Khủng hoảng trong đạo công giáo? Tại sao và làm thế nào để giữ vững tinh thần 

243

Khủng hoảng trong đạo công giáo? Tại sao và làm thế nào để giữ vững tinh thần 

Hình minh họa

fr.aleteia.org, Jean Duchesne, 2022-11-01

Đức tin kích thích ký ức và tinh thần phê phán giúp chúng ta được tự do mà không chạy trốn hay hoảng sợ. Theo nhà khảo luận Jean Duchesne, trước hết không phải Giáo hội đang gặp khủng hoảng, nhưng phương Tây đang gặp khủng hoảng.

Trong những ngày này, chúng ta dễ bị tâm trạng u ám xâm chiếm. Thông tin hàng ngày về những gì đang xảy ra ở Pháp, ở khắp nơi trên thế giới và (có lẽ còn hơn thế nữa) trong Giáo hội, nếu không muốn nói tình trạng chỉ làm chúng ta bi quan, thì ít nhất cũng làm chúng ta lo. Dĩ nhiên đức tin có thể giúp chúng ta chống cự lại, Chúa Giêsu phục sinh nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), lặp lại lời cam kết của Chúa truyền cho tiên tri Isaia (Is 41, 10): “Đừng sợ hãi, có Ta ở với ngươi”. Nhưng tin tưởng vào những lời hứa này không biện minh cho sự mù quáng, ngược lại nó lại làm cho cái nhìn của chúng ta sắc nét và kích thích sự độc lập của tâm trí.

Huyền thoại về thời vàng son

Trước sự tấn công dữ dội của những tin xấu, những dự báo, những tiên đoán u ám, có lẽ trước tiên hết, vũ khí tốt nhất là ký ức. Để bắt đầu với tình hình quốc gia và quốc tế, liệu tình hình ngày nay có tệ hơn so với những năm 1930, khi Thế chiến thứ hai sắp đến gần không? Hoặc sáu mươi năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba? Hoặc cách đây không lâu, khi phương Tây tỏ ra yếu mềm trước các vụ tấn công của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan không? Câu hỏi được đặt ra là liệu nhân loại đã có bao giờ biết đến “thời an ninh vàng son” và thuận hòa, không bị bóng mây che khuất không.

Cũng cùng ký ức này, chúng ta không quên những lời hứa thiêng liêng giữ ký ức về những thử thách và tai họa trong quá khứ. Vấn đề không phải là tương đối hóa hiện tại, mà là không để mình bị tê liệt trước tính cấp bách của những mối đe dọa trước mắt – nói cách khác, là giữ tự do, không liên quan gì đến thờ ơ hay cam chịu. Tin, cũng là biết và thậm chí cảm nhận những điều khủng khiếp của ngày hôm nay không hơn không kém những điều kinh hoàng của ngày hôm qua và ngày hôm kia. Trong tất cả những tan vỡ này của con người, triết gia Pascal đã có câu nói rất hay, “Chúa Giêsu hấp hối cho đến tận thế”, và Tin Mừng còn thêm: “Vậy anh em hãy canh thức” nhưng cũng đừng ảo tương nghĩ rằng “giờ và ngày” đã đến, vì “chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44) .

Khủng hoảng của phương Tây, chứ không phải trước hết là của Giáo hội

Có cùng một độ lùi như vậy tối thiểu sẽ hữu ích để chúng ta biết quý mến các hoàn cảnh mà Giáo hội hiện đang ở trong môi trường chúng ta. Ngày nay Giáo hội có ở tình trạng tệ hơn so với thời Arian hay thời Khủng bố cách mạng không? Có phải thời trung cổ của kitô giáo đồng nhất với chính thống và một đạo đức hoàn hảo không? Chắc chắn các thử thách hiện tại là chưa từng có, vì chúng không còn do những đổi hướng hay một loại thù nghịch nào, nhưng là do một loại mất niềm tin, thay thế đức tin bằng… không có gì! Chủ nghĩa thiên sai mác-lê không thành công. Nhưng trước tiên cần lưu ý, việc thế tục hóa đang biến thành phi-kitô giáo hóa là hiện tượng ảnh hưởng chủ yếu đến các quốc gia “giàu có” phương Tây. Số người công giáo trên thế giới tiếp tục tăng nhẹ, nhưng đều đặn. Tổng số linh mục không giảm.

Sự suy tàn của thể chế giáo hội được đo bằng việc giữ đạo bị sụp đổ, không phải là hiện tượng độc nhất nơi nó xảy ra.

Do đó, có thể đặt câu hỏi liệu “cuộc khủng hoảng” của Giáo hội không phải là một phần của cái gọi là những xã hội phát triển rộng lớn hơn mà Giáo hội đang đắm chìm trong đó, và do thiếu thành công trong việc đồng ý một cách có ý thức và tập thể với lợi ích chung, đã nuôi dưỡng cho sự giải phóng cá nhân. Sự suy tàn của thể chế giáo hội được đo bằng việc giữ đạo bị sụp đổ, không phải là hiện tượng độc nhất nơi nó xảy ra. Chắc chắn công giáo là khác biệt, vì tính cổ xưa và phổ quát của nó. Nhưng hầu như tất cả những nơi hội tụ những lý tưởng cấp quốc gia và châu Âu, bản sắc chung và có ảnh hưởng hoặc “thúc đẩy” trong đời sống xã hội, đều chịu chung số phận ở đất nước chúng ta.

Những tan rã của thể chế

Chẳng hạn chúng ta có thể thấy ở chủ nghĩa công đoàn, dù đã được chính thức công nhận từ giữa thế kỷ 20, nhưng cũng không tốt hơn nhiều so với Giáo hội. Năm 1950, cứ hai công nhân thì có một người vào công đoàn. Ngày nay, tỷ lệ này là 1/10 và theo một số nghiên cứu thậm chí còn ít hơn. Tương tự như vậy, các đảng chính trị lớn trong quá khứ đang tàn lụi và không còn đáng kể. Cánh “tả”, cánh “hữu” từ lâu được giả định là những thực tế gần như siêu hình, họ cũng bị chìm.

Cũng vậy trong lãnh vực văn hóa. Năm 1950, trung bình một năm người dân Pháp đi xem phim mười lần. Trước thời gian cách ly chỉ còn ba lần, và bây giờ thì không đến một nửa. Truyền hình đã lấy chỗ, cung cấp nhiều thông tin gây bất lợi cho báo giấy, cũng đã thấy lượng khán giả của mình xuống đi vì các kênh và sự xuất hiện các mạng xã hội và Internet.

Trong một xã hội tan rã

Trên thực tế, có vẻ như Giáo hội không tránh được ảnh hưởng sự phân mảnh và suy tàn của một xã hội mà Giáo hội liên kết với nó, nơi mà giới tinh hoa nuôi dưỡng và áp đặt những khác biệt mà không thành công trong việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng chung. Trong bối cảnh như vậy, khả năng phục hồi của Công giáo là khá đáng kể. Ngay cả khi chỉ có 2% hoặc ít hơn giáo dân đến nhà thờ vào mỗi cuối tuần, thì con số này cũng nhiều hơn bất kỳ sinh hoạt nào được tổ chức thường xuyên khác có thể tập hợp được – thậm chí nhiều người hơn số người chúng ta thấy trên và xung quanh tất cả các sân đua và sân chơi trong cùng một khoảng thời gian. Chỉ là các sự kiện thể thao thường được các phương tiện truyền thông đưa tin, trong khi thánh lễ hoạt động rất tốt thì lại không được nhắc đến.

Vẫn còn phải xem liệu những giải trí và những kích thích, nhiều ít gây nghiện có đáp ứng được nhu cầu sâu sắc hơn của một số lượng lớn người hay không. Nhà xã hội học-địa lý Christophe Guilluy trong các tác phẩm đã xuất bản của ông và gần đây trong quyển Đối thoại ngoại vi (Dialogue périphérique, nxb. Zinc) đưa ra “sự bất an về văn hóa”, được cảm nhận trong các nhóm dân bị loại trừ ra khỏi trung tâm các đô thị lớn, nơi không có vấn đề gì với cuối tháng và nơi tính hiếu động và sự vi phạm các chuẩn mực truyền thống được xem trọng. Tác giả là nhà quan sát không theo chuẩn mực, ông phát hiện “nước Pháp từ bên dưới” (mà ông cho là ổn định, mạch lạc và theo đa số) có một ý thức đạo đức theo kiểu George Orwell mà ông gọi là sự ý nhị chung.

Luôn có một nhu cầu “siêu việt”

“Ý nhị chung” này cũng được triết gia Jean-Claude Michéa xác định trong quyển Cánh tả và Dân chúng (La Gauche et le Peuple, nxb. Flammarion, 2014). Nó bao gồm tình đoàn kết trong gia đình, hàng xóm, nghề nghiệp và giữa các thế hệ được kích thích bởi sự bấp bênh về kinh tế và hôn nhân, không ganh tị hay khao khát quyền lực hoặc làm giàu vô hạn, không vô cảm với môi trường tự nhiên và không sợ nhập cư, miễn là họ không trở thành “người thiểu số nơi họ được sinh ra”. Tác giả Christophe Guilluy còn đi xa hơn khi nói về một quy chiếu không thể cưỡng lại được trước một “siêu việt” và khẳng định “cơ thể” cần một “tinh thần” – như thế ông không còn hoàn toàn là người theo chủ nghĩa Mác như ông từng theo và đảm bảo là sẽ ở lại.

Các phân tích xã hội học này bị các chuyên gia khác tranh cãi. Tuy nhiên, họ xác định lĩnh vực “tân phúc âm hóa”, một lĩnh vực chắc chắn không thể chỉ đặt cược vào việc tái chinh phục giới tinh hoa cũng như năng động của các Giáo hội trẻ bên ngoài châu Âu. Một đạo công giáo bình dân vẫn cần được tái tạo, với một đức tin có lẽ không hoàn hảo, không liên tục và không nói nhiều, nhưng không thể hòa tan trong giới giáo dân dấn thân, nổi tiếng là tiếng nói nhân danh người dân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giáo hội phải suy nghĩ lại ảnh hưởng của mình