, dù cho rằng bài báo của Neues Europa là không xác thực, nhưng họ cũng bị thuyết phục bài báo này chứa đựng một phần nào sự thật”. Những người này thấy trong công đồng một “nhóm satan đã được Bí Mật tiết lộ”, mà theo thời gian, xác quyết này được củng cố vì sự trễ nải của Vatican trong việc tiết lộ bí mật thứ ba của sứ điệp Mẹ Fatima, điều này giải thích phần nào sự mến chuộng Fatima của các nhóm bảo thủ.

Khách hành hương đi tìm sự thật

Tuy nhiên chỉ có một thiểu số nghi ngờ chuyện này. Đa số khách hành hương quan tâm đến câu chuyện của ba trẻ mục đồng và đi theo vết chân của họ, họ tìm trong khung cảnh này dấu vết của sáu lần Đức Mẹ hiện ra năm 1917. Như ông cụ lớn tuổi “được rửa tội trong cùng nhà thờ với nhà thờ của xơ Lucia”, ông ngồi ở ngã ba đường, ông chỉ cho ai muốn xem một cây thánh giá tự nhiên nảy sinh từ lớp võ cây ô-liu già ở chặng thứ mười, ông nói: “Thật lạ lùng, đó là bàn tay của Chúa”. Những người khác thì không tin mấy ở chuyện siêu nhiên của đức tin, nhưng họ đi hơi lạc hướng như thử họ muốn dò dẫm tìm một sự thật nào đó.

Còn bạn, bạn có đức tin không? Có đức tin là gì? Có thể đó là cảm nhận mình không đơn độc.

Đó là trường hợp ông Jorge, ông ngoài sáu mươi và vừa về hưu. Cách đây ba tháng, ông lên đường sau khi ông cảm thấy như có một cơn choáng hiện sinh xuất hiện trong đời mình: “Tôi không còn thấy ý nghĩa cho đời sống của tôi. Tôi có nhiều thì giờ trước mặt, nhưng tôi không biết làm gì với nó. Tôi lên xe, tôi bắt đầu lái nhưng không biết lái đi đâu. Trên đường đi, tôi gọi một người bạn và tôi đến ở nhà anh vài ngày. Rồi tôi lại tiếp tục lên đường”. Từ đó, tôi “lái”, chữ ông dùng. Sau khi đi ra khỏi căn nhà nhỏ bằng đá và đất của xơ Lucia, nơi các du khách chụp hình liên tu bất tận từng chi tiết của căn nhà, ông hỏi: “Tôi không biết tôi có tin không. Còn bà, bà có đức tin không? Có đức tin là gì? Có thể đó là cảm nhận mình không đơn độc. Nếu vậy thì tôi có đức tin”. Ở Fatima, ông gọi về cho vợ. Ông vừa cười vừa nói: “Sự khởi đầu của bình an”. Ông có đi về sớm không? Ông lảng tránh: “Thật khó để đi về khi mình đã ra đi. Có thể tôi sẽ tiếp tục đi tìm? Nhưng có thể nào mình không bao giờ kết thúc việc đi tìm không?”.

Không phải ai cũng bị dày vò, dù ai cũng đi tìm “một cái gì”. Cô Sandra là tâm lý gia trong nhà tĩnh tâm gần đó, khi cần suy nghĩ về đời mình hay khi ở trong một tình trạng khó khăn, cô thường hay đi bộ trên con đường của các mục đồng. Cô cho biết: “Có người đến Fatima vì các em bé mục đồng. Phần tôi thì tôi thích Đức Mẹ. Vì sao Đức Mẹ chọn các em bé để gởi gắm sứ điệp của mình? Với các em bé này? Tôi luôn đặt câu hỏi này”.

Cô vừa nói vừa tiếp tục đi: “Các em bé Fatima không hề lung lay, các em không nhượng bộ trước các áp lực chính trị, chắc chắn vì các em là trẻ con, các em hơn người lớn vì các em biết cự lại với các áp lực: Sự tinh tuyền của các em làm các em vững mạnh, các em không nhường bước trước sự thật. Tôi nghĩ trong cách Đức Mẹ nói với các em về tội, cầu nguyện cho các người phạm tội được cứu rỗi, Đức Mẹ đã chất vấn thế gian về sự vững mạnh đức tin của họ, một cách nào đó là bắt họ đặt lại vấn đề”. Người ta nói, vào thời Đức Mẹ hiện ra, chính quyền tỉnh bang địa phương còn bắt các em, bỏ tù và đe dọa vứt các em vào vạc dầu sôi để các em nói mình đã nói dối. Vô ích. Các em còn làm cho các tù nhân cầu nguyện và về lại với gia đình…

Thị kiến hỏa ngục

Câu chuyện của ba em có một điều tận căn mà một trăm năm sau vẫn còn làm nhiều người kinh ngạc. Hàng ngày có cả ngàn khách hành hương đến viếng mộ ba em ở đền thánh. Trước căn nhà của gia đình Lucia và nhà của gia đình Phanxicô và Giacinta là hàng chuỗi dài khách hành hương sắp hàng để vào viếng.

Kín đáo, ngồi dưới cánh cửa, người cháu gái của nữ tu Lucia vừa nghe radio vừa lần chuỗi, thỉnh thoảng bà nhận ý chỉ cầu nguyện của khách hành hương. Những người này dừng trước chiếc giường trên đó em Phanxicô đã chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha khi em 11 tuổi, em dâng đau đớn của mình để cho những người tội lỗi được cứu rỗi, và giường của em gái Giacinta, em hấp hối một mình ở bệnh viện Lisbon, em qua đời lúc em 9 tuổi. Cả hai bị chấn động mạnh khi có thị kiến thấy hỏa ngục và từ đó các em ngày càng hy sinh để cứu các linh hồn ở luyện ngục, chẳng hạn hy sinh phần ăn  ít ỏi của mình cho những người nghèo nhất làng, sau này thì chịu đựng đau đớn khi bị bệnh mà không hề than van, trong sự tin chắc nhờ vậy sẽ an ủi được Chúa Kitô vì tội lỗi của trần gian.

Thiên Chúa để chúng ta tự do chọn lựa tình yêu. Địa ngục là từ chối tình yêu.

Theo ông Pedro Valinho, giám đốc phụ trách khách hành hương ở đền thánh thì: “Lòng thương xót là chìa khóa để hiểu Fatima và ba bí mật. Và đó cũng là chìa khóa của triều giáo hoàng của Đức Phanxicô mà chúng tôi đang sốt ruột chờ ngài đến thăm. Chúa đặt chúng ta đứng trước chọn lựa tự do giữa sự sống và cái chết. Và đó cũng có cùng ý nghĩa với thị kiến hỏa ngục của ba em: Thiên Chúa để chúng ta tự do chọn lựa tình yêu. Địa ngục là từ chối tình yêu”.

Các bí mật của Fatima

Đức Mẹ tiết lộ các bí mật cho các em ở Fatima mà bí mật cuối đã được Bộ Tín lý Đức tin công bố năm 2000 dưới triều Đức Gioan-Phaolô II gồm ba phần do nữ tu Lucia biên soạn. Hai bí mật đầu đã được công bố từ năm 1941, bí mật thứ ba để trong bì thư dán kín được đưa vào Tài liệu lưu trữ mật của Tòa Thánh ngày 4 tháng 4 năm 1957. Sau khi bị ám sát hụt ngày 13 tháng 5 năm 1981 ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Gioan-Phaolô II hỏi đến bì thư này và đã công bố bí mật này vài năm sau đó.

Phần đầu của “bí mật” là thị kiến về hỏa ngục, bắt đầu bằng câu: “Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa, có vẻ như ở dưới lòng đất, và chìm trong biển lửa này là ma quỷ và các linh hồn, như thử họ là than hồng cháy trong suốt, đã cháy đen hoặc cháy nâu với hình dạng con người”. Bí mật thứ hai là lời Đức Mẹ xin: “Các con đã thấy hỏa ngục nơi các linh hồn tội lỗi khốn khổ ở. Để cứu họ, Chúa muốn thiết lập ở thế gian này lòng tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm của ta. Nếu họ làm như những gì Mẹ nói với các con thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Nhưng nếu thế gian tiếp tục xúc phạm Chúa, thì dười triều giáo hoàng Piô XI sẽ bắt đầu có một tai ương khác còn tệ hơn.” Sau đó là lời xin dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Năm 1983, Đức Gioan-Phaolô II đã dâng hiến nhưng không nói rõ đó là nước Nga vì điều này về mặt ngoại giao là không thể được, nhưng ngài đã làm một cách âm thầm. Bí mật cuối cùng đã đánh động Đức Gioan-Phaolô II sau khi ngài bị ám sát hụt, một thị kiến phức tạp với một giám mục mặc áo trắng mà Lucia cho biết mình cảm thấy đó là Đức Giáo hoàng, lảo đảo đi qua một thành phố đổ nát, cầu nguyện cho các linh hồn và người chết, và đi lên một ngọn núi cao, ở đó có cây thập giá cao bằng gỗ thô, trước ki bị một nhóm lính cầm súng và mũi tên giết.

Đức Phanxicô ở Fatima

Từ thời Giáo hoàng Piô XI, mỗi giáo hoàng đều mang hòn đá của mình đến tòa nhà Fatima. Đức Phanxicô sẽ mang hòn đá nào đến? Như chúng ta biết, ngài rất kính mến Đức Mẹ, ngài đã làm cho người dân Argentina cùng kính mến Đức Bà Tháo Gỡ Nút Thắt và đã lấy lòng thương xót làm trụ chính cho triều giáo hoàng của mình, người dân Bồ Đào Nha đặc biệt chờ đợi ngài. Trong một buổi tiếp kiến chung, ngài đã tuyên bố: “Đức Mẹ Fatima xin chúng ta đừng bao giờ xúc phạm đến Chúa nữa. Mẹ đã báo cho nhân loại biết sự cần thiết, mỗi người phải từ bỏ mình để đến với Chúa, Đấng nguồn cội của tình yêu và của lòng thương xót”. Trong chuyến đi của mình, ngài sẽ ở lại đền thánh hai ngày, 12 và 13 tháng 5, ngài sẽ phong thánh cho hai em Phanxicô và Giacinta Marto. Một triệu tín hữu đến Fatima chờ để đón tiếp ngài trong dịp này.

Marta An Nguyễn dịch