Ronald Rolheiser, 2023-06-19
Một thế hệ trước, tác giả J.D Salinger đã viết tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye), một tác phẩm nổi tiếng và nằm trong danh sách phải đọc của hầu hết chương trình văn học đại học. Nó xứng đáng với cả hai điều này. Nó là một tác phẩm văn học vĩ đại.
Hình ảnh của nó là như sau: Một ông nhìn các em bé đang chơi ở cánh đồng xanh, với tất cả hồ hởi và vui thú mà chỉ có trẻ em ngây thơ mới có được. Ông suy nghĩ, hình dung xem từng đứa một cuối cùng sẽ đánh mất niềm vui của sự ngây thơ đó và sẽ như những người trưởng thành khác, trở nên rã rời và bất hạnh. Ông hình dung sẽ tuyệt vời đến thế nào nếu ông có thể bảo vệ các em bé này khỏi phải lớn lên và cứ mãi như thế, cứ mãi ngây thơ, chơi ở cánh đồng xanh, khỏi phải dây vào đủ thứ rắc rối, tội lỗi, thỏa hiệp và bất hạnh của người lớn. Đây là một hoang tưởng chạm đến lòng người.
Nó cũng chạm đến một điều nằm ở trung tâm căng thẳng giữa người bảo thủ và tự do. Người bảo thủ và người tự do bất đồng về hầu hết mọi chuyện, trừ một chuyện: cả hai đều không hạnh phúc với đường hướng hiện tại.
Với người bảo thủ, khoảnh khắc hiện tại dường như là một trôi dạt, xa dần khỏi đức tin, ổn định, hạnh phúc mà họ cho là chúng ta đã từng có. Bản năng của họ là quay về lại cái từng có, cái mà theo họ là thứ giữ mọi sự ổn định. Họ tin rằng cách để khắc phục mọi chuyện là rút lui về sự ngây thơ quá khứ. Và ở tâm điểm của quan điểm này là một hoài niệm hệt như người đàn ông nhìn trẻ em chơi đùa trên cánh đồng xanh, cụ thể là khi chúng ta bỏ sự ngây thơ của tuổi thơ mà hướng đến sự tinh vi của tuổi trưởng thành, nó sẽ đem lại bất ổn, rắc rối và bất hạnh. Sự tinh vi đi kèm một cái giá quá đắt và chúng ta cần được bảo vệ khỏi những dạng học hỏi và trải nghiệm nhất định.
Người tự do thì thường có bản năng và khuynh hướng trái ngược. Với họ, chúng ta sống trong môi trường công nghệ, đạo đức, tôn giáo và xã hội cho chúng ta đứng cao hơn quá khứ, dù đôi lúc nó đem lại những rắc rối. Đơn giản là chúng ta tiến lên theo những cách mà các thế hệ trước không có, dù họ có những giá trị và thành tâm đến như thế nào. Bất kỳ sự thoái lui nào đều sẽ là bước lùi, là mất mát về tri thức và tinh thần. Con đường hướng đến trưởng thành là con đường tiến về phía trước, và chúng ta phải có dũng khí để đi con đường đó, bất chấp những biến động trên đường (kiểu như không thể làm món trứng ốp-la nếu không đập vỡ quả trứng). Con đường tiến lên phía trước đưa chúng ta qua những trải nghiệm và học hỏi của tuổi trưởng thành, nằm ngoài nơi trú ẩn của cánh đồng xanh. Đó là con đường dẫn đến trưởng thành, đưa chúng ta ra khỏi những hạn hẹp, định kiến bất dung, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính và ngu muội, vốn là nền tảng của nhiều nỗi sợ hãi sai lầm, cứng ngắc, bất công và bạo lực trên thế giới.
Vậy ai mới đúng? Chúng ta nên đi theo hướng nào? Con đường tiến tới là gì?
Linh cảm của tôi nói rằng chúng ta sẽ đến nơi mình nên đến bằng cách không hoàn toàn theo đi theo bản năng của người tự do hay bảo thủ. Dù cả hai đều nảy sinh từ một trực giác lành mạnh, nhưng cả hai đều đã cho thấy mình không đủ thỏa đáng đối với con đường đến với trưởng thành, bình an và hạnh phúc. Người tự do đúng về trực giác, rằng quay lại quá khứ không phải là câu trả lời, cũng không khác gì người bảo thủ đúng khi tin rằng chỉ tinh vi hơn thì cũng không phải là câu trả lời. Cả hai đều đúng và phần nào đều sai. Vậy chúng ta nên đi về đâu?
Chúng ta phải tiến tới, dù không phải theo cách mà hệ tư tưởng tự do phổ biến thường nhìn nhận rằng chỉ có tinh vi mới đem lại sự cứu rỗi. Chúng ta phải tiến tới, nhưng theo một cách đến tận cùng đưa chúng ta vượt lên tinh vi để đến với sự ngây thơ lần hai. Điều này có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa như thế này: Nếu bạn hỏi một em bé ngây thơ: “Cháu có tin có Ông già Noel không?” em bé sẽ trả lời là: “Có”. Nếu bạn hỏi một em bé sáng dạ, em bé sẽ trả lời: “Không”. Nhưng nếu bạn hỏi câu đó với một em bé sáng dạ hơn, em bé sẽ trả lời: “Có”. Nhưng lý do của câu trả lời “Có” này khác.
Nhiệm vụ trong đời là đi từ ngây thơ, qua tinh vi, để đến với hậu tinh vi. Cả người bảo thủ và tự do cần phải thách thức bản thân và thách thức nhau với nền tảng là sự thật này (vốn có trong Tin mừng và trong những thấu suốt của nhân học). Thiên Chúa và tự nhiên không muốn chúng ta là trẻ em mãi cả đời. Chúng ta phải lớn lên, trải nghiệm cuộc đời, xử lý những vấn đề quan thiết trong chúng ta và trở nên tinh vi. Phải thừa nhận trong quá trình này, chúng ta sẽ đánh mất nhiều ngây thơ. Và như ông Adong và bà Evà, sau khi ăn trái cấm, thấy mình mở mắt ra, nhưng không hẳn họ được hạnh phúc.
Vậy hạnh phúc ở nơi đâu? Ở nơi mà chúng ta có thể một lần nữa tin là có Ông già Noel, nơi của hậu tinh vi. Có những từ vựng khác nhau để diễn tả điều này, nhưng tất cả đều chỉ về một điều. Chúng đều có tiến trình như nhau.
Ngây thơ – Tinh vi – Ngây thơ lần hai
Nhiệt tâm ban đầu – Vỡ mộng – Tình yêu chín chắn
Tiền phê phán – Phê phán – Hậu phê phán
Ngây thơ – Mất đi sự ngây thơ – Tái trinh trắng
Trẻ con – Trưởng thành – Như trẻ con
Hạnh phúc – Tan ảo mộng – Bình an
Ngây ngô ngây thơ – Ngây ngô tinh vi – Ngây ngô thánh thiện
Chúng ta từng ngây ngô ngây thơ. Rồi chúng ta trở thành ngây ngô tinh vi. Bây giờ đến lúc chúng ta trở thành ngây ngô hậu tinh vi.
J.B. Thái Hòa dịch