la-croix.com, Moise Gomis, Lagos (Nigeria), 2016-07-14
Lòng quảng đại không biên giới (3/4).
Bà giám đốc tổ chức nhân đạo Sesor Foundation muốn gây quỹ nơi người Nigeria để giúp đỡ hàng triệu người phải rời nhà, họ ra đi vì có xung đột với nhóm vũ trang khủng bố Boko Haram.
Ier-Jonathan Ichaver rời Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) để thành lập một tổ chức nhân đạo của mình.
«Tôi luôn muốn thay đổi mọi chuyện. Trợ giúp nhân đạo!» Ier-Jonathan Ichaver đi thẳng vào vấn đề, bà rất trực tính. Mới cách đây hơn năm năm, bà thành lập tổ chức nhân đạo «Sesor Foundation». Một khẩu hiệu theo hình dạng của một tiếng kêu từ quả tim. Trong ngôn ngữ mẹ đẻ của bà, câu này có nghĩa: «Cùng nhau, chúng ta có thể sửa chữa!». Sesor có thể chỉ là hạt cát bên cạnh bộ máy khổng lồ của các tổ chức nhân đạo hoạt động ở Nigeria. Dù vậy, bà Ier-Jonathan nghĩ rằng cấu trúc của mình có thể dời núi được.
Ở đất nước của bà, nơi một nửa dân số sống với không đầy 2 đôla mỗi ngày, bà Ier-Jonathan không bị các tiếng còi của các nhà đầu tư lạc quan, của các chuyên gia quốc tế ru ngủ. Dầu hỏa là nguồn tài nguyên cực mạnh của kinh tế Phi châu. Nhưng theo nhà sáng lập Sesor, giấc mơ này là ác mộng của hàng triệu đồng bào bị loại trừ của bà.
Không mệt mỏi và có tài thuyết phục
Không ngơi nghỉ, người ngoài bốn mươi tuổi này lên đường. Bà Ier-Jonathan Ichaver không biết mệt là gì. Mọi lý do đều tốt để kêu gọi gây quỹ. «Bạn biết đó, đây là phương tiện duy nhất mà chúng tôi có thể có tiền trong hoạt động xã hội. Bạn chỉ có thể dựa trên khả năng thuyết phục của mình, bạn thuyết phục những người có tiền để họ giúp những người đang thiếu thốn.»
Chính tại thành phố Lagos, một thành phố khổng lồ với hơn 20 triệu dân mà bà đặt quang gánh của mình xuống. Một thành phố có tầm vóc thế giới mà bà cảm thấy mình được triển nở. Bà vui vì có thể dùng hết năng lực của mình để giúp những người phải bị rời nhà ở đây. Tại đây có hàng triệu người Nigeria phải rời nhà vì các cuộc khởi loạn quân sự, các xung đột về đất đai hay các căng thẳng về tôn giáo.
Hoạt động cho đất nước thay vì lo cho tương lai nghề nghiệp
Bà Ier-Jonathan có thể theo đuổi sự nghiệp nhân viên quốc tế của mình: năm năm đại diện Nigeria ở tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Unicef, rồi một hợp đồng ba năm ở trụ sở của Unicef ở Genève, Thụy Sĩ. Con đường của bà đi đã được vạch sẵn. Bà chỉ việc leo lên bậc thang mà đi. Các đỉnh cao của tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em này ở trong tầm tay của bà. Vậy mà bà từ bỏ con đường tiện nghi này.
Bà Ier-Jonathan Ichaver giải thích «quay lưng với lương cao và địa vị cao, tôi muốn hành động một cách khác. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc làm việc rất đáng kể, nhưng khi tổ chức này can thiệp vào một đất nước thì điều đó chứng tỏ nước này đang suy kém. Và tôi muốn bắt đầu dấn thân làm việc ở Nigeria, với nguồn tài lực, nhân lực địa phương».
Về nước năm 2007 sau khi đi học ngành khoa học chính trị và kinh tế ở Anh, giống như hàng trăm ngàn người «Repats» – những người Nigeria được đào tạo ở các trường lớn ở Phương Tây – bà Ier-Jonathan trước hết muốn thử làm việc trong ngành tài chánh. Và rồi bà về lại với giấc mơ thay đổi thế giới của mình.
Giúp những người phải lưu vong ngay chính trong nước mình
Một cuộc tranh chấp giữa các nông dân và các người chăn cừu trong làng của cha mình, ở bang Benue, miền Trung Nigeria, đã là yếu tố khơi mào cho hành động của bà. Hàng trăm người phải bỏ trốn vì sợ dao rựa. Bà nội của bà cũng phải lên đường đi. Sau này, cả hàng triệu người phải ra đi vì bạo lực khủng khiếp của nhóm quân vũ trang Boko Haram ở miền Bắc-Đông đã thuyết phục bà phải hành động.
Đã đến lúc phải khẩn cấp đưa khái niệm «lưu vong nội bộ» vào trong các cuộc tranh luận chung. Bà Ier-Jonathan đưa ra các chiến dịch trên các trang mạng xã hội. Bà viết lại câu chuyện của những người sống trong tình cảnh bấp bênh, bà đưa ra các hình ảnh. Bà huy động các nơi quen biết để gõ cửa các hãng lớn: «Tôi không muốn người ta chỉ cho tấm ngân phiếu để được chụp hình rồi bỏ đó, đi làm việc khác. Tôi muốn họ cho, để những người nhận đồng tiền này xây dựng lại cuộc đời, được đào tạo để vươn lên». Một tiến trình không hiển nhiên ở một nước mà bác ái thường đi đôi với chính trị và làm ăn.
Tự hành động
Bà giám đốc điều hành Sesor ngắm một mục đích: tự hành động, có nghĩa là củng cố khả năng của từng người. Bà tin sắt đá vào chuyện này. Con đường của chính cha mẹ bà là nguồn động lực mỗi ngày: «Chuyện không phải dễ đối với họ. Sáu người ở một phòng nhỏ… Sau đó cha tôi đi Anh để học kế toán vào đầu những năm 1980. Và số phận của chúng tôi đã bị đảo điên khi đậu xong cha tôi về lại Nigeria.
Ông kiếm được một việc làm. Chúng tôi dọn đến một biệt thự lớn và đẹp. Với một ngôi vườn rộng. Chúng tôi thay đổi khu phố. Và mặc cho những thay đổi này, cha mẹ tôi không bao giờ quên nguồn gốc của mình. khi nào họ cũng cho người trong gia đình hay người làng đến tá túc khi những người này gặp khó khăn». Bà Ier-Jonathan Ichaver nối tiếp công việc của cha mẹ. Với một tầm mức khác.
Sesor, cây cầu giữa những người quyền lực và những người khốn cùng
Tổ chức Sesor vừa là tiếng nói bênh vực cho những người lưu vong với chính quyền, vừa đáp ứng tình trạng khẩn cấp của những người lưu vong. Được thành lập năm 2009, tổ chức gồm một nhóm nhỏ các phụ nữ với hợp đồng làm việc tương ứng với thời gian của từng hoạt động.
Tổ chức Sesor đặt trụ sở ở Lagos, ở giữa khu vực nhà ở (Lekki) và khu vực bình dân (Igbo Efon), Sesor làm sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Tổ chức Sesor hoạt động trên bảy Bang của Liên bang, phân phối thực phẩm, áo quần, cho vay vốn làm ăn, giúp các em bị cô lập được đi học.
Marta An Nguyễn chuyển dịch
Bà Ier-Jonathan Ichaver rời Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) để thành lập một tổ chức nhân đạo của mình. / Wale Oyedotun