Đức Phanxicô đang biến môi trường thành một bận tâm hàng đầu và lên tiếng chống lại tội ‘bóc lột Trái đất’.
Time – 07 Tháng Ba 2015
Tháng này đánh dấu tích kỷ niệm năm thứ hai triều giáo hoàng Phanxicô. Bài này được trích trong quyển ‘PHÉP LẠ PHANXICÔ: Bên trong sự Biến đổi của Giáo hoàng và Giáo hội’ của John L. Allen Jr.
Có vẻ chắc chắn rõ rằng rằng vị giáo hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là Phanxicô – cảm hứng từ vị thánh giảng cho chim nghe, và đặt tên trìu mến cho mặt trăng mặt trời – đã trở nên một nhà môi trường mạnh mẽ. Thật vậy, Đức Phanxicô đã nói rằng bận tâm cho môi trường là một đức tính Kitô giáo căn bản. (Chàng trai trẻ Jorge Bergoglio từng theo học ngành hóa học, vậy nên ngài có nền tảng để đánh giá cao các vấn đề khoa học.) Yếu tố này trong tin mừng xã hội đã nổi lên trong thánh lễ tấn phong của ngài, khi Đức Phanxicô có lời thỉnh cầu ‘chúng ta hãy trở nên những người bảo vệ’ cho tạo vật, những người bảo vệ kế hoạch của Thiên Chúa trong tự nhiên, những người bảo vệ cho nhau và cho môi trường.’
Dấu ấn của thánh Phanxicô trong giáo hoàng này thật mạnh mẽ rõ ràng. Trong những lời trò chuyên tự nhiên với tổng thống Ecuador hồi tháng 4 năm 2013, ngài nói rằng, ‘Hãy chăm sóc tốt tạo vật. Thánh Phanxicô muốn như thế. Con người có lúc tha thứ lúc không, còn tự nhiên thì không bao giờ. Nếu chúng ta không chăm sóc cho môi trường, thì không có cách nào để sống nhờ môi trường.’
Hai giáo hoàng trước ngài cũng là những người bảo vệ môi trường. Gioan Phaolô II, vận động viên leo núi và chèo thuyền, là một tông đồ mạnh mẽ cho sinh thái, ngài đã từng có lời cảnh báo rằng con người ‘dứt khoát phải dừng bước trước những hố thẳm’ và phải chăm lo tốt hơn cho môi trường. Tính môi sinh của Đức Bênêđictô XVI cũng thật mạnh khi ngài nổi danh là ‘Giáo hoàng Xanh’ bởi những lời kêu gọi lặp đi lặp lại về việc cần phải bảo vệ môi trường hơn nữa, cũng như những hành động cho lắp các tấm pin mặt trời trên mái một sảnh tiếp kiến Vatican và ký một thỏa thuận khiến Vatican là quốc gia cân bằng carbon đầu tiên ở châu Âu.
Đức Phanxicô đang tiếp nối truyền thống này. Trong buổi tiếp tổng thống Pháp, François Hollande hồi tháng 1 năm 2014, ngài đã nói rằng mình đang làm việc để ra một tông thư về môi trường. (Một tông thư được xem là dạng huấn giáo giáo hoàng có tầm vóc và thẩm quyền nhất.) Vatican đã xác nhận rằng Đức Phanxicô thực sự dự định ban hành tông thư đầu tiên trong lịch sử dành hoàn toàn nói về các vấn đề môi trường.
Trong buổi nói chuyện năm 2014 với đại học Molise nước Ý, Đức Phanxicô đã mô tả việc gây thiệt hại cho môi trường là ‘một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta.’ Ngài nói rằng, đây là một thách thức về bản chất, mang tính thần học cũng như chính trị. ‘Tôi nhìn vào . . . quá nhiều cánh rừng, bị chặt sạch, biến thành những mảnh đất . . . không còn có thể đem lại sự sống,’ giáo hoàng nhắc đến cụ thể những cánh rừng ở Nam Mỹ. ‘Đây là tội của chúng ta, đang bóc lột Trái đất. . . . Đây là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta: hãy biến đổi mình, phát triển hơn để nhận biết cách tôn trọng tạo vật.’
Cách đây không lâu, khái niệm về chủ nghĩa môi trường Công giáo sẽ gợi lên nhiều mâu thuẫn. Trong thập niên 1960 và 1970, những người tiên phong trong phong trào môi trường, thường có kiểu kết tội toàn bộ truyền thống Do Thái-Kitô giáo đã gây ra sự lãnh đạm tàn tệ của nhân loại đối với trái đất. Lynn White, Jr. của Đại học California đã cho đăng một bài báo có tầm ảnh hưởng trong tờ nhật báo Science vào năm 1967, trong đó ông kết tội Kinh thánh vì đã khiến cho những người phương Tây cảm thấy mình ‘toàn quyền trên tự nhiên, khinh rẻ tự nhiên, và muốn dùng tự nhiên cho những ý tưởng bất chợt tầm thường nhất.’ Dù nhìn nhận những dòng tư tưởng trái ngược trong lịch sử Kitô giáo, như của thánh Phanxicô chẳng hạn, ông White vẫn kết bài với một lời cáo trạng vơ đũa cả nắm: ‘Chúng ta phải tiếp tục có những chỉ trích về môi sinh nặng nề hơn nữa cho đến khi nào loại trừ được châm ngôn Kitô giáo rằng tự nhiên chẳng có lý do tồn tại nào khác ngoài việc phục vụ con người.’
Mọi chuyện ngày nay đang đảo ngược hoàn toàn, với Giáo hoàng Phanxicô như một người bảo vệ môi trường nổi bật. Viết trên tờ nguyệt san The Atlantic, Tara Isabella Burton tuyên dương Đức Phanxicô vì ‘với tầm ảnh hưởng quá lớn của một người trên cương vị của ngài, đã công khai nhấn mạnh một nhận thức về tự nhiên mang tính thực chất tích cực trong đường hướng đối xử với thế giới vật lý, trái ngược với sự phân rẽ hung hăng quá thường thấy trong xu thế chính trị-tôn giáo chủ đạo.’ Bà Burton gọi quan điểm của giáo hoàng ‘là ưu sinh, về căn bản và rất sâu sắc.’ Khi nói đến ‘ưu sinh’ Burton có ý rằng Đức Phanxicô đang hướng người Công giáo xem bận tâm môi trường là một phần trong những gì thúc đẩy một ‘nền văn hóa sự sống’ và do đó có tầm quan trọng tương đương với việc chống phá thai và hôn nhân đồng tính.
Trong cách nói của những nhà tư tưởng môi trường đương thời, nếu Đức Bênêđictô XVI là Giáo hoàng Xanh, thì Đức Phanxicô sẽ được nhớ đến là ‘Giáo hoàng Xanh Đậm’ một nhân vật đã tăng cường dấn thân của Giáo hội cho môi trường, bằng cách nối kết việc này với tác động xói mòn của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tư bản toàn cầu trốn tránh trách nhiệm. Trước khi Đức Phanxicô xuất hiện, nhà lý luận chính trị người Mỹ Jeremy Rifkin đã dự báo rằng các vấn đề như GMOs (các sinh vật biến đổi gene) và biến đổi khí hậu sẽ làm tan sự phân rẽ cánh hữu-cánh tả cũ, và tạo nên một ‘sinh chính trị’ mới, trong đó những người bảo vệ môi trường theo cánh tả và người bảo vệ đời sống nhân loại theo cánh hữu, sẽ bắt tay với nhau, chung vai chống lại chủ nghĩa công nghiệp hóa quá độ của thế kỷ XXI vốn xem tất cả mọi sự, kể cả tự nhiên và sự sống hữu cơ là một thứ hàng hóa. Đức Phanxicô, giáo hoàng của tin mừng xã hội, có thể trở thành nhà lãnh đạo biến những dự đoán của Rifkin thành hiện thực.
Trích trong sách ‘PHÉP LẠ PHANXICÔ: Bên trong sự Biến đổi của Giáo hoàng và Giáo hội’ của John L. Allen Jr. đăng bởi TIME Books, một ấn phẩm của Time Home Entertainment Inc.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch