Vì sao Đức Phanxicô loại trừ khả năng phong chức phó tế nữ

143

Vì sao Đức Phanxicô loại trừ khả năng phong chức phó tế nữ

lemonde.fr, Gaétan Supertino, 2024-05-24

Trong một phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CBS, Đức Phanxicô đã dứt khoát phản đối việc phong phó tế nữ, nhưng ngài không loại trừ một suy tư rộng hơn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Lần này, câu trả lời rõ ràng, ngài loại trừ khả năng phong phó tế nữ, một chủ đề đã tạo tranh luận sôi nổi kể từ đầu triều của ngài, đặc biệt kể từ khi khai mạc Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội tháng 10 năm 2023.

Cũng cần nhắc lại, phó tế là phụ tá các linh mục, có thể được giao phó những trách nhiệm khác nhau trong việc điều hành giáo xứ hoặc hướng dẫn phụng vụ, như rửa tội hoặc làm phép hôn phối. Nhà báo Norah O’Donnell hỏi ngài: “Tôi tò mò muốn biết liệu một cô bé ngày nay lớn lên trong đạo công giáo, một ngày nào đó cô có cơ hội làm phó tế và tham gia với tư cách là thành viên giáo sĩ trong đời sống Giáo hội không?”

Ngài trả lời: “Không!” Ngài giải thích theo từ nguyên của từ phó tế (tiếng hy lạp là diakonos, tôi tớ, phụ tá), như thế phụ nữ luôn có chức năng phó tế nhưng không phải phó tế đúng không? Phụ nữ phục vụ rất tốt trong cương vị phụ nữ, chứ không trong tư cách mục tử của các thứ trật thiêng liêng.

Nói đến “mục tử trong các chức thánh” là nói đến người đảm nhận một “thừa tác vụ được phong chức” trong Giáo hội công giáo, điều này liên quan đến các linh mục và giám mục. Việc truyền chức được hệ thống hóa (được cử hành trong buổi lễ long trọng với việc đặt tay linh mục lên “thừa tác viên” tương lai, sau đó là lời cầu nguyện thánh hiến), được xem là một bí tích, nghĩa là được “thánh hóa.”

Tuy nhiên, theo truyền thống công giáo và cả trong chính thống giáo, chỉ đàn ông mới được “thánh hóa” và được phong chức, họ sẽ là giám mục, linh mục hay phó tế. Vào cuối buổi lễ, “tân mục tử” được cho là người thừa kế của mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chỉ định trong Tân Ước (tất cả đều là đàn ông) và được chính Chúa Kitô trao quyền, họ có trách nhiệm đại diện Chúa Kitô trên trái đất, trong con người, nơi con người.

Một vấn đề gây tranh cãi sôi nổi

Tuy nhiên, với những người ủng hộ việc truyền chức cho phụ nữ, những lý do này không xác đáng. Chúng ta có thể nói bản chất thiêng liêng của Chúa Kitô là nam tính không? Chúng ta có chắc chắn các tông đồ đều là đàn ông không? Theo Tin Mừng, chung quanh Chúa Giêsu có nhiều phụ nữ, bà Maria Mađalêna, nhân chứng đầu tiên về sự sống lại và là người đầu tiên loan báo “Tin Mừng” cho các tông đồ, đôi khi bà còn có biệt danh là “tông đồ của các tông đồ” theo nghĩa đen là sứ giả.

Chức phó tế nữ là điều cấm kỵ từ lâu, vấn đề đã được đưa ra tranh luận một lần nữa trong Giáo hội trong khoảng hai thập kỷ nay. Từ năm 2003, Ủy ban Thần học Quốc tế (CTI) đã công bố kết quả của năm năm nghiên cứu về chủ đề này. Cơ quan này trực thuộc Giáo triều nhưng đã không quyết định, kết luận “huấn quyền thuộc về giáo hoàng, vì thế ngài có quyền tuyên bố về chủ đề này”.

Năm 2016, Đức Phanxicô chỉ định một ủy ban thần học để cụ thể làm việc về chức phó tế nữ. Vấn đề cũng đã được giải quyết vào năm 2019 trong Thượng Hội đồng về Amazon. Và đó là trọng tâm của Thượng Hội đồng hiện nay về tương lai của Giáo hội: chủ đề đã được nói đến trong hầu hết các giai đoạn chuẩn bị của tiến trình được phát động năm 2021, trong đó giáo dân ở khắp nơi trên thế giới được mời đưa ra ý kiến của mình.

Nhưng vô hiệu. Vì nếu sự hiện diện của các “nữ phó tế” được chứng thực trong nhiều thế kỷ đầu tiên của kitô giáo qua nhiều tác phẩm (kể cả trong Công vụ Tông đồ hoặc Thư của Thánh Phaolô), nhưng các thần học gia chưa bao giờ đồng ý về địa vị chính xác của thuật ngữ này và vẫn còn rất nhiều người phản đối. Nhà báo Frédéric Mounier tác giả quyển Giáo hoàng Phanxicô, Một cuộc đời (Le Pape François. Une vie, nxb. Presses du Châtelet, 2023) tóm tắt: “Khả năng khôi phục chức phó tế nữ đặt ra câu hỏi liệu trong Giáo hội sơ khai, các nữ phó tế có được phong chức hay chỉ nhận một phép lành.”

Sự uyển chuyển luôn quan trọng với giáo hoàng. Tháng 1 năm 2021, trong một thư đưa ra nhân dịp cải cách giáo luật nhằm mở chức phụng vụ đọc sách và giúp lễ cho phụ nữ, Đức Phanxicô đã loại trừ, không đề cập công khai đến chức phó tế nữ, khả năng chịu chức của họ, nhắc lại những lời của Đức Gioan-Phaolô II (tuyên bố năm 1994) theo đó “liên quan đến các thừa tác vụ được phong chức, Giáo hội không có một khả năng nào để phong chức cho phụ nữ”.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ nói ‘Không’”

“Phó tế là giai đoạn đầu tiên của việc phong chức. Nhiều người lo sợ – hoặc hy vọng – điều này sẽ trở thành cửa ngõ dẫn đến chức linh mục”, bà Danièle Hervieu-Léger, nhà xã hội học phân tích trong một cuộc phỏng vấn với báo Le Monde: “Năm 1994, khi các tín hữu anh giáo bổ nhiệm những phụ nữ đầu tiên làm mục sư, nhiều người nghĩ họ sẽ không bao giờ là giám mục. Bây giờ họ có ba giám mục.”

Tuy nhiên khi loại trừ bất kỳ cuộc tranh luận nào về việc phong chức, nhưng thừa nhận phụ nữ đã có “chức năng của phó tế”, Đức Phanxicô không đóng cửa cho một suy tư rộng hơn về vai trò mà phụ nữ có thể nắm giữ trong Giáo hội. Dứt khoát việc không được chịu chức không ngăn cản một ngày nào đó một phụ nữ có thể được một giám mục ủy quyền để làm lễ rửa tội hoặc làm phép hôn phối và ngay cả làm hồng y – miễn là được giáo hoàng đồng ý – như đôi khi đã được đề cập trong các tranh luận của Thượng Hội đồng hoặc trong quá trình làm việc của ủy ban thần học về chức phó tế nữ.

Nhưng nhiều người đang mất kiên nhẫn. Hiệp hội nữ quyền công giáo trong một thông báo báo chí sau các phát biểu của giáo hoàng trên truyền hình Mỹ đã tố cáo: “Câu trả lời tổ chức đưa ra liên quan đến tiến trình của vấn đề này thường là câu mời gọi phụ nữ hãy kiên nhẫn, với câu nói sáo rỗng truyền thống “Thời của Giáo hội không phải là thời của các ông. Đức Phanxicô có đặt câu hỏi Giáo hội sẽ như thế nào nếu phụ nữ nói ‘Không’ không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không còn làm tình nguyện viên, truyền bá đức tin, tham dự vào thánh lễ? Đây là lời mời gọi chúng ta dành cho họ: hãy nói ‘Không’, khi họ bị loại khỏi phạm vi đưa ra quyết định, khi họ không được bầu chọn giáo hoàng tiếp theo.”

Sẽ không có gì lớn chuyện khi phiên họp chung thứ hai của Thượng hội đồng sẽ khai mạc vào mùa thu tới. Vẫn còn phải xem Thượng hội đồng có dẫn đến điều gì cụ thể hay không. Nữ tu người Mexico Maria De Los Dolores Palencia Gomez đã tham dự Thượng hội đồng tháng 10 năm 2023 xem đây là “một quá trình dần dần”, bảo đảm “từng chút một chúng ta sẽ thấy có những thay đổi, ngay cả khi chúng không xảy ra ngay lập tức, chúng tôi đã chuẩn bị nền tảng cho những thay đổi trong tương lai.”

Marta An Nguyễn dịch

Chức phó tế nữ: thất vọng và thắc mắc sau câu trả lời “không” của Đức Phanxicô