Người bản địa Canada: “Ở trường nội trú, họ muốn giết chết người Anh-điêng trong tôi”

520

Người bản địa Canada: “Ở trường nội trú, họ muốn giết chết người Anh-điêng trong tôi”

la-croix.com, Malo Tresca, đặc phái viên ở Maskwacis, Canada

Từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 7, Đức Phanxicô đi Canada, nơi những người bản địa bị lạm dụng thảm khốc trong các trường nội trú do Giáo hội điều hành từ năm 1831 đến năm 1996. Bà Flora Northwest, 77 tuổi, người sống sót ở Ermineskin, tỉnh bang Alberta kể lại nỗi đau và con đường tái xây dựng lại của bà. Cho đến khi tha thứ được.

Báo La Croix L’Hebdo: Xin bà cho biết kỷ niệm đầu tiên của bà ở khu dành cho người bản địa của các Quốc gia Thứ nhất ở Maskwacis, tỉnh bang Alberta, miền tây Canada, vùng đất bà sinh ra và lớn lên ở đó.

Bà Flora Northwest: Gia đình tôi, những thành viên của Quốc gia Samson Cree, đã ở đó qua nhiều thế hệ. Tôi sinh ra ngày 15 tháng 1 năm 1945. Gần như tôi không nhớ gì về những năm đầu đời của tôi ở đây, ngoại trừ việc mỗi sáng ông tôi đánh thức tôi dậy bằng tiếng trống của ông và cầu nguyện bằng ngôn ngữ của chúng tôi là “tiếng khóc của các cánh đồng”.

Khi tôi 6 tuổi, một cỗ xe ngựa dừng trước nhà tôi. Vì Đạo luật về người Anh-điêng (thổ dân da đỏ Bắc Mỹ) vì thế họ đưa tôi vào trường nội trú Ermineskin, cách nhà chúng tôi khoảng mười cây số.

Bà cảm thấy thế nào khi đến trường do các nhà truyền giáo công giáo điều hành từ khi thành lập năm 1894 đến khi đóng cửa năm 1970?

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi. Tôi không nói được một từ tiếng Anh nào, và tôi bị cấm nói tiếng Cree… Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người da trắng. Các nữ tu che kín mặt, mặc áo đen, các linh mục mặc áo chùng, tất cả đều mang thánh giá to. Tôi rất sợ, vì tôi không biết họ là ai. Có lẽ đó là chấn thương đầu tiên của tôi. Họ cắt mái tóc dài đến lưng của tôi, và thay quần áo của tôi, bắt tôi mặc đồng phục. Một số anh trai của tôi đã đi học ở Ermineskin, nhưng tôi không được phép nói chuyện với các anh vì họ là con trai.

Ngược đãi, bạo lực và tổn thương, sau đó bà phải chịu đựng nhiều chuyện khác trong suốt mười năm ở trong những bức tường này…

Tôi đã chứng kiến có rất nhiều học sinh bị giáo viên đánh

hoặc trói… Tôi cũng bị một vài lần. Các nữ tu có một loại dây đai có viền kim loại, có thể là từ một máy nông nghiệp, để đập vào ngón tay chúng tôi. Chúng tôi đã phải học cách chịu đựng nỗi đau. Chúng tôi bị đối xử ở đó như những kẻ man rợ, những kẻ ngoại đạo. Và cuối cùng chúng tôi đã tin mình như vậy. Tôi hoang mang với bản sắc riêng của tôi, vì chúng tôi bị cắt đứt khỏi lịch sử, văn hóa, truyền thống, các nghi lễ của chúng tôi. Đúng, họ đã cố giết người Anh-điêng trong chúng tôi. Khi chúng tôi bị phạt – có khi chúng tôi không biết vì lý do gì, vì chúng tôi luôn cố gắng là những đứa trẻ ngoan – chúng tôi bị đem xuống tầng hầm, đến một loại hầm chứa rau. Chúng tôi gọi nó là “ngục tối”.

Chuyến tông du của Đức Phanxicô, ai đã xin người bản địa tha lỗi?

Chúng tôi ở đó không được ăn, phải gọt vỏ, làm sạch và phân loại khoai tây mà có khi chúng tôi ăn sống vì quá đói. Thức ăn rất dở, trừ những lúc có “quan chức” đến thăm, chúng tôi được ăn ngon hơn một chút. Nhưng rất hiếm khi. Toàn bộ tổ chức như trong quân đội: từ 5, 6 tuổi, chúng tôi đã phải làm việc – gọt rau, làm luống, cọ rửa nhà vệ sinh… Và khi làm không đúng, chúng tôi phải làm lại từ đầu. Có một hình thức nô lệ. Dĩ nhiên là bị cấm, nhưng nhiều người trong chúng tôi nằm khóc trên giường trước khi ngủ.

 Ngoài bị la, bị đòn, bà còn bị lạm dụng tình dục…

Lúc tôi 8 hoặc 9 tuổi, có một linh mục gọi chúng tôi từng nhóm nhỏ đi theo cha: “Các con của cha, các con của cha”… Khi đó ông nói bằng ngôn ngữ của chúng tôi, và cố chụp chúng tôi, ép chúng tôi, kéo lưng chúng tôi đến sát người ông. Tôi không biết chính xác ông đi bao xa. Đôi khi, những tia sáng trở về trong ký ức tôi, khơi dậy trạng thái trở về tuổi thơ… Tôi biết tôi đã bị xâm hại, biết bao cô gái nhỏ khác đã bị hủy hoại cuộc đời vì nạn ấu dâm này. Ngay cả hôm nay, tôi cũng không thể chịu đựng được việc có ai đó sau lưng. Cơ thể tôi chống lại một cách máy móc, như thể ký ức về chấn thương này đã in sâu vào đầu. Linh mục đó chết mà không hề bị phán xét.

Dù vậy bà có những chuyện nào bà bám vào để đứng vững không?

Về đồ ăn, tôi nhớ thỉnh thoảng chúng tôi ăn trộm bơ đậu phụng. Chúng tôi cũng đã học cách để chơi hết sức có thể. Chung quanh trường nội trú có một hàng rào điện để ngăn chúng tôi chạy trốn. Chúng tôi đã vui vẻ xếp hàng, bám vào đó, ai là người cuối cùng thì bị một cú sốc. (Bà cười.) Tóm lại, chúng tôi tự giải trí hết sức có thể… Tôi nhớ có một vài giáo viên và một linh mục – cha Latour dễ thương với chúng tôi.

Bà đã làm gì sau khi rời trường nội trú Ermineskin lúc bà 16 tuổi?

Tôi giữ trẻ cho một gia đình ở thị trấn Red Deer, cách Maskwacis khoảng 80 cây số. Tôi được trả 60 đô la, tôi đưa một nửa cho mẹ để giúp đỡ các anh chị em tôi, cha tôi mất năm 1959. Sau đó, tôi có con trai đầu lòng năm 1966, và tôi trở thành bà mẹ đơn thân. Năm 1967, tôi làm việc cho một viện chuyên chăm sóc người tàn tật, trước khi làm nhân viên  phụ săn sóc, một việc làm tôi rất thích – sau đó vài năm tôi làm việc trong xưởng sản xuất bàn ghế.

Đó là thời gian những con quỷ quá khứ trổi dậy trong bà. Những năm nội trú đã để lại di chứng gì trong bà?

Đầu những năm 1970, tôi dần dần chìm vào con sâu rượu. Lúc đó tôi không nhận thức được việc nghiện rượu liên quan trực tiếp đến lạm dụng tôi đã chịu đựng. Nghiện là căn bệnh ảnh hưởng đến nhiều người sống sót. Trong thời gian này, người đàn ông đã trở thành cha của ba đứa trẻ khác của tôi cũng uống rượu. Tôi nặng gần 200 cân anh, tôi la mắng con cái suốt ngày, bắt chúng làm giường, dọn dẹp đồ đạc, đem bát đĩa vào bồn rửa… Cuối cùng, tôi lặp lại khuôn khổ quyền lực, việc duy nhất tôi từng biết, các nữ tu đã la mắng chúng tôi ở trường nội trú: cơn tức giận mà tôi không thể diễn tả khi còn nhỏ, vì bị nén ngay lập tức, đã bộc phát.

Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho “chuyến hành hương đền tội” của ngài ở Canada

Khi tôi ý thức mình là ai, tôi muốn dừng lại. Tôi có thể đã mất con nếu các cơ quan bảo vệ trẻ em đến kiểm tra tôi. Vì vậy, ngày 17 tháng 2 năm 1974 là ngày tôi uống ly cuối cùng, tôi bắt đầu trị liệu từ từ nhưng chắc chắn để thoát khỏi cơn nghiện này. Chồng tôi không làm theo, và chúng tôi chia tay năm 1975.

Việc cai nghiện này đánh dấu cho bước đầu của một tiến trình chữa lành tâm lý, hòa giải với chính đời bà, với những người thân yêu của bà…

Ít lâu sau, tôi có cơ hội gặp người đàn ông đã chấp nhận con người thật của tôi và “nhận nuôi” bốn đứa con của tôi, tất cả đều dưới 10 tuổi. Trước khi anh qua đời vì ung thư năm 2015, chúng tôi đã kết hôn được bốn mươi năm! Anh không phải là người sống sót, nhưng thực sự lắng nghe những gì tôi đã trải qua. Anh giúp tôi chín chắn, trưởng thành.

Tôi cũng xin lỗi các con tôi trong vai trò người mẹ khi tôi bị tác động của rượu. Tôi hỏi các con tôi câu hỏi: “Làm thế nào các con đã sống với mẹ?” Chúng trả lời: “Chúng con học cách làm cho lỗ tai thành điếc.” Cám ơn Chúa, các con đã tha thứ cho tôi. Tôi phải học lại cách trở thành người mẹ và tiến về phía trước.

Để được giải phóng lời, tôi phải cần thời gian. Trong một thời gian dài, tôi ít tự tin. Sau đó tôi nói chuyện trong nhà tù, trước mặt các tù nhân – đa số là những kẻ lạm dụng tình dục – để nói với họ cảm giác của nạn nhân như thế nào. Tất cả những điều này đã giúp tôi tiến lên, nhưng tôi phải cố gắng rất nhiều để trở thành con người của tôi như ngày hôm nay.

Năm 2013, bà đã được Ủy ban Sự thật và Hòa giải (NTCR) mời đến nói chuyện, Ủy ban được các nhà chức trách thành lập để làm sáng tỏ những hành vi lạm dụng xảy ra trong các trường nội trú. Điều gì đã đánh dấu bước này trong quá trình tái xây dựng của bà?

Tìm cách trực diện với sự thật là điều luôn quan trọng, đó là điều ủy ban này làm. Đặc biệt bắt đầu từ năm 1992, tôi bắt đầu cái mà tôi gọi là “cuộc hành trình” hướng tới việc chữa lành. Để hiểu rõ hơn về bản thân, tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử của các trường nội trú, đắm mình trong kho lưu trữ, thậm chí tôi còn quay trở lại một trong số các trường… Các vết thương của tôi mở rộng ra, toác hoác, một cơn giận khủng khiếp xâm chiếm tâm hồn tôi khi tôi thấy tất cả trách nhiệm của chính phủ trong hệ thống trường học này, đã gởi chúng tôi đến các cơ sở do các Giáo hội quản lý (công giáo, tin lành và các Giáo hội khác).

Qua đó, nhà chức trách đã tìm cách kiểm soát chúng tôi, và việc thực dân hóa này đã tác động đáng kể với nhiều người trong chúng tôi! Ủy ban này đã khẳng định lại để làm cho nó được lắng nghe nhiều hơn một chút. Trước mặt Ủy ban, chúng tôi lặp lại chúng tôi từ chối bị đồng hóa đến mức nào. Chúng tôi là những dân tộc đầu tiên ở Canada và chúng tôi sẽ không từ bỏ các quyền của mình nhân danh bất kỳ chính sách nào.

