Hồng y François Bustillo: “Chúng tôi cùng với người dân Narbonne tạo mảnh đất tin cậy để có thể cùng nhau tiến về phía trước”

74

Hồng y François Bustillo: “Chúng tôi cùng với người dân Narbonne tạo mảnh đất tin cậy để có thể cùng nhau tiến về phía trước”

Hồng y François Bustillo sẽ về lại giáo xứ Narbonne chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua 26 tháng 11.

ladepeche.fr, Cyril Calsina, 2023-11-25

Giới thiệu quyển sách mới nhất của ngài trước thánh lễ, chuyến trở về tu viện Saint-Bonaventure chúa nhật 26 tháng 11, phỏng vấn linh mục François mãi mãi của giáo xứ Narbonne, Aude; ngài là giám mục giáo phận Ajaccio tháng 5 năm 2021 khi rời giáo xứ Narbonne, ngài được phong hồng y ngày 30 tháng 9-2023

Người đồng sáng lập tu viện Saint-Bonaventure, giám mục François Bustillo nhận tước hiệu hồng y-linh mục Santa Maria Immolata di Lourdes a Boccea ngày 30 tháng 9. Người gần gũi với Đức Phanxicô sẽ dành ngày chúa nhật 26 tháng 11 đặc biệt cho giáo xứ Narbonne cũ của ngài. Ngài sẽ giới thiệu quyển sách Trái tim không chia cắt (Le Coeur ne se divise pas). Nhưng trong khi chờ đợi, ngày thứ sáu 24 tháng 11 ngài kể lại niềm vui được chịu chức linh mục và toàn bộ cuộc đời mục vụ của ngài “kéo dài gần một phần tư thế kỷ” ở Narbonne. Tôi đã có kinh nghiệm đặc biệt ở đây khi tôi đến đây năm 1997, trong môi trường không có nhiều bầu khí công giáo, khá thờ ơ, thậm chí thù nghịch. Tôi sống với cộng đồng Phanxicô ở Saint-Bonaventure, tôi có nhiều mối liên hệ và sự tôn trọng của mọi người. Một số giáo dân tiêu cực trong lãnh vực chính trị và thể thao. Tôi thường đến xem Đua xe và bóng chuyền, những nơi tạo liên kết. 25 năm trước, tôi chưa là hồng y nhưng tôi luôn muốn tiếp xúc với mọi người, tôi không muốn nhồi nhét giáo điều.

Cha là tuyên úy ở trường Thánh Giuse trong khoảng mười năm. Cha có thể gặp lại họ…

Hồng y François Bustillo: Tôi hy vọng. Ở Ajaccio, tôi gặp một cầu thủ bóng chuyền trẻ 21 tuổi, anh nhận ra tôi và nói tôi đã rửa tội cho anh ở Narbonne. Thêm nữa, huấn luyện viên bóng chuyền hiện tại đã chơi cho đội nhà trong những năm 2010 khi Narbonne còn ở Ligue A.

Theo cha, truyền giáo và thể thao có tương hợp nhau không?

Có, hai lãnh vực có thể cùng đi với nhau. Chúng ta phải tôn trọng hành trình của mỗi người. Chúng tôi đã cùng người dân Narbonne tạo mảnh đất tin cậy để chúng tôi có thể cùng nhau tiến về phía trước. Đây là lý do vì sao tôi vui mừng được vinh danh giáo dân qua thánh lễ ở nhà thờ Thánh Phaolô. Những người tôi đã rửa tội, đã cho rước lễ lần đầu, làm lễ cưới, gia đình của những người đã khuất được chôn cất. Rất nhiều người tôi hy vọng gặp lại. Như các gia đình Malquier, Sainte-Cluque, Sandragné…

Kể từ khi Đức Phanxicô phong hồng y cho cha, có điều gì đã thay đổi nơi cha?

Ở Rôma tôi là ’em bé hồng y’! Đó là cả một trách nhiệm thiêng liêng, tôi được nhiều nơi trên thế giới mời vì chúng tôi không có nhiều. Tôi được Châu Mỹ Latinh, Ba Lan, Croatia, châu Phi mời để cử hành các buổi lễ vì chúng tôi mang sự gần gũi của giáo hoàng đến cho họ. Và sau đó, tôi tiếp tục công việc của tôi trên lãnh vực này vì tôi vẫn tin, nhờ sự gần gũi với mọi người mà thẩm quyền được thực thi. Sứ mạng của một giám mục là sống thẩm quyền theo nghĩa cao quý của thuật ngữ này, chứ không phải theo nghĩa độc tài, thậm chí còn ít quyền lực hơn.

Nếu tinh thần của cha không thay đổi, nhưng nhiệm vụ của cha thì sao?

Khi tôi làm lễ, nếu tôi không biết giáo dân (họ sống như thế nào, họ nghĩ gì…) tôi sẽ có những bài giảng học thuật, đa cảm nhưng không chạm đến họ. Điều quan trọng là phải biết họ để đáp lại bằng đức tin, hy vọng, thiêng liêng.

