Crux – John L. Allen Jr – 07 Tháng Ba 2015
Tuần này tôi đến New York để quảng bá quyển sách mới của tôi, ‘Phép lạ Phanxicô: Bên trong sự Biến đổi của Giáo hoàng và Giáo hội.’ Sau một vòng giao tiếp với truyền thông, hầu hết câu hỏi tôi nhận được đều dễ đoán, bắt đầu với sự hiếu kỳ kinh điển của người Mỹ về việc liệu giáo hoàng là một người tự do hay bảo thủ.
Tôi hơi ngạc nhiên khi có vài phóng viên đặt ra một câu hỏi có vẻ khá rõ ràng với tựa đề quyển sách. Câu hỏi là: ‘Ông có ý gì khi dùng từ ‘phép lạ’?’
Với những người Công giáo phiền lòng về mặt thần học hay chính trị với Đức Phanxicô, thì việc gọi ngài là ‘phép lạ’ có vẻ thật quá sức bè phái đến khó chịu. Ngay cả những người thẳng thắn theo Đức Phanxicô cũng có thể thấy từ này có vẻ hấp tấp, bởi ngài mới tại vị 2 năm và hơi sớm để có những kết luận hùng hồn như thế.
Cả hai đều là những phản ứng hoàn toàn hợp lý, nhưng cũng thực sự không nắm bắt được ý của tôi muốn nói về ‘phép lạ Phanxicô.’
Điều tôi muốn nói là, có một điều gì đó về giáo hoàng mà chúng ta không thể xem xét cho thỏa đáng trên những tính toán thuần túy của con người, có một điều gì đó cần đến một quy chiếu siêu nhiên hay huyền bí để có thể hiểu cho đúng về ngài.
Nói tóm gọn, điều bí ẩn là: Nguyên do nào cho sự tương phản rõ ràng giữa hồng y Jorge Mario Bergoglio ở Argentina với Giáo hoàng Phanxicô ngày nay?
Chắc chắn, sự tương phản này không mang tính tuyệt đối. Trong suốt 15 năm làm tổng giám mục Buenos Aires, Bergoglio đã dấn thân tận tụy cho người nghèo, đấu tranh để thắp lên lại những ngọn lửa truyền giáo trong Giáo hội, và sống một đời sống đơn sơ theo tin mừng. Tất cả những điều này ngài đều đem theo vào cương vị giáo hoàng.
Nhưng, rõ ràng có một sự khác biệt trong phong cách và cá tính, bởi chẳng ai nghĩ Bergoglio ở Argentina là một chấn động văn hóa đại chúng cả,
Hồng y Bergolio hiếm khi xuất hiện trước công chúng và hầu như không bao giờ có những buổi phỏng vấn chính thức. Khi ngài phải bước ra diễn đàn công chúng, thì các bạn bè xem ngài là ‘ngại ngùng’ còn những người chỉ trích lại bảo là ‘đáng chán.’ Chẳng một ai lại nghĩ đến việc ngài đảo chiều thế giới bằng nụ cười của mình. Đúng vậy, thật khó để tìm được một tấm hình rạng rỡ của hồng y Bergoglio trước thời điểm được bầu làm giáo hoàng.
Ngài cũng không có kiểu tự phát, một cỗ máy gây nhức nhối mà cả thế giới thấy ngày nay. Hình ảnh của hồng y Bergolio có kiểm soát hơn, thận trọng hơn, luôn luôn thích điều hành lặng lẽ sau hậu trường hơn là xuất hiện trước công chúng.
Vào tháng 4 năm 2013, khi tôi hỏi Maria Elena Bergoglio, em gái của giáo hoàng về chuyện này, thì bà đùa mà nói rằng: ‘Tôi không nhận ra được ông ấy nữa!’
Do đó câu hỏi hiện thời là: Chuyện gì đã xảy ra?
Theo tự nhiên, tôi không có chiều hướng tìm kiếm những giải thích siêu nhiên, và tôi cũng thường thấy hoài nghi về kiểu này. Nhưng theo câu nói của Sherlock Holmes rằng sau khi bạn loại trừ những chuyện có khả năng xảy ra, thì những gì còn lại, dù không chắc có thực, vẫn phải là sự thật, và với tôi, chuyện của giáo hoàng Phanxicô cần đến một giải nghĩa huyền bí.
Và nhìn từ một góc cạnh khác, chính Đức Phanxicô đã tin chắc rằng có một nguyên do thần bí về việc ngài trở thành một giáo hoàng như bây giờ:
Và đây là một đoạn tôi đưa ra trong quyển sách về điểm này:
‘Giáng Sinh năm 2013, một hồng y kỳ cựu của châu Mỹ La tinh quen biết Bergoglio hàng chục năm, đã hẹn gặp giáo hoàng và cũng là một người bạn cũ của mình ở Santa Marta, nhà trọ Vatican mà giáo hoàng đã chọn làm nơi cư ngụ. (Ngài sống ở phòng 201, một phòng hơi rộng hơn phòng mà ngài đã ở trong thời gian họp mật nghị hồng y bầu lên ngài, và đủ không gian cho giáo hoàng tiếp khách một cách thoải mái.)
Hồng y này, không muốn tiết lộ tên tuổi, đã nói rằng mình nhìn vào Đức Phanxicô, nhắc đến sự hồ hởi và thanh thoát đang in đậm trong hình ảnh đại chúng của ngài, và nói thẳng với ngài: ‘Anh không phải là người mà tôi biết ở Buenos Aires. Chuyện gì xảy ra với anh vậy?’
Và theo hồng y đó, Đức Phanxicô trả lời rằng:
‘Trong đêm được bầu, tôi đã có một cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa, cho tôi một ý thức vô cùng về sự tự do và an bình nội tâm, và rồi ý thức đó ở trong tôi suốt.’ ‘
Có thể nói, Đức Phanxicô tin rằng ngài đã trải nghiệm một phép lạ.
Tất nhiên chuyện một giáo hoàng thấy được sự thiêng liêng trong những việc xảy đến với mình, không phải là chuyện gì mới.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hoàn toàn tin chắc rằng vào ngày 13 tháng 5, 1981, Đức Trinh nữ Maria đã đổi đường đạn để gìn giữ mạng sống và triều giáo hoàng của ngài. Hôm xảy ra vụ ám sát ở quảng trường thánh Phêrô, cũng là ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima. Giáo hoàng tin rằng chính nhờ Đức Mẹ mà ngài sống sót.
Và cũng chính niềm tin này giải thích vì sao thật khó nghĩ đến chuyện Đức Gioan Phaolô thoái vị, bất chấp ngài đã sức tàn lực kiệt. Ngài tin rằng Đức Mẹ muốn ngài tiếp tục, và không bao giờ ngài buông xuôi.
Tương tự như thế, Đức Phanxicô ngày nay có vẻ sẽ chẳng để ý đến những lời kêu gọi ngài kìm hãm con người công chúng tự do của mình, bởi đó không phải là kết quả của phòng quan hệ quần chúng, nhưng là những gì ngài tin mình là đã cảm nghiệm được hành động của Chúa.
Liệu triều giáo hoàng của ngài có thực sự ‘nhiệm màu’ hay không, nghĩa là có thăng tiến sự thịnh vượng lâu dài của Công giáo sao cho thay đổi được cả thế giới hay không, thì vẫn còn phải chờ xem. Nhưng, chắc chắn rằng, theo Đức Phanxicô, triều giáo hoàng của ngài là một sứ mạng mang trong cốt lõi một phép lạ.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch