Người dân Papua ở Indonesia gởi lời kêu cứu đến Đức Phanxicô
Bị phân biệt đối xử từ năm 1969 khi Papua sáp nhập vào tỉnh bang Indonesia rộng lớn với tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, với đa số người dân là kitô hữu, họ hy vọng Đức Phanxicô sẽ gởi cho họ thông điệp về tình đoàn kết và hỗ trợ.
la-croix.com, Dorian Malovic, đặc phái viên tại Jakarta, Indonesia.
Người Papua thuộc bộ lạc Lanis ở làng Dunkum, Indonesia. GARDEL BERTRAND / Hemis – AFP
Linh mục Alexandro Rangga trả lời tóm tắt cho thảm kịch và bạo lực người dân Papua phải gánh chịu từ khi lãnh thổ của họ bị sáp nhập vào Indonesia năm 1969: “Papua đã sống cơn ác mộng bạo lực chưa từng có trong hơn nửa thế kỷ. Không ai quan tâm đến số phận bi thảm của cộng đồng thiểu số Papua, họ chịu đau khổ vì những bất công do chính quyền hiện tại gây ra, quân đội Indonesia cáo buộc họ là những người ly khai.” Linh mục Rangga dòng Phanxicô 37 tuổi, người gốc đảo Flores đã sống 20 năm ở Jayapura đằng sau cánh cửa đóng kín.
Papua sống trong căng thẳng
Linh mục giải thích: “Giáo dân theo thiên chúa giáo và công giáo hy vọng nghe thông điệp hỗ trợ của Đức Phanxicô, ngài nhạy cảm với những bất công, với người di cư, với sự tàn phá thiên nhiên.” Trong nhiều năm, các nhà báo, các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc bị cấm không được đến đây để điều tra những vi phạm nhân quyền do quân đội Indonesia gây ra, Papua luôn sống trong tình trạng căng thẳng.
Nước láng giềng Papua Tân Ghinê (10 triệu dân) được Úc trả độc lập năm 1975. Năm 1962 Indonesia đã dùng vũ lực chiếm phần còn lại của đảo Papua (6 triệu dân) và năm 1969 đã sáp nhập Papua vào Indonesia trong một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên được Liên Hiệp Quốc xác nhận.
Một tỉnh bang bị quân sự hóa
Một tu sĩ Dòng Tên vừa trở về sau một thời gian ở Papua cho biết: “Đây là tội đầu tiên Indonesia đã phạm với vùng đất Papua rất giàu tài nguyên thiên nhiên này. Việc khai thác đồng, vàng, niken, khí đốt và gỗ quý không mang lại lợi ích gì cho người dân Papua, họ là những người nghèo nhất quần đảo Indonesia.”
Sự kém phát triển và phân biệt đối xử đã tạo xung đột đòi độc lập, làm cho 100.000 người phải di dời và 150.000 người thiệt mạng. Trong 5 thập kỷ, Tổ chức Phong trào ly khai vì Papua Tự do (OPM) đã tổ chức chiến tranh du kích với cường độ thấp chống lại quân đội Indonesia đang tràn khắp lãnh thổ.
Bà Ayu Utami, nhà văn công giáo và nhà hoạt động nhân quyền ở Jakarta khẳng định: “Kể từ năm 2001 có luật tự chủ đặc biệt nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người dân địa phương, họ đòi hỏi có lợi nhuận cao hơn từ việc khai thác mỏ. Đây thực sự là cuộc diệt chủng – kể cả về mặt sinh thái – chúng tôi chứng kiến, chưa bao giờ quân đội có mặt nhiều như vậy. Papua là một thảm họa vì chính phủ hoàn toàn kiểm soát an ninh, đáng lý phải được bình định bằng cách rút quân, nhưng họ thông đồng với các nhà cầm quyền địa phương, các chính trị gia và các tướng lãnh.”
Thông điệp khó đến tai Đức Giáo hoàng
Trong nhiều tuần, Ủy ban Công lý và Hòa bình Jayapura đã cố gắng gởi thông điệp đến Đức Phanxicô về thảm họa nhân đạo của Papua, nhưng một linh mục người Indonesia (ẩn danh) cho biết: “Có những trở ngại và áp lực mạnh mẽ, từ chính hệ thống cấp bậc công giáo để Đức Phanxicô không nhận được các thông điệp này, để ngài không đề cập đến vấn đề Papua.”
Một quyển sách được 34 người Papua, trong đó có một số linh mục viết về lịch sử người công giáo ở Papua, được dịch sang tiếng Ý lẽ ra phải được Giám mục Jayapura trao cho Đức Phanxicô tại Jakarta, nhưng đã bị cấm. Linh mục Rangga cho biết: “Chúng tôi vẫn còn hy vọng, vì với người dân Papua, chỉ đơn thuần nhớ lại sự tồn tại của họ đã là một hình thức công nhận nỗi đau của họ và sẽ là thành công chính trị có thể cải thiện cho tương lai của họ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đầy những bất ngờ, Đức Phanxicô bắt đầu hành trình Châu Á và Châu Đại Dương