Bà Monique Dorsaz: Việc chấp nhận giáo dân trong Giáo hội đòi hỏi một hoán cải
cath.ch, Camille Dalmas, I.Media, 2023-02-18
Bà Monique Dorsaz, người đồng trách nhiệm chăm sóc mục vụ gia đình ở bang Vaud, Thụy Sĩ | Bộ Giáo dân
Bà Monique Dorsaz, thần học gia, đồng trách nhiệm chăm sóc mục vụ gia đình ở bang Vaud, bà tham dự hội nghị chuyên đề về chỗ đứng của giáo dân trong Giáo hội và trách nhiệm của họ bên cạnh các linh mục từ ngày 16 đến 18 tháng 2 tại Rôma.
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã chào đón hai trăm tham dự viên đến Vatican từ hơn 60 quốc gia. Bên lề sự kiện, hãng tin I.Media phỏng vấn bà Monique Dorsaz. Người tiên phong đã làm công việc này trong 35 năm cho Giáo hội. Bà nói lên những khó khăn và niềm vui trong công việc này.
Bà đã tham gia cuộc họp do Tòa Thánh tổ chức về sự đồng trách nhiệm giữa giáo dân và linh mục trong Giáo hội. Ơn gọi phục vụ Giáo hội của bà được sinh ra như thế nào?
Bà Monique Dorsaz. Tôi có một lịch sử lâu dài trong công việc này, tôi đã làm việc 35 năm cho Giáo hội. Khi còn trẻ, tôi tình cờ nhận ra ơn gọi trong một ngày cuối tuần đọc kinh thánh ở Grand-Saint-Bernard, lúc đầu tôi không muốn đi chút nào. Bạn bè tôi thường đến đó, tôi đi theo cho đỡ chán. Đó là lúc tôi được khai sáng, một khám phá về Kinh Thánh đặc biệt là Cựu Ước.
Tôi học toán tại Trường Kỹ thuật Zürich, năm hai mươi tuổi, tôi trải qua một kinh nghiệm mạnh mẽ làm tôi phải tự vấn bản thân. Sau đó tôi cân nhắc việc học thần học. Từ linh mục đến người thân, ai cũng làm cho tôi nản chí. Theo lời khuyên của một linh mục, tôi cầu nguyện và cuối cùng tôi chắc chắn về những gì mình nên làm.
Trong thời gian học thần học, hồng y Henri Schwery, giám mục của tôi không hiểu lai lịch của tôi: tôi bảo ngài cứ tin tưởng ở tôi. Vài năm sau, ngài nói với tôi, tôi đã đúng khi nói với ngài như vậy, và ngài nói bây giờ ngài có thể thuê tôi làm việc. Cùng với chồng, chúng tôi được thuê làm việc trong một giáo xứ, chồng tôi cũng học thần học.
“Tôi làm việc cho việc đào tạo giáo dân và chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Đó là một kinh nghiệm rất đẹp về sự cộng tác trong tính đồng nghị”
Sau 23 năm làm việc tích cực ở giáo xứ này, một tân giám mục giao cho chúng tôi bốn giáo xứ ở vùng Chablais. Chúng tôi ở trong nhà xứ. Mọi chuyện diễn ra rất xấu vì chúng tôi gặp các linh mục tạo rắc rối cho các giáo dân được đào tạo. Chúng tôi không thể ở lại và chúng tôi phải thay đổi giáo phận! Vào thời điểm đó, cha đại diện tòa giám mục ở bang Vaud gọi cho chúng tôi. Cha biết chúng tôi vì chúng tôi rất dấn thân trong việc đào tạo nhiều thừa tác viên mục vụ ở Fribourg. Chúng tôi chấp nhận. Từ đó, chúng tôi đào tạo giáo dân và chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Đó là một kinh nghiệm rất tốt về sự cộng tác trong tinh thần đồng nghị.
Qua 35 năm làm việc, bà có cảm nhận có một tiến hóa trong cách nhận thức và đón nhận sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội không?
Tôi nghĩ bây giờ các linh mục không công nhận giáo dân sẽ gặp khó khăn. Ở một số giáo phận, điều này vẫn còn xảy ra. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng tôi cảm nhận được ý chí thúc đẩy giáo dân cùng với các giám mục qua các can thiệp. Điều này đòi hỏi một sự hoán cải, trước hết là của chính giáo dân, để họ nhận ra rằng đó là sứ mệnh của họ, rằng họ có quyền được đào tạo. Và điều này liên quan đến các linh mục, rằng họ được đào tạo để cộng tác.
“Tôi thường có ấn tượng hệ thống cấp bậc không phải lúc nào cũng giúp giải quyết các căng thẳng, vì ai cũng có xu hướng tự bảo vệ mình”
Hồng y Canada Gérald Lacroix đã đưa ra một ví dụ rất hay trong phần can thiệp của ngài: ở Canada, các linh mục học ba năm thần học, sau đó họ có hai năm mục vụ để tìm hiểu họ sẽ sống trong các cộng đoàn như thế nào, rồi trở về học thêm hai năm thần học. Hồng y nói đùa, ngài đã phải học mục vụ ba năm!
Làm thế nào để bà giải quyết những căng thẳng khi chúng phát sinh trong Giáo hội?
Cách tốt nhất là nói về nó, và như thế có những người trung gian, trung lập, để chúng ta có thể nói về vấn đề này. Tôi thường có cảm giác con đường cấp bậc không phải lúc nào cũng có thể giải quyết các căng thẳng, vì ai cũng có xu hướng tự bảo vệ mình một chút. Các giám mục phải chăm sóc các linh mục của họ, và chuyện này không phải lúc nào cũng dễ dàng với họ.
Đã có một lần tôi nói, có một linh mục có vấn đề, ông là người thao túng, và dù vậy ông cũng được làm việc, trong khi ai cũng biết chuyện này. Thường rất khó để tìm ra giải pháp khi có loại trục trặc này. Tôi nghĩ với những người trung gian hòa giải, họ biết một chút về hồ sơ tâm lý của những người trong giáo phận, họ có thểgiải quyết những loại căng thẳng này dễ dàng hơn. Và điều này áp dụng cho giáo dân cũng như cho tu sĩ.
Vấn đề đào tạo là một trong những trục chính của hội nghị do Tòa Thánh tổ chức. Bà nghĩ lãnh vực nào cần được đào tạo đặc biệt?
Các lãnh vực chúng ta có nhiều người như giáo lý, chăm sóc mục vụ tổng quát, bệnh viện và nhà hưu dưỡng, lãnh vực liên đới, mục vụ giới trẻ… Đội ngũ đào tạo của chúng tôi chủ yếu gồm giáo dân, đa số là các ông và một vài phụ nữ.
Không có đủ phụ nữ tham gia vào các lãnh vực này?
Không. Tôi sẽ chiến đấu để có nhiều phụ nữ hơn. Có rất nhiều phụ nữ trong công việc tháp tùng thiêng liêng, nhưng cũng nên có trong việc đào tạo thần học và kinh thánh. Là học giả Kinh Thánh, một trong những điều quan trọng với tôi là khám phá Kinh thánh. Trên thực tế, chúng ta rất cần lời Chúa để rao giảng Tin Mừng. Điều này nhằm làm nổi bật mối quan hệ cá nhân của mình với Chúa và cũng để biết cách truyền bá Lời Chúa.
“Giáo dân thích được đào tạo bằng cách nói về những chủ đề lớn của cuộc sống như sự dữ, đau khổ, an ủi…”
Chẳng hạn có nhiều việc phải làm trong lãnh vực trình bày Kinh Thánh, như làm thế nào để giới thiệu Kinh Thánh cho những người không biết gì về Kinh Thánh, hoặc làm thế nào để đào tạo người lớn, v.v. Chúng tôi cũng nhận ra giáo dân thích được đào tạo bằng cách nói về những chủ đề lớn của cuộc sống như sự dữ, đau khổ, an ủi… Và trong lãnh vực này, giáo dân chiếm một chỗ ngày càng quan trọng, ngược với các giáo xứ, nơi các linh mục đóng một vai trò lớn trong việc đào tạo.
Theo kinh nghiệm cá nhân của bà và những trao đổi bà gặp ở Rôma tuần này, bà cảm thấy thế nào về sự phát triển của vị trí giáo dân trong Giáo hội?
Nó đang tiến triển khắp nơi. Tôi không biết liệu chúng ta có thể nói có một số nơi đang đi trước hay không, nhưng một số giám mục có thể đã nhận thức rõ hơn về những gì Vatican II đề xuất và khuyến khích – và thậm chí là yêu cầu, khi họ hiểu Hiến chế Tín lý về Hội thánh, Lumen Gentium. Rõ ràng đã có thay đổi trong 35 năm. Khi tôi bắt đầu, tôi được khuyên là không nên học thần học, bây giờ thật đáng tiếc khi không có nhiều nhà thần học có kinh nghiệm hơn. Có một thay đổi, người ta đòi hỏi có nhiều phụ nữ hơn.
“Sự suy giảm số lượng linh mục ở Thụy Sĩ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chỗ đứng của giáo dân”
Trong những ngày qua, tôi có dịp trao đổi với nhiều người và tình trạng thay đổi theo từng quốc gia. Có những quốc gia như Đức, có tình trạng tương tự như Thụy Sĩ. Nước Pháp cũng có tình trạng gần với chúng tôi, dù phương tiện hạn chế hơn nhưng họ có một năng động sáng tạo rất lớn. Và có những nơi phải cần hoán cải, thường là do họ có nhiều linh mục hơn. Sự suy giảm số lượng linh mục ở Thụy Sĩ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chỗ đứng của giáo dân. Có những quốc gia có hàng giám mục khá bảo thủ đã ngăn chặn tiến trình. Cũng có những quốc gia đơn giản vì không có tiền, đúng, đây cũng là một vấn đề.
Tôi cũng đã trao đổi với một người đến từ Cộng hòa Trung Phi, họ giải thích cho tôi hiểu, ở đất nước của họ, có rất nhiều giáo dân chăm sóc các cộng đồng, đặc biệt là các giáo lý viên. Họ được đào tạo nhuần nhuyển, kéo dài một năm toàn thời gian, trong thời gian đó họ học các nghề thủ công như thợ mộc, thợ nề để có thể có một tay nghề giúp làm công việc của mình trong Giáo hội. Mỗi quốc gia phải trả lời theo cách riêng của mình với vấn đề vị trí của giáo dân.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch