Việc linh mục Hans Zollner từ chức cho thấy cuộc khủng hoảng tại Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên ở Vatican

109

Việc linh mục Hans Zollner từ chức cho thấy cuộc khủng hoảng tại Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên ở Vatican

Việc đụng độ công khai giữa linh mục Hans Zollner và hồng y Seán O’Malley là dấu hiệu cho thấy chương trình cải cách của Đức Phanxicô đã bị thất bại đến như thế nào.

ncregister.com, linh mục Raymond J. de Souza, Rôma, 2023-03-31

Ảnh trên: Linh mục Dòng Tên Hans Zollner tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 14 tháng 10 năm 2019. Ảnh dưới: hồng y Seán O’Malley, giáo phận Boston tham dự cuộc họp báo về “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” tại Augustinianum, Rôma ngày 22 tháng 2 năm 2019. (ảnh: Daniel Ibanez/CNA)

Việc Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên được Đức Phanxicô thành lập năm 2014 là một trong những nỗ lực cải cách hàng đầu của ngài, tuần này Ủy ban gặp khủng hoảng sâu sắc qua cách hai nhân vật nổi bật nhất của Ủy ban này đụng độ nhau.

Linh mục Dòng Tên người Đức Hans Zollner, thành viên ban đầu và là người nổi bật nhất Ủy ban đã từ chức ngày thứ tư 29 tháng 3. Hồng y Seán O’Malley, chủ tịch Ủy ban đưa ra tuyên bố cho rằng linh mục Zollner có nhiệm vụ mới, và do đó xin từ chức, đồng thời ngài cám ơn linh mục về tinh thần phục vụ rất xuất sắc.

Linh mục Zollner có quan điểm khác. Ngài đưa ra tuyên bố của riêng ngài, một lời tố cáo gay gắt về những thất bại của Ủy ban trong “trách nhiệm, tuân thủ, giải trình và minh bạch”, tất cả những điều đó “đã làm cho tôi không thể tiếp tục tiến xa hơn.”

Ngày thứ năm 30 tháng 3, hồng y O’Malley “cập nhật” tuyên bố của ngài, cho rằng ngài đã rất “ngạc nhiên, thất vọng và hoàn toàn không đồng ý” với đánh giá của linh mục Zollner cho rằng Ủy ban của ngài đã hoạt động kém như thế nào.

Cả hai người đều có thành tích gương mẫu trong việc thanh tẩy Giáo hội khỏi nạn lạm dụng tình dục, đặc biệt là hồng y O’Malley đã giải quyết chuyên sâu vấn đề này trong 30 năm. Vì vậy, việc cả hai có những đánh giá khác nhau rõ rệt về công việc chung của họ là dấu hiệu cho thấy chương trình cải cách của Đức Phanxicô đã yếu đến như thế nào.

Xem lại lịch sử. Năm 2014, Đức Phanxicô đã thành lập Ủy ban trong cùng một tinh thần cải cách, ngài thành lập Ban Thư ký mới về Kinh tế. Ngài đã chọn hai người trong vòng thân cận của ngài – “hội đồng các hồng y” được ngài thành lập năm 2013 – để lãnh đạo các sáng kiến này. Cố hồng y George Pell được giao nhiệm vụ cải cách tài chính, và hồng y O’Malley được giao hồ sơ lạm dụng tình dục. Những năm đầu tiên đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, sau chuyến tông du Chi-lê năm 2018, chuyến đi thảm họa nhất trong lịch sử tông du của giáo hoàng, hồng y O’Malley đã đánh mất vị thế nổi bật của ngài ở “triều giáo hoàng”. Đức Phanxicô đã tạo bất bình với phần lớn xã hội Chi-lê khi ngài thẳng thừng bác bỏ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở đó, và giáo dân hàng loạt tránh xa. Sau lần khiêu khích cuối cùng ở Chi-lê, hồng y O’Malley đã làm một bước hết sức bất thường, ngài chỉ trích cách tiếp cận của giáo hoàng, và sau đó đã chi phối tất cả các tin tức đến từ Chi-lê.

Cuối năm đó, các hậu quả đến với hồng y O’Malley đã trở nên rõ ràng: sau những tiết lộ của cựu hồng y Theodore McCarrick làm chấn động giới công giáo mùa hè năm đó, Đức Phanxicô quyết định tổ chức một hội nghị cấp cao về lạm dụng tình dục tại Vatican đầu năm 2019. Linh mục Zollner với tư cách là một trong những người tổ chức chính, nhưng không phải là hồng y O’Malley, dù ngài là người đứng đầu văn phòng liên hệ.

Thay vào đó, hồng y Blase Cupich của Chicago được mời đứng đầu. Thông điệp rất rõ ràng: Đức Phanxicô không hài lòng với sự sửa sai của hồng y O’Malley. Hồng y O’Malley vắng mặt, và hồng y Cupich có mặt.

Thật vậy, điều mà hồng y Cupich đề xuất với các đồng nghiệp Mỹ của ngài được gọi là “mô hình đô thị,” đã trở thành luật phổ quát cho Giáo hội năm 2019 với việc ban hành Tự sắc Các con là ánh sáng thế gian, Vos Estis Lux Mundi, đạo luật có chữ ký của Đức Phanxicô buộc các giám mục phải chịu trách nhiệm về việc áp dụng các luật về lạm dụng.

Về vấn đề lạm dụng tình dục, hồng y O’Malley và Ủy ban không còn là động cơ cải cách. Hồng y Cupich có một vị trí cao hơn ở triều. Và ngài có một quyền lực đáng nể, ngài được gởi đến Puerto Rico trước khi giáo hoàng sa thải giám mục Daniel Torres. Cũng chính hồng y Cupich là người mà Đức Phanxicô nhờ điều tra bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, sau đó các nhân viên cấp cao đã bị sa thải, trong đó có hồng y Peter Turkson.

Tất cả những điều này làm suy yếu công việc của Ủy ban mà linh mục Zollner là thành viên nổi bật nhất. Ngài thường xuyên được các giáo phận trên khắp thế giới hỏi ý kiến khi ngài đến đó.

Trong những năm gần đây, ngài đã cố gắng thực hiện các nỗ lực cải cách ngoài Ủy ban, một phân khoa của Giáo hoàng Học viện Gregorian cung cấp bằng về bảo vệ trẻ em. Gần đây ngài đảm nhận chức vụ cố vấn cho giáo phận Rôma.

Trong khi đó, năm ngoái hiến pháp mới tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate Evangelium của Giáo triều Rôma được ban hành hơi vội vàng và sơ suất, đã đặt Ủy ban bên trong bộ Giáo lý Đức tin. Không có gì ngạc nhiên khi không có điều khoản đầy đủ nào được đưa ra trước về cách thức hoạt động của Ủy ban hoặc liệu Ủy ban có giữ được quyền tự chủ hay không. Linh mục Zollner trích dẫn sự mơ hồ đó, và mức độ ưu tiên giảm dần của Ủy ban, một lý do làm cho ngài không tin tưởng vào Ủy ban.

Việc ngài từ chức cho thấy rõ, sau năm 2018 tại Chi-lê, Đức Phanxicô đã hướng đến những người trung thành mới để dẫn đầu các nỗ lực cải cách của ngài. Một điều tương tự cũng xảy ra với các cải cách tài chính, trong đó ngài tước bỏ thẩm quyền mà trước đây ngài đã trao cho hồng y Pell khi các nhân vật khác trong giáo triều phản đối.

Không có một nghi ngờ gì về cam kết cải cách và bảo vệ của linh mục Zollner hoặc hồng y O’Malley. Tuy nhiên, Ủy ban hiện đang gặp khủng hoảng, với những lãnh đạo cao nhất bất đồng sâu đậm về bản chất của cuộc khủng hoảng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y O’Malley “thất vọng” vì các chỉ trích của linh mục Hans Zollner

Linh mục Hans Zollner nhân vật đấu tranh chống ấu dâm từ chức đặt vấn đề hoạt động của cơ chế