Đức Phanxicô: “Việc tông du bây giờ không còn dễ như khi mới đầu”

132

Đức Phanxicô: “Việc tông du bây giờ không còn dễ như khi mới đầu”

Trên chuyến bay đưa ngài tử Oulan-Bator về Rôma ngày thứ hai 4 tháng 9, Đức Phanxicô cho biết ngài gặp khó khăn khi di chuyển. Ngài khẳng định ngài “tôn trọng người dân Trung Quốc”

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, trên máy bay giáo hoàng, 2023-09-04

Đức Phanxicô sáng thứ hai 4 tháng 9 năm 2023 trước khi rời Oulan-Bator trong chuyến tông du Mông Cổ bốn ngày. / SIMONE RISOLUTI/AFP

Liệu ngài sẽ tiếp tục tông du trong một thời gian dài nữa không? Trước các nhà báo, trở về sau chuyến đi ngắn nhưng mệt mỏi, dài 10 giờ, thay đổi múi giờ sáu tiếng, ngài không giấu nét mệt mỏi của mình. Khi bắt đầu chuyến bay về Rôma, ngài nói: “Tôi nói thật với các bạn, với tôi, việc đi lại bây giờ không còn dễ dàng như lúc đầu.” Ở tuổi 86, ngài nói đến những hạn chế mà ngài phải đối diện như việc đi lại khó khăn. Ngài nói: “Chúng ta sẽ thấy.”

Sau chuyến đi Marseille, dự kiến ngày 22 và 23 tháng 9, sẽ không còn chuyến đi nào nữa trong chương trình làm việc của ngài. Một số nguồn tin cho biết chuyến đi tới Kosovo đang được chuẩn bị. Không nêu tên, nhưng ngài đề cập đến một chuyến đi giả định trong tương lai “đến một quốc gia nhỏ ở châu Âu”, ngài nói: “Chúng tôi đang xem liệu có thể đi được hay không.”

Đức Phanxicô đã gặp Giáo hội lý tưởng của ngài ở Mông Cổ

Ngài nhắc đến ba dự án được xem xét trong những tháng gần đây. Cuối tháng 4, ngài cho biết ngài muốn đi Ấn Độ năm 2024. Trong những tháng trước đó, ngài tỏ ý muốn đi Argentina và đi Đông Nam Á (Indonesia, Đông Timor), ban đầu được lên kế hoạch năm 2020 nhưng bị đình hoãn do đại dịch.

Việt Nam ư? “Chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi”

Phẫu thuật ruột kết tháng 3 vì chứng thoát vị bụng, khi được hỏi ngài có đi Việt Nam không, ngài mỉm cười cho biết sẽ để lại chương trình này cho người kế nhiệm: “Nếu tôi không đi, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi. Sẽ có một giáo hoàng đi.”

Những lời nói này sẽ làm sống lại những suy đoán về khả năng từ nhiệm. Nhưng trong những tháng gần đây, ngài đã thay đổi giọng điệu về chủ đề này. Kể từ cuối năm 2022, khi nói về khả năng từ nhiệm như một ‘cánh cửa’ khác để đánh dấu sự kết thúc triều đại giáo hoàng, sau cái chết của Đức Bênêđictô XVI, ngài cho biết quyết định của người tiền nhiệm vẫn là một ngoại lệ.

Sự mệt mỏi thấy rõ trong cuộc họp báo kéo dài khoảng 40 phút, nhưng không ngăn ngài quay về với các chủ đề tế nhị như quan hệ giữa Giáo hội và Trung Quốc. Sau chuyến đi đến một quốc gia không giáp biển giữa Nga và Trung quốc, được đánh dấu với sự hiện diện của nhiều giáo dân Trung quốc, ngài đã gởi một thông điệp mới cho Bắc Kinh.

Ngài nói: “Chúng ta cần hiểu chính mình nhiều hơn để người dân Trung quốc không nghĩ Giáo hội không chấp nhận văn hóa và giá trị của chính họ, và Giáo hội phụ thuộc vào một thế lực nước ngoài khác. Tôi rất tôn trọng người dân Trung quốc”, ngài cũng cho biết ngài ngưỡng mộ người dân của một quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tại Mông Cổ, Đức Phanxicô cố gắng xoa dịu sự ngờ vực của Trung quốc với người công giáo

Phản ứng này của Đức Phanxicô phù hợp với tuyên bố của ngài ở Mông Cổ, khi ngài kêu gọi người công giáo Trung quốc hãy là người tín hữu kitô tốt và là người công dân tốt. Một cách trấn an Bắc Kinh, Giáo hội công giáo không can thiệp vào nội bộ chính trị dù gần đây đã hai lần Trung quốc vi phạm thỏa thuận với Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Thượng hội đồng, không phải là Nghị viện cũng không phải là nơi “bàn luận chuyện chính trị”

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về cuộc Họp khoáng đại Thượng hội đồng về Tương lai của Giáo hội tháng 10 sắp tới. Ngài cảnh báo chống lại bất kỳ bước ngoặt chính trị nào mà tiến trình này có thể làm, vì thượng hội đồng không phải là Nghị viện hay nơi “bàn luận chuyện chính trị”.

Ngài nhấn mạnh: “Có một điều chúng ta phải giữ, đó là bầu khí đồng nghị. Đây không phải là chương trình truyền hình để chúng ta  nói về mọi thứ, ngài biện minh cho tính bí mật sẽ bao gồm các cuộc trao đổi giữa những người tham gia và giao việc thông tin liên lạc cho “ủy ban” chịu trách nhiệm viết thông cáo báo chí hàng ngày.

Quyết định này có nguy cơ làm nảy sinh nhiều câu hỏi nơi các tín hữu đã tích cực tham gia vào công việc chuẩn bị cho thượng Hội đồng, được phát động vào tháng 10 năm 2021, và mong muốn tiếp nối công việc của Rôma.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch