Hình minh họa
la-croix.com, Christopher Henning, 2022-10-21
Khi có thêm các nạn nhân mới tố cáo giám mục Michel Santier, các giám mục Pháp bị giằng co giữa tức giận và quyết tâm. Vẫn còn sa lầy trong văn hóa giữ bí mật, Giáo hội đang chật vật đấu tranh để tìm ra phương thức thông tin thích ứng với cuộc khủng hoảng lòng tin đang xảy ra trong Giáo hội.
Một giám mục tại chức nhiều năm nói: “Khi biết tin, tôi cảm thấy mình bị lừa. Và tôi nghĩ nếu tôi cảm thấy mình bị lừa thì nhiều người cũng cảm thấy như vậy.” Ghê tởm, mệt mỏi, tức giận… Những cảm xúc xen lẫn trong tâm hồn các giám mục Pháp sau khi Vatican kết án giám mục Michel Santier, một trong các giám mục của họ lạm dụng thiêng liêng cho mục đích tình dục.
Xin được ẩn danh, khoảng mười lăm giám mục đồng ý nói với báo La Croix, dù thủ tục mới vừa được tổng giám mục Dominique Lebrun, giáo phận Rouen kiêm giáo phận Normandie đưa ra ngày thứ năm 20 tháng 10 để có thêm lời khai. Một mặt, nếu có hành vi đáng trách của giám mục danh dự khi còn là linh mục, thì cũng có những câu hỏi đặt ra về cách Giáo hội Pháp quản lý trong việc đưa tin chung quanh những “vấn đề” này. Đến mức gây nghi ngờ về cam kết nghiêm túc thi hành tính minh bạch được báo cáo Ciase đòi hỏi mùa thu năm 2021.
Vài ngày sau khi báo cáo Ciase được công bố ngày 5 tháng 10 năm 2021, lệnh trừng phạt của Vatican đã buộc giám mục Michel Santier lui về đời sống cầu nguyện và hạn chế mục vụ. Việc xử phạt này kết thúc hồ sơ giáo luật do tổng giám mục Michel Aupetit, lúc đó là tổng giám mục Paris làm vào tháng 12 năm 2019. Ngày 6 tháng 6 năm 2020, giám mục Santier thông báo giáo hoàng đã chấp nhận đơn từ chức “vì lý do sức khỏe” và ông tại chức cho đến ngày 9 tháng 1 năm 2021.
Dối trá
Thực tế, giám mục Dantier khi đó bị Covid, một trong các giám mục đồng hữu chúc ông sớm bình phục. Nhưng ngày 14 tháng 10, sau thông tin được các tuần báo Golias và Gia đình Kitô giáo đăng công khai: các giáo phận Coutances và Créteil xác nhận các biện pháp kỷ luật với hành vi lạm dụng trầm trọng hơn do thẩm quyền thiêng liêng của giám mục Santier đã công cụ hóa các bí tích với hai nạn nhân trong những năm 1990. Một giám mục lấy làm tiếc: “Covid, tôi đã tin. Và ông đã nói dối, đó không phải là khuôn mặt tôi biết về ông, tôi vô cùng đau buồn khi biết sự thật.” Một giám mục trẻ của tỉnh bang không biết gì về vụ này nói: “Tôi không chờ để nghe tin như vậy. Các giám mục của vùng Île-de-France có biết vụ này không?”
Nếu vào cuối năm 2019, giám mục Santier đã thú nhận với tổng giám mục Aupetit việc ông đã kêu hai nam thanh niên cởi quần áo khi xưng tội, nhưng ông không nói cho các giám mục khác lý do ông từ chức. Một trong các giám mục này nhớ đã ăn trưa với ông sau khi ông từ chức: “Tôi biết sức khỏe của ông đã yếu, nhưng trong suốt khi gặp, ông không nói gì với tôi thêm.” Hành vi lạm dụng cũng như sự im lặng làm cho giám mục này rúng động: “Chính uy tín của Giáo hội và cả uy tín của Tin Mừng bị bào mòn với những câu chuyện như thế này…” Vẫn hằn lên một cảm giác bất lực khi đối diện với sự chận đứng thông tin: “Có lẽ, chúng tôi là giám mục, chúng tôi không cần phải biết mọi thứ, nhưng ai là người tiếp xúc với giáo dân? Ai giải thích thay chúng tôi trong lĩnh vực này?”
“Các lo âu” cho các giám mục danh dự
Nhưng các thông tin thường được lưu hành theo một kênh nhỏ và thường là một phần. Trong Hội nghị toàn thể các giám mục Pháp tháng 11 năm 2021, một tháng sau khi công bố báo cáo Ciase, có thông tin “có những lo ngại” cho các giám mục danh dự. Theo một giám mục, có ba tên được đưa ra, trong số đó có tên của giám mục Michel Santier, nhưng không đưa thêm chi tiết nào về lý do “lo ngại” cho họ. Theo một nguồn tin khác, chỉ có một tên – không phải giám mục Santier – được đưa ra nhưng xin hội đồng đừng nói gì vì vụ này đang trong giai đoạn điều tra. Ở những nơi cao cấp ở Paris như tại trụ sở Hội đồng Giám mục Pháp cũng như tại tòa sứ thần, người ta biết nhiều hơn một chút. Nhưng họ không nói gì. Vì chuộng im lặng ư? Một nguồn tin thân cận với hồ sơ cho biết: “Trên thực tế, không có quyết định nào là không nói ra.”
Một số người tiếp tục nghĩ rằng, những trường hợp này cần thời gian và kín đáo, một giám mục nói: “Tôi không biết về trường hợp này, tôi chỉ biết qua báo chí. Chúng ta phải cẩn thận để không làm quá nhiều và để công lý làm việc.” Một giám mục khác tức giận nói: “Chúng tôi cố gắng kiểm soát mọi thứ, phải chuyên nghiệp trong việc xử lý các sự việc và theo các thủ tục bắt buộc. Sau đó chúng ta có thể làm công việc của mình, đó là loan báo Tin Mừng.”
Các nạn nhân mới
Cú bồi thêm. Tối ngày thứ năm 20 tháng 10, một tài liệu mới thêm vào hồ sơ: giám mục Dominique Lebrun công bố một thông cáo báo chí cho biết có thêm các nạn nhân khác của giám mục Michel Santier và một báo cáo mới đã được gởi về Bộ Tín Lý. Ngài viết: “Tôi quyết định phải báo cho giáo dân và xã hội chúng ta biết có những hành vi không thể chấp nhận được,” ngài tin vào sự cần thiết phải thông tin.
Một giám mục khác, ngạc nhiên trước thông báo của Tổng giám mục Dominique Lebrun, ngài kêu gọi thận trọng: “Khi hồ sơ đang ở giai đoạn điều tra, tuyệt đối phải giữ bí mật. Nhưng khi quyết định đã được đưa ra, dù đó là công lý quốc gia hay của tòa án giáo luật, quyết định đó phải thông tin cho mọi người biết.”
Nói những điều
Khi nào thì thông tin? Một số giám mục chú ý đến sự cần thiết phải dựa vào các dữ kiện đã được chứng minh, và đề cập đến sự kín đáo của thủ tục giáo luật. Đến mức các quyết định của Vatican thường được giữ bí mật, làm cho các giám mục và nạn nhân không biết gì về kết quả của tòa giáo luật. Tuy nhiên một trong các giám mục khẳng định, “không có việc muốn che giấu” nhưng họ cũng nhận thấy “không nói ra những điều sẽ chỉ thêm rối rắm”.
Việc quản lý truyền thông trong vụ từ chức của giám mục Michel Santier đòi hỏi Giáo hội phải xem lại cách thông tin của họ, vấn đề sẽ được thảo luận trong phiên họp khoáng đại tại Lộ Đức từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11. Một giám mục được bổ nhiệm gần đây cho biết: “Vấn đề này ở trong tâm trí mọi người.”
“Tôi nghe có đòi hỏi cần rõ ràng hơn”
Một người khác quy trách nhiệm cho hội đồng thường trực của Hội đồng Giám mục Pháp. Một tuần sau khi thông tin tiết lộ, cuối cùng ngày thứ sáu 21 tháng 10, tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã ra thông báo. Ngài viết: “Cảm giác bị phản bội, muốn chán nản là tất cả cảm xúc mà tôi hiểu và cảm nhận trong chúng tôi, cũng như sự khó hiểu và tức giận của nhiều người khi đối diện với hành vi này. Tôi cũng nghe và nhận nhiều chỉ trích xung quanh việc thiếu thông tin liên lạc khi các biện pháp được Rôma ban hành. Tôi cũng nhận yêu cầu làm rõ hơn về các quy trình giáo luật và các biện pháp có thể có từ kết quả này. Chúng tôi đối diện với sự căng thẳng giữa các yêu cầu của giáo luật, việc áp dụng nó, cách giải thích có thể khác nhau giữa các chuyên gia này với chuyên gia khác, các thực hành công lý ở đất nước chúng ta, sự tôn trọng con người và yêu cầu về minh bạch được nhiều giáo dân xem trọng. Chúng ta cần suy nghĩ về những thay đổi trong quy trình của chúng ta, trong cách chúng ta tiến hành và thông báo kết quả. Vấn đề quan trọng này đòi hỏi một nghiên cứu nghiêm túc.”
Trong khi một giám mục cho biết, cho đến ngày thứ năm 20 tháng 10, chủ đề này “không có trong chương trình nghị sự” của phiên họp khoáng đại tháng 11, nhưng trong thông báo, giám mục De Moulins-Beaufort đã nêu rõ vấn đề này sẽ được thảo luận: “Chủ đề quan trọng này đòi hỏi phải nghiên cứu nghiêm túc. Các giám mục sẽ bắt đầu làm việc này tại Đại hội toàn thể vào tháng 11.” Cuộc tranh luận có thể sôi nổi. Một giám mục sẵn sàng thảo luận, ngài không giấu được bực tức và cảnh báo: “Hội đồng phải giải thích cho chúng tôi.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...