Đất Thánh: Thử thách ngoại giao của Đức Phanxicô
fr.aleteia.org, Anna Kurian, 2023-11-24
Về mặt ngoại giao, đây là một tuần đầy nguy hiểm của Đức Phanxicô và Vatican. Ngày thứ tư 22 tháng 11, Đức Phanxicô đã lần lượt tiếp các gia đình con tin Israel và thân nhân của những người Palestine đang phải chịu đựng cuộc xung đột ở Gaza. Hai cuộc gặp đã làm mất lòng tất cả các người khách của ngài.
Thứ tư 22 tháng 11 Đức Phanxicô đã tiếp gia đình các con tin Israel bị bắt giữ ở Gaza, sau đó ngài tiếp riêng người thân của những người Palestine đang chịu đau khổ vì cuộc xung đột ở Gaza, Vatican đã chuẩn bị kỹ lưỡng hai cuộc gặp này để không làm thiên vị bên này, bên kia trong cuộc xung đột. Nhưng hai sự kiện này đã tạo hoang mang và bất bình, trước khi hồng y Parolin giải thích, bảo vệ đường lối hành động truyền thống của Tòa thánh, thường gây tranh cãi trong thời chiến.
Ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết, những sáng kiến “hoàn toàn có tính cách nhân đạo” vì Đức Phanxicô muốn chứng tỏ sự gần gũi thiêng liêng của ngài với nỗi đau của mỗi người. Hai cuộc gặp diễn ra một cách thận trọng nhất, đằng sau những cánh cửa đóng kín, không có hình ảnh nào xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Vatican và không có thông cáo báo chí nào được bộ Truyền thông đưa ra. Tuy nhiên các bên đã tự tổ chức họp báo trong ngày. Hai sự kiện bị cho là có sóng gió, bên này hay bên kia.
Sự giận dữ của người Israel
Trước hết là người Israel, tại trung tâm do thái Pitigliani ở Ý đã phản ứng đầu tiên với lời tuyên bố của Đức Phanxicô cho rằng xung đột ở Đất Thánh không phải là “cuộc chiến” nhưng là “khủng bố”, dường như nhắm vào cả hai bên trong cuộc xung đột. Trước báo chí, ông Raphael Schutz, đại sứ Israel tại Tòa Thánh nhấn mạnh đến việc phải “phân biệt về mặt đạo đức” giữa Israel và Hamas. Ông tố cáo Hamas “tấn công người dân thường chỉ để tấn công và giết hại dân thường”, trong khi Israel dự “vào cuộc chiến phòng thủ để bảo vệ công dân của họ (…) cố gắng giảm thiểu càng nhiều càng tốt các nạn nhân ở Gaza”. Các thành viên của phái đoàn nhất trí bác bỏ mọi tương đương nào giữa hai bên, cho rằng Hamas đang dùng “thường dân làm lá chắn sống” và tố cáo “đây là vụ tàn sát thứ hai của đức quốc xã Hamas”.
Hồng y Parolin nhắc lại, trong lịch sử xung đột, quan điểm thận trọng của các giáo hoàng thường bị hiểu lầm.
Ngoài ra, một số người tham gia bày tỏ sự thất vọng, họ lấy làm tiếc Đức Phanxicô đã tự giới hạn mình trong “một tuyên bố chung” về chiến tranh. Một số người, xấu hổ vì cuộc gặp trở nên chua chát này, cố gắng xoa dịu mọi chuyện, đảm bảo “tất cả chúng tôi đều phản đối chiến tranh, chúng tôi không muốn những người vô tội của cả hai bên bị giết”. Nhưng cuộc tranh cãi đã bùng lên. Ngày hôm sau, trong một thông cáo báo chí, Hiệp hội Các Giáo sĩ người do thái ở Ý bày tỏ sự tức giận, họ cáo buộc giáo hoàng và Giáo hội công giáo đã làm một “màn nhào lộn ngoại giao” thay vì thể hiện “sự gần gũi và hiểu biết” với các nạn nhân Israel. Các đại diện do thái đặc biệt lên án việc Đức Phanxicô “công khai cáo buộc cả hai bên là khủng bố”, đặt kẻ tấn công và kẻ bị tấn công “ngang hàng để không bị cho là thiên vị”. Họ nói thẳng, họ đặt vấn đề về tình bạn do thái-kitô giáo và chỉ trích “sự bình đẳng lạnh lùng” của Giáo hội trong khi “một số người đang muốn tiêu diệt người do thái”.
Hoang mang nơi người Palestine
Về phía Palestine, tại Viện Maria Santissima Bambina, gần Quảng trường Thánh Phêrô, việc tiếp nhận cuộc gặp cũng không yên bình hơn. Sau khi một thành viên của phái đoàn tuyên bố giáo hoàng đã dùng từ “diệt chủng” khi đề cập đến tình hình ở Palestine, cuộc họp báo đã tạo hoang mang. Ông Matteo Bruni vội vàng phủ nhận, cho rằng trong cuộc gặp, giáo hoàng đã dùng “những từ ngài đã nói trong buổi tiếp kiến chung” để mô tả “tình hình khủng khiếp đã trải qua ở Gaza. Bất chấp sự phủ nhận trực tiếp này, các thành viên của phái đoàn Palestine – chủ yếu gồm những người nhập cư Gaza cư trú ở châu Âu – vẫn giữ nguyên tuyên bố của mình. Một người trong số họ khẳng định: “Chúng tôi có 10 người và tất cả chúng tôi đều nghe từ này,” họ cho biết họ không bóp méo thông tin.
Tòa Thánh duy trì đường lối của mình
Được báo chí đặt câu hỏi sau những tranh cãi này, hồng y Pietro Parolin bảo vệ quan điểm của giáo hoàng, ngài nhấn mạnh chính sách ngoại giao Vatican rất rõ ràng trong việc lên án cuộc tấn công của Hamas. Nhưng “chúng ta cũng không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở Gaza, nơi có rất nhiều người chết, bị thương và bị tàn phá,” ngài bác bỏ mọi tương đương giữa Israel và Hamas. Hồng y tuyên bố: “Tòa Thánh luôn tìm mọi cách để công bằng, tính đến nỗi đau khổ của mọi người.” Ngài nhắc lại trong lịch sử các cuộc xung đột, quan điểm thận trọng của các giáo hoàng thường bị hiểu lầm, như Đức Bênêđíctô XV trong Thế chiến thứ nhất đã bị cả hai phía tấn công vì cho ngài có quan điểm trung lập, họ cho rằng không nhận ra kẻ xâm lược và người bị tấn công.
Hồng y Parolin kết luận: “Cho đến nay, điều cấp bách để giải quyết cuộc xung đột ở Đất Thánh là tiếp tục giải quyết vấn đề con tin, hiện tại không có nhiều khả năng khác, nhưng Tòa Thánh sẽ không mệt mỏi đi theo con đường này.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Israel-Hamas: theo Đức Phanxicô, “đó không phải là chiến tranh, đó là khủng bố”