Đức Phanxicô kêu gọi chống nạn cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ
la-croix.com, Xavier Le Normand, 2022-02-06
Đây là lời kêu gọi bất thường của ngài, ngài nhắc những người hành hương có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật và cũng nhân Ngày Quốc tế chống cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ vào ngày thứ ba 8 tháng 2, một dịp để ngài tố cáo những vụ cắt xẻo này, “làm mất phẩm giá phụ nữ và tác động nghiêm trọng đến sự toàn vẹn về thể chất của họ.”
Đưa ra mối liên hệ với nạn buôn người, ngài bày tỏ “nỗi đau” khi đứng trước tai ương này của nhân loại. Ngài nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm hành động dứt khoát để ngăn chặn việc khai thác bóc lột và các hành vi làm nhục người phụ nữ và các em bé em gái”.
Ngài cảnh báo: “Có gần ba triệu trẻ em gái bị phẫu thuật mỗi năm, thường trong điều kiện rất nguy hiểm cho sức khỏe các em”, ngài liên kết cuộc chiến chống cắt bộ phận sinh dục này với cuộc chiến chống nạn buôn người, sẽ là chủ đề của Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy niệm ngày thứ ba 8 tháng 2 để tưởng nhớ Thánh Josephine Bakhita trong lịch phụng vụ. Trong dịp này một tác phẩm điêu khắc Thánh Bakhita và người tị nạn của nhà điêu khắc người Canada Timothy Schmalz đã được dựng lên tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài tố cáo tình trạng của các cô gái mại dâm, là “nô lệ của những kẻ buôn người”, họ bị đánh đập nếu không mang đủ tiền về cho những người khai thác họ. Đức Phanxicô nói: “Ngày nay điều này thường xảy ra ở các thành phố của chúng ta, chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề này.” Ngài tố cáo: “Đây là “vết thương sâu đậm” liên quan đến “chạy theo lợi nhuận kinh tế một cách nhục nhã, không tôn trọng phẩm giá con người.”
Vì thế ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị dứt khoát hành động để chống lại nạn buôn người và chống lại “các hành vi làm nhục phụ nữ và các em bé gái”. Ngài đã tố cáo vấn đề này trong cuộc trao đổi với bác sĩ Denis Mukwege, giải Nobel Hòa bình 2018, vào cuối buổi tiếp kiến chung ngày 22 tháng 5 năm 2019.
Bài đọc thêm: Bác sĩ Denis Mukwege tặng Giải Nobel Hòa Bình cho “các phụ nữ của tất cả các nước bị tổn thương”
Sự can thiệp của các nữ tu
Lời kêu gọi này của Đức Phanxicô là để nhấn mạnh sự quan tâm của Giáo hội trong vấn đề cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ. Chúng ta có thể thấy điểm khởi đầu của lời tố cáo này trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Amoris Laetitia, năm 2016. Trong đó, ngài tố cáo “các phong tục không thể chấp nhận được”, phải “xóa bỏ”, trong đó có việc cắt xén bộ phận sinh dục nữ nghiêm trọng ở một số nước”.
Nhiều cơ quan và tổ chức công giáo, đặc biệt là các nữ tu ở tuyến đầu, đã làm việc để thay đổi các thực hành văn hóa và trao quyền cho phụ nữ trẻ chống lại bạo lực.
Mục tiêu: loại hẳn vào năm 2030
Vào năm 2020, nhân Ngày quốc tế chống cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ, thông qua phương tiện truyền thông Vatican News, Rôma đã lên tiếng: “Việc cắt xén cơ quan sinh sản phụ nữ là một tội ác nghiêm trọng của nhân loại, vi phạm quyền của phụ nữ về sức khỏe, an toàn, sự toàn vẹn thể chất, không bị tra tấn và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, cũng như quyền được sống, trong khi các việc cắt xẻo này có thể dẫn đến cái chết của nhiều nạn nhân”.
Ngày Quốc tế chống cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ được Liên hợp quốc thành lập năm 2012. Thúc đẩy không khoan nhượng đối với các hoạt động này, mục tiêu là năm 2030 sẽ xóa hẳn nạn này, chủ yếu các vụ này vẫn còn thực hiện ở các nước châu Phi
Cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ vẫn còn thực hiện rộng rãi ở một số nước châu Phi và Trung Đông, dù đã có một số quy định pháp luật cấm. Loại văn hóa này được thấy trong các tôn giáo khác nhau, như ở những người theo thuyết vật linh, đạo hồi và kitô giáo. Các chiến dịch nâng cao nhận thức đã làm giảm các vụ mổ này ở một số vùng. Tổng cộng, hàng năm thế giới có hơn 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái phải bị cắt xẻo bộ phận sinh dục.
Marta An Nguyễn dịch