Ronald Rolheiser, 12 Tháng Chín 2016
Đôi khi bản thân lại là một bí ẩn đối với chính chúng ta, hay nói chính xác hơn, đôi khi chúng ta không nhận ra mình hoang tưởng đến mức nào. Có nhiều thứ có thể hủy hoại cuộc đời chúng ta.
Mới đây tôi đến một buổi họp và hầu như cảm nhận sự nồng hậu, tình bạn với các đồng nghiệp, và cảm giác tích cực. Tôi đang có tâm trạng tốt, rộng rãi, và muốn giúp đỡ ai đó. Rồi không lâu trước khi buổi họp kết thúc, một đồng nghiệp lại có một bình luận gay gắt khiến tôi thấy cay đắng và bất công. Ngay lập tức, cả loạt cánh cửa trong lòng tôi đóng sầm lại. Sự nồng hậu và cảm thông của tôi nhanh chóng biến thành khắc nghiệt và giận dữ. Tôi đã cố gắng đế không chìm sâu vào chuyện này. Nhưng cảm giác không biến mất nhanh chóng. Trong vài ngày, một sự lạnh lẽo và hoang tưởng cứ còn vương vấn trong lòng tôi, và khi còn nung nấu sự tiêu cực, tôi cố tránh mọi liên hệ với người đã nói câu gay gắt đó
Thời gian và cầu nguyện cuối cùng đã chữa lành, một cái nhìn lành mạnh hơn đã trở lại và những cánh cửa đã đóng sầm giờ mở ra lần nữa, và sám hối thế chỗ hoang tưởng.
Sám hối, chính là lời đầu tiên Chúa Giêsu trong Tin mừng. “Sám hối và tin vào Tin mừng,” và có thể nói đấy là tóm gọn toàn bộ sứ điệp của Ngài. Nhưng người ta sám hối bằng cách nào?
Gốc của từ “sám hối” là “metanoia.” Nhưng từ “sám hối” không bao hàm đủ ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn nói. Sám hối nghĩa là chúng ta đã làm gì đó sai trái và phải hối hận về hành động đó và bắt đầu sống một cách sống mới. Còn từ “metanoia” có nghĩa rộng hơn.
Từ “metanoia” có gốc từ hai từ Hi Lạp. Meta nghĩa là phía trên, và Nous nghĩa là tinh thần. Metanoia – hay Tinh thần Hướng thượng, mời gọi chúng ta vươn lên trên những bản năng bình thường, đi vào một tinh thần vớn cao hơn khuynh hướng tư lợi và tự vệ vốn thường nảy sinh những cảm giác cay đắng, tiêu cực và thiếu cảm thông bên trong chúng ta. Metanoia mời gọi chúng ta đón nhận mọi tình trạng dù bất công đến thế nào, bằng một tấm lòng thông hiểu và cảm thông. Hơn nữa, tinh thần hướng thượng còn tương phản với hoang tưởng. Về căn bản, metanoia là “không-hoang tưởng,” nên những lời mở đầu của Chúa Giêsu có thể diễn giải thế này: Đừng hoang tưởng và tin vào Tin mừng. Sống trong tin tưởng.
Henri Nouwen, trong quyển sách nhỏ nhưng đầy thấu suốt thâm sâu, Với đôi tay mở rộng [With Open Hands,] đã mô tả tuyệt vời sự khác biệt giữa tâm thức hướng thượng và hoang tưởng. Cha cho rằng có hai thái độ căn bản trong đời. Chúng ta có thể đi trong đời với thái độ hoang tưởng. Thái độ hoang tưởng được tượng trưng trong nắm đấm xiết chặt, trong lập trường tự vệ, trong sự ngờ vực và bất tín thành lệ. Hoang tưởng khiến chúng ta cảm giác như mình luôn cần bảo vệ bản thân khỏi bất công, cảm thấy như người khác sẽ làm tổn thương ta nếu ta tỏ ra yếu đuối, và thấy chúng ta cần phải khẳng định sức mạnh và tài năng của mình để gây ấn tượng với người khác. Hoang tưởng nhanh chóng biến nồng ấm thành lạnh lẽo, biến thông hiểu thành nghi ngờ, và biến quảng đại thành tự vệ.
Thái độ của tinh thần hướng thượng, lại tượng trưng trong thập giá Chúa Giêsu. Trên thập giá, chúng ta thấy Chúa phơi mình và dễ bị tổn thương, cánh tay giang rộng để ôm lấy, và bàn tay Ngài mở ra với đinh sắt đóng sâu. Đấy là phản đề với hoang tưởng. Phản đề với những cánh cửa đóng sầm mỗi khi cảm thấy bị đe dọa. Tinh thần hướng thượng, một tấm lòng lớn, không bao giờ đóng sầm những cánh cửa đó.
Mội vài giáo phụ đã cho rằng tất cả chúng ta có hai tâm trí và hai tâm hồn. Với các ngài, mỗi người chúng ta có tâm trí lớn và tấm lòng lớn. Đấy là vị thánh trong mỗi chúng ta, là hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta, là phần nồng ấm, quảng đại và cảm thông trong chúng ta. Mỗi một người chúng ta có sự cao cả đích thực trong mình. Nhưng mỗi người cũng có một tâm trí nhỏ nhen và một tâm hồn nhỏ nhen. Đấy là phần ái kỷ của chúng ta, phần bị tổn thương, phần hoang tưởng biến thành tự vệ và ngay lập tức đóng sầm những cánh cửa nồng ấm và tin tưởng bất kỳ lúc nào chúng ta thấy có vẻ bị đe dọa. Nội tâm chúng ta thật quá phức tạp. Lòng chúng ta vừa quảng đại vừa nhỏ nhen, tâm trí chúng ta vừa cởi mở vừa bất dung, có cả tin tưởng và nghi ngờ, thánh thiện và ái kỷ, độ lượng và bè nhóm, nồng hậu và lạnh lẽo. Mọi sự dựa vào việc chúng ta liên kết với tâm hồn và tâm trí thế nào, cũng như cách hành động của chúng ta trong những thời điểm nhất định. Lúc này chúng ta sẵn sàng chết vì người khác, một phút sau chúng ta lại muốn họ chết đi. Lúc này chúng ta trao đi bản thân trong yêu thương, một phút sau lại muốn dùng tài năng của mình để thể hiện sự ưu việt. Tinh thần hướng thượng và sự hoang tưởng đua tranh trong lòng chúng ta.
Trong sứ điệp và con người của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với tinh thần hướng thượng, tiến tới và ở lại trong tâm trí và tâm hồn lớn của mình, để khi đối mặt với một chuyện khó chịu, những cánh cửa nồng hậu và tin tưởng của chúng ta không đóng lại.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch