Nguồn: 30 Days, tháng 11 năm 2007
Bài phỏng vấn Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires do bà Sefania Falasca, ký giả người Ý thực hiện tháng 11 năm 2007.
“Tôi phải về nhà”, ngài lập lại. Không phải là vì ngài không thích bầu khí ở Rôma. Nhưng ngài nhớ Buenos Aires. Giáo phận của ngài. Ngài gọi giáo phận của mình là “Hiền Thê” (Esposa). Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires khi nào cũng viếng thăm Rôma chỉ vài ba ngày. Nhưng lần này cơn đau thần kinh tọa đã buộc ngài phải kéo dài thời gian lưu lại Thành phố Bất diệt này thêm vài ngày để dưỡng bệnh. Hơn nữa, hoàn cảnh thật trớ trêu, ngài đã bỏ lỡ một dịp mà dịp đó là lý do để ngài bay qua đại dương đến đây, đó là buổi gặp gỡ giữa Giáo hoàng và toàn thể hồng y trong Mật nghị.
Nhưng ngài vẫn hướng lòng theo họ. Ngài kể cho chúng tôi biết về Hội nghị Aparecida, nơi ngài có chân trong Ban biên tập văn kiện đúc kết của hội đồng. Ngài giải thích đáng ra ngài sẽ có một bài nói chuyện trong Mật nghị về các đúc kết của Hội nghị. Và ngài phải nói ra theo tinh thần của Hội nghị Aparecida, nhưng sắc sảo và sâu sắc hơn, phải nói sao cho mọi người phải kinh ngạc và lay động.
Thưa đức cha, cha muốn nói về Aparecida tại Mật nghị. Vậy cha xác định Thượng Hội Đồng các Giám mục Châu Mỹ La Tinh lần thứ năm tại Aparecida theo những đặc tính nào?
Bergoglio: Hội nghị Aparecida là thời khắc ân sủng cho Giáo hội Châu Mỹ La Tinh.
Nhưng có không ít bàn luận về văn kiện đúc kết…
Bergoglio: Văn kiện đúc kết, là hành động Huấn quyền của Giáo hội Châu Mỹ La Tinh và không có sự vận động lôi kéo nào, kể cả từ chúng tôi hay từ Tòa Thánh. Có đôi chút chỉnh sửa về phong cách và hình thức, và một số điểm được đưa từ góc nhìn này sang góc nhìn khác. Vì thế, thực chất vẫn là vậy, hoàn toàn không có gì thay đổi. Lý do chúng tôi phải biên tập lại văn kiện là để có một tinh thần cộng tác huynh đệ và chân thực, tôn trọng lẫn nhau, và những điều này đã khắc họa nên thành quả, là một văn kiện tiến tới, chứ không đảo chiều. Để hiểu được bầu khí này, phải nhìn vào ba điểm chính, ba “trụ cột” của Hội nghị Aparecida theo quan điểm của tôi.
Chính xác, điểm chính quan trọng nhất là: tính chất đi từ dưới lên trên, một sự tiến lên. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà Thượng Hội Đồng các Giám mục của chúng tôi không bắt đầu từ một văn kiện nền tảng được soạn sẵn nhưng mở đầu bằng việc đối thoại mở, và đây là một việc đã được khởi xướng trước đó bằng các đối thoại giữa Thượng Hội Đồng các Giám mục Châu Mỹ La Tinh và các Hội đồng Giám mục Quốc gia, và bây giờ tinh thần đối thoại đó vẫn tiếp tục.
Nhưng không phải định hướng của Hội Nghị đã được xác định qua bài diễn văn khai mạc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI rồi hay sao?
Bergoglio: Giáo hoàng đã có những gợi ý chung về các vấn đề của Châu Mỹ La Tinh, và ngài để mở cho chúng tôi: tùy anh em, tùy vào anh em! Đó đúng là phần rất quan trọng của Giáo hoàng. Hội Nghị bắt đầu bằng các phát biểu của 23 chủ tịch của các Hội đồng Giám mục Quốc gia và những đúc kết từ các thảo luận mở về các chủ đề từ các nhóm khác nhau. Giai đoạn biên tập văn kiện cũng mang tính chất mở cho mọi người đóng góp. Khi tập trung các “mẫu” cho lần biên tập thứ hai và thứ ba, có đến 2240 đóng góp được gởi đến! Lập trường của chúng tôi là đón nhận tất cả mọi ý kiến từ bên dưới, từ giáo dân trong Dân Chúa, và đừng có tổng hợp quá, mà phải hòa hợp.
Một nhiệm vụ gay go …
Bergoglio: “Hòa hợp” theo tôi là từ đúng. Trong Giáo hội, hòa hợp là từ dùng để chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một trong các Giáo phụ đã viết rằng Thần Khí tự thân là tinh thần hòa hợp “ipse harmonia est”. Chỉ có Thần Khí vừa làm nên đa dạng vừa làm nên hiệp nhất. Chỉ mình Thần Khí có thể vừa gợi lên sự đa dạng, đa số và đa phương, và vừa làm nên hiệp nhất. Bởi nếu khi chúng ta tự quyết định làm nên sự đa dạng thì chúng ta cũng tạo nên phân ly, còn khi chúng ta quyết định làm nên sự hiệp nhất thì chúng ta nên sự đồng nhất, san bằng. Tại Aparecida, chúng tôi cộng tác trong hành động của Chúa Thánh Thần. Và nếu đọc kỹ văn kiện, sẽ thấy nó mang một suy tư bao quát gồm và hòa hợp. Tinh thần hòa hợp này không tiêu cực, nhưng mang tính sáng tạo vì đó là hành động của Chúa Thánh Thần.
Vậy còn điểm chính thứ hai là gì?
Bergoglio: Đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh triệu tập tại Đền thánh Đức Mẹ. Và tự thân nơi này đã nói lên nhiều ý nghĩa. Sáng nào chúng tôi cũng đọc kinh, cử hành thánh lễ với những người đi hành hương, với các tín hữu. Vào ngày thứ bảy hay chúa nhật, có từ 2000 đến 5000 người tham dự. Cử hành Phép Thánh Thể chung với đoàn dân mang ý nghĩa khác với cử hành thánh lễ chi trong phạm vi các giám mục mà thôi. Làm như thế cho chúng tôi một ý thức sống động rằng mình thuộc về dân của mình, thuộc về Giáo hội khởi đi từ Dân Chúa, và rằng giám mục là người phục vụ cho dân. Hội đồng làm việc tại sảnh đường phía dưới chánh điện. Và từ đó chúng tôi tiếp tục nghe lời cầu nguyện, các bài thánh ca giáo dân hát… Trong văn kiện đúc kết có một điểm nói về lòng mộ đạo bình dân. Đó là những trang thật hay. Và tôi tin rằng, thật ra là tôi chắc chắn rằng, chúng tôi viết được những trang đó chính xác là nhờ đã được lắng nghe thấm nhập những lời kinh trên. Sau Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi), thì đó là những trang hay nhất viết về lòng mộ đạo bình dân. Thật sự, tôi muốn nói văn kiện Aparecida chính là Tông huấn Tin Mừng của Châu Mỹ La Tinh, nó giống y hệt.
Tông huấn Loan báo Tin Mừng là một lời cỗ vũ có tinh thần tông đồ về truyền giáo.
Bergoglio: Chính xác là thế. Có một sự tương đồng gần gũi. Và tôi xin nói qua điểm chính thứ ba: Văn kiện Aparecida tự thân nó không đủ, nó không khép lại, nó không phải là bước cuối cùng, bởi điều mở ra cuối cùng chính là sứ mạng truyền giáo. Chính là việc tuyên xưng và làm chứng của các môn đệ. Để thành tín, chúng ta cần phải đi ra. Để thành tín người ta cần đi ra khỏi mình. Đó chính là ý nghĩa căn bản của văn kiện Aparecida. Đó chính là trái tim cho sứ mạng Kitô hữu.
Cha có thể diễn tả rõ hơn về hình ảnh này.
Bergoglio: Giữ mình thành tín có nghĩa là đi ra ngoài. Chính xác là nếu mình ở trong Thiên Chúa, mình sẽ đi ra khỏi bản thân. Ngược đời thay, vì ai ở lại, chính xác nếu họ thành tín, họ sẽ thay đổi. Đừng thành tín với lời nói suông, như những người theo chủ nghĩa truyền thống hay những người theo trào lưu chính thống cực đoan. Thành tín luôn luôn là một sự thay đổi, một triển nở, một sự lớn lên. Thiên Chúa đem sự thay đổi đến với những ai thành tín với Ngài. Đó chính là giáo lý Công giáo. Thánh Vincent thành Lerin đã có sự so sánh giữa sự sinh trưởng thể lý, sự lớn lên của con người, với Truyền thống “đặt lòng tin” (depositum fidei), từng tuổi một, lớn lên và vững chãi qua thời gian (Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate).
Đây có phải là những gì cha sẽ nói tại Mật nghị?
Bergoglio: Đúng. Tôi sẽ nói về ba điểm chính này.
Ngoài ra không gì nữa?
Bergoglio: Không gì nữa… À không, có lẽ tôi sẽ nói đến hai việc cần kíp trong thời điểm này, rõ ràng là cần kíp hơn, đó là; lòng thương xót và tinh thần tông đồ dũng cảm.
Với cha hai việc này có ý nghĩa gì?
Bergoglio: Với tôi tinh thần tông đồ dũng cảm là gieo giống. Gieo Lời Chúa. Hãy trao nó cho người đáng nhận. Hãy trao cho họ vẻ đẹp của Tin Mừng, sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu… và để Chúa Thánh Thần làm phần việc còn lại. Tin Mừng có nói, chính Thiên Chúa là Đấng cho hạt nảy mầm và sinh hoa trái.
Tóm lại, chính Thần Khí thực hiện sứ mạng truyền giáo.
Bergoglio: Các thần học gia thời xưa đã nói rằng: linh hồn là một dạng thuyền buồm, Thần Khí là ngọn gió thổi vào buồm, đẩy thuyền đi theo lộ trình, xung lực và mãnh lực của cơn gió chính là ơn ban của Chúa Thánh Thần. Không có tác động của Ngài, không có ơn của Ngài, chúng ta không tiến tới được. Thần Khí cho chúng ta đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa và cứu chúng ta khỏi mối nguy trở thành một Giáo hội theo chủ thuyết trực tri và quy về chính mình, qua đó Ngài dẫn dắt chúng ta đến với sứ mạng.
Điều này cũng có nghĩa là tất cả những giải pháp thực tiễn, những kế hoạch thống nhất, và những hệ thống mục vụ của các cha đều là con số không …
Bergoglio: Tôi không nói hệ thống mục vụ là thứ vô dụng. Ngược lại thì đúng hơn. Tự thân mọi sự được lối đi Thiên Chúa dẫn đường đều tốt. Tôi có nói với các linh mục của mình rằng: “Hãy làm tất cả những gì nên làm, các cha biết bổn phận của mình là thừa tác viên, hãy thực thi trách nhiệm và rồi để cánh cửa mở rộng.” Những nhà xã hội học tôn giáo đã cho chúng ta biết rằng tác động của một giáo xứ có tầm bán kính 600 mét. Ở Buenos Aires, mỗi giáo xứ cách nhau khoảng 2000 mét. Vậy nên tôi bảo các linh mục: “Nếu có thể, hãy thuê một nhà để xe (gara), và nếu tìm được một giáo dân thiện chí, đưa anh ta đến đó! Hãy để anh ở đó với người dân, dạy một chút giáo lý căn bản và thậm chí là cho rước lễ nếu cần.” Một linh mục giáo xứ nói với tôi rằng: “Nhưng nếu chúng tôi làm thế thì người dân sẽ không đến nhà thờ.” Tôi hỏi lại: “Nhưng tại sao bây giờ họ có đi lễ hay không?” Cha đó trả lời là “Không.” Vậy đó! Đi ra khỏi bản thân là đi ra khỏi khu vườn rào giậu của những đoan chắc không thể lay chuyển của mình, những đoan chắc ngăn cản người ta mạo hiểm, và nếu người ta khép kín tầm nhìn của mình thì cũng là khép lại cánh cửa với Thiên Chúa.
Điều này cũng đúng với các giáo dân…
Bergoglio: Vấn đề là cách nhìn nhận theo xu hướng giáo quyền hóa của họ. Các linh mục giáo quyền hóa giáo dân, và giáo dân lại xin chúng tôi giáo quyền hóa trên họ… Đây thật sự là một sự tiếp tay đầy tội lỗi. Chỉ cần phép rửa là đủ. Tôi đang nghĩ về những cộng đoàn Kitô hữu ở Nhật Bản, vẫn tồn tại dù không có linh mục suốt hơn 200 năm. Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật, họ thấy giáo dân ở đây đều được rửa tội, tất cả đều kết hôn theo luật Hội thánh, và những người qua đời đều được an táng theo nghi thức Công giáo. Đức tin vẫn nguyên vẹn nhờ ơn sống thánh thiện đã thổi bừng đời sống các giáo dân, những người chỉ có trong mình phép rửa tội và đã sống sứ mạng tông đồ chỉ bằng hiệu lực của phép rửa tội mà thôi. Đừng sợ khi dựa vào sự mềm yếu của mình… Bạn biết đoạn kinh thánh về ngôn sứ Giôna hay không?
Con không nhớ. Con xin cha kể.
Bergoglio: Giôna minh bạch mọi chuyện. Ông có những khái niệm rõ ràng về Thiên Chúa, và rất rõ ràng về thiện và ác. Về những gì Thiên Chúa làm, về ý Chúa, về những ai thành tín với Giao ước và những ai không thành tín với Giao ước. Ông đã có đủ tiêu chuẩn để trở thành một ngôn sứ tốt. Thiên Chúa đến trong đời ông như một dòng thác. Ngài gởi ông đến thành Ninivê. Ninivê biểu tượng cho tất cả những người bị tách ly, những người lạc lối, những người nằm ngoài nhân loại. Ninivê là những người bên ngoài, những người đang ở trong hố tuyệt vọng đơn độc. Giôna nhận ra nhiệm vụ của ông chỉ là đến nói với họ cánh tay Thiên Chúa vẫn mở rộng, rằng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và đợi chờ để chữa lành họ bằng lòng khoan dung của Ngài và nuôi dưỡng họ bằng tình ân cần dịu dàng của Ngài. Thiên Chúa gởi ông đi chỉ vì mục đích đó. Ngài gởi ông đến Ninivê, nhưng ông lại đi theo hướng ngược lại, ông quay về phía Tác-sít.
Chạy trốn khỏi một sứ mạng khó khăn…
Bergoglio: Không. Ông không chạy trốn Ninivê cho bằng chạy trốn tình yêu không biên giới của Thiên Chúa dành cho những người này. Điều này không có trong dự tính của ông. Thiên Chúa đã đến một lần… “và tôi sẽ phải thấy cảnh này mãi”, đó là suy nghĩ của Giôna. Ông muốn làm mọi chuyện theo cách của mình, ông muốn đổi hướng tất cả mọi sự. Tính ngoan cố giam chặt ông trong khuôn khổ giám định riêng của ông, trong các phương pháp ông đã định sẵn, và trong những quan niệm công chính của ông. Ông đã dựng rào chắn tâm hồn ông bằng những sợi dây kẻm gai của các đoan chắc đó thay vì để Thiên Chúa mở ra cho ông một nhãn quan có tinh thần phục vụ hơn đối với mọi người, nhưng chính ông lại bịt đôi tai tâm hồn mình. Một lương tâm cô lập có thể làm chai đá tâm hồn đến thế đó! Giôna không còn biết rằng Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài bằng tấm lòng của Người Cha.
Rất nhiều người trong chúng ta có thể là một Giôna.
Bergoglio: Những xác quyết của chúng ta có thể trở thành các bức tường, thành nhà tù giam hãm Thần Khí. Những ai cô lập lương tâm mình khỏi con đường của Dân Chúa, họ không biết được niềm vui của Thần Khí nâng đỡ đức cậy. Đó là mối nguy từ một lương tâm bị cô lập. Những người sống trong thế giới khép kín, sống trong thành Tác-sít của mình, họ phàn nàn về mọi thứ, hoặc họ cảm thấy căn tính của mình đang bị đe dọa, họ lao mình vào những cuộc chiến mà cuối cùng lại càng vị kỷ và quy kỷ hơn mà thôi.
Vậy chúng ta phải làm gì?
Bergoglio: Hãy nhìn dân của mình không phải theo những gì họ nên mà theo những gì họ là, và những gì cần phải thế. Đừng thành kiến, đừng công thức mà hãy mở lòng quảng đại. Thiên Chúa lên tiếng vì những thương tích và yếu đuối. Hãy để Thiên Chúa lên tiếng… Trong một thế giới mà chúng ta không làm sao để giáo dân chú tâm vào những gì chúng ta nói, thì chỉ có sự hiện diện của Ngài, Đấng yêu thương chúng ta, cứu rỗi chúng ta, chỉ có sự hiện diện của Ngài mới gây được sự chú ý. Lòng nhiệt thành tông đồ tự làm mới mình để làm chứng cho Ngài, Đấng đã yêu thương chúng ta từ khởi thủy.
Vậy, với cha, đâu là điều xấu nhất có thể xảy ra với Giáo hội?
Bergoglio: Đó là điều mà thần học gia De Lubac gọi là “sự trần tục tâm linh”. Đó là mối nguy lớn nhất đối với Giáo hội, đối với chúng ta những người trong Giáo hội. De Lubac đã nói rằng, “còn tệ hơn, thảm họa hơn thứ bệnh hủi đã làm méo mó hình ảnh của Tân nương yêu dấu, là Giáo hội, vào thời các giáo chủ phóng đãng”. Sự trần tục tâm linh đặt con người làm tâm điểm của chính mình. Đó chính là những gì mà Chúa Giêsu đã nói về người Pharisiêu: “… Các ngươi tán dương mình. Các ngươi tự tán dương mình, kẻ này đến kẻ khác”.
J.B. Thái Hòa dịch
Hình: Đức Bênêđictô XVI với Hồng y Jorge Mario Bergoglio ở Thượng Hội Đồng các Giám mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê lần thứ V, tại Đền thánh Nossa Senhora da Conceição Aparecida, Brazil, ngày 13 tháng 5 năm 2007.