Cécile Gandon: “Tình trạng khuyết tật làm cho tôi táo bạo”
fr.aleteia.org, Marie Lucas, 2022-06-22
Cécile Gandon là nhà văn, nhà thiết kế đồ họa, nghệ sĩ vẽ màu nước và viết chuyên mục cho trang web “Bóng tối và Ánh sáng” (Ombres et Lumière). Cô vừa phát hành quyển sách: “Thân xác mong manh, trái tim sống” (Corps fragile, cœur vivant, nxb. Emmanuel). Bằng ngòi bút nhẹ nhàng và sâu lắng, cô mô tả sinh hoạt hàng ngày của một người khuyết tật.
Bài phỏng vấn
Với mái tóc nâu và đôi mắt sáng, Cécile đi khập khiễng về phía tôi, nhưng bước đi của cô chắc chắn, trên tay là cây gậy trung thành, cô mỉm cười – “một gặp gỡ lạ thường”. Khi nói chuyện, cô dành thì giờ để trả lời các câu hỏi của tôi, tìm những từ thích hợp để nói lên những gì mình đang sống. Nhà văn có một cái nhìn dịu dàng về thế giới: cô cho thấy, cuộc sống vừa có nét thô tháp vừa có nét đẹp của nó. Và khi kết thúc cuộc gặp gỡ, cô đọc lời cầu nguyện chính thống giáo: “Vua An ủi trên Trời, Thần Chân lý”, sự hiện diện của Đấng Tối cao trở nên rõ ràng. Gặp hoặc đọc Cécile là chạm vào ân sủng.
Cécile Gandon / @ Florent Benard
Tôi đã đọc quyển sách của cô, và khi gấp sách lại, tôi có một cảm giác rất ngọt ngào, làm sao cô có thể dịu dàng như vậy khi nói về khuyết tật?
Cécile Gandon: Tôi có thể nói, chính việc gặp gỡ người khác giúp tôi tìm thấy bình yên và dịu dàng, cũng như chuyển hóa sự nổi loạn liên quan đến khuyết tật. Nhìn những người xung quanh tôi, tôi thấy họ thật đẹp. Vì vậy, tôi tự nhủ mình cũng vậy, nhờ được như vậy nên tôi không bị ảnh hưởng bởi khuyết tật.
Nói thì dễ…
Đúng, vì có thể mình sẽ cảm thấy tàn nhẫn và khó khăn khi phải đi khập khiễng. Và người khác đã giúp tôi với cái nhìn yêu thương của họ. Đôi mắt của người khác hỗ trợ, hoặc làm tổn thương, và tôi có tự do để chọn ánh mắt nào tôi có thể dựa vào: ánh mắt nâng tôi lên hoặc dìm tôi xuống.
Những “cái chết nhỏ” của cuộc sống hàng ngày là bài tập cho những giới hạn của tôi.
Trong cuốn sách của cô, cô dùng thuật ngữ “những cái chết nhỏ” hàng ngày, nó có nghĩa là gì?
Điều mà tình trạng khuyết tật làm tôi trải qua, và nhiều người cũng đã trải qua hoặc sẽ trải qua, nhất là những người lớn tuổi. Tôi chỉ đơn giản là trải nghiệm nó trước một chút, giống như người đi tiên phong! Những “cái chết nhỏ” cuộc cuộc sống hàng ngày là bài tập cho những giới hạn của tôi. Đó cũng là trải nghiệm của sự chuyển đổi từ cuộc sống tự lập sang cuộc sống mà tôi cần người khác. Nó đôi khi rất thô tháp, nhưng cuối cùng lại rất mềm mại…
Mềm mại?
Đúng, thật mềm mại khi cho người khác có dịp giúp mình! Tính dễ bị tổn thương thường gắn liền với cái nhìn tiêu cực về việc lệ thuộc, với sỉ nhục, trong khi nó có thể gắn liền với niềm vui, tình yêu… như Chúa Giêsu trong máng cỏ!
Cô cho rằng tình trạng khuyết tật cho thấy những gì sống động nhất trong cô…
Đúng, vì nó làm cho tôi táo bạo! Nếu tôi không mạo hiểm gì, tôi sẽ vẫn bị khóa trong tình trạng khuyết tật. Cuộc sống của tôi đầy rẫy những nguy hiểm nhỏ nhặt, chẳng hạn liệu tôi có dám lấy vật này hay không? Cũng chính sự dám làm này trong cuộc sống hàng ngày làm cho tôi gần với người khác và nói chuyện với họ…
Được có cơ hội để phục vụ là món quà tuyệt vời trong cuộc đời của cô, cô muốn nói gì?
Đúng, tôi đã có thể trải nghiệm niềm vui được phục vụ trong một trại hè với các người trẻ, đó là một niềm vui lớn! Nhưng phục vụ không nhất thiết có nghĩa là hoạt động. Tôi có thể hiện diện với người khác, phục vụ họ bằng cách cầu nguyện, hoặc đơn giản bằng sự hiện diện, người khuyết tật có thể lan tỏa sự dịu dàng qua sự hiện diện của họ. Không cần hiệu quả mới mang lại hy vọng.
Những gì tôi biết là tôi không bị giới hạn bởi khuyết tật của mình.
Trong thế giới ảo này, cô nói cô được kết nối thường xuyên với thực tại, xin cô giải thích cho chúng tôi…
Tôi, tôi không thể băng qua đường với điện thoại di động trên tay hay mang mũ cát trên tai. Và đó là một may mắn, hay đúng hơn là những gì tình trạng khuyết tật của tôi cho phép tôi làm, trong tình huống này, đây là một cơ hội. Thế giới ảo rất tốt, tôi dùng mạng xã hội trong công việc nhưng sự hiện diện trong thế giới thực mới là điều cần thiết. Một số người cho rằng cần phải tạo ra “hoang đảo off” trong thế giới kết nối. Nhưng một người bạn của tôi làm cho tôi ý thức, mình có thể nghĩ ngược lại: tạo khoảng không gian ảo trong một thế giới mà nhịp điệu của con người là con trỏ.
Cô viết: “Người bạn là người hỏi chúng ta “bạn có khỏe không?” và là người chờ câu trả lời. Theo cô, tình bạn là gì?
Đó là một bí ẩn (Im lặng). Xã hội làm chúng ta nghĩ: chúng ta càng có nhiều bạn, chúng ta càng có nhiều giá trị. Sai! Điều quan trọng là phẩm chất của mối quan hệ. Nếu tôi không thể quyết định ai muốn chọn tôi là bạn, thì tôi có thể cố gắng để mình trở nên đáng yêu, bằng cách làm bạn với chính mình và trau dồi đời sống nội tâm – ngọn lửa nội tâm nhỏ bé này đang cháy trong tôi. Và tôi có thể bước một bước về phía người đang chờ tình bạn của tôi…
Đời sống nội tâm và khuyết tật rồi sẽ phù hợp với nhau?
Dĩ nhiên rồi! Ở trung tâm của những người khuyết tật hay trong bệnh viện, họ mang trong họ một kho báu, đó là đời sống nội tâm rất phong phú của họ. Thường là im lặng, tình bạn là món quà cho mọi người. Nhưng làm sao chúng ta biết?
Và cuối cùng, cô là nghệ sĩ!
Tôi không biết. Những gì tôi biết là tôi không giới hạn bản thân với tình trạng khuyết tật của tôi, dù sống trong tình trạng khuyết tật không phải là dễ, khuyết tật vẫn còn đó. Giống như bức khắc, nó làm cho tôi phát huy để thấy những gì đẹp trong bức khắc, trong chính tôi, đôi khi điều này cũng rất đau đớn. Là nhà văn, đó là những gì tôi làm: qua chữ nghĩa, tôi làm nổi bật vẻ đẹp chủ yếu của hiện thực, và tôi làm điều đó sau đó. Vì, khi tôi ở trong lòng núi lửa, tôi bốc cháy… nhưng thật nhẹ nhàng khi nhìn lại và ngạc nhiên trước những gì chiếc lưỡi bào đã tạc nên!
“Đúng là tôi sống thực tế một cách khác, nhưng tôi sống nó trọn vẹn”, một câu thật hay!
Sống một cách khác, là tin khuyết tật không phải là thiếu thốn, nhưng nó che giấu một sự viên mãn. Vì vậy, hoặc tôi sống như thế, hoặc tôi sống trong tiếc nuối vì thiếu thốn. Với tôi, tôi chọn cách sống viên mãn và đón nhận những gì cuộc sống ban tặng.
Điều gì mang lại cho cô niềm vui?
Tôi sẽ nói hòa bình. Vì niềm vui sinh ra từ sự gặp gỡ…
Thân xác mong manh, trái tim sống, (Corps fragile, cœur vivant, Cécile Gandon, nxb. Emmanuel, 2022)
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Ngày Thế giới Người bệnh: “Tôi mang trong mình một sức sống làm tôi ngạc nhiên”