5 Bài học Lãnh đạo bạn có thể học từ Giáo hoàng Phanxicô

614

TIME – Noah Rayman – 10/3/2015

 5 Bài học Lãnh đạo bạn có thể học từ Giáo hoàng Phanxicô

Tuần này, giáo hoàng sẽ đánh dấu mốc 2 năm ngài dẫn dắt Giáo hội Công giáo.

Giáo hoàng Phanxicô đã có được một tỷ lệ ái mộ mà bất kỳ lãnh đạo nào cũng phải ghen tỵ. Trong khảo sát mới nhất của Pew tuần qua, 9 trên 10 người Công giáo ở Hoa Kỳ đánh giá cao Giáo hoàng, gần bằng tỷ lệ ái mộ cao nhất của Đức Gioan Phaolô II. Khắp thế giới, 60% người Công giáo và không Công giáo cũng có quan điểm mến mộ Đức Phanxicô.

Nhưng thành tựu của ngài vượt quá tầm đại chúng này. Khi đánh dấu 2 năm triều giáo hoàng, Đức Phanxicô có thể nhìn lại những cải tổ kinh tế quan trọng tại Vatican, những lời lên án chủ nghĩa tư bản mất kiểm soát, và thổi bùng một cuộc tranh luận về gia đình khắp Giáo hội (chưa kể đến việc ngài là nhân vật của năm 2013 do tờ TIME bình chọn).

Vậy thì làm sao mà một hồng y dòng Tên từ châu Mỹ La tinh có thể nói là chẳng mấy ai biết, lại trở thành một lãnh đạo thành công như vậy? Đây là 5 bài học rút ra từ quãng thời gian đầu triều giáo hoàng Phanxicô. Trích từ sách Phép lạ Phanxicô: Bên trong sự Biến đổi của Giáo hoàng và Giáo hội’ của John L. Allen Jr.

  1. Làm gương

Giáo hoàng cải cách này đã ngay lập tức kiểm tra tài chính Vatican, nhắm đến tẩy sạch những tai tiếng thường có. Với giáo hoàng Phanxicô, người đã nhận danh hiệu từ vị thánh dấn thân cả đời vì người nghèo, thì cải tổ tài chính là ưu tiên hàng đầu bởi ‘nó có cả 3 tính xấu mà ngài ghét nhất: tham nhũng, đặc quyền quá đáng cho giới giáo sỹ, và sự lãnh đạm với người nghèo.’

Nhưng, ngài cũng biết rằng bảo đảm những sổ sách kết toán cấp cao nhất được minh bạch, sẽ làm gương cho việc quản trị tốt toàn thể Giáo hội và dọn đường cho một chương trình rộng lớn hơn. ‘Ngày nay, có lẽ việc làm táo bạo nhất trong các kế hoạch của Giáo hoàng Phanxicô là biến Vatican thành một hình mẫu toàn cầu cho việc thực hành quản trị tài chính sao cho tốt nhất, và việc này không phải là mục tiêu cuối cùng, nhưng là con đường dẫn Giáo hội ở mọi tầm mức thanh luyện sạch sẽ mọi hành động của mình.’

  1. Đừng chỉ tuyển bạn bè

Hồng y người Úc George Pell, không hẳn là một ứng cử viên cho những cải cách tài chính của Đức Phanxicô. Là một người bảo thủ cứng rắn, Pell thất vọng về việc bầu lên giáo hoàng này, và lo lắng ngài sẽ dẫn dắt Vatican theo con đường chủ nghĩa tự do. Và hồng y Pell, một cựu vận động viên bóng bầu dục khổng lồ, cũng không hài lòng với giáo hoàng mềm mỏng này.

Nhưng Đức Phanxicô đã nghe được những lời nói đao to búa lớn của Pell phản đối tình trạng tài chính của Giáo hội, và biết rằng phong cách thẳng toạc của Pell sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy các cải tổ khắp cơ chế truyền thống này. Trong buổi gặp hồi tháng 3 năm 2014, (cả hai đều dùng tiếng Ý, bởi một người nói tiếng Tây Ban Nha, người kia nói tiếng Anh, và đều không thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của nhau) Đức Phanxicô đã mời hồng y Pell làm tổng quản tài chính cho mình.

  1. Tiếp thu nghiêm túc các lời khuyên

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã thể hiện một sự sẵn sàng lắng nghe những người quanh mình. Động thái căn bản đầu tiên trên cương vị giáo hoàng của ngài, là lập Hội đồng các Hồng y Cố vấn, gồm 8 người từ khắp thế giới với các quan điểm đa dạng. Nhóm này cố vấn cho ngài trong từng hành động quan trọng, và Allen gọi đây là ‘đội ngũ ra quyết định quan trọng nhất ở Vatican.’ Và Giáo hoàng Phanxicô cũng đã tái sinh tầm quan trọng của Thượng Hội đồng Giám mục, một nhóm cố vấn mà Đức Gioan Phaolô II có nhiều lần ngồi với họ chỉ để đem sách ra đọc. Ngược lại, Đức Phanxicô tham dự một buổi hội mà hầu như không có báo trước, và tham gia thảo luận (Allen so sánh việc này với tổng thống Hoa Kỳ đi vào một buổi họp của nghị viện), và ngài cũng đã nêu bật rõ tầm quan trọng của Hội đồng Bất thường hiếm khi có mà ngài triệu tập để thảo luận về các vấn đề gia đình.

  1. Nhưng cũng sẵn sàng bác các lời khuyên

Giáo hoàng cũng sẵn sàng hành động đơn phương để bảo đảm nghị trình của ngài tiến tới, chẳng hạn như việc ngài đặt giám mục Nunzio Galantino làm tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Quốc gia Ý hồi tháng 12 năm 2013. Galantino có tiếng là khiêm nhường đơn sơ, đã phản ánh được cá tính của Giáo hoàng Phanxicô, ví dụ như tránh các danh xưng trang trọng, và không cần thư ký cũng như tài xế. Nhưng giám mục Galantino không quá nổi tiếng trong giới giáo sỹ Ý. Khi Đức Phanxicô hỏi xem những cái tên tiềm năng để giữ chức tổng thư ký, gần 500 giáo sỹ Ý đã đưa ra tiến cử của mình, và Galantino chỉ có được 1. Nhưng Đức Phanxicô đã bất chấp tất cả, chọn lấy giám mục đơn sơ này.

  1. Dễ gần

Là lãnh đạo của Vatican, Giáo hoàng Phanxicô có rất nhiều chuyện đau đầu phải giải quyết trong nhà. Nhưng ngài cũng là lãnh đạo của gần 1.1 tỷ người Công giáo, và ngài đã có một nỗ lực ấn tượng để gắn kết với các giáo dân của mình. Và không có ví dụ nào rõ ràng hơn việc ngài tự gọi điện nồng ấm cho những người vốn không ngờ đến trên khắp thế giới. Chẳng hạn như cuộc gọi với Michele Ferri, em trai 14 tuổi của một người quản lý trạm xăng bị giết trong một vụ cướp có vũ trang, hay như cuộc gọi với một nhà phê bình Vatican đang trên giường bệnh, cuộc gọi với một phụ nữ Ý đã viết thư nài xin Giáo hoàng hãy giúp bà xoa dịu nỗi đau con gái mình bị giết, và còn nhiều nhiều cuộc gọi khác nữa mà truyền thông không thể đưa tin hết. Trong một cuộc gọi được báo chí ghi lại, Giáo hoàng đã quay số (chính tay ngài, chứ không phải qua phụ tá) một tu viện kín dòng Carmen ở Tây Ban Nha để chúc mừng năm mới. Khi họ không nhấc máy, ngài để lại một tin nhắn, và đùa rằng, ‘Các xơ đang làm gì mà không nghe máy được vậy?’ (lúc đó họ đang cầu nguyện mà) Rồi ngài gọi lại lần nữa, và lần này các xơ quây quần quanh điện thoại để nói chuyện với Đức Phanxicô bằng loa ngoài. Vui biết bao.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch