“Phép lạ Thánh Thể”: huyền thoại hay hiện thực?

167

“Phép lạ Thánh Thể”: huyền thoại hay hiện thực?

laselectiondujour.com, Peter Bannister, 2023-09-09

Ảnh: Wafer, Lanciano, Italy. Nguồn: ảnh AFC / Wikimedia Commons

Cứ theo định kỳ, mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo lại trở thành chủ đề tranh luận của công chúng, thể hiện qua những phản ứng khác nhau với quyển sách bán chạy nhất gần đây “Chúa, khoa học, bằng chứng” (Dieu, la science, les preuves). Với một số người, tin hay không tin, việc đặt từ “bằng chứng” và “Chúa” cạnh nhau là một mâu thuẫn hợp lý. Với những người tin vào thuyết vô thần, họ sẽ buồn cười về ý tưởng có bằng chứng cho một sinh vật không tồn tại, còn với những người tin, họ khẳng định đức tin và “bằng chứng về sự tồn tại của Chúa” là những khái niệm không thể hóa giải được, theo nghĩa Chúa không cần bằng chứng. Theo lập luận này, một Đấng Tạo Hóa buộc mọi người phải tin qua bằng chứng không thể chối cãi về sự tồn tại của mình sẽ tước bỏ mọi tự do tôn giáo khỏi các sinh vật của mình. Còn với những người khác, một tôn giáo không dựa trên bất kỳ bằng chứng xác minh nào sẽ thuộc về một loại “niềm tin” (chẳng hạn tin vào các nàng tiên) và rơi vào tình trạng phi lý thuần túy. Trong bối cảnh này, vấn đề “các phép lạ” như dấu chỉ hành động của Thiên Chúa đặc biệt nhức nhối, nhất là khi khoa học kêu gọi công bố dựa trên các sự kiện. Đây chính xác là những gì đã xảy ra gần đây ở Honduras, Giáo hội yêu cầu hai phòng thí nghiệm thử nghiệm “phép lạ Thánh Thể” xảy ra năm 2022 tại ngôi làng nhỏ El Espinal.

Với Giáo hội công giáo, những “phép lạ” này (hơn 130 phép lạ đã được chính thức duyệt) xác nhận bánh thánh và rượu đã truyền phép trong thánh lễ thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Trong một số trường hợp, Mình Thánh đã được truyền phép còn nguyên vẹn một cách bí ẩn sau khi bị hỏa hoạn (như ở Faverney năm 1608) hoặc thoát khỏi quá trình phân hủy thông thường (Sienne, 1730). Trong các trường hợp khác, máu được phát hiện trên bánh thánh hoặc trên vật dụng đựng bánh thánh. Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất như thế đã diễn ra ở Lanciano, Ý, vào thế kỷ thứ 8, khi một tu sĩ hoài nghi đã thấy bánh và rượu biến thành thịt và máu. Tuy nhiên, chỉ ở thời đại chúng ta nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu pháp y, khoa học mới có thể kiểm chứng truyền thống tôn giáo. Năm 1970-1971, ở Lanciano, giáo sư Linoli d’Arezzo đã kiểm tra một mẫu được các tu sĩ dòng Phanxicô cho là phép lạ. Mới đầu các tu sĩ sợ một kiểm tra nghiêm ngặt như vậy sẽ phá bỏ truyền thống tổ tiên của họ, nhưng nghiên cứu của giáo sư Linoli xác nhận mẫu được xem là thịt của Chúa Kitô thực sự là mô cơ tim của một người thuộc nhóm máu AB (một trong những nhóm hiếm nhất). Một kết luận đáng kinh ngạc được sao chép lại trong các trường hợp khác mô tả trong quyển sách gần đây của bác sĩ tim mạch Francesco Serafini, trong đó có trường hợp của Buenos Aires (1992-1996), được Tiến sĩ Frederick Zugibe của Đại học Columbia thử nghiệm, ông không biết nguồn gốc của mẫu liên quan.

Tháng 7 năm 2023, hơn 1.200 năm sau sự kiện ở Lanciano, giám mục Honduras Walter Guillén Soto đã phê chuẩn những sự kiện tương tự ở El Espinal. Ngày 9 tháng 7 năm 2022, ông José Elmer Benitez, thừa tác viên trao Mình Thánh cho một cộng đồng không có linh mục, đã phát hiện tấm khăn trải bàn thờ nhà tạm có dính chất lỏng màu đỏ. Tấm vải lanh được gởi đến giám mục Soto, ngài gởi đến Trung tâm Y tế Santa Rosa de Copan để đánh giá mức độ oxy hóa và pha loãng của “máu”. Sau đó các thử nghiệm chuyên sâu hơn được Trung tâm Chất độc Tegucigalpa làm. Kết luận là các vết bẩn thực sự là máu người, loại AB – loại máu không chỉ được tìm thấy ở Lanciano, mà còn trong tất cả các trường hợp phép lạ Thánh Thể đã được phê duyệt, cũng như trên Khăn Liệm Turin. Giám mục Soto không nghi ngờ độ tin cậy của các xét nghiệm hoặc báo cáo của các nhân chứng khi họ nói về “dấu hiệu phi thường, hữu hình, tế nhị có thể kiểm chứng được về sự biểu hiện máu của Chúa”.

“Các phép lạ Thánh Thể” có nên được xem là “bằng chứng” về sự thật của đức tin kitô giáo, cụ thể là của giáo lý công giáo về Bí tích Thánh Thể không? Tất cả đều phụ thuộc vào định nghĩa của từ “bằng chứng”. Nếu chúng ta tự giới hạn vào những minh chứng toán học, những suy luận logic không thể ngăn cản hoặc những hiện tượng có thể tái tạo trong phòng thí nghiệm, thì không. Mặt khác, nếu chúng ta hiểu “bằng chứng” là “những dấu chỉ đủ để đưa ra kết luận hợp lý” thì từ này có vẻ dễ sử dụng hơn. Trong những trường hợp như Lanciano và El Espinal, khoa học gặp phải những giới hạn của chính nó khi phải đối diện với những câu hỏi mà duy chỉ nghiên cứu thực nghiệm không thể trả lời được. Tại sao qua thời gian và không gian, những hiện tượng bí ẩn này gần như giống hệt nhau, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất được khoa học hiện đại tiết lộ, mà những người tin vào quá khứ (trong trường hợp của Lanciano) đã không nghi ngờ về sự tồn tại? Và khi nào chúng ta sẽ thấy một cuộc tranh luận thực sự cởi mở và không thiên vị giữa những người tin và những người hoài nghi về vấn đề này?

Marta An Nguyễn dịch

Triển lãm Thánh Thể của chân phước Carlo Acutis ở New Jersey, Mỹ ngày 1 tháng 10 năm 2023

Triển lãm Thánh Thể của chân phước Carlo Acutis ở Montreal, Canada, năm 2022