Ronald Rolheiser, 2024-02-26
Tôi ghét đám đông, ít nhất là ghét hầu hết các đám đông. Tôi thoải mái với các trận bóng, khi đám đông tạm gác sự tỉnh táo để bung tỏa cảm xúc trong vài tiếng. Nhưng tôi ghét các đám đông chìm trong cơn say do suy nghĩ tập thể gây ra, dù là thời trang văn hóa, hệ tư tưởng chính trị, chủ nghĩa tôn giáo chính thống cực đoan, kỳ thị chủng tộc vô thức, chủ nghĩa dân tộc lầm lạc, hay một loại bốc đồng bất cứ ở dạng nào. Tôi sợ đám đông như thế vì dù tiếng nói của chúng đến từ cánh tả hay cánh hữu, bảo thủ hay tự do, thì trong những tiếng vọng của nó, đó là những đe nẹt, đòi đóng đinh, đòi xử tử không cần xét xử, đòi diệt chủng, ám sát, chiến tranh, đàn áp ngôn luận, và ngày nay là cả những thiếu niên tự tử vì bị bắt nạt trên mạng. Đám đông thiên hình vạn trạng, nhưng xu hướng và năng lượng của đám đông lúc nào cũng như nhau.
Milan Kundera là tác giả yêu thích của tôi, ông là nhà văn người Czech, ông cũng ghét đám đông như tôi. Nơi đám đông, ông thấy một thứ mà ông gọi là “cuộc đại tuần hành”, cụ thể là một cuộc tuần hành mù quáng, vô tri, hướng đến chủ nghĩa toàn trị kiểu này hay kiểu khác. Đám đông với ý định hệ tư tưởng luôn kết thúc như thế.
Nhưng điều này khơi lên một câu hỏi: Còn những đám đông (tuần hành, biểu tình, đình công, ngồi phản đối) dẫn đến những thay đổi tốt về chính trị, xã hội và thậm chí cả đạo đức thì sao? Những đám đông mà Gandhi đã khởi xướng thì sao? Những đám đông đi theo Martin Luther King thì sao? Những đám đông giúp chấm dứt chế độ kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi thì sao? Những đám đông quy tụ chung quang phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng của người Da đen Quý giá) thì sao? Những người họp nhau lại vì chính nghĩa và phải vào tù vì hoạt động của họ thì sao? Đó có phải là những đám đông tốt không?
Đúng, đó là những đám đông tốt, chính xác họ tốt vì họ hữu tri chứ không vô tri, nghĩa là họ tốt đến mức độ không chìm vào cơn sốt của suy nghĩ nhóm và mục đích của họ là để chữa lành một tình trạng bệnh hoạn chứ không phải để thù hận và đóng đinh bất kỳ ai chống đối họ. Chính vì thế mà trong một đám đông như thế, chúng ta không thấy hận thù và bạo lực nơi người lãnh đạo và trong đặc tính chung của họ.
Nhưng dù vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận nơi những đám đông này cũng có thù hận và bạo lực, vì một đám đông sẽ luôn có yếu tố bạo loạn. Nhưng thù hận, bạo lực và chủ trương phi chính phủ mà chúng ta thấy ở đó không đại diện cho đám đông tổng thể đó. Những đám đông của Gandhi, của Martin Luther King, Nelson Mandela và Dorothy Day là những gương mặt thật sự, có đặc tính của bất kỳ đám đông nào thật sự có xu hướng thay đổi đạo đức.
Nhưng không phải đám đông nào cũng hữu tri nên không mấy ngạc nhiên khi việc đóng đinh Chúa Giêsu được khơi mào bởi một đám đông (và mỉa mai thay cũng là đám đông cách đó năm ngày đã reo mừng tôn Ngài làm vua). Năng lượng của đám đông là bất định và vô tri. Chính vì thế mà đám đông là thứ đáng sợ, bất kể đám đông đó tôn sùng hay hò hét đòi đóng đinh chúng ta.
Tôi không phải là nhà thơ, nhưng đôi khi có những điều cần đến một dạng ngôn ngữ khác để diễn tả. Vậy nên, tôi xin mượn những câu trong bài hát Giáng Sinh (vô tri) lâu đời và thêm chút bình luận của tôi, để diễn tả cảm giác của tôi về các đám đông theo cách của một thi sĩ, dù có lẽ bạn cũng không xem nó là thơ.
Trò chơi Tuần lộc