Trung Quốc theo dõi chặt chẽ chuyến đi Châu Á của Đức Phanxicô

100

Trung Quốc theo dõi chặt chẽ chuyến đi Châu Á của Đức Phanxicô

Đón tiếp Đức Phanxicô tại Dili – 9-9-2024

lemonde.fr, Gaétan Supertino, 2024-09-08

Mối quan hệ của Vatican với Trung Quốc, tầm quan trọng của đạo công giáo ở Châu Á, đối thoại liên tôn giáo, bạo lực tình dục… Chuyến đi của Đức Phanxicô có thể thay đổi được gì? Theo thần học gia Michel Chambon, nhà nghiên cứu ở Singapore, Đức Phanxicô tìm cách thể hiện quyền giáo hoàng tối thượng của ngài ở vùng trung tâm của nhiều phạm vi ảnh hưởng. Một thông điệp vừa có tính chất tôn giáo vừa có tính chất chính trị gởi cho các cường quốc thế giới, nhưng trước hết là cho Trung Quốc.

Vì sao một Giáo hoàng đã 87 tuổi, sức khỏe yếu lại kiên quyết đi chuyến đi dài 12 ngày qua bốn nước ở Đông Nam Á Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore. Đây là chuyến đi dài nhất của ngài về thời gian cũng như về đường dài. Làm sao giải thích tầm quan trọng này theo con mắt của Tòa Thánh?

Giáo sư Michel Chambon: Tình hình có những khía cạnh hoàn toàn khác nhau giữa các quốc gia, nhưng chúng ta có thể xác định được ba vấn đề chính. Theo tôi, mục tiêu đầu tiên là tái khẳng định sự hiệp nhất của đạo công giáo trên thế giới, qua sự hiệp thông giữa Giáo hoàng, Giáo hội hoàn vũ và người công giáo Châu Á: đó là cách để trả lời cho tiếng nói bất hòa từ những người chống đối ngài, đặc biệt là ở phương Tây.

Mục tiêu thứ hai là khuyến khích người công giáo địa phương bắt  tay giải quyết một số vấn đề như đối thoại liên tôn, biến đổi khí hậu, công bằng xã hội. Chẳng hạn ở Singapore, Giáo hội công giáo được hưởng nhiều lợi thế, có mối quan hệ tốt với chính phủ, tài chính dồi dào, sốt sắng giữ đạo (khoảng 4,5% dân số), v.v. Nói tóm lại, một tình huống khó có thể thuyết phục mọi người rời nơi chốn an toàn để thảo luận các chủ đề Vatican quan tâm như loại bỏ án tử hình hoặc vấn đề của người di cư.

Một ví dụ khác: ở Đông Timor, người Công giáo chiếm 97% dân số, vì thế Đức Phanxicô có quyền mong chờ Giáo hội địa phương được hưởng nhờ uy tín và đòn bẩy kinh tế xã hội đầu tư nhiều hơn vào sự phát triển bền vững và công bằng xã hội. Trước những khó khăn kinh tế của đất nước đang phát triển này, ngày càng có nhiều người trẻ nghi ngờ Giáo hội.

Mục tiêu thứ ba rõ ràng là địa chính trị. Như đã nói rất nhiều kể từ khi bắt đầu chuyến đi, đó là gởi một thông điệp đến các cường quốc trên thế giới về các chủ đề như vấn đề liên tôn giáo, bãi bỏ chiến tranh hay đấu tranh vì môi trường. Nhưng Vatican cũng có mối quan tâm riêng của mình, về ranh giới thần học và địa chiến lược: đó là việc thể hiện chủ quyền hoàn vũ mà Giáo hoàng tuyên bố. Trung Quốc đang theo dõi chuyến đi này rất chặt chẽ và vẫn chú ý đến cách Đức Phanxicô minh họa cụ thể chủ quyền phổ quát này.

Có nghĩa là? Đây có phải là khái niệm thuần túy về đạo đức và thiêng liêng không? Vì sao Bắc Kinh lại quan tâm đến những chuyện này?

Bắc Kinh đang chú ý cách Giáo hoàng can dự vào việc phục vụ lợi ích chung, xoa dịu các căng thẳng khác nhau và cân bằng tình trạng chính trị trong khu vực. Chủ quyền phổ quát của Giáo hoàng là phạm trù thần học có hàm ý rất cụ thể mà không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền đạt đến các nhà lãnh đạo thế giới, họ lo ngại một cách chính đáng về cách thức mà những chuyện này có thể đe dọa chủ quyền của chính họ.

Khi Đức Phanxicô đến Indonesia, một trong những quốc gia lớn nhất hành tinh, ngài được đón tiếp với những vinh dự vượt xa vinh dự của một nguyên thủ quốc gia. Và hành động của các giáo hoàng luôn được xem xét kỹ lưỡng, họ tạo tiếng vang chính trị rất lớn. Chúng ta nhớ lại chuyến đi của Đức Gioan Phaolô II đến Indonesia năm 89. Ngài là người Ba Lan có phong tục hôn đất khi đến đất nước chủ. Trong thời gian đến thăm, ngài quỳ gối hai lần: một lần ở Jakarta và một lần ở đảo Timor, khi đó là một phần của Indonesia, để nói lên thông điệp: đó là hành vi ủng hộ nền độc lập của Timor.

Đón tiếp Đức Phanxicô tại Indonesia 4-9-2024

Các giáo hoàng luôn có hai vai trò: vai trò lãnh đạo tôn giáo đạo đức và vai trò trong các vấn đề chính trị. Khi Đức Phanxicô tay trong tay với các nhà lãnh đạo Indonesia, đất nước dựa vào tôn giáo cả trong các sáng kiến ngoại giao lẫn trong việc gắn kết xã hội của họ, đó là cách để nói đây là dạng xã hội đa nguyên mà thế giới sẽ khôn ngoan nếu lấy cảm hứng từ đó.

Trên hết, người công giáo chú ý đến thông điệp của ngài, nhưng thông điệp của ngài thực sự có ý nghĩa gì ở khu vực này của Châu Á?

Ở đây một lần nữa, đó là những thực tế khác nhau từ nước này sang nước khác. Và chúng ta phải cẩn thận không chỉ dựa vào số liệu thống kê. Ở một Indonesia có 80% dân số theo đạo hồi, họ chắc chắn không chiếm hơn 4% dân số nhưng chiếm đa số trên một số đảo lớn ở phía đông và vì thế họ đóng vai trò quan trọng trong sự liên tục về lãnh thổ và thống nhất quốc gia. Ở Papua Tân Ghinê, người công giáo chỉ chiếm 26% nhưng so với tín hữu tin lành bị chia rẽ trước sự phát triển của các tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm và Ngũ Tuần, thì người công giáo là một nhóm có tổ chức, tồn tại lâu đời và có hoạt động tập trung.

Thách thức của chuyến đi này ở mức độ nào trong mối quan hệ của Vatican với Trung Quốc?

Giáo hội công giáo có nhiều tín hữu trên toàn thế giới và chú ý đến sự thay đổi địa chính trị toàn cầu đang diễn ra, trong đó Bắc Kinh ngày càng có nhiều ảnh hưởng. Đức Phanxicô kiên trì trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và đã mang lại kết quả. Thỏa thuận tạm thời ký với Bắc Kinh (đặc biệt về việc bổ nhiệm các giám mục được ký năm 2018, sau đó được gia hạn vào năm 2020 và 2022) minh chứng cho điều này, nhưng không chỉ có vậy.

Trong chuyến đi đến Quần đảo Salomon, đồng minh quân sự mới của Trung Quốc, và kết thúc ở Singapore “cây cầu dẫn đến Trung Quốc”, Đức Phanxicô đi giữa phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và phương Tây, nhắc nhở Giáo hoàng muốn phát huy mọi sức mạnh để hướng tới điều tốt đẹp, để có được thông hiểu giữa các dân tộc.

Bắc Kinh nhạy cảm trước các hành vi của Giáo hoàng. Ngày 27 tháng 8, chính quyền Trung Quốc công bố một giám mục “hầm trú” (được Vatican công nhận nhưng chưa được Trung Quốc công nhận) được chính thức phong giám mục ở Thiên Tân, một cách để Trung Quốc nhắc thỏa thuận Trung Quốc-Vatican có hiệu quả.

Thỏa thuận điều chỉnh quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican sẽ hết hạn vào cuối tháng 10 và sẽ được gia hạn?

Thỏa thuận chỉ tạm thời. Các cuộc đàm phán đang tiến hành, và chắc chắn chuyến đi này của Giáo hoàng cũng là một cách tạo chuyển hướng để giới truyền thông và chính trị không tập trung quá nhiều vào những gì đang diễn ra giữa Rôma và Bắc Kinh. Thời điểm này cũng là dịp tốt, vì Hoa Kỳ đang bận với chiến dịch tranh cử tổng thống, không có thì giờ can thiệp vào các cuộc thảo luận, điều mà nước này thường làm.

Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ không dẫn đến một thỏa thuận ổn định; Trung Quốc chưa sẵn sàng. Rôma sẽ hài lòng nếu đại diện của Giáo hoàng có văn phòng ở Hồng Kông có thể đến Bắc Kinh thường xuyên hơn. Đây có thể là điểm khởi đầu cho việc thiết lập dần dần các mối liên kết mới, phần nào giống như những gì đã được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 2000: ban đầu đại diện Giáo hoàng thỉnh thoảng đến Hà Nội, sau đó ngài được quyền cư trú nhưng không được rời Hà Nội, nếu đi ngài phải giải thích đi đâu, nhưng bây giờ ngài được tự do đi khắp nước.

Ở Việt Nam, niềm tin được xây dựng dần dần, thời gian cho thấy đại diện của Giáo hoàng không can thiệp vào chính trị nội bộ. Hoặc nếu ngài có làm thì không chống chính phủ, vì chính phủ nhận thấy Giáo hội quan tâm đến họ: họ thấy những khó khăn mà các quan chức địa phương chỉ muốn giữ riêng cho họ.

Liệu Đức Phanxicô có đến Trung Quốc như ngài mong muốn không?

Đức Phanxicô thích nhắc đến chuyện này, nhưng ngài đã 87 tuổi, tôi nghi ước muốn này khó có thể thực hiện, ngài có thể đi Việt Nam vì ở đây ngài có mối quan hệ tốt đẹp. Với Trung Quốc, đơn giản là Đức Phanxicô muốn khẳng định quyết tâm mong có đối thoại thân thiện và xây dựng, bất chấp mọi khó khăn.

Với tinh thần kiên trì và không mệt mỏi, Đức Phanxicô đi tông du

Công việc của giáo sư cũng tập trung vào tác động của việc thuộc địa hóa kitô giáo ở Châu Á… Chuyến đi này có thể giúp chữa lành vết thương cho vấn đề này không?

Ở châu Á, chỉ đến thế kỷ 19 kitô giáo mới đột nhiên bị cho là thế lực ngoại bang, phục vụ thực dân (kitô giáo đã có ở Ấn Độ từ những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên). Trước đây, kitô giáo bị chỉ trích vì bị đặt vấn về truyền thống gia đình, dòng tộc, thờ cúng tổ tiên, thuần phục nhưng không bị cho là ngoại sinh. Quá trình thực dân hóa của phương Tây đã thay đổi điều này và di sản này vẫn còn tồn tại.

Ở một số quốc gia, các Giáo hội địa phương vinh danh các nhà truyền giáo Châu Âu đến truyền giáo ở Châu Á, nhưng có một số người xem kitô giáo là tôn giáo phương Tây. Ở Thái Lan, một công dân chân chính là một phật tử, người theo kitô giáo khó tìm được chỗ đứng của họ.

Qua các phương tiện truyền thông, các chuyến tông du của Giáo hoàng có thể cho người dân thấy, công giáo không phải là một tôn giáo ngoài lề hay ngoại lai, và Giáo hội bám rễ sâu và tham gia vào việc xây dựng xã hội.

Còn bạo lực tình dục? Tháng 2 vừa qua, giáo sư đã tố cáo trong “The Diplomat” sự tùy ý của Vatican và của Pháp…

Ở nhiều nước, sự im lặng ngự trị. Tôi đã nói chuyện rất lâu về vấn đề này với các nhà nghiên cứu ở Timor (nơi Giám mục Carlos Ximenes Belo, giải Nobel Hòa bình năm 1996 qua chiến đấu của ngài trong thời kỳ đất nước bị Indonesia chiếm đóng) ông bị buộc tội đã cưỡng hiếp các bé trai khi ông ở Dili và mọi người lo ngại sự việc này sẽ được đưa ra. Với họ, vấn đề công bằng xã hội không thể bị lu mờ bởi vấn đề lạm dụng tình dục. Nếu tôi hiểu rõ mối quan tâm của họ, thì cũng có một nhu cầu cấp thiết phải kiềm chế căn bệnh ung thư này của Giáo hội.

Tại Canada, Giáo hoàng đã đưa ra quan điểm công khai về tình trạng tấn công bạo lực trên các học sinh bản địa ở các trường nội trú công giáo. Ngài không thể giữ im lặng ở Châu Á. Vụ của Giám mục Belo cũng như vụ của Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris đã được ghi nhận. Chúng tôi biết các quốc gia “truyền giáo” bị tác động rất nhiều vì vấn đề đã tồn tại lâu dài trong Giáo hội phương Tây, giáo dân được khuyên phải tránh xa các linh mục săn mồi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Sáu thách thức lớn lao trong chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Phanxicô

Đông Timor, quốc gia công giáo đầu tiên trên thế giới nồng nhiệt chào đón Đức Phanxicô

Nơi đại dương gặp bầu trời