Phía sau việc Đóng cửa các nhà thờ ở New York

1360

Cha Rutler bàn về các thực tiễn thiêng liêng ẩn sau quyết định đóng cửa 55 nhà thờ ở New York

Aleteia | John Burger

Nhà thờ chính tòa St. Patrick ở New York
Nhà thờ chính tòa St. Patrick ở New York

Người Công giáo ở hơn chục giáo xứ ở New York, và một vài hạt khác thuộc Tổng giáo phận New York, vừa biết tin dữ là nhà thờ mà họ đang cử hành phụng vụ sẽ bị đóng cửa.

Là một phần của việc tổng cải tổ, Hồng y Timothy Dolan đã công bố kết quả của nghiên cứu nhắm đến tiết kiệm ngân quỹ đang rất cần dùng đến, và đưa các nhà thờ và linh mục đến các vùng ngoại vi thành phố, nơi số người Công giáo đang tăng trưởng.

Một giáo xứ nổi tiếng đã bị đóng cửa là ở Nhà thờ Các thánh Anh hài ở Manhattan, một nhà thờ xây theo kiểu cổ điển có đông đảo người Công giáo truyền thống đến viếng trong nhiều năm qua. Đây là nhà thờ Công giáo duy nhất ở New York có thánh lễ ngày thường theo Thể thức Bất thường của Nghi lễ La Tinh, hay còn gọi là Thánh lễ Trentô.

Cha George Rutler là điều hành của cả hai nhà thờ Các Thánh Anh hài và nhà thờ Thánh Michael ở Bờ Tây, vốn cũng chịu chung số phận trong kế hoạch cải tổ. Cha Rutler, tác giả quyển Quân vương và Quyền lực: Trận đấu Thiêng liêng 1942-1943, cùng nhiều tác phẩm khác, đã trả lời phỏng vấn tờ Aleteia, về các vấn đề thiêng liêng của việc cải tổ tổng giáo phận.

Rõ ràng, việc đóng cửa hay sát nhập các giáo xứ hay nhà thờ, không phải là hiện tượng mới nhưng, theo cha, đâu là các nhân tố dẫn đến tình trạng như thế này?

Một trong các yếu tố, là sự đi xuống của đời sống Công giáo. Một phân tích tôi vừa đọc mới đây, nói rằng dân số Công giáo ở New York, vẫn y hệt cách đây 70 năm. Không có sự sụt giảm về mặt dân số, nhưng có sự suy giảm về đời sống Công giáo, và có đủ mọi lý do cho chuyện này.

Tôi nghĩ, một nguyên do chính là sự thiếu thành thật và chối bỏ của những người cứ bám vào ảo tưởng rằng chúng ta đang bước vào một mùa xuân mới của đức tin. Sự cập nhật hóa [aggiornamento] của Công đồng Vatican II được cho là đã đem về cho giáo hội vô số người, nhưng thực sự thì ngược lại. Bao lâu người ta vẫn còn chối bỏ các sai lầm của thế hệ đi trước – trong việc dạy giáo lý, phụng vụ, xác định các vấn đề thực sự của chủ nghĩa thế tục – thì họ không bao giờ có thể cải cách thực sự.

Chúng ta cũng đã có nhiều người bỏ thành phố mà đến vùng ngoại ô, và ở các hạt phía bắc, cần phải có thêm các giáo xứ mới.  Mà trong lúc đó, ở đây, chúng ta lại … dư thừa giáo xứ. Một lý do khác của việc đóng cửa nhà thờ này, là các nhà thờ đã được vận hành phần nhiều là vì các mục tiêu chủng tộc hơn là mục tiêu phúc âm hóa. Có một giả định văn hóa rằng, Giáo hội là nhà của những người nhập cư, và họ ở trong các giáo xứ không hẳn vì đức tin, mà, còn vì các lý do xã hội khác, vì cộng đồng, trường học và những chuyện tương tự khác nữa. Vậy nên ở Manhattan, chúng ta có một giáo xứ người Đức lâu đời, một giáo xứ người Ý, … và giáo dân ở đây có quan hệ bà con với nhau. Mà chuyện này lại không còn cần thiết nữa.

Điểm chính yếu là hầu hết người Công giáo không còn thực hành đức tin. Con số tham dự thánh lễ ở New York là khoảng 12%. Như thế là giảm 50% kể từ thời Công đồng Vatican II. Không một ai nhắc đến chuyện này. Họ sẽ nhận thức được tình hình này, nhưng họ sẽ không nói ra việc thế hệ trước đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.

Cần phải nghiên cứu cho ra lẽ vì sao thành phố New York, vốn đầy sinh lực về mặt về mặt văn hóa – một kiểu day dứt và ngang ngạnh, nhưng đầy sinh lực – lại đang lịm đi về mặt thiêng liêng.

Một nhân tố khác nữa, tất nhiên, là sự thiếu hụt linh mục. Thật lạ khi chúng ta đang ở đây, thành phố New York, trái tim vũ trụ – tôi nói từ tình cảm của một người con New York – chúng ta lại có ít ơn gọi linh mục. Ở giáo xứ trước đây của tôi, trong thời gian 12 năm tôi ở đó, có 9 người vào chủng viện.  Khi được hỏi, ‘Làm sao lại thế?’ Tôi nói cho họ nghe, và một số người còn chẳng muốn nghe nữa. Tôi nghĩ điều đáng phải chú ý là ngày càng nhiều người trẻ gia nhập các dòng tu hơn là làm linh mục giáo phận. Tất nhiên, các dòng tu có những nét mục vụ riêng, nhưng tôi nghĩ một vài người đáng ra nên theo linh mục triều, lại nhập dòng, bởi họ thấy cảnh tượng ở địa phương mình quá nhạt nhẽo. Các dòng tu thường đầy thách thức hơn.

Trong những việc đáng phải làm để hồi sinh đời sống Công giáo, chúng ta đã bỏ sót điều gì?

Việc đầu tiên là phải thực tế, xác định các vấn đề thực sự của xã hội chúng ta, của sự thế tục, thay vì cứ cố gắng trở nên mọi sự cho mọi người. Sẽ là nguy cơ lớn khi muốn trở nên thân thiện và được quý mến thay vì đứng lên theo đường lối ngôn sứ thách thức các sai lầm của xã hội. Thánh Phaolô đã nói với Timôthê rằng, ‘Đừng cố làm vừa lòng mọi người.’ Đây không có nghĩa là đi quanh và lấy kinh thánh mà đập đầu người ta, nhưng là làm người Công giáo sao cho có tác động đến người ta … Có sự thế tục hóa đời sống tôn giáo. Các dòng nữ đã và đang sụp dổ. Thế hệ trước đã chẳng làm gì để chỉnh đốn và thực sự cải cách các dòng. Các dòng đang phát triển là những dòng trung thành với đoàn sủng của đấng sáng lập.

Và một công cụ phúc âm hóa hàng đầu của Giáo hội, là phụng vụ, mà khi phụng vụ trở nên nhạt nhẽo, thì bạn chẳng có được ơn gọi đâu. Ở nhiều nơi, vấn đề không phải là các dị giáo, mà là sự uể oải. Người ta cứ mắc kẹt trong thập niên 1970. Người trẻ không muốn đến một nhà thờ với những ông già 70 tuổi hát những thánh ca rất dở của Dòng Tên từ những năm 1960. Nhưng nhiều giám mục không hiểu được điều này. Phụng vụ đã trở thành một dạng tập trung nghiêm túc. Một lối thoát là những kiểu phụng vụ sao cho các giám mục hay linh mục không thể kìm được bản thân bày tỏ cá tính của mình. Họ được dạy làm thế này: chào đón mọi người, kể chuyện đùa, và rồi cám ơn mọi người đã đến đây, rồi cuối buổi xin mọi người vỗ tay cho ca đoàn, ông từ, và tất cả mọi người mọi người khác. Chúng ta không cám ơn người ta vì đã giữ các điều răn! Đó là những điều răn, chứ không phải một đề nghị.

Phụng vụ là mối liên kết chính cho mọi người, và tôi dám nói rằng ơn gọi trong giáo xứ tôi, trên tất cả, là các thanh niên say mê phụng vụ. Và tôi không nói về việc cầu kỳ kiểu cách hay ngu dân. Tôi nghĩ là có vấn đề thực sự với phản ứng của công cuộc phúc âm hóa, một vấn đề thực sự của tâm thức hoài niệm hơn là truyền thống, hiện diện trong nhiều người đang hướng đến Nghi lễ La Tinh Bất thường. Nhưng có thể là thế khi người ta chối bỏ cội rễ Công giáo đích thực của mình. Và nguy cơ, tất nhiên là … trở nên khép kín. Hồng y Ratzinger đã từng nói rằng nghi thức thánh lễ hướng về giáo dân có nguy cơ gây nên một dạng khép kín. Khi linh mục dẫn đầu đoàn dân hướng về phía Đông, thì đó là sự cởi mở với Nước Trời. Linh mục hướng mặt về giáo dân, trở thành kiểu cộng đoàn vòng tròn, thiếu đi sự siêu việt. Nhưng, nhiều người theo Nghi thức La Tinh cũng có nguy cơ này. Họ trở nên khu tập trung khép kín. Thường theo kinh nghiệm của tôi, thì nơi nào dùng Nghi lễ La Tinh, thì bạn sẽ có một nhóm cố định, và bạn không có tính vươn ra để đưa thêm người khác vào.

Vậy nên dùng Nghi lễ La Tinh không phải là giải pháp. Giải pháp phải là nhận thức được rằng phụng vụ là tiếng Chúa kêu gọi đoàn dân và và là tiếng đáp lời của dân. Rồi bạn sẽ có các ơn gọi.

Một yếu tố khác là việc rao giảng, vốn rất tệ. Chúng ta cần dạy giáo lý căn bản, để người ta có giáo lý căn bản về đức tin. Để những người đang bỏ nhà thờ cũng đã học được đôi điều.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch