Khi Đức Phanxicô trả lời các chỉ trích của một ký giả 

339

Aleteia, Esteban Pittaro, 20-04-2015

Élisabeth de Lavigne chuyển từ tiếng Tây Ban Nha

Đức Phanxicô với các nhà báo trong buổi phỏng vấn không giới hạn sau một chuyến công du. Đây là một thông lệ đặc biệt trong triều giáo hoàng của ngài.
Đức Phanxicô với các nhà báo trong buổi phỏng vấn không giới hạn sau một chuyến công du. Đây là một thông lệ đặc biệt trong triều giáo hoàng của ngài.

Alfredo Leuco đã viết một bức thư ngỏ cho Đức Phanxicô, trong đó ông chỉ trích ngài đã đồng ý tiếp Nữ tổng thống Argentina, bà Cristina Kirchner trong khuôn khổ vận động tranh cử của bà.

Trong khi chuẩn bị mừng sinh nhật 60 của mình ở San Pedro, thuộc bang Buenos Aires, Argentina thì ông Alfredo Leuco nhận tin nhắn của Tòa Thánh ở Rôma qua WhatsApp. Đức ông Guillermo Karcher, cũng người Argentina, thư ký của ban nghi lễ Vatican và là người thân cận của Đức Phanxicô xin địa chỉ e-mail của ông và cho biết Đức Phanxicô đã đọc thư ngỏ của ông. Trong thư này, ông Leuco bày tỏ sự bất đồng ý của mình, sự bất đồng ý này cũng được nhiều ký giả khác chia sẻ và theo ông, đó cũng là ý kiến chung của dân chúng vì Đức giáo hoàng sắp tiếp kiến riêng nữ tổng thống Cristina Kirchner, lần này trong khuôn khổ của một cuộc vận động tranh cử.

Vài phút sau, ký giả Leuco thấy trên máy của mình có một tin nhắn nhưng ông không nghe rõ. Lời nói đầu của tin nhắn là “cha Bergoglio, Phanxicô” cám ơn ông đã gởi thơ. Một vài giờ sau, điện thoại lại reo và hai người nói chuyện với nhau. Trong chương trình Radio Mitre Tiene “La Palabra” (Bạn Có Lời Nói) của ông cũng như trong chương trình do con trai ông là Diego, cũng là ký giả đã tiết lộ một vài chi tiết của cuộc nói chuyện đã làm cho ký giả Leuco sững sờ.

Bức thư của ký giả Leuco

Bức thư dài của ký giả Leuco, đầu tiên đăng ở trang lời của tòa soạn ngày thứ năm 9 tháng 4, đã nhanh chóng gây tranh luận trên các trang mạng xã hội, ký giả Leuco đã viết như sau:

“Tôi không phải là người có đạo nhưng tôi ngưỡng mộ những người có đạo. Tôi tin ở ngài và các giá trị của ngài; trong tinh thần thanh đạm của Thánh Phanxicô, trong việc ngài bảo vệ những người yếu đuối nhất, những người nghèo nhất, trong cách ngài sống cũng như ngài suy nghĩ, trong cố gắng kiến tạo hòa bình trên thế giới và trong tình huynh đệ giữa các tôn giáo của ngài”. Các lời của ký giả Leuco rất chân thành vì trong nghề nghiệp, ông không có những lời khen suông đối với Giáo hội, cũng như các đồng nghiệp ký giả danh tiếng khác của ông.

“Ngài thú nhận ngài là kẻ có tội. Ngài biết ngài không phải là Chúa và như thế ngài không hoàn hảo. Điều này làm cho tôi có can đảm viết thư cho ngài để bày tỏ sự không đồng ý rất khiêm tốn của tôi về việc ngài sẽ tiếp bà Cristina Fernández de Kirchner lần thứ năm. Tôi là ký giả, tôi đi tìm sự thật dù có thể tôi sẽ không bao giờ tìm thấy, nhưng sứ vụ của tôi trong đời sống là báo cáo lại cái gì xảy ra hay những gì tôi nghĩ là nó sẽ xảy ra và những gì tôi suy nghĩ về các sự việc. Ngài sẽ biện minh cho một cuộc tiếp kiến táo bạo như vậy, nhưng ở đây, nơi tận cùng thế giới và chúng tôi rất thực tế, tôi xin nói với ngài, đa số người Argentina không đồng ý, bất bình và thất vọng về cuộc tiếp kiến mới mà ngài dành cho bà Cristina Kirchner vào ngày 7 tháng 6 này.”

Không hung hăng và theo một giọng viết mà Đức Phanxicô cũng đã nêu ra trong cuộc điện thoại, ký giả Leuco tiếp tục: “Xin Đức Phanxicô cho phép tôi nói: ngài yêu cầu có bàn tay sạch, có móng tay ngắn, có đạo đức trong chính quyền và chính quyền này là chính quyền tham nhũng nhất trong lịch sử nước  Argentina. Ngài nói đến việc giúp người nghèo và chính quyền này là chính quyền quên lo cho người nghèo. Ngài khuyến khích con đường gặp gỡ, con đường đối thoại và chính quyền này là chính quyền gây hận thù”.

Câu trả lời của Đức giáo hoàng

Thật ra bức thư dài hơn bản tóm tắt và nhanh chóng được lan truyền qua đài phát thanh, qua báo giấy và hai ngày sau đến tay Đức giáo hoàng. Ký giả Leuco kể lại, trong cuộc nói chuyện, Đức Phanxicô đã cám ơn ông vì sự tôn trọng và lòng chân thành mà ông đã viết trong thư. Đức Phanxicô xin ông Leuco nói cho ngài biết ông nghĩ gì dù ông đang xúc động. Cũng thời gian đó, hàng ngàn tài khoản Twitter của phe thân chính quyền đã tấn cộng ký giả Leuco. Nhưng thái độ của Đức Phanxicô đứng trước sự tôn trọng của ký giả là một thái độ khác.

Trong một e-mail ký giả Leuco nhận được vài giờ sau, Đức Phanxicô đã viết cho ông:

“Tôi đã nhận thư ông viết ngày 9 tháng 4 vừa qua và tôi xin hết lòng cám ơn ông. (…) Giọng thư bình thản chứng tỏ ông muốn nói chuyện và các bất đồng ý được diễn tả trong hòa bình, một cách trôi chảy. Không có một lời nói nào tỏ ra hung hăng hay quá mạnh. Và thái độ này là thái độ xây dựng, kết hiệp và tích cực. Cám ơn, cám ơn rất nhiều”. Và Đức Phanxicô đã chia sẻ một suy nghĩ: “Tôi xin nói ra một thổ lộ. Khi đọc xong thư của ông, một ý nghĩ đến trong đầu tôi, đó là một câu trong Tám mối Phước thật của thánh Matêô: “Phúc cho những kẻ hiền lành vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5, 4). Hiền lành là thái độ liên kết chặt chẽ với lòng kiên nhẫn, với lắng nghe mà đôi lúc theo tâm thức tập thể đã bị nhầm lẫn với tính nhút nhát. Nhưng không phải vậy: trên thực tế, hiền lành là đức tính của những người mạnh. Xin cám ơn một lần nữa”.

Và như thường lệ, Đức Phanxicô kết thúc bức thư bằng câu xin cầu nguyện cho ngài. Rất cảm động, ký giả Leuco là người Do Thái đã thú nhận trên chương trình của ông, ông cảm thấy xấu hổ vì ông không biết cầu nguyện, nhưng ông sẽ hỏi hai người bạn giáo sĩ của ông để học cách cầu nguyện.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch