Ở Bỉ, một làn sóng giáo dân xin ra khỏi đạo khi Đức Phanxicô cho rằng các bác sĩ phá thai là những người giết mướn

200

Ở Bỉ, một làn sóng giáo dân xin ra khỏi đạo khi Đức Phanxicô cho rằng các bác sĩ phá thai là những người giết mướn

lemonde.fr, Jean-Pierre Stroobants, phóng viên tại Brussels, 2024-10-17

 

Đức Phanxicô rơi căn cứ không quân Melsbroek, sau chuyến tông du 4 ngày đến Luxembourg và Bỉ ngày 29 tháng 9 năm 2024. GEERT VANDEN WIJNGAERT / AP

Ngày 29 tháng 9, trong chuyến đi Bỉ, Đức Phanxicô nói với các nhà báo về “luật hình sự” cho phép “thuê những kẻ giết người” – cụ thể là các bác sĩ – để các phụ nữ có thể tự nguyện chấm dứt thai kỳ. Một tuyên bố thực sự không mới mẻ nhưng được ngài lặp lại ở một quốc gia đã tranh luận trong nhiều năm về khả năng gia hạn thời hạn hợp pháp của việc phá thai, và thậm chí là phi hình sự hóa, đã tạo tiếng vang mạnh.

Đặc biệt khi ngài công bố ý định tiến hành thủ tục phong chân phước cho Vua Baudouin, qua đời năm 1993. Ba năm trước khi qua đời, Nhà Vua công giáo đã từ chối ký một đạo luật phi hình sự hóa việc phá thai được Quốc hội phê duyệt. Một bàn tay khéo léo của một luật sư đã tránh được cuộc khủng hoảng thể chế lớn: đề nghị viện đến “sự bất lực trong việc cai trị” cho phép chính phủ phê chuẩn văn bản thay cho nhà vua, ngài sẽ tiếp tục làm vua sau ba mươi sáu giờ gián đoạn.

Việc vua Baudouin phản đối phá thai, có phải là một biện minh cho việc phong chân phước không?

Không có gì đáng ngạc nhiên khi lời tuyên bố của Đức Phanxicô đã làm cho Ủy ban Hành động Thế tục và năm thành viên Tam điểm phản ứng mạnh khi họ nói, đây là “sự can thiệp tàn bạo của một thể chế tôn giáo vào công việc của Nhà nước”. Ông Jan Danckaert, viện trưởng trường Đại học Flemish ở Brussels tố cáo “những nhận xét trái với luật dân chủ” có thể dẫn đến một sự cố ngoại giao. Cảm nhận được cơn bão đang ập đến, Thủ tướng từ nhiệm Alexander De Croo đã tuyên bố trước Quốc hội ngày 3 tháng 10: “May mắn thay, thời điểm Giáo hội ban hành luật pháp ở đất nước chúng ta đã ở sau lưng.” Ông đã “mời” sứ thần tòa thánh đến gặp và nội dung cuộc gặp không được tiết lộ.

“’Giáo hội của tôi’ không ở đó”

Người công giáo cũng phản ứng, họ cho biết họ rất buồn và mất tinh thần. Bà Céline Fremault, 50 tuổi, cựu bộ trưởng và nghị sĩ, thành viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, ngày 1 tháng 10, trong một bức thư ngỏ gởi Giáo hoàng, bà cho biết: “Bà đã được rửa tội, là tín hữu được giáo dục với các giá trị của Tin Mừng, là thành viên của Giáo hội kể từ khi sinh ra và trung thành với dân Chúa. Năm 2000, tôi đã dùng thuốc phá thai. Tôi xin ‘Giáo hội của tôi’ ở bên cạnh tôi trong những giây phút đau đớn này của một phụ nữ 26 tuổi, nhưng Giáo hội đã không ở đó. Tôi đã cầu nguyện để tôi không phạm điều không thể sửa chữa được, đó là ‘lấy đi một mạng sống’”.

Kể từ đó, bà đã dành một phần hoạt động của bà để tạo điều kiện giúp các cha mẹ phải trải qua sự mất mát đứa con trong bụng. Bị sốc trước lời nói của Đức Phanxicô, bà viết cho ngài: “Những kẻ giết thuê có khả năng y tế và nhân bản rất cao, qua công việc của họ, họ có thể bảo toàn cơ thể và tôi đã có thể sinh thêm bốn đứa con khác.”

Bà Fremault ngày nay là mẹ của ba cô con gái và một con trai. Bà xin ngài: “Xin ngài đến gặp chúng tôi, tôi xin bảo đảm các phụ nữ đã phá thai không phải là những người bị bán cho các luật giết người.”

Ra khỏi Giáo hội và tài trợ đang được tranh luận

Các nhân vật gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với Giáo hội công giáo còn muốn đi xa hơn. Theo sáng kiến của ông Bernard De Vos, cựu tổng đại biểu về quyền trẻ em của Liên đoàn Wallonia-Brussels, hai trăm thành viên của Liên đoàn muốn xóa tên họ ra khỏi sổ đăng ký của giáo xứ, ông nói với báo Le Soir ngày 5 tháng 10: “Có thể sẽ chẳng có lợi ích gì, nhưng đó là tín hiệu để Giáo hội Bỉ tự vấn.” Chúng ta sẽ phải đợi đến năm 2025 và báo cáo thường niên của Giáo hội công giáo Bỉ để biết liệu lời kêu gọi này có được đông đảo người theo hay không.

Những tiết lộ khủng khiếp về loạt phim truyền hình, Bị Chúa lãng quên, nói về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, phát sóng tháng 9 năm 2023 đã làm cho nhiều người công giáo muốn xóa tên ra khỏi sổ rửa tội. Cũng như một vụ tai tiếng khác vài tháng sau đó: ít nhất 30.000 trẻ sơ sinh của các phụ nữ trẻ độc thân sinh ra trong các cơ sở tôn giáo đã bị cưỡng bức lấy đi và bán cho cha mẹ nuôi.

Cần thời gian để đo lường tác động chính xác của việc xóa tên khỏi sổ rửa tội. Về cơ bản, hệ quả của việc này sẽ mang tính cá nhân và mang tính biểu tượng vì phép rửa tội là không thể thay đổi được. Trên thực tế, hy vọng của ông Demotte và của những người khác về các vụ này là để tạo một cuộc tranh luận về tính hợp pháp của việc chính quyền tài trợ cho các tôn giáo. Ở đây có một dè dặt: nó không liên quan đến số lượng tín hữu mà liên quan đến số lượng linh mục và các tòa nhà dành riêng cho việc thờ phụng được công nhận.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch