Ronald Rolheiser, 2024-09-23
Tại sao chúng ta không giảng về lửa hỏa ngục nữa? Đây là câu hỏi được nhiều giáo dân chân thành đặt ra, họ lo lắng khi thấy quá nhiều linh mục, thừa tác viên đã nhân nhượng với tội lỗi và quảng đại quá mức khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ nghĩ nếu chúng ta giảng nhiều hơn về sự thật khó nuốt là tội trọng, là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và nguy cơ vào hỏa ngục, thì sẽ có thêm nhiều người đến nhà thờ và giữ các điều răn. Họ khẳng định “Sự thật sẽ giải phóng” và sự thật ở đây là: tội lỗi có thật, hậu quả cho tội lỗi cũng có thật và mang tính đời đời. Cổng thiên đàng thì hẹp, đường vào hỏa ngục thì rộng. Vậy tại sao chúng ta không giảng nhiều hơn về nguy cơ của lửa hỏa ngục?
Kiểu lý luận này có lý ở chỗ: giảng về tội trọng và lửa hỏa ngục có thể hiệu quả. Đe dọa thì hiệu quả. Tôi biết vậy. Hồi nhỏ, tôi được học như vậy và đã ảnh hưởng đến hành vi của tôi. Nhưng ảnh hưởng này có tốt có xấu. Một mặt, nó làm cho tôi đủ sợ hãi trước Thiên Chúa và cuộc đời, để luôn mãi sợ mình sẽ đi lạc quá xa về mặt luân lý và tôn giáo. Mặt khác, nó làm tôi bị khuyết tật về tôn giáo và cảm xúc theo cách sâu sắc. Đơn giản là rất khó để thân mật với một Thiên Chúa làm mình sợ, và quá e dè sợ hãi trước những sinh lực thần thiêng của cuộc sống thì không tốt về mặt tôn giáo hay những mặt khác. Phải thừa nhận, sợ thánh thiêng trừng phạt, sợ lửa hỏa ngục có thể có hiệu quả khi nó đóng vai trò làm yếu tố thúc đẩy.
Vậy tại sao lại không giảng về nó? Bởi vì nó sai, đơn thuần và đơn giản là vậy. Tẩy não và đe dọa về thể xác cũng hiệu quả, nhưng chúng là phản đề của tình yêu. Chúng ta đâu bước vào mối quan hệ yêu thương vì cảm thấy sợ hãi hay bị đe dọa. Chúng ta bước vào quan hệ yêu thương vì cảm thấy mình được tình yêu cuốn hút vào đó.
Quan trọng hơn nữa, giảng về sự đe dọa thánh thiêng là làm ô danh Thiên Chúa mà chúng ta tin. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu hiện thân và mạc khải không phải là Thiên Chúa dựa trên một vài sa ngã về nhân bản hoặc luân lý bị phân loại tôn giáo cho là tội trọng để đẩy những người thiện tâm thành tâm vào hỏa ngục dù họ không muốn. Tôi vẫn nghe lời đe dọa này được giảng ở các nhà thờ: bỏ lễ ngày chúa nhật là tội trọng, chưa xưng tội mà chết thì sẽ vào hỏa ngục.
Thiên Chúa nào là bênh vực cho một đức tin như thế? Thiên Chúa nào lại không cho những người thành tâm một cơ hội thứ hai, thứ ba, và thậm chí là thứ bảy mươi lần bảy, nếu họ vẫn tiếp tục thành tâm? Chúa nào sẽ nói với một người biết ăn năn trong hỏa ngục: “Xin lỗi, nhưng con biết luật rồi mà! Bây giờ con ăn năn thì đã quá muộn. Con đã có cơ hội rồi mà!”
Một thần học lành mạnh về Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải thôi giảng hỏa ngục có thể là bất ngờ không tốt đang chờ những người tốt lành. Thiên Chúa mà chúng ta tin là Đấng thông hiểu vô hạn, cảm thương vô hạn, và tha thứ vô hạn. Tình yêu của Thiên Chúa vượt quá tình yêu của chúng ta, và nếu chúng ta trong những phút minh trí hơn, có thể thấy được thiện tâm thay vì thấy những lỗi lầm và yếu đuối nơi lòng người, thì Thiên Chúa còn thấy hơn thế biết bao nhiêu. Chúng ta chẳng có gì để sợ Chúa.
Hay là có? Có phải Kinh Thánh nói kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan đó sao? Sao câu này lại không là câu giống câu kính sợ Thiên Chúa?
Sợ có nhiều dạng, lành mạnh và không lành mạnh. Khi Kinh Thánh nói rằng kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan, thì dạng sợ này không phải là do cảm thấy mình bị đe dọa hay hay lo âu về chuyện bị trừng phạt. Đó là dạng sợ khi chúng ta đứng trước bạo chúa và kẻ bắt nạt. Tuy nhiên, có một dạng sợ lành mạnh bẩm tại trong những xung năng của tình yêu. Dạng sợ này về căn bản là một tôn kính đúng đắn, nghĩa là, khi chúng ta thực sự yêu ai thì chúng ta sẽ sợ mình phản bội tình yêu này, sợ mình ích kỷ, sợ mình thô tục, sợ mình thiếu tôn trọng mối quan hệ đó. Chúng ta sẽ sợ mình vi phạm không gian thiêng liêng của sự thân mật này. Một cách ẩn dụ, chúng ta sẽ cảm thấy mình đang đứng trên đất thánh và tốt nhất nên tháo giày trước khi đến trước ngọn lửa thiêng.
Hơn nữa, Kinh Thánh còn nói khi Thiên Chúa xuất hiện trong đời chúng ta, thì gần như mọi lúc, lời đầu tiên chúng ta nghe Chúa nói là: “Con đừng sợ!” Vì Thiên Chúa không phải là bạo chúa phán xét nhưng là một sinh lực và bản thể đầy yêu thương, sáng tạo và niềm vui. Như nhà khảo luận Leon Bloy nhắc nhở chúng ta, niềm vui là dấu hiệu không thể sai lầm nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Nhà tâm thần học nổi tiếng, Fritz Perls, đã từng được một người theo chủ nghĩa chính thống trẻ tuổi hỏi: “Ông đã được cứu rỗi chưa?” Ông trả lời: “Được cứu rỗi ư? Tôi vẫn đang cố gắng tìm cách để được cứu rỗi!” Chúng ta tôn vinh Chúa không phải bằng cách sống trong sợ hãi để không xúc phạm đến Ngài, mà bằng cách cung kính dùng năng lượng tuyệt vời Chúa ban cho chúng ta. Chúa không phải là một luật lệ để tuân theo, mà là một năng lượng vui tươi để chúng ta dùng một cách phong phú.
J.B. Thái Hòa