Đây là câu hỏi mà chúng tôi thường hỏi các ứng cử viên tổng thống, khi buổi sáng cha rửa mặt cạo râu cha có nghĩ mình sẽ thành giáo hoàng tiếp theo không?

Không nghĩ nhiều quá! Tôi là tập sinh, tôi không nghĩ gì về điều đó. Tôi không có khát vọng và có nhiều hồng y có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Tôi vẫn phải học, phải hiểu. Tôi còn trẻ, tôi phải hưởng thời gian tập sinh của tôi.

Quyển sách mới của cha có tên “Trái tim không chia cắt”, điều này có nghĩa là gì?

Khi nhìn vào đời sống chính trị, kinh tế, mạng xã hội… tôi thấy có rất nhiều chia rẽ, bạo lực, căng thẳng. Là tu sĩ, và có đức tin, tôi không thể giới hạn tôi trong tư thế này, tôi không được đưa ra câu trả lời chính trị nhưng là câu trả lời thiêng liêng. Vì vậy, khi thấy được điều này, tôi muốn đi xa hơn với linh đạo kitô giáo, một linh đạo có thể mang lại một tâm hồn cho xã hội, một xã hội dễ nhanh chóng chìm vào tình trạng man rợ. Chúng ta phải cẩn thận để không chia rẽ mọi người, tôi phản đối những nhãn hiệu phân loại con người. 

Quan điểm của cha khi cha nhìn hai tôn giáo đơn thần đang giết hại nhau ở Trung Đông là gì?

Khi chúng ta nhìn Israel và Palestine ngày nay, chúng ta thấy logic của Cain và Abel, hai anh em giết nhau, không phải người Nga và người Mỹ giết nhau. Làm thế nào để thoát khỏi logic bi thảm này trong nhân loại? Tôi nghĩ đến tâm linh và đặc biệt Tin Mừng, không phải là ý thức hệ, nhưng là một lý tưởng cực mạnh: anh em yêu thương nhau, anh em tha thứ cho nhau, không phán xét, không lên án. 

Theo cha, tôn giáo không gây ra nạn nhân…

Ở đây chúng ta đang nói về một cuộc chiến ý thức hệ chứ không phải một cuộc chiến tôn giáo. Đây không phải là người do thái chống lại người hồi giáo. Chúng ta thường lợi dụng Chúa thay vì phục vụ Chúa.

Là “hồng y trẻ” và vì thế có lẽ hiện đại hơn trong Giáo hội, cha có quan điểm gì về việc phá thai hoặc đồng tính?

Tôi là người công giáo tiêu biểu nên việc thành hồng y không làm tôi thay đổi quan điểm. Ở đây chúng ta đang nói về những nhãn hiệu mà chúng ta phải đánh giá ủng hộ hay chống lại. Theo tôi, câu hỏi ở chỗ khác, vì đằng sau câu hỏi là con người. Đằng sau việc phá thai có một phụ nữ đang đau khổ mà chúng ta phải lắng nghe, nâng đỡ. Đằng sau chuyện đồng tính, tôi không nói: “Ai ngủ với ai? Tôi không quan tâm!”. Điều tôi quan tâm là họ đến từ đâu, những khó khăn, nỗi buồn của họ là gì. Thay vì rao giảng những luân lý dễ dãi, Giáo hội trước hết phải rao giảng tâm linh. Nếu không thì giáo dân sẽ đi tìm tâm linh ở Ấn Độ, ở Tây Tạng… Thách thức của chúng ta là mang đến cho họ một linh đạo kitô giáo.

Đức tin có còn ý nghĩa không?

Hơn bao giờ hết. Từ khi là hồng y, tôi thường lui tới những nhóm rất khác nhau, rất nhiều trong Giáo hội công giáo. Tôi càng cảm thấy với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật từ những năm 1968, con người sống trong trống rỗng. Các thế hệ cần lấp đầy nó, có một niềm khát khao về ý nghĩa, về Thiên Chúa, một thiếu hụt niềm hy vọng. Họ quay về với hồi giáo, về công giáo vì họ cần điều gì đó khác biệt. Giống như anh thanh niên 18 tuổi muốn rửa tội này: anh bình thường, nhạy cảm, khá trí thức, không bị vướng víu cũng không mong manh. Anh nói với tôi, cha của anh đã qua đời và chưa có ai nói với anh về sự sống, cái chết, tôn giáo… Anh muốn biết mình sẽ đi đâu, mình sẽ trở thành người như thế nào. Tôi choáng váng trước khoảng trống hiện sinh này mà chúng ta có thể lấp đầy, hướng dẫn chứ không phải lèo lái, thống trị hay truyền bá.

Ngày chúa nhật 26 tháng 11, buổi sáng hồng y Bustillo sẽ tham dự thánh lễ tại vương cung thánh đường Saint-Paul Serge; buổi chiều tại nhà thờ Saint-Just và Saint-Pasteur, ngài giới thiệu và ký tặng quyển sách “Trái tim không chia cắt”; sau đó ngài đọc kinh chiều tại Saint-Bonaventure.

Marta An Nguyễn dịch

François-Xavier Bustillo, gậy giám mục tự trao cho chính mình

François Bustillo: hồng y mà mọi người đang nói tới