Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ đỡ đầu của người lớn được rửa tội đóng vai trò đặc biệt trong việc hướng dẫn các tân tòng bước vào đời sống kitô giáo, đặc biệt là sau khi rửa tội? Chắc chắn là có, theo quan điểm của thần học gia Roland Lacroix, người quan tâm đến các vấn đề liên quan đến mục vụ giáo lý.
lavie.fr, Cécile Mérieux, 2024-03-27
Theo thần học gia Roland Lacroix, giảng viên tại Học viện Công giáo Paris (ICP) và là thành viên trong ban giám đốc của Học viện Giáo lý Mục vụ Cao cấp (ISCP), cha mẹ đỡ đầu là sợi dây liên lạc giữa cộng đồng và những người mới được rửa tội, giúp họ hội nhập vững chắc vào Giáo hội.
Cha mẹ đỡ đầu cho người lớn có giống cha mẹ đỡ đầu của các em bé rửa tội khi còn nhỏ không?
Thần học gia Roland Lacroix. Không. Cha mẹ đỡ đầu cho trẻ em thường được chọn trong gia đình hoặc bạn bè của cha mẹ, ngầm hiểu cha mẹ đỡ đầu sẽ giúp đỡ trong trường hợp cha mẹ không còn. Với người lớn, vấn đề của đức tin nhiều hơn. Các dự tòng chọn những người quan trọng trong hành trình tâm linh, những người có thể đồng hành với họ trên con đường này.
Ngày nay, các giáo xứ chú ý hơn đến việc đề nghị cha mẹ đỡ đầu nên là thành viên của cộng đoàn, có trách nhiệm thiết lập mối liên kết giữa giáo xứ và các tân tòng.
Như thế cha mẹ đỡ đầu là trung gian giữa người dự tòng và Giáo hội?
Đúng hơn họ là cầu nối. Cha mẹ đỡ đầu đồng hành với người xin rửa tội và cùng họ bước đi trong cộng đồng. Nhưng chính toàn cộng đồng nên dành thì giờ để ở gần với những người mới được rửa tội, vì việc đỡ đầu là vai trò của Giáo hội mẹ. Cần có người đỡ đầu để nâng đỡ người mới chập chững bước những bước đầu tiên trong đời sống kitô hữu. Đó là mối liên kết gần gũi, khác với vai trò giáo lý của những người hướng dẫn (họ có thể được đề nghị làm cha mẹ đỡ đầu). Sau bí tích rửa tội, phải tiếp tục mối liên kết chặt chẽ này với cộng đồng.
Cần phải làm gì trong việc đỡ đầu để tránh cho người tân tòng không bỏ đi?
Thông thường, thánh lễ Phục sinh – ngay sau lễ rửa tội – dành cho người tân tòng. Chính lúc này chúng ta cần có những cố gắng cụ thể. Trong thánh lễ Phục sinh, họ phải được dành một vị trí đặc biệt trong nhà thờ. Điều này khá thực tế, vì nếu họ có mặt thì chúng ta biết được thông tin, nếu họ không đến thì chúng ta sẽ thắc mắc.
Nếu chúng ta không đích thân mời các tân tòng đi lễ, họ sẽ không đi. Chúng ta phải tiếp tục quan tâm họ và chính cha mẹ đỡ đầu là người đặc biệt lưu ý đến chuyện này.
Làm thế nào để quan tâm một cách cụ thể?
Đừng để thời gian trôi qua, hàng ngày nên hỏi thăm, gọi điện thoại, mời về nhà, mời đến giáo xứ, đến các cuộc họp dành cho tân tòng. Cha mẹ đỡ đầu có thể đi cùng con đỡ đầu đến nhiều nơi khác nhau trong Giáo hội – điều này đòi hỏi một tâm hồn cởi mở – để thực sự chào đón họ, dù họ không có cùng linh đạo. Nhưng nhất là, chúng ta chưa phân định đủ để thấy đặc sủng của những người mới được rửa tội. Chúa kêu gọi họ làm gì?
Vai trò của cha mẹ đỡ đầu là xác định những gì con đỡ đầu của họ có thể mang lại cho Giáo hội hoặc cộng đồng địa phương. Thật không may, chúng ta lại nhanh chóng lấp đầy các lỗ hổng trong việc phụng vụ bằng cách nhờ họ làm những việc từ trước đến nay chúng ta vẫn làm. Tuy nhiên, cộng đồng có thể được làm mới lại nhờ họ, làm nổi bật đặc sủng của họ.
Liệu các tân tòng có dám đảm nhận vị trí này trong cộng đồng không?
Không, nhưng chính vai trò đỡ đầu giao cho họ vị trí này. Người tân tòng khó biết mình phải làm gì và mình có đặc sủng gì. Chính cha mẹ đỡ đầu và sự bảo trợ của cộng đồng có nhiệm vụ đưa họ vào cộng đồng, để họ là thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô.
Maria Tô Diệu Lan dịch