Trong hành trình Kitô, không được thỏa hiệp sự thật, nhưng một Kitô hữu phải công chính trong lòng thương xót, như Chúa Giêsu đã dạy. Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ sáu 24-02 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
““Một người chồng bỏ vợ mình có hợp luật không?” Đây là câu hỏi mà các luật sĩ đã đặt ra với Chúa Giêsu. Họ hỏi một câu để thử Chúa. Chúa Giêsu không trả lời rằng chuyện đó hợp luật hay không. Ngài đi vào cái lập luận ngụy biện của họ. Bởi họ nghĩ về đức tin theo kiểu, “Có thể” và “Không thể” họ nghĩ về những giới hạn việc mình được làm hay không được làm. Đó là lập luận ngụy biện.
Và Chúa Giêsu đã hỏi lại họ: “Nhưng ông Moses đã dạy các ông những gì? Trong luật của các ông nói gì?” Và họ giải thích sự miễn trừ mà ông Moses đã cho để họ bỏ vợ, và thế là họ rơi vào cái bẫy của chính mình. Chúa Giêsu thấy họ là những tâm hồn chai đá. “Vì lòng các ngươi chai đá nên ông Moses mới viết cho các ngươi luật như thế.” Và Chúa Giêsu nói đúng. Không được ngụy biện. Không được miễn thứ. Chỉ có sự thật mà thôi.
Nhưng nếu đây là sự thật, và nếu tội ngoại tình là vấn đề nghiêm trọng, thì làm sao giải thích chuyện Chúa Giêsu nhiều lần nói chuyện với dân ngoại, nói chuyện với người phạm tội ngoại tình. Ngài còn nói với người phụ nữ ngoại tình. “Ta không kết án con. Đừng phạm tội nữa.” Làm sao chúng ta giải thích được chuyện này.
Con đường của Chúa Giêsu là con đường sự thật và thương xót. Chúa Giêsu không chấp nhận ngụy biện. Chúa Giêsu đã nhiều lần vạch mặt những người muốn thử Ngài, những người suy nghĩ theo kiểu “Chuyện đó được làm,” những người đạo đức giả. Họ còn thao túng giới răn thứ tư, khi nói rằng mình không cần chăm sóc cho cha mẹ vì của cải đã dâng hết cho Giáo hội rồi. Đạo đức giả. Ngụy biện là đạo đức giả. Đó là suy nghĩ đạo đức giả. “Chuyện này được làm, chuyện kia không được làm…” và người ta ngày càng tinh vi, càng dấn vào sự dữ
Con đường của Kitô hữu không được rơi vào lập luận ngụy biện, mà phải đáp lại sự thật với lòng thương xót. Nghĩa là theo mẫu gương của Chúa Giêsu, bởi Chúa Giêsu là hiện thân Lòng thương xót của Chúa Cha, và Ngài không thể chối bỏ chính mình. Ngài không thể chối bỏ chính mình, bởi Ngài là sự thật của Chúa Cha. Ngài không thể chối bỏ chính mình bởi Ngài là Lòng thương xót của Chúa Cha.
Và con đường mà Chúa Giêsu dạy chúng ta theo, là con đường khó áp dụng trước những cám dỗ cuộc đời. Khi cám dỗ mon men vào lòng bạn, thì con đừng theo đuổi sự thật với lòng thương xót thật không dễ dàng gì. Cần có ơn Chúa để chúng ta tiến bước trên con đường này. Và chúng ta phải luôn xin ơn đó. “Lạy Chúa xin cho con nên công chính, nhưng là công chính với lòng thương xót.” Không phải là công chính kiểu ngụy biện. Mà là công chính trong lòng thương xót.
Và có người suy tính theo kiểu ngụy biện sẽ hỏi, “Nhưng điều gì quan trọng hơn? Công chính hay thương xót?” Đây cũng là một suy nghĩ bệnh hoạn, tìm cách trốn tránh. Sự gì quan trọng hơn ư? Đây không phải là hai sự, mà chỉ là một. Trong Thiên Chúa, công chính là thương xót, và thương xót là công chính.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta hiểu được con đường này, một con đường không dễ dàng gì, nhưng là con đường sẽ cho chúng ta hạnh phúc, và cho mọi người được hạnh phúc.”