Đức Phanxicô trích Elie Wiesel

427

lacroix.com, Loup Besmond de Senneville, 2016-07-03

Elie Wiesel

Tháng 5 vừa qua, khi nhận giải cao quý Charlemagne, Đức Phanxicô đã nhắc đến việc Âu châu cần phải làm một cuộc «truyền ký ức». Một câu nói rất thân thiết của nhà văn Elie Wiesel.

Ngày 6 tháng 5-2016. Đức Phanxicô nhận giải Charlemagne tại Vatican, giải được thành lập năm 1950 để hàng năm trao tặng cho «đóng góp ngoại hạng cho Âu châu thống nhất». Trước cử tọa, Đức Phanxicô đã trích câu nói của nhà văn Elie Wiesel.

Đức Phanxicô chất vấn số phận của Âu châu. «Chuyện gì đã xảy ra cho Âu châu, đất của thi sĩ, của triết gia, của nghệ sĩ, của nhạc sĩ, của nhà văn?», ngài tuyên bố. «Chuyện gì đã xảy ra cho Âu châu, mẹ của các dân tộc, các quốc gia, của các vĩ nhân nam cũng như nữ đã biết bảo vệ, đã hy sinh đời mình cho nhân phẩm của anh em mình?»

Để trả lời cho các câu hỏi này, Đức Phanxicô đã dựa trên nhà văn thoát khỏi ngục tù của trại tập trung. «Nhà văn Elie Wiesel, người sống sót trong các trại tập trung nazi đã từng nói, điều chính yếu cho ngày hôm nay là phải làm một cuộc “truyền ký ức”,  Đức Phanxicô nói. Điều cần thiết là phải “có ký ức”, để tạo khoảng cách một ít với hiện tại, để lắng nghe tiếng nói của tổ tiên chúng ta.»

Ý tưởng theo đó, ký ức không cho phép chúng ta lặp lại những lỗi lầm của quá khứ, đã được Đức Phanxicô thường xuyên nhắc lại, như trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, khi ngài nhấn mạnh «những người lớn tuổi mang ký ức và khôn ngoan của kinh nghiệm» (§108).

Cát lún

«Truyền ký ức giải phóng chúng ta khỏi khuynh hướng hiện tại, thường hấp dẫn hơn, vội vã chế tạo trên cát lún các kết quả có ngay lập tức», ngài nói thêm.

 Nhà văn Elie Wiesel qua đời ngày thứ bảy 3 tháng 7, thọ 87 tuổi. Ông đã để cả đời mình để bảo vệ ký ức của vụ diệt chủng người Do thái mà ông đã sống sót trong trại tập trung của nazi ở Auschwitz.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch