Các tu sĩ Dòng Tên cam kết bồi thường 100 triệu đô la cho việc bán người bị bắt làm nô lệ
americamagazine.org, J.D. Long-García, 2022-08-18
Bức ảnh ngày 24 tháng 4 năm 2019 hiển thị ảnh hậu duệ của những người bị bắt làm nô lệ đã bị Đại học Georgetown và Dòng Tên Maryland bán cho miền nam Louisiana vào năm 1838. (Claire Vail / Tổ tiên người Mỹ / Hiệp hội phả hệ lịch sử New England qua AP, Claire Vail/American Ancestors/New England Historic Genealogical Society via AP)
Các tu sĩ Dòng Tên cam kết bồi thường 100 triệu đô la cho việc bán người bị bắt làm nô lệ. Con cháu của họ nói rằng tiến độ gây quỹ này đã quá chậm. Năm ngoái, Dòng Tên và Hiệp hội Hậu duệ GU272 đã thành lập quan hệ đối tác để giúp chữa lành những vết thương sâu đậm về chủng tộc vẫn còn tồn tại ở Hoa Kỳ.
Tổ chức Sự thật và Hòa giải Hậu duệ được thành lập vào tháng 3 năm 2021 để giải quyết bất công cụ thể trong lịch sử và rộng hơn là cung cấp một mô hình về tiến độ hàn gắn chủng tộc và thúc đẩy công bằng chủng tộc ở Hoa Kỳ. Các tu sĩ Dòng Tên đã cam kết quyên góp 100 triệu đô la để hỗ trợ công việc của quỹ khi sáng kiến này được công bố vào năm ngoái.
Tuy nhiên theo ông Joseph M. Stewart, chủ tịch của Quỹ thì tiến độ còn quá chậm: “Chúng tôi cảm thấy chúng tôi đến nhà thờ trên cơ sở đạo đức và đòi họ đứng lên, thực hành đầy đủ những gì nhà thờ giảng hàng ngày. Và chúng tôi đã không nhìn thấy.”
Ngoài việc là chủ tịch quỹ, ông Stewart còn là hậu duệ của Isaac Hawkings, một trong số 272 người bị bắt làm nô lệ và bị Đại học Georgetown bán vào năm 1838. Ông nói với trang America: “Với tầm nhìn của chúng tôi, chúng tôi không đi lui. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chừng nào còn các tu sĩ Dòng Tên đồng hành. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh và thách thức rằng hòa giải đã quá hạn từ lâu với các tội lỗi của Giáo hội.”
Ông Stewart đã viết một bức thư công khai cho linh mục Arturo Sosa, bề trên tổng quyền Dòng Tên đưa ra mối quan tâm của ông cũng như con đường phía trước. Ông mô tả các mức độ tham gia khác nhau trong các cuộc đối thoại với các tỉnh dòng. Ông cho biết có một số ít tu sĩ Dòng Tên đã để tâm đến “nỗi đau, khổ sở và thiếu phẩm giá con người trong cuộc sống của tổ tiên chúng tôi.”
Ông viết: “Họ dường như quyết tâm khôi phục phẩm giá con người, công lý và bình đẳng cho các hậu duệ nô lệ của Dòng Tên, và phẩm giá đạo đức của Dòng Tên và của đạo công giáo.”
Ông nói, nhưng dự án gặp những “người cứng rắn”, những người này nói “họ không ở đây trong thời gian Dòng Tên bắt làm nô lệ, chưa bao giờ bắt ai làm nô lệ và do đó họ không ‘nợ ’ai bất cứ điều gì”. Các tu sĩ Dòng Tên khác, mà ông Stewart mô tả là “ở giữa”, “dường như thích làm công việc của Chúa, không muốn bị chia trí với các nhu cầu trần thế của các hậu duệ”.
Các tu sĩ Dòng Tên đã cam kết quyên góp 100 triệu đô la để hỗ trợ công việc của quỹ khi sáng kiến này được công bố vào năm ngoái.
Ông nói, điều này đã dẫn đến tình trạng vỡ mộng của hiệp hội, đó là lý do vì sao ông viện đến bề trên tổng quyền Dòng Tên. Ông Stewart cho biết cho đến nay việc gây quỹ bị hạn chế – chỉ thu được 15 triệu đô la trong số 100 triệu đô la đã hứa huy động – cho thấy tiến trình không đi tới.
Ông nói với trang America: “Trong hai năm nay, mỗi tuần chúng tôi gặp nhau hàng giờ nhưng chúng tôi vẫn chỉ có 15 triệu đô la. Đó không phải là đánh giá sự cam kết của những người liên hệ. Đó là đánh giá kết quả.”
Dòng Tên cam kết quyên góp 100 triệu đô la trong 5 năm sắp tới, quỹ ủy thác di sản có mục tiêu dài hạn là huy động một tỷ đô la. Song song với việc chữa lành chủng tộc lâu dài và công bằng chủng tộc, quỹ có ý định hỗ trợ giáo dục các hậu duệ cho các thế hệ tương lai và cung cấp cứu trợ trực tiếp cho những người nghèo khó, người già yếu.
Trong thư của ông, ông Stewart đề nghị Dòng Tên trước đây ngập ngừng không chuyển 57 triệu đô la tiền thu được từ việc bán các khu đất đồn điền ở Maryland vào quỹ ủy thác di sản, dẫn đến sự chậm trễ trong việc tài trợ. Ông xin linh mục Sosa bán những khu đất đồn điền còn lại và đóng vào quỹ tài trợ trước lễ Giáng sinh. Tỉnh phía Đông Hoa Kỳ đã xác nhận các cuộc thảo luận nội bộ đang diễn ra về quỹ ủy thác và nguồn vốn từ vụ mua bán năm 2009. Tỉnh dòng cũng cho biết họ đã nhờ các công ty bên ngoài để làm thuận lợi việc bán các khu đất rừng còn lại để thu lợi cho quỹ ủy thác.
“Tất cả cam kết của chúng tôi trong việc hòa giải vì tội bắt giữ nô lệ vẫn còn đó. Không điều gì trong tất cả những chuyện này đã được thay đổi”.
Thêm nữa, ông Stewart đề nghị 100 triệu đô la nên được gửi vào quỹ ủy thác trước ngày 1 tháng 7 năm 2023; 500 triệu đô la hai năm sau và 1 tỷ đô la vào năm 2029.
Linh mục Dòng Tên Timothy Kesicki, chủ tịch của Quỹ Hậu duệ Sự thật và Tín dụng Hòa giải, cho biết các tu sĩ Dòng Tên vẫn đang quyên số tiền 100 triệu đô la đã cam kết trong vòng 3 đến 5 năm kể từ thông báo ban đầu năm ngoái.
Linh mục nói trong một phỏng vấn với trang America: “Tất cả cam kết của chúng tôi trong việc hòa giải vì tội bắt giữ nô lệ vẫn còn đó. Không điều gì trong số đó đã thay đổi. Công việc của sự thật, chữa lành chủng tộc và biến đổi đang trên đà đi tới. Và điều đó sẽ tồn tại lâu hơn đời sống của tôi.”
Dù sẽ mất nhiều thời gian, nhưng linh mục Kesicki hy vọng có thể tiến xa hơn trong việc gây quỹ trong lúc này. Ngài nói: “Chúng tôi đã được trao cho một cơ hội, một tầm nhìn. Chúng tôi phải vượt lên trên cơ hội. Tiền của bạn ở đâu thì lòng của bạn ở đó, cam kết của bạn ở đó… Chính vì vậy gây quỹ là điều cần thiết nếu chúng tôi thực sự muốn làm theo tầm nhìn này”.
Dù tiến trình gây quỹ chậm, nhưng cha Kesicki nhấn mạnh, các tu sĩ Dòng Tên cam kết thực hiện tiến trình này. Ngài nói: “Sống bên trong tôi, sống bên trong Joe Stewart, sống bên trong những người trong chúng tôi trực tiếp tham gia vào việc này, là một cam kết, một ơn gọi, một lời kêu gọi và quyết tâm lo câu chuyện này theo cách mà Chúa sẽ nói là đúng.”
Các tỉnh dòng Hoa Kỳ, cùng với chủ tịch Dòng Tên Canada và Hoa Kỳ tuyên bố họ chia sẻ quan tâm của ông Stewart và các nhà lãnh đạo hậu duệ khác về tiến trình gây quỹ. Trong một tuyên bố họ cho biết: “Chúng tôi vẫn cam kết với tầm nhìn chung của chúng tôi với Quỹ ủy thác và với lời hứa của chúng tôi về một nỗ lực gây quỹ đáng kể để thực hiện cam kết, bắt đầu huy động vốn từ Quỹ ủy thác. Chúng tôi luôn cống hiến sâu sắc cho mối quan hệ đối tác lịch sử của chúng tôi với cộng đồng Hậu duệ và cùng nhau làm việc để hòa giải chủng tộc và hàn gắn ở đất nước này.”
Cho đến khi nào Giáo hội, Nhà của Chúa, Nhiệm thể Chúa Kitô mới đứng lên và loại bỏ thói đạo đức giả khi không tôn trọng tất cả con của Chúa.
Vào thời điểm bán nô lệ năm 1838, các tu sĩ Dòng Tên Maryland đã là chủ sở hữu các nô lệ từ hơn 100 năm. Các tu sĩ Dòng Tên mua người nô lệ làm quà tặng và để trao đổi. Theo các nhà sử học, khi phụ nữ nô lệ có con, những đứa trẻ này bị cho là nô lệ. Thời đó các tu sĩ Dòng Tên là sở hữu chủ các đồn điền lớn nhất Maryland và họ trồng thuốc lá, loại cây thu tiền của khu vực. Những nô lệ thuộc sở hữu chủ của các tu sĩ Dòng Tên cũng làm nghề mộc, đầu bếp và nghệ nhân.
Làm chủ người nô lệ ít sinh lợi với các tu sĩ Dòng Tên vào thế kỷ 19. Các nhà lãnh đạo Dòng Tên thời đó không thể quyết định nên giữ nô lệ, bán họ hay giải phóng họ. Cuối cùng, trong những năm 1830, với khoản nợ của Georgetown tăng lên, các tu sĩ Dòng Tên đã tiếp tục bán nô lệ cho các đồn điền ở Deep South. Chuyến đi bằng tàu của họ đến Louisiana mất ba tuần.
Ông Stewart theo đạo công giáo suốt đời. Khi còn nhỏ, ông phải ngồi ở “phía Đen” của nhà thờ. Ông nói: “Có phải Chúa đặt tôi ngồi đó không? Hay đó là giới lãnh đạo công giáo ở Hoa Kỳ, những người đã đi xa đến mức trở thành thủ phạm kéo dài chế độ nô lệ ở đất nước này?”
Ông Stewart nói, thời gian để giải quyết những tội lỗi này – với tư cách là quốc gia và với tư cách là giáo hội – đã quá hạn từ lâu, lưu ý rằng “không phải chỉ có Dòng Tên và không phải chỉ có Giáo hội công giáo mới được hưởng lợi từ chế độ nô lệ”.
Ông nói: “Cho đến khi nào Giáo hội, Nhà của Chúa, Nhiệm thể Chúa Kitô mới đứng lên và loại bỏ thói đạo đức giả khi không tôn trọng tất cả con của Chúa. Chúng ta có thể làm điều này với tư cách là đối tác chứ không phải kẻ thù. Chúng tôi xin cha Sosa bỏ tất cả tội lỗi và thói đạo đức giả đằng sau chúng tôi, và có thể nhìn nhau với tình yêu và sự tôn trọng… để tìm kiếm Chúa trong mọi sự.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch