Kissinger cũng cố vấn cho các giáo hoàng
Nhà ngoại giao và nhà khoa học chính trị Mỹ Henry Kissinger qua đời ngày 29 tháng 11 năm 2023, thọ 100 tuổi, đã cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo chính trị nhưng ít ai biết các giáo hoàng cũng lắng nghe ông.
cath.ch, Raphael Zbinden, 2023-12-01
Henry Kissinger (1923-2023) để lại dấu ấn địa chính trị của thế kỷ 20 | © Trường Chính sách công Gerald Ford Đại học Michigan /Flickr/CC BY-ND 2.0
Sinh ở Đức năm 1923, trong gia đình do thái, gia đình ông Henry Kissinger di cư qua Mỹ năm 1938 để trốn sự đàn áp của Đức quốc xã, ông vào quốc tịch Mỹ năm 1943.
Là Ngoại trưởng trong chính phủ Cộng hòa của Richard Nixon, chức vụ ông đã đảm nhiệm dưới thời tổng thống Gerald Ford, ông đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hậu bán thế kỷ 20. Là người thúc đẩy Realpolitik (chính sách thực dụng để một quốc gia thành công nhanh chóng), đặc biệt ông đóng vai trò quan trọng Chiến tranh Lạnh từ năm 1968 đến năm 1977. Nhất là năm 1973, ông là một trong những kiến trúc sư của việc ký kết hiệp định hòa bình Paris nhằm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam. Ông truyền cảm hứng cho chính sách hòa dịu với Liên Xô và bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ từ năm 1971. Henry Kissinger nhận giải Nobel Hòa bình năm 1973 vì hành động của ông liên quan đến Chiến tranh Việt Nam.
Mối quan hệ với Vatican
Trang Crux của Mỹ nhắc lại, ngoài hoạt động trong giới chính trị, ông còn thân cận với Vatican. Không có gì lạ khi ông trao đổi quan điểm với những người đồng cấp của mình ở Tòa Thánh, đặc biệt là với hồng y Agostino Casaroli, quốc vụ khanh từ năm 1979 đến năm 1990.
Henry Kissinger thường xuất hiện trên địa bàn la-mã nhờ tình bạn thân thiết của ông với Gianni Agnelli, người sáng lập các nhà máy Fiat trong nhiều thập kỷ, nhân vật chủ chốt trên chính trường Ý.
Hồng y Casaroli không phải là nhà ngoại giao Vatican duy nhất mà ông tiếp xúc. Vì thế, một phần nhờ những tiết lộ của Wikileaks mà người ta biết đến cuộc trò chuyện từ tháng 10 năm 1973 giữa Kissinger và tổng giám mục Giovanni Benelli, lúc đó là phụ tá Quốc vụ khanh. Hai người đã thảo luận về cuộc đảo chính gần đó đã lật đổ chính phủ Salvador Allende của Chi-lê. Tổng giám mục Benelli khuyên Kissinger nên bỏ qua các báo cáo về các vụ thảm sát và lạm dụng do lực lượng của Tướng Augusto Pinochet thực hiện, đồng thời mô tả những tuyên bố này là “tuyên truyền của cộng sản”.
Tình bạn với Đức Gioan Phaolô II
Nhà ngoại giao Mỹ cũng có ảnh hưởng đáng chú ý đến các giáo hoàng cùng thời với ông, ông vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Thậm chí Đức Phaolô VI còn gọi ông là bạn “cố tri”.
Trong một cuộc tiếp kiến riêng tháng 10 năm 1979, đó là lần đầu tiên ông gặp Đức Gioan-Phaolô II, khi ông không còn giữ bất kỳ vai trò chính thức nào trong chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, trang Crux lưu ý, cuộc gặp này không diễn ra trong hoàn cảnh thuận lợi. Một năm trước đó, ngay sau khi Đức Gioan-Phaolô II lên ngôi, Kissinger đã nói việc bầu một giáo hoàng Ba Lan là hành động khiêu khích có chủ ý chống lại Matxcova và có lẽ không “tốt cho nhân loại”.
Dù có lời nói này, Đức Gioan Phaolô II và ông vẫn rất hợp nhau và tiếp tục tương tác nhiều lần trong một phần tư thế kỷ tiếp theo. Năm 2001, Henry Kissinger đưa vợ là bà Nancy đến Vatican để nhận phép lành của giáo hoàng Ba Lan. Khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời năm 2005, ông tuyên bố trên NBC, ông nghĩ Đức Gioan-Phaolô II mới là nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 chứ không phải ông.
Bất cứ khi nào các nhà báo hỏi ông về Đức Gioan-Phaolô II, ông đều trả lời, ông rất gắn bó với ngài, đến nỗi ông lưu giữ các bức ảnh từng cuộc gặp với ngài.
Ngưỡng mộ tài ngoại giao của Vatican
Tháng 9 năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI đã gặp nhà ngoại giao huyền thoại người Mỹ trong một buổi tiếp kiến kéo dài tại Castelgandolfo. Sự ăn ý của ngài với ông Kissinger là chuyện hiển nhiên vì cả hai đều sinh ra ở Đức. Joseph Ratzinger được cho là đã đề nghị Kissinger tham gia vào một hội đồng không chính thức gồm các nhà cố vấn chính sách đối ngoại. Một tin đồn mà Vatican sau đó đã buộc phải phủ nhận.
Tuy nhiên, ông đã có những bất đồng với các giáo hoàng, đặc biệt là dưới triều Đức Phaolô VI về cách tốt nhất để giải quyết những thách thức của Chiến tranh Lạnh.
Nhưng rõ ràng ông ngưỡng mộ khả năng Vatican có tầm nhìn dài hạn về quan hệ quốc tế. Trang Crux lưu ý: “Mặc dù gắn liền với cách tiếp cận Realpolitik, các nhà phê bình cho rằng dựa nhiều vào sự hoài nghi hơn là lý tưởng cao đẹp, nhà ngoại giao Mỹ dường như cũng đánh giá cao cảm giác siêu việt độc đáo mà Vatican cố gắng mang lại cho những vấn đề trần thế.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch