Ủy ban chống lạm dụng của giáo hoàng họp trong tình trạng hỗn loạn, đương đầu với lời kêu gọi minh bạch hơn

71

Ủy ban chống lạm dụng của giáo hoàng họp trong tình trạng hỗn loạn, đương đầu với lời kêu gọi minh bạch hơn

Một cựu thành viên kêu gọi Đức Phanxicô làm một điều tra bên ngoài về Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên

Hồng y Boston Sean O’Malley, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, và các thành viên khác của ủy ban trước khi dự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 29 tháng 4 năm 2022. (CNS/Paul Haring)

ncroline.org, Christopher White, Vatican, 2023-05-04

Khi linh mục Dòng Tên người Đức Hans Zollner từ chức khỏi Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên ngày 29 tháng 3, linh mục gay gắt chỉ trích ban lãnh đạo của Ủy ban thiếu minh bạch, đẩy Ủy ban vốn đã bị bao vây vào tình trạng khủng hoảng.

Tuần này Ủy ban họp hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 5, hồng y Sean O’Malley, chủ tịch Ủy ban cho biết Ủy ban sẽ giải quyết những lo ngại do linh mục Zollner nêu ra, đồng thời nhắc lại ngài hoàn toàn không đồng ý với đánh giá của linh mục Zollner đưa ra về hiệu quả của Ủy ban.

Hồng y O’Malley “thất vọng” vì các chỉ trích của linh mục Hans Zollner

Ủy ban được thành lập năm 2014 có tên là Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, có nhiệm vụ cố vấn cho giáo hoàng về các biện pháp ngăn chặn lạm dụng trẻ em và trách nhiệm trong công việc, đã phải chịu một số thất bại, một số thành viên cấp cao khác đã từ chức trước đó, họ đặt vấn đề về các hình thức quản trị của Vatican và về văn hóa giữ bí mật.

Nhưng sự ra đi của linh mục Zollner – kết hợp với việc tổ chức lại nhân sự của Ủy ban gần đây – đã đặt vấn đề với chính Ủy ban và làm tăng rủi ro cho cuộc họp toàn thể của Ủy ban, các quan sát viên cũng như những người sống sót sau vụ lạm dụng đều nói, uy tín của giáo hoàng về vấn đề chống lạm dụng đã bị thách thức.

Các vụ ra đi bị nói nhiều trên các phương tiện truyền thông

Khi lần đầu Ủy ban được thành lập, Ủy ban mang hy vọng của một trang mới trong nỗ lực của Giáo hội nhằm chống lại nạn lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Việc bổ nhiệm hồng y O’Malley được nhiều người xem ngài là nhân vật hàng đầu trong các nỗ lực ngăn chặn lạm dụng, vì ngài cho biết cơ quan này sẽ là một cơ quan nghiêm túc. Việc lựa chọn các thành viên bên ngoài là những nhân vật hàng đầu trong các lĩnh vực thực thi pháp luật, tâm lý học và tâm thần học mang lại cho Ủy ban vừa tính độc lập vừa chuyên môn.

Hồng y Sean O’Malley, giáo phận Boston nghe bài diễn văn của Đức Phanxicô trong cuộc gặp với các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên tại Vatican ngày 29 tháng 4 năm 2022. (CNS/Vatican Media)

Theo ông Gabriel Dy-Liacco, nhà trị liệu tâm lý, cố vấn mục vụ ở Phi Luật Tân, cựu thành viên của Ủy ban thì hai mục tiêu ban đầu của Ủy ban là cố vấn cho Đức Phanxicô về cách cải cách tốt nhất để cải thiện các nỗ lực bảo vệ và đưa ra các đề xuất về chính sách và sáng kiến cho các giáo hội địa phương.

Ông Dy-Liacco phục vụ hai nhiệm kỳ từ năm 2014 đến năm 2022 ước tính kể từ khi thành lập, các thành viên của Ủy ban đã hướng dẫn hơn 1.000 hội thảo hoặc khóa đào tạo về vấn đề bảo vệ an toàn trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, các căng thẳng đã nổi lên.

Ông Peter Saunders, người Anh, bà Marie Collins, người Ai-len cả hai là những người sống sót sau khi họ bị lạm dụng đều từ chức năm 2017. Lúc đó, trong một bài khảo luận viết độc quyền cho trang NCR bà viết: “Vấn đề quan trọng nhất là sự miễn cưỡng của một số thành viên của Giáo triều Vatican trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban bất chấp sự chấp thuận của giáo hoàng.”

Nhưng khi Zollner – nhà tâm lý học và trị liệu tâm lý, người đứng đầu viện bảo vệ nổi tiếng ở Rôma, được Đức Phanxicô bổ nhiệm để giúp tổ chức hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng chưa từng có năm 2019 của Vatican – tuyên bố từ chức, lý do của linh mục không phải là Giáo triều Rôma, mà là chính Ủy ban.

Linh mục Hans Zollner nhân vật đấu tranh chống ấu dâm từ chức đặt vấn đề hoạt động của cơ chế

Linh mục Dòng Tên Fr. Hans Zollner, ở giữa, trong hội nghị gồm các đại diện Giáo hội và các chuyên gia bảo vệ trẻ em ở Warsaw, Ba Lan, ngày 20 tháng 9 năm 2021. (CNS/Courtesy of EpiskopatNews)

Trong một tuyên bố với lời lẽ gay gắt, linh mục nói ngài không thể tiếp tục vì những lo ngại ngày càng tăng “trong các lĩnh vực trách nhiệm, tuân thủ, giải trình và minh bạch.” Ngài lưu ý có sự thiếu rõ ràng về “quá trình lựa chọn các thành viên và nhân viên cũng như vai trò và trách nhiệm tương ứng của họ.”

Bà Anne Barrett Doyle, đồng giám đốc của trang web theo dõi lạm dụng BishopAccountability.org, cho biết bà “choáng váng” trước việc linh mục Zollner từ chức, bà cho trang NCR biết, đây là một “chứng thực vang dội” về việc ra đi của các thành viên khác như của bà Collins và ông Saunders.

Bà lưu ý rằng những cá nhân này có “bằng cấp ấn tượng” và việc họ sẵn sàng phục vụ Ủy ban có nghĩa họ sẵn sàng đánh đổi danh tiếng nghề nghiệp của mình để làm việc với Vatican trong hy vọng giúp Giáo hội phản ứng tốt hơn trước cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Bà Barrett Doyle nói: “Đó là những người đúng lý, cố gắng nghiêm túc làm việc trong hệ thống. Việc họ ra đi là dấu hiệu cho thấy Ủy ban làm việc không căn cứ, không hiệu quả mà chúng tôi đã lo sợ. Tình trạng thật đáng tiếc.”

Việc linh mục Hans Zollner từ chức cho thấy cuộc khủng hoảng tại Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên ở Vatican

Việc linh mục Zollner ra đi đã tạo chấn động cho các cựu thành viên ủy ban.

Trong một phỏng vấn với BBC, cựu thành viên của Ủy ban, bà Nam tước Sheila Hollins đã mô tả sự ra đi của linh mục Zollner là một “mất mát to lớn”, bà cho biết linh mục được đánh giá rất cao. Bà Hollins là cựu chủ tịch của Đại học Tâm thần Hoàng gia ở Vương quốc Anh lên tiếng: “Linh mục là người chính trực. Đặc biệt linh mục giao tiếp tốt với các linh mục, tu sĩ và giám mục.”

Nhưng ông Dy-Liacco đưa ra một quan điểm lạc quan, dù các lý do ra đi của linh mục Zollner là đúng, nhưng ông xem các lo ngại được nêu ra là nỗi đau ngày càng tăng với bất kỳ điều gì mới.

Ông cũng lưu ý việc linh mục Zollner và hồng y O’Malley bày tỏ sự bất đồng của họ trước công chúng là một dấu hiệu hy vọng cho một thể chế thường thích che giấu các xung đột. Ông nói với hãng tin NCR: “Đúng là mọi sự phải minh bạch. Không ai bị trừng phạt vì điều này. Tôi nghĩ điều này thực sự tốt và rất lành mạnh. Tôi không biết những điều này lại thường xuyên xảy ra trong Giáo hội.”

Lối vào Cung điện Maffei Marescotti ở Rôma, được The New York Times đưa tin là trụ sở mới của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên (Wikimedia Commons/Peter1936F)

Ban lãnh đạo dưới sự giám sát

Hai tuần sau khi linh mục Zollner ra đi, ngày 13 tháng 4, báo The New York Times được Ủy ban độc quyền thông báo họ sắp có một ngôi nhà mới – chuyển từ những văn phòng nhỏ bên trong Vatican đến một cung điện có từ thế kỷ 16 ở trung tâm Rôma.

Theo bài báo, linh mục Andrew Small, Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ, thư ký của Ủy ban đã lo liệu để đảm bảo an ninh cho nơi này. Linh mục cho biết, các văn phòng mới được trang trí công phu để trở thành “cung điện của những người sống sót”.

Tuy nhiên, bà Barrett Doyle của BishopAccountability.org đã nói bài báo giật gân này là nhằm đánh “lạc hướng” các vấn đề mà Ủy ban chịu trách nhiệm giám sát. Bà đặt câu hỏi: “Vì sao việc dọn văn phòng lại có được một trang báo trên The New York Times?”

Không phải chỉ một mình bà thắc mắc việc này.

Một bài xã luận đăng trên trang Il Sismografo, một trang web tin tức có ảnh hưởng được các nhà chức trách Vatican theo dõi chặt chẽ, “kể một câu chuyện khó tin và đau đớn khi các thành viên của Ủy ban tế nhị này dùng câu chuyện khủng khiếp về nạn ấu dâm của giáo sĩ và nạn nhân để cổ động cho mình với những lời tuyên bố vô nghĩa và không thanh lịch.”

Linh mục Andrew Small, luật sư người gốc Anh, từng là cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Hội đồng Giám mục Mỹ được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ tạm thời (‘trong thời điểm hiện tại’) tháng 6 năm 2021.

Linh mục Andrew Small nói chuyện với các phóng viên tại văn phòng báo chí Vatican ngày 28 tháng 10 năm 2022, về cuộc họp mùa thu của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. (CNS/Cindy Wooden)

Với tư cách là quyền thư ký, linh mục giám sát việc cải tổ thành viên của Ủy ban tháng 9 năm ngoái bằng cách bổ nhiệm 10 thành viên mới và bổ nhiệm lại 10 thành viên cũ, cũng như bổ sung một số nhân viên mới và các thỏa thuận bảo vệ mới, nhất là với Hội đồng Giám mục  Ý.

Nhưng linh mục Small, người từng đứng đầu các Hội Truyền giáo Giáo hoàng Hoa Kỳ không có kiến thức nền tảng về phòng chống lạm dụng, làm cho một số thành viên của Ủy ban đặt câu hỏi vì sao linh mục lại được bổ nhiệm vào chức vụ này.

Đầu tháng này, bà Hollins nói với hãng tin BBC, bà đã gặp linh mục Small vào tháng 11, bà cho biết: “Tôi thật sự không ấn tượng. Chúng ta thực sự cần những người lãnh đạo trong lãnh vực này, những người không những chỉ có thẩm quyền để làm việc, mà còn phải có năng lực chuyên môn. Và tôi không nghĩ linh mục có những khả năng phù hợp cho lúc này.”

 Ủy ban có luôn độc lập không?

Trước phiên họp toàn thể từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 5, một thông cáo phác thảo chương trình nghị sự toàn thể của Ủy ban cho biết sẽ có một đánh giá về nhiệm vụ của Ủy ban trong việc cung cấp các cuộc kiểm toán hàng năm về các báo cáo bảo vệ của các hội đồng giám mục, đánh giá kế hoạch chiến lược 5 năm của Ủy ban và một “thảo luận mở về cách xác định rõ hơn các phương pháp làm việc, vai trò và trách nhiệm” của cơ quan, trong số các mục khác của chương trình nghị sự.

Bà Collins nghĩ rằng một vấn đề thiết yếu cũng đã được linh mục Zollner nói lên khi từ chức: “Ủy ban là ai?”

Trong những tháng gần đây, con số nhân viên của Ủy ban đã tăng lên đáng kể, hiện có 16 nhân viên dưới quyền lãnh đạo của hồng y O’Malley và linh mục Small. Vào thời đầu của Ủy ban, Ủy ban có nhiệm vụ  – với tư cách là các chuyên gia độc lập và bên ngoài – đề xuất các dự án, chính sách và sáng kiến.

Bà Collins nói: “Bây giờ các thành viên Ủy ban không còn đề xuất các dự án nữa nhưng được giao nhiệm vụ. Điều này làm cho tôi thực sự lo lắng”, trong một phỏng vấn gần đây, bà bực mình khi hồng y O’Malley xem các thành viên của Ủy ban là các “tình nguyện viên”.

Bà Marie Collins, Nam tước phu nhân Sheila Hollins và ông Gabriel Dy-Liacco trong cuộc họp báo tại Đại hội Gia đình Thế giới ngày 24 tháng 8 năm 2018. (CNS/Đại hội Gia đình Thế giới /John McElroy)

Bà nói với hãng tin NCR: “Trước đây chúng tôi chưa bao giờ được gọi là một nhóm tình nguyện viên. Chúng tôi luôn được gọi là một nhóm chuyên gia. Việc hạ thấp sự đóng góp của họ là làm mất uy tín”. Bà nói thêm: “Không rõ ràng ai là Ủy ban. Có phải các chuyên gia được chỉ định hay bây giờ là các nhân viên đang quyết định công việc sẽ được thực hiện và đưa mọi thứ lên Ủy ban để được chấp thuận không?”

Bà lo sợ, sự sắp xếp lại này tạo nguy hiểm cho tính độc lập của Ủy ban.

Bà Collins nói: “Các nhân viên sẽ được Vatican tuyển dụng. Họ có trách nhiệm với người tuyển dụng họ, trong khi các chuyên gia là những người độc lập.”

Bà nói: “Quyền lực đã được chuyển giao cho các nhân viên làm việc lãnh lương và tôi nghĩ, sự thay đổi này là sai lầm.”

Tháng 6 năm ngoái, tông hiến mới tổ chức lại bộ máy quản trị trung ương của Giáo hội có hiệu lực, đặt Ủy ban chống lạm dụng trong bộ Tín Lý, có trách nhiệm điều tra và truy tố các trường hợp lạm dụng.

Còn hồng y O’Malley lúc đó ca ngợi quyết định này làm cho Ủy ban là “một phần cơ bản trong cấu trúc của chính quyền trung ương Giáo hội”, bà Collins lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến sự độc lập của cơ quan.

Các nữ tu tham dự hội thảo bảo vệ trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rôma ngày 23 tháng 3 năm 2017. Hội thảo được Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên tổ chức. (CNS/Paul Haring)

Bà cho biết, với những người sống sót sau khi bị lạm dụng, Ủy ban không nên mạo hiểm bị cho là phụ thuộc vào bộ Tín Lý.

Đầu năm nay, Đức Phanxicô ban hành tự sắc Các con là ánh sáng, Vos Estis Lux Mundi về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ để buộc các giám mục và bề trên dòng phải chịu trách nhiệm về những lạm dụng mà họ phạm phải hoặc che đậy, và giao nhiệm vụ cho Ủy ban thực hiện.

Nhưng theo bà Barrett Doyle, có một mâu thuẫn trong việc đặt Ủy ban bên trong bộ Tín Lý, nếu Ủy ban muốn thành công trong việc quy trách nhiệm cho các linh mục và giám mục.

Bà nói: “Như thế tước quyền của Ủy ban mọi thực thi bất kỳ luật trách nhiệm giải trình chính nào của giáo hoàng nếu họ phải trực thuộc một trong các ban mà họ phải chịu trách nhiệm”.

Một lời kêu gọi gởi đến Đức Phanxicô

Dù có các xáo trộn của tháng trước, ngày 21 tháng 4, Vatican đã công bố mối quan hệ đối tác mới giữa Ủy ban và Bộ Truyền giáo, cơ quan chịu trách nhiệm về các giáo hội truyền giáo, bao gồm nhiều quốc gia và giáo hội thiếu hướng dẫn thích hợp về lạm dụng.

Tuy nhiên, bà Collins cho biết công việc của Ủy ban thực sự đã đổi tên khi các thành viên Ủy ban bắt đầu làm năm 2016, khi họ đào tạo cho các tân giám mục về thượng hội đồng học mà họ gọi đó là “trường cho các em bé giám mục” và các buổi hướng dẫn cho các cơ quan khác của Vatican.

Bà Marie Collins tại Đại hội Gia đình Thế giới ở Dublin ngày 24 tháng 8 năm 2018 (CNS/Đại hội Gia đình Thế giới /John McElroy)

Bà nói: “Tôi bị sốc khi ngài tuyên bố những điều này là mới”, bà cho biết bà đã tham gia đào tạo cho các tân giám mục từ những năm 2016-2018 và trước đó đã lãnh đạo một phiên họp cho bộ truyền giáo Vatican.

Bà Collins nói: “Hồng y O’Malley biết rất rõ, họ đã ở vị trí này trong nhiều năm. Điều này làm tôi khó chịu vì tôi biết những người này đã chăm chỉ làm việc trong nhiều năm.”

Khi tân Ủy ban vừa được thành lập sẽ họp ở Rôma tuần này, bà cho biết bà rất vui vì Ủy ban có một khởi đầu mới và với nhân sự mới – nhưng nếu muốn tiến lên trong uy tín thì Ủy ban phải giải quyết những vấn đề sâu đậm về tính độc lập và minh bạch của Ủy ban.

Một báo cáo ngày 3 tháng 5 trên The Irish Times tiết lộ bà Collins, cùng với cựu Tổng thống Ai-len Mary McAleese đã cùng với một bức thư gởi đến Đức Phanxicô, nói rằng Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên phải chịu “những thiệt hại hiện hữu” sau sự ra đi của linh mục Zollner.

Hai người xin giáo hoàng can thiệp trực tiếp để cứu Ủy ban và thiết lập một cuộc đánh giá độc lập, bên ngoài về hoạt động của Ủy ban.

Họ viết: “Với tất cả lòng kính trọng của chúng tôi với ngài, không có cuộc tranh luận nội bộ nào xứng tầm với nhiệm vụ bảo vệ tương lai của Ủy ban bảo vệ của Giáo hội”.

 

Bà Anne Barrett Doyle (CNS/ Tennessee/Rick Musacchio)

Trước cuộc họp toàn thể của Ủy ban, ông Dy-Liacco xin mọi người kiên nhẫn, ông tin rằng tự sắc mới của giáo hoàng sẽ giúp Ủy ban bắt đầu tái thiết công việc của mình vì ông hy vọng văn hóa bên trong Vatican sẽ tiếp tục thay đổi.

Bà Barrett Doyle thì ít lạc quan hơn, bà nói “tình huống chung trong việc chống lạm dụng của giáo hoàng đang sụp đổ như căn nhà xây trên cát, nó sẽ sụp đổ và điều này thật đau lòng”.

Còn với bà Collins, bà nói bà chưa bỏ cuộc – nhưng thời gian cấp bách.

Bà nói: “Đức Phanxicô đã cố gắng rất nhiều. Chắc chắn ngài đã xúc tiến việc trao thêm quyền cho Ủy ban. Tôi không nghĩ ngài bỏ qua vấn đề này.”

Bà nói thêm: “Nhưng bây giờ ngài cần một người nào đó năng động hơn để thực hành những thay đổi thực tế, ủng hộ một ủy ban độc lập để mang lại những thay đổi cần thiết.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tòa Thánh ký kết thỏa thuận bảo vệ trẻ vị thành niên

Lạm dụng: Đức Phanxicô đưa ra những con đường cho một “linh đạo đền tạ”