fr.aleteia.org, Xavier Le Normand, 2017-04-19
Gần chuyến đi của của Đức Phanxicô đến Ai Cập ngày 28 và 29 tháng 4-2017, hãng tin I.MEDIA đã có cuộc phỏng vấn Linh mục Rafic Greiche, phát ngôn viên Giáo hội công giáo Cốp ở Ai Cập về các vụ tấn công và bối cảnh của chuyến đi lịch sử này.
I.MEDIA: Đâu là các thách đố cho chuyến đi của Đức Phanxicô đến Ai Cập ngày 28 và 29 tháng 4 sắp tới?
Linh mục Rafic Greiche: Trước hai vụ tấn công vào hai nhà thờ ở Tanta và ở Alexandria ngày chúa nhật Lễ Lá, mục đích của chuyến đi này của Đức Phanxicô là để gặp Thượng phụ Tawadros II, Đại giáo sĩ Al-Tayeb, Tổng thống Al-Sissi và Giáo hội công giáo. Nhưng sau hai vụ tấn công này, chuyến đi mang một bối cảnh khác: chính Đức Phanxicô quyết định duy trì chuyến đi, có nghĩa là ngài không ngần ngại trước các vụ nổ bom. Chúng tôi thấy đây là một giáo hoàng dũng cảm, đoàn kết với dân chúng và Giáo hội ở Ai Cập. Đặc biệt với các tín hữu Cốp và với người Ai Cập.
Vì thế chúng tôi mong chờ một sứ điệp hòa bình và đoàn kết và một sứ điệp của hy vọng. Chuyến đi của Đức Giáo hoàng cực kỳ quan trọng cho đất nước Ai Cập và cho Giáo hội. Còn về phía Ai Cập, Ai Cập phải chứng tỏ mình vẫn tiếp tục là chính mình dù bị tấn công.
Đức Phanxicô đến Ai Cập 17 năm sau khi Đức Gioan-Phaolô II đến, theo cha từ đó đến nay đã có những tiến triển nào?
Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều thay đổi trong não trạng của những người không phải là tín hữu kitô ở Ai Cập. Đặc biệt là sau khi các tín hữu kitô là một lực lượng cực kỳ quan trọng trong cuộc cách mạng ngày 30 tháng 6 năm 2013, để lật đổ chính quyền hồi giáo của tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Huynh đệ hồi giáo. Từ đó, các tín hữu kitô được nhìn nhận, dù nạn khủng bố vẫn tiếp tục. Chính vì vậy mà quân khủng bố tấn công các tín hữu kitô, vì sự tương trợ của họ với cuộc cách mạng ngày 30 tháng 6.
Sau hai vụ nổ bom ở hai nhà thờ Tanta và Alexandrie ngày chúa nhật Lễ Lá 9 tháng 4, các người hồi giáo đến chia buồn với chúng tôi, họ tham dự vào các tang lễ và nói “đó không phải là hồi giáo”. Chúng tôi thấy đây là một sự thay đổi rất tích cực. Trước đây, người hồi giáo rất e dè đối với tín hữu kitô vì nội dung các bài giảng có tính cách cực đoan của tổ chức Huynh đệ hồi giáo trong các nguyện đường. Bây giờ sự dè chừng với tín hữu kitô đã không còn.
Giáo hội công giáo Cốp có cảm thấy mình bị bỏ quên bên cạnh các người chính thống không?
Ở Ai Cập có bảy Giáo hội công giáo Đông phương: người công giáo Cốp chiếm đa số, sau đó là người melkit, người maronit, người assyria, người Chalđê, người Armenia và người la-tinh đông phương. Tất cả các người công giáo này chỉ chiếm khoảng 300 000 trong biển đại dương của 17 đến 18 triệu người Cốp chính thống và phần còn lại của dân chúng là người hồi giáo. Đây là đàn chiên nhỏ mà Chúa Giêsu nói đến. Giáo hội công giáo có mặt trong nhiều lãnh vực: trường học, các tổ chức từ thiện, các tổ chức lo cho người trẻ. Chúng tôi cũng có các chủng viện.
Nhưng chúng tôi không thể nói người công giáo bị cô lập hay bị bỏ quên bởi Vatican hay bởi Đức Giáo hoàng. Khi Đức Giáo hoàng đến với chúng tôi, đó là dấu hiệu đặc biệt của tình yêu.
Đâu là các mong chờ của tín hữu kitô đối với Tổng thống Al-Sissi và Đại giáo sĩ El-Tayeb?
Tổng thống Al-Sissi đã nhiều lần tuyên bố, ông thương tín hữu kitô và muốn các tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo được đối xử bằng nhau.
Còn đối với đại giáo sĩ, gần đây đại giáo sĩ đã gặp Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về đối thoại liên tôn. Có thể các trao đổi này chưa mang lại kết quả đầu hôm sớm mai, nhưng đó cũng đã là một đối thoại xây dựng giữa hai bên.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch