Đức Phanxicô và chiến dịch bầu chọn ngài

81

Đức Phanxicô và chiến dịch bầu chọn ngài

mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, 2024-02-05

Phát biểu với tờ La Stampa ngày 29 tháng 1, Đức Phanxicô trở lại Mật viện đã bầu ngài làm giáo hoàng. Ngài kể lại một số thông tin đã biết, chẳng hạn như tiếng vỗ tay dành cho ngài sau bài phát biểu của ngài về Giáo hội “ra ngoài”. Ngài nói tràng pháo tay này là “chưa từng có” và “bài phát biểu này như đóng đinh tôi”. Sau đó ngài nhận xét: “Tôi đã không nhận ra đã có chiến dịch bắt đầu để bầu chọn tôi.”

Thông tin về chiến dịch tranh cử này của ngài là hoàn toàn mới.

Ít nhất, ngài đã chưa nói điều này trước đây. Thật vậy, đã có rất nhiều phủ nhận khi tác giả Austen Ivereigh, trong quyển tiểu sử Phanxicô, Nhà cải cách vĩ đại (François, Le grand réformateur) đã nói về một “Nhóm Bergoglio” thúc đẩy việc bầu chọn Bergoglio làm giáo hoàng.

Cuộc tranh cãi về “Nhóm Bergoglio” bắt nguồn từ tờ The Daily Telegraph, dĩ nhiên tờ báo này không phải là tờ báo công giáo hay bảo thủ, đã nhanh chóng lan rộng khắp giới blog. Tác giả Ivereigh lập luận, các hồng y ủng hộ Bergoglio năm 2015 như Cormac Murphy O’Connor, Walter Kasper, và Karl Lehman, đã học bài học năm 2005, đã được tổ chức và trước hết, “họ đã nhận được sự đồng ý của ngài” (nghĩa là của Bergoglio). Theo ông, chính Bergoglio đã trả lời, trong một khủng hoảng như vậy với Giáo hội, không hồng y nào có thể từ chối nếu được yêu cầu.

Sau đó, trong một câu tweet, tác giả Ivereigh đã làm rõ: “Họ đã nhận được sự đồng ý của ngài” (trang 355). Đáng lẽ phải được viết: “Họ tin rằng ngài sẽ không phản đối cuộc bầu cử mình” (tôi sẽ sửa đổi nó trong các lần tái bản sau).

Trong cuộc phỏng vấn với báo La Stampa, Đức Phanxicô nói đến một hồng y người Anh “đã thấy tôi và thốt lên: ‘Điều ngài nói thật hay! Đẹp. Đẹp. Chúng tôi cần một giáo hoàng như ngài.’” Những lời này là của hồng y Murphy O’Connor, ngài dặn dò Đức Phanxicô cẩn thận vì lần này sẽ đến lượt anh.

Tuy nhiên, khi nói về một chiến dịch đang nổi lên, ngài có phần ngây thơ (??) và có phần… không.

Ngây thơ, bởi vì khi nói về một chiến dịch cho rằng hoặc ngụ ý cho rằng có chiến dịch thì dù sao cũng có liên quan đến tên của ngài, vì thế, lẽ tự nhiên và cũng là điều tự nhiên khi nó không bao giờ được tiết lộ. Rõ ràng là bất kỳ thỏa thuận nào trước Mật nghị về việc bầu chọn giáo hoàng đều không chỉ bất hợp pháp mà còn liên quan đến việc cấm truyền thông. Rõ ràng là các hồng y đánh hơi nhau trước cuộc bầu cử, cố gắng biết các bạn mình sẽ chọn ai và như thế nào, và họ cũng được hướng dẫn theo bản năng. Trên hết, họ cố gắng nói chuyện với nhau.

Đồng thời, nói về một “chiến dịch đang được hình thành” hàm ý chiến dịch đó được hình thành trong các buổi hội nghị chung, tức là các cuộc họp trước mật nghị, chứ không phải trước đó, vì trước đó họ chưa nghĩ ra tên ai để đề cử. Điều này đảm bảo tính hợp lệ của Mật nghị đã bầu chọn ngài, giả định có thể xem Mật nghị là không hợp lệ khi tất cả các hồng y có mặt đều chấp nhận và ít nhất 2/3 ủng hộ cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, câu hỏi thực sự liên quan đến giáo hoàng và vì sao ngài lại quay lại nói về mật nghị đã bầu ngài mười một năm trước. Đức Phanxicô đã nói về điều này, gần như đoán trước những gì sẽ có trong quyển tiểu sử đời ngài và các sự kiện đặc trưng trong đời ngài và thế giới, sẽ được xuất bản với nhiều ngôn ngữ khác nhau trong những tháng sắp tới.

Nói chung, thật tế nhị khi các giáo hoàng nói về Mật nghị bầu chọn họ,  nhiều khi với những thuật ngữ rất mơ hồ. Tuy nhiên, Đức Phanxicô muốn quay trở lại, điều này dường như là một phần trong nhu cầu hợp pháp hóa những nỗ lực cải cách của ngài, vào thời điểm dường như đặc biệt quan trọng này.

Trong thời gian gần đây, ngài dường như đã tăng nhanh vận tốc về nhiều vấn đề trong nỗ lực cải cách chưa từng có trong triều của ngài. Tuyên bố Fiducia supplicans của bộ Giáo lý Đức tin là thời điểm mang tính bước ngoặt. Vì tuyên bố này không được nhiều người đón nhận nồng nhiệt nên một số hội đồng giám mục cảm thấy buộc phải đưa ra những giải thích thần học. Nhưng Đức Phanxicô đã bảo vệ, ngài nói đến các nhóm thiểu số ý thức hệ và các tòa giám mục Phi châu, những người miễn cưỡng nhất đón nhận Tuyên bố Fiducia supplicans, là “trường hợp ngoại lệ vì với họ đồng tính là một điều xấu từ quan điểm văn hóa của họ”.

Trong phỏng vấn với báo La Stampa, lời của Đức Phanxicô lặp lại lời của hồng y Fernández, người đã bảo vệ tuyên bố này trong một số cuộc phỏng vấn khi ngài cho rằng những người chỉ trích tuyên bố này đã không hiểu. Vào thời điểm này, đã có thêm một sự phân cực trong Giáo hội: những người hiểu Đức Phanxicô và những sáng kiến của ngài và những người không hiểu. Dường như không có chỗ cho những bình luận phê phán, ít nhất là khi đọc các câu trả lời, vì phản ứng này không phải là một lập luận bổ túc nhưng là một cuộc tấn công cá nhân.

Nếu Fiducia Supplicans là một bước ngoặt, thì cần phải xem tự sắc Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng, Traditionis custodes, thu hồi việc tự do hóa cử hành Thánh lễ truyền thống, là một bước ngoặt khác. Sau đó, Đức Phanxicô đã công bố một số biện pháp chống hồng y Raymond Leo Burke, diễn ra trong riêng tư nhưng chắc là sẽ được tiết lộ. Đức Phanxicô đã xin hồng y Angelo Becciu từ chức vì ngài không còn tin tưởng ở hồng y. Vụ xét xử vẫn đang diễn ra ở Vatican, mỗi phiên tòa đều có một câu chuyện chưa được xác định.

Mọi hành động của giáo hoàng dường như được thiết kế để tương phản với những gì đã có trước đây và những gì đang xảy ra trong Giáo hội ngày nay. Giả sử không có chiến dịch nào cho cuộc bầu chọn của ngài.  Tuy nhiên, một chiến dịch truyền thông đã ủng hộ đường lối này kể từ đầu triều giáo hoàng và chúng ta có thể hiểu được lý do vì sao. Cần có sự cân bằng và hiểu biết để đọc được sự thật. Và, với tất cả lương tâm, không thể nói mọi việc trong Giáo hội trước Đức Phanxicô đều diễn ra tốt đẹp, hoặc mọi việc đều thối nát, lạc hậu, không theo kịp thời đại.

Nếu giáo hoàng quay lại cuộc bầu cử của mình, vì cuộc bầu cử của ngài đi kèm với nhiệm vụ cải cách mà chính ngài đã đòi hỏi. Tuy nhiên, quay trở lại cuộc bầu cử cũng có nghĩa là nhớ lại các vấn đề được đưa ra trong các cuộc họp hồng y, tất cả đều bị sốc vì họ đối diện với một trạng huống họ chưa bao giờ lường trước được: sự từ chức của một giáo hoàng.

Có ý kiến cho rằng sự từ chức là do tham nhũng gây ra. Nó xuất phát từ một số tình huống phức tạp, ngay cả khi được nhấn mạnh quá mức trên các phương tiện truyền thông – đặc biệt là truyền thông Ý – như việc đình chỉ thanh toán ATM ở Vatican, và từ một chiến dịch truyền thông kiên cố nhằm tấn công chủ quyền của Tòa Thánh. Đó là chiến dịch đề cập đến các vấn đề tài chính, ra đời trong bối cảnh chính xác của nước Ý, vì Tòa thánh đã bỏ các quan hệ với Ý, trở thành châu Âu và quốc tế, đồng thời phát triển luật chống rửa tiền.

Tất cả nghe có vẻ kỹ thuật, và đúng như vậy. Nhưng chính từ chiến dịch này làm nảy sinh sự cần thiết phải thay đổi cách tường thuật về sự từ chức này. Người ta không còn nhớ ảnh hưởng của Giáo hội trong thế giới của Đức Bênêđíctô XVI, được tờ Financial Times xác nhận, của những thông điệp đã tạo ra tranh luận và được bán trong các hiệu sách thế tục. Các cuộc tấn công xảy ra vì Giáo hội có thẩm quyền và độc lập. Tuy nhiên, có quan niệm cho rằng Giáo hội cần phải thay đổi hình ảnh của mình nếu không muốn bị rơi thêm một lần nữa vào cối xay thịt của các phương tiện truyền thông, như đã xảy ra vào năm 2010 khi, thường xuyên và liên tục, vào đêm trước năm chức tư tế, các trường hợp lạm dụng có thật hoặc bị cho là lạm dụng đã mọc lên như nấm.

Giả sử Bergoglio đã là ứng cử viên từ năm 2005, và nhật ký về mật nghị này đã được xuất bản vào những năm đầu triều Đức Bênêđíctô XVI. Trong trường hợp này, trong hoàn cảnh mới này, người ta có thể dễ dàng đề cử ngài làm ứng cử viên thêm một lần nữa, với sự cần thiết cần có một thời gian nghỉ. Một cụm từ khó hiểu bị rò rỉ trong số những lời thiếu tế nhị: “Bốn năm với Bergoglio là có thể đủ.”

Đó là một cụm từ đưa ra một dấu hiệu nhưng không thể xác định thời hạn của triều giáo hoàng. Chúng ta đang ở năm thứ mười một của ngài, và có lẽ ít người mong chờ những điểm cắt đứt khác nhau mà triều giáo hoàng này sẽ chạm tới. Nhất là ít người nghĩ Đức Phanxicô sẽ không để mình bị thay đổi vì chức vị giáo hoàng của ngài.

Nhưng đó là điều đã xảy ra: Bergoglio và Phanxicô là một, đều giống nhau; cách tiếp cận luôn thực dụng, thiết thực, dẫn tới quyết định tiến hành cải cách. Suy cho cùng, đó là cách lịch sự để cho phép mọi người thảo luận, tranh luận, thậm chí cải cách rồi can thiệp một cách rõ ràng, không ngại những quan điểm hoàn toàn trái ngược hoặc gây ngạc nhiên.

Từ nay triều giáo hoàng của ngài hướng tới những quyết định ngày càng làm chia rẽ và với những cách tiếp cận đánh dấu sự phá vỡ truyền thống Tòa thánh, cả từ quan điểm ngoại giao (chúng ta nhìn vào những tuyên bố gần đây về tình hình ở Ukraine và Đất Thánh, và cách ngài chấp nhận quan điểm của Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục) và từ quan điểm của chính phủ.

Có lẽ Đức Phanxicô sẽ không thay đổi học thuyết, nhưng vẫn để chỗ cho những cách giải thích mơ hồ, để mỗi cuộc khủng hoảng nhỏ đều trở thành cơ hội cho những ai quan tâm mở ra một cuộc tranh luận mới, trong việc cố gắng đặt câu hỏi về các trụ cột của đức tin, giáo lý và kỷ luật. Chúng ta nghĩ đến cách người ta bắt đầu nói đến việc bỏ bậc sống độc thân của linh mục, và để làm như vậy, họ dùng một câu chuyện quen thuộc đã được dùng về một linh mục ở Avellino, đã rời bỏ chức linh mục vì yêu một phụ nữ.

Trở lại mật nghị này giúp chúng ta nhớ lại lý do vì sao Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng. Người ta nhận thấy nhu cầu cải thiện, thậm chí cách mạng hóa hình ảnh của Giáo hội. Cuối cùng, triều giáo hoàng đã đề cao hình ảnh của giáo hoàng rất nhiều. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn bị xem là đầy tham nhũng và có những con người tham nhũng. Và Đức Phanxicô, để vượt qua tầm nhìn này, buộc phải đưa ra những quyết định “trên bàn thờ của đạo đức giả”.

Bài học của Mật nghị 2013 dẫn đến tình trạng hiện nay. Và nó không thể không được xem xét trong Mật nghị sắp tới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Mười một năm làm giáo hoàng, về mặt lịch sử có phải là một thời gian dài không?