Năm 2010, thủ tướng Stephen Harper khi đó đã xin lỗi những người sống sót. Ở cương vị này từ năm 2015, năm 2021 thủ tướng Justin Trudeau đã xin lỗi. Hiện bà đang mong đợi gì ở các nhà cầm quyền để sửa chữa?

Về cơ bản, có lẽ là sự công nhận các nhu cầu cụ thể của chúng tôi phần lớn liên quan đến quá khứ các trường nội trú. Một số thành viên trong cộng đồng của chúng tôi đã bị chứng nghiện rượu từ trong bụng mẹ, nhiều người khác rơi vào tình trạng nghiện ngập khác: cần khuyến khích phát triển các trung tâm trị liệu và cai nghiện trong các vùng dân cư chúng tôi. Tôi chân thành tin những người mắc phải các vấn đề này, gần như 80% có thể phục hồi sau khi điều trị.

Chúng tôi cũng cần được giáo dục nhiều hơn. Ngày nay nếu có một nghiên cứu xã hội học thực hiện trong các nhà tù liên bang và tỉnh bang Canada sẽ thấy phần lớn tù nhân là con hoặc cháu của những người sống sót. Chúng ta cần phá vỡ vòng xoáy vì tác động giữa các thế hệ này tiếp tục làm cho cộng đồng chúng tôi đau khổ. Chúng tôi không xin sự thương hại. Những người lớn tuổi đã dạy chúng tôi rất nhiều giá trị: tôn vinh, tôn trọng, không trộm cắp, không đánh nhau… và những gì chúng tôi thực sự cần là mọi người hiểu, chúng tôi không thể bị quy lỗi cho một số vấn đề của chúng tôi như tâm lý và xã hội với những gì chúng tôi đã phải chịu đựng.

Năm ngoái, việc phát hiện các ngôi mộ không tên của 215 trẻ em gần trường nội trú Kamloops (bang British Columbia), tiếp theo là 751 ngôi mộ khác gần trường Marieval (bang Saskatchewan) đã tạo làn sóng chấn động khắp cả nước, củng cố cho ý thức tập thể về những thảm kịch đã trải qua…

Đúng, vấn đề đã được các cơ quan truyền thông nói đến nhiều. Giống như nhiều người khác, tôi đã rất đau lòng khi biết những khám phá này. Người ta hỏi tôi, liệu có khả năng tìm thấy những ngôi mộ gần Ermineskin hay không. Tôi trả lời tôi không biết. Nhiều người bản địa đã chết trong các trường nội trú, nhưng một số lớn hồ sơ lưu trữ vẫn chưa được tìm thấy. Khi một đứa bé chết, cha mẹ có được thông báo không? Hay họ trực tiếp chôn cất? Luôn có những vùng tối trong các chuyện này.

Bà thấy các bước tiếp theo trong quy trình hòa giải như thế nào?

Chúng ta phải tiếp tục nói về quá khứ để mọi người hiểu tất cả những gì đã thực sự xảy ra, trong một tinh thần chân thành tiết lộ sự thật. Đây là điều kiện tiên quyết đối với tôi, để tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm công việc hòa giải, tiến lên trên cơ sở này. Nhiều người vẫn còn rất tức giận, chống lại các Giáo hội và chống lại chính phủ.

Phái đoàn người bản địa các Quốc gia Thứ nhất gặp Đức Phanxicô

Tuy nhiên, tôi tin chắc cảm xúc này chẳng giúp đi đến đâu cả. Nếu chúng ta chấp chứa nó trong lòng, chúng có thể bóp nghẹt chúng ta. Thật khó khăn, nhưng phải vượt lên để thể hiện một cách tích cực… Đó là điều tôi đang cố gắng làm, ở mức độ của tôi, trong cuộc sống của tôi bây giờ.

Tại trường nội trú, các tu sĩ đã tìm cách cưỡng bức bà theo đạo. Mối quan hệ của bà với Giáo hội ngày nay là gì, và những nguồn lực thiêng liêng khác của bà là gì?

Kể từ thời điểm đó, tôi đã không quay lại nhà thờ, nhưng nếu cần, tôi sẽ đi nhà thờ để dự đám tang. Ở trường nội trú, chúng tôi phải cầu nguyện liên tục, có thể ít nhất mười sáu lần một ngày. Trong khi làm giường, trước khi ăn sáng, sau bữa tối, v.v. Thậm chí có khi chúng tôi phải thức dậy lúc 5 giờ hay 6 giờ để đi lễ. Vì vậy, với các giáo xứ bây giờ tôi có chút khó khăn. Nó khơi dậy quá nhiều ký ức… Sau những năm đó, tôi đã học cách cầu nguyện lại bằng cách tham dự các buổi lễ của chúng tôi một lần nữa, và ở đó, tôi hoàn toàn trở lại bản sắc là phụ nữ thổ dân của tôi. Nhưng, cuối cùng, tôi không bao giờ xa Chúa, vì tôi tin chỉ có một Chúa. Với chúng tôi, đó là tinh thần cao cả.

Bà mong chờ gì từ chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô từ ngày 24 đến 30 tháng bảy tới Canada, một trong những chặng đầu tiên ngài sẽ là địa điểm cũ của Ermineskin, ở Maskwacis?

Những lời xin lỗi của ngài có thể có niên đại xa hơn hai thế kỷ qua. Năm trăm năm trước, đã có những sắc chỉ giáo hoàng từ giáo hoàng Nicholas V và Alexander VI, giải thích cách các nhà thám hiểm châu Âu đối xử với người bản xứ, những người bị cho là “man rợ”. (Bà bắt đầu đọc một bài báo dành cho chủ đề này). Tại đây, việc Đức Phanxicô đến khơi dậy nhiều cảm xúc lẫn lộn, một số cảm thấy họ không cần phải nghe những gì ngài sắp nói. Tôi sẽ đi gặp ngài. Tôi biết việc này sẽ có thể giúp tôi hoàn thành “hành trình” hồi phục. Tôi tin, trên tất cả, vào sức mạnh của tha thứ.

Về bà Flora Northwest

1945 Sinh tại Maskwacis, Alberta, Canada, vùng của những người thuộc về các Quốc gia Thứ nhất.

1951 Vào trường nội trú Ermineskin, và 10 năm sau bà rời trường.

1974 Sau khi rơi vào hoàn cảnh nghiện rượu, bà bắt đầu trị liệu để ra khỏi cơn nghiện.

1992 Bắt đầu “hành trình” hướng tới chữa lành.

2013 Gởi lời chứng của bà đến Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada.

2022 Bà sẽ đi gặp Đức Phanxicô khi ngài đến Maskwacis.

Điệu nhảy của bà – điệu valse

“Điệu nhảy rất xưa cổ, nhưng đó là điệu nhảy tôi đã học ở trường và tôi rất thích dù tôi ít có dịp nhảy. (Cười.) Tôi cũng thích các điệu múa truyền thống của dân tộc chúng tôi, như điệu múa tròn. Và tôi cũng thích nhạc đồng quê, nhạc thổ dân làm tôi nhớ đến tiếng trống của ông tôi.”

Suối nguồn của bà – con cháu của bà

“Các con, các cháu là niềm tự hào của tôi. Chính vì các con mà tôi ngừng uống và kéo dài tuổi thọ của tôi thêm bốn mươi bảy năm! Để mang lại cho các con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, để các con có thể tiến xa hơn trong học tập, để các con có thể đi khắp thế giới khám phá các nền văn hóa khác. Và đó là những gì chúng đã làm!”

Một nơi của bà – Hawaii

“Tôi đã đến đó với gia đình và tôi mơ quay lại đó. Em gái tôi thường có thói quen nói với Chúa, nếu Chúa để cho chúng con một hòn đảo để nhắc chúng con biết Đấng Tạo Hóa là ai, thì đó chính là hòn đảo này. Suy nghĩ thật hay.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Giáo hoàng ngồi xe lăn tại đền thờ Đức Bà Cả sáng thứ sáu 22 tháng 7-2022

Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Canada: tuổi của ngài là một lợi thế