Bà Marie: Phải quay về với đức tin
Sống đạo năm 2016 trong 10 bài học, bài thứ 3
aleteia.org, Sabine de Rozieres, 2016-04-20
“Mỗi việc làm, mỗi sự kiện, mỗi việc rất nhỏ có thể hoàn tựu dưới cái nhìn của Thần Khí.” Marie, lập gia đình từ 16 năm nay và là mẹ của hai trẻ vị thành niên.
Aleteia: Vì sao Chúa có một chỗ đứng trong đời sống của bà?
Marie: Bởi vì Ngài yêu tôi và tôi yêu Ngài. Tôi được may mắn nuôi dạy trong đức tin, trong nhà chúng tôi, đây không phải là một lựa chọn, cũng không bao giờ là một vấn đề. Khi tôi rước lễ lần đầu năm lên sáu, tôi cảm nhận có một ánh sáng và một niềm vui không tả. Từ đó tôi biết tôi yêu Chúa, nhưng chính xác cũng lúc đó, tôi khám phá ra Chúa cũng yêu tôi! Một quan hệ đích thực đã được thành lập!
Đối với bà, “có đức tin” có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa là dính vào, tin và chọn tin vào Chúa. Theo tôi, có hai chuyện phải phân biệt. Chuyện đầu tiên, đức tin là một ơn: có người nhận, có người không và tôi không bao giờ hiểu thật sự tại sao. Chuyện thứ nhì là hành động mà mình đặt ra để nhận ơn này: mới đầu, tôi ngừng ở giai đoạn đầu tiên, tôi nhận được đức tin và chấm dứt ngang đó. Nhưng sau đó, với tuổi đời và với kinh nghiệm, tôi hiểu phải có động tác quay về này, bởi vì đó mới đúng là một quan hệ. Không phải chỉ duy nhất nhờ Chúa cho nhưng phải thiết lập một đối thoại mật thiết, đối thoại là trao đổi. Tôi nghĩ tôi không biết Chúa nhưng tôi xác quyết có một sự hiện diện, không phải chỉ là cảm nhận nhưng nó vượt lên cảm nhận. Đó là thành quả của sự kết dính vào đức tin. Nhưng tất cả những chuyện này vẫn còn rất huyền bí! Có một cái gì như tác động của một con lắc giữa tâm hồn và lý trí, đó là hai giây phút của cùng một hơi thổi. Với lý trí, tôi cố thử dính vào với những gì tôi được dạy về đức tin, nhưng còn tác động của điều huyền nhiệm và chính quả tim của tôi phải làm động tác thứ nhì này. Và từ đó, tôi dính vào quả tim tôi, tôi ở trong một quan hệ đích thực. Nhưng điều này không đủ để nói: “Tôi nhận được đức tin” hay “Tôi có đức tin”. Nó là một cái gì quân bình giữa Chúa là Đấng cho một cái gì không thể hiểu được và con người, đương sự nhận một cái gì dính với điều huyền bí. Đây là cả một thách thức! Trong xã hội chúng ta, đây là một cái gì rất khó để hiểu. Người ta quá muốn mình kiểm soát mọi sự, làm chủ mọi sự.
Bà có dành một hành động nào hàng ngày cho Chúa không?
Tôi không có một sinh hoạt thiện nguyện, nhưng tôi cố gắng làm tất cả mọi công việc của mình “trong Chúa”. Tôi dâng lên Ngài tất cả những gì tôi làm, tôi xin Thần Khí giúp tôi trong từng tiến trình, tôi dâng từng người tôi gặp… Đó là cả một thế giới quen biết của tôi, vì trong đời sống gia đình và nghề nghiệp, chúng tôi gặp rất nhiều người! Đó là cách tôi mang Chúa Kitô đến với thế giới. Tôi cố gắng sống trong Chúa, tôi thinh lặng cầu nguyện tự phát, nó trở thành tự nhiên như thở vào thở ra.
Tôi có các bạn Tin Lành, họ bày cho tôi ngợi khen Chúa bằng Thánh Vịnh. Điều này canh tân cho lời cầu nguyện trong đời sống vợ chồng của tôi, giúp tôi học một hình thức cầu nguyện rộng lớn hơn những cái chúng tôi đã quen thuộc. Chính khi đó, tôi hiểu được thế nào là sự hiệp thông với các thánh và cầu nguyện với anh em kitô hữu của chúng ta. Như thế, cầu nguyện với nhau thật sự là rất mạnh! Chúng tôi cũng nhận thức, cần thiết là phải canh tân việc cầu nguyện trong gia đình, nó đang bị yếu đi; cầu nguyện buổi tối khi các con còn nhỏ không còn được nữa. Chúng tôi phải tìm lúc thuận lợi để cùng cầu nguyện chung. Chúng tôi thấy lúc 7 giờ 50 sáng, khi chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi có được năm phút thoải mái trước khi đi làm, trước khi đến trường. Từ đó chúng tôi cầu nguyện mỗi buổi sáng và nó tiến hành tốt từ năm năm nay.
Vì chỉ có năm phút nên chúng tôi không có thì giờ cầu nguyện tự phát, chúng tôi chỉ theo một tiến trình đơn sơ và vâng theo lời cầu nguyện của Giáo hội: Kinh Sáng. Chúng tôi đọc Thánh vịnh buổi sáng, mỗi người đọc một đoạn; rồi đọc Lời Chúa; sau đó chúng tôi đọc ý cầu nguyện riêng nếu có và kết thúc bằng Kinh Kính Mừng. Nó rất đơn giản, chúng tôi đứng chung với nhau, để túi xách dưới chân, mọi người sẵn sàng lên đường và giây phút này “gởi” chúng tôi đi học, đi làm việc một ngày! Chúng tôi có một hình thức tự do mà trước đó chúng tôi không có, nhất là cho các con chúng tôi! Khi chúng muốn đi, chúng đọc Kinh Kính Mừng và chúng tôi cười đùa, chúng tôi để các cháu làm và mọi người đều vui!
Bà muốn nói gì với người công giáo?
“Chúng ta hãy là những vị thánh, chứ không phải chỉ là người sùng đạo!” Đó là câu của người bạn đẹp trai thời trung học nói với chúng tôi! Anh vừa chầu xong, anh rất vui, mặt anh sáng rực và anh muốn mọi người được vui như anh. Anh quá ngán những lời cầu nguyện nhỏ nhỏ “khép kín” của chúng tôi. Chúng tôi ghi nhận lời của anh vào lòng; 25 năm sau, khi nhắc lại, kỷ niệm này vẫn còn mạnh trong lòng chúng tôi.
Theo bà, cái gì sẽ cứu được thế giới?
Thế giới này không thể tự cứu mình. Chính Chúa Kitô, và duy nhất Chúa Kitô mới cứu thế giới. Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất. Chúng ta hãy đặt Chúa Kitô ở trọng tâm tất cả các thực tế và Ngài sẽ cứu thế giới. Ngược với rất nhiều người đã đọc văn hào Dostọevski, theo tôi, sẽ không phải cái đẹp có thể cứu thế giới. Cái đẹp là sự tỏa sáng của con người, nó là một thực hiện, nhưng nó không thể hiện chính nó. Chúng ta yêu cái đẹp và chúng ta cần nó vì nó là con đường dẫn chúng ta đến chính mình. Nếu mình chỉ ngừng ở cái đẹp, thì mình ngừng ở mức độ cảm nhận thẩm mỹ của mình. Chúng ta đừng tìm cái đẹp chỉ vì cái đẹp, nhưng qua nó, chúng ta tìm bản thể được thể hiện qua nó. Khi đi đến được bản thể, chúng ta mở được cánh cửa của sự thật. Cứu thế giới đi xa hơn là chỉ chiêm ngưỡng cái đẹp. Đó là Cứu độ. Vậy thì ai có thể cứu được thế giới? Chúa Kitô.
Đâu là nỗi sợ lớn nhất của bà?
Là không được hưởng ân phước đời đời. Tôi đã thấy rất nhiều chuyện tôi muốn làm mà tôi không làm. Và có lúc tôi tự nhủ: các ý tốt của mình thôi cũng chưa đủ. Người ta nói, địa ngục đầy cả thiện ý!
Cái gì làm cho bà hạnh phúc?
Tình yêu được chia sẻ với những người của mình. Khi tôi thấy tình yêu trong con mắt của chồng tôi, của các con tôi, điều này làm cho tôi hạnh phúc. Tôi cần rất nhiều tình bạn, tôi không thể sống không có bạn. Và từ khi tôi học buông bỏ, không còn đi tìm hiệu năng trong lời cầu nguyện của mình, thì tôi không còn mong được khen trả lại, đối với tôi, đó là niềm vui nội tâm. Tôi cầu nguyện cho những tình huống, cho người này người kia, cho chuyện này chuyện kia, sau đó thì không còn là việc của tôi, mà là việc của Chúa. Đó là cách tôi phản ứng với thế giới này, trong lời cầu nguyện của tôi. Không phải tôi cứu, cũng không phải tôi hành động. Với tất cả lòng tin tưởng, tôi dâng lên một cách nhưng không, và đó là niềm vui lớn của tôi.
Đức tính nào bà thích nhất và tại sao?
Vui vẻ! Trong niềm vui, tôi phân biệt ba mức độ. Mức độ thứ nhất là mức độ tự nhiên, đó là thành quả tự nhiên, hoặc của tính tình, hoặc của sức mạnh của sự sống, hoặc của bản năng của sự sống, đó là dữ liệu căn bản. Đó là thành lũy để chống với sự ủ ê rầu rỉ. Nhiều người có, nhưng họ chỉ biết mình có khi họ đã mất. Mức độ thứ nhì: vui vẻ như một đức hạnh tinh thần: tôi chọn để niềm vui có một chỗ trong tâm hồn tôi, đó là sức mạnh cho bản thể tôi. Đức hạnh là thiên hướng, là thói quen làm việc tốt, thụ đắc được nhờ lặp đi lặp lại những việc mình muốn làm và nó trở thành dễ dàng khi nó được thấm nhập vào tâm hồn. Và cần phải trau dồi! Trong những lúc tôi không làm được, tôi phải cố gắng. Tôi đấu tranh để chống sự buồn bã, chống suy thoái, chống vu khống, chống những việc làm mất vui, nó làm cho tôi bị chìm sâu và làm chìm sâu người khác. Đó là việc làm đạo đức tự nguyện. Và mức độ thứ ba là xem vui vẻ như một ơn, một ơn Chúa ban. Niềm vui sẽ ở trong mọi mức độ của bản thể tôi. Như vậy, nó không còn ở thứ bậc tự nhiên, và cũng không qua hành động của tôi mà tôi sẽ tạo được ra nó. Tôi khám phá điều này khi đọc các thư của Thánh Phaolô, hai dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ có sự hiện diện của Thần Khí trong một tâm hồn là bình an và vui vẻ. Khi hiểu điều này thì không cần phải ở trong sự bày biện của đạo đức. Phần còn lại, Chúa đã nói “để cứu rỗi thế giới và để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Tôi đã sống điều này trong da thịt của tôi, ngay cả trong sầu não, trong khó nhọc, tôi có thể nhận “niềm vui thanh tịnh” hay “niềm vui bình an” này, nó sâu đậm hơn và ít thấy rõ hơn là sự vui vẻ, và đó là một niềm an ủi đích thực.
Thánh nào bà kính mến nhất và tại sao?
Đó là Chúa Giêsu, vì đó là vị Thánh duy nhất. Kinh Sánh Danh đã nói rõ: “Chỉ có Chúa là Đấng Chí Thánh”. Theo tôi, một số người được gọi là thánh vì họ được “bao phủ” đầy cả sự thánh thiện của Chúa. Chính đặc điểm này mà người ta gọi “thánh thiện” là sự hiện diện của sự thánh thiện của Chúa nơi họ.
Kinh nào bà thích nhất và tại sao?
Kinh Truyền Tin, đó là lúc đối thoại giữa Chúa và Mẹ Maria; cũng cùng một cách, nó trở thành đối thoại giữa tôi và Chúa. Cũng như đối thoại giữa ông Môsê và Đức Chúa, giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu.
- Chúa nói với Đức Mẹ: “Qua Bà, Ta ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại”; với ông Môsê và Giakêu, Chúa nói: “Ta đến trong đời sống của con và Ta mang tha thứ đến cho các tội của con”.
- Sau một lúc sợ hãi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào”, Maria trả lời: “Xin ý Chúa được thực hiện”, Đức Mẹ tin vào Lời Chúa và đặt tin tưởng vào Ngài. Giống như Đức Mẹ, tôi nói: “Lạy Chúa, con tin ở Chúa,” dù đó là huyền nhiệm.
- Khi đó Chúa mới nhập thể trong chúng ta. Như ông Môsê, tôi có thể nghe Chúa nói: “Tôi là người tôi là”; cũng như Mẹ Maria, tôi có thể để Chúa nhập thể trong tôi; cũng như ông Giakêu, tôi có thể nghe Chúa Giêsu nói với tôi: “Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống”. Đó là đối thoại, là tác động, là hành động giúp tôi sống trong Chúa. Trong Kinh Truyền Tin, tôi cảm nhận mình được Mẹ Maria hướng dẫn, nâng đỡ trong đối thoại với đức tin, trong tình yêu cho Chúa của tôi.
Marta An Nguyễn dịch