Một người cha bồng đứa con nhỏ để Đức Phanxicô ban phép lành khi ngài rời phi trường Quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta để về thủ đô Port Moresby, Papua Tân Ghinê ngày 6 tháng 9 năm 2024. (AFP/Yasuyoshi Chiba)
thejakartapost.com, Ban biên tập The Jakarta Post, 2024-09-07
Qua chuyến thăm Nhà thờ Hồi giáo Istiqlalm, Đức Phanxicô bày tỏ sự tôn trọng của ngài với sự đa dạng và hòa hợp tôn giáo của Indonesia.
Ngày thứ sáu 6 tháng 9, ngài rời Indonesia để đi Papua Tân Ghinê, chặng thứ hai chuyến tông du kéo dài 12 ngày tại Châu Á và Châu Đại Dương sau khi ngài có thông điệp về tình đoàn kết tôn giáo tại quốc gia có đông người hồi giáo nhất thế giới.
Sự chào đón nồng nhiệt của chính phủ và người dân Indonesia cho thấy ngài được mong đợi đến mức nào. Việc các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi về chuyến đi của ngài đến quốc gia có số tín hữu hồi giáo lớn nhất thế giới, xác minh tầm quan trọng của ngài trong việc định hình không chỉ mối quan hệ liên tôn mà còn cả cách tiếp cận toàn cầu với các vấn đề thực tế như đói nghèo, bất bình đẳng và bất công.
Từ thánh lễ được tổ chức chu đáo tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Senayan, Nam Jakarta ngày thứ năm với khoảng 85.000 người tham dự, cho đến các biện pháp an ninh để bảo đảm an toàn, Indonesia đã chuẩn bị cẩn thận cho Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước sau Đức Phaolô VI năm 1970 và Đức Gioan Phaolô II năm 1989.
Sau khi Đức Phanxicô rời Jakarta đi Papua Tân Ghinê, ngày thứ sáu 6 tháng 9, Ban an ninh chống khủng bố Densus 88 của cảnh sát thông báo đã bắt giữ bảy người ở Jakarta âm mưu hoặc kích động các cuộc tấn công nhắm vào Đức Phanxicô. Ông Aswin Siregar, phát ngôn viên của Ban an ninh cho biết một trong những người này có liên hệ với tổ chức Khủng bố Hồi giáo ISIS, tuy không còn tồn tại nhưng họ còn các nhóm nhỏ kể cả ở Indonesia.
Đức Phanxicô đã viết câu tweet bằng tiếng Indonesia trên tài khoản Twitter của ngài để bày tỏ lòng biết ơn: “Tôi xin cám ơn anh chị em đã nồng nhiệt chào đón. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em kiên trì phát huy tình yêu thương và kiến tạo hòa bình.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch