Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Bây giờ ít người nghĩ rằng vấn đề này không có ở Phi châu
la-croix.com, Lucie Sarr, 2021-10-06
Phỏng vấn nữ tu Solange Sahon Sia Dòng Đức Mẹ Núi Calvê, thần học gia, giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên và Người dễ bị tổn thương, một trung tâm được thành lập tháng 3 năm 2019 tại Viện Truyền giáo Công giáo Abidjan. Nữ tiến sĩ thần học đầu tiên tại Đại học Công giáo Tây Phi, nữ tu trả lời phỏng vấn báo “La Croix Africa” về vấn đề lạm dụng trong Giáo hội công giáo.
La Croix Africa: Ngày thứ ba, 5 tháng 10, Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase, cũng còn được gọi là ủy ban Sauvé, đã công bố bản báo cáo nặng trĩu về tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp. Theo sơ, tình hình ở Đảo Ngà như thế nào?
Nữ tu Solange Sia: Với việc thành lập Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên và Người dễ bị tổn thương (CPMPV) và với sự tham gia của Hội đồng Giám mục Đảo Ngà (Cecci) để đào tạo và nâng cao nhận thức của các linh mục, phương pháp quản lý lạm dụng tình dục có thể sẽ có một cách tiếp cận khác với những cách có thể đã được áp dụng trong các bối cảnh khác. Trên thực tế, một trong các mô thức đào tạo của chúng tôi được gọi là “học hỏi từ quá khứ của mình”.
Đây sẽ là một bi kịch kép nếu phía xã hội, phía Giáo hội địa phương lặp lại cùng những sai lầm đau đớn ở những nơi khác trên thế giới. Đúng là ở cấp độ địa chính trị và tôn giáo, chúng ta không thể nói những gì xảy ra ở Pháp không có những hệ quả ở Đảo Ngà. Hiện tại, một cuộc điều tra như của Ủy ban Sauvé vẫn chưa được thực hiện trong vùng chúng tôi, nhưng với cam kết của Trung tâm, chúng tôi hy vọng những thiệt hại ở đảo chúng tôi sẽ giảm bớt.
Những gì tôi có thể nói, đó là phải học từ những sai lầm và những bai học trong quá khứ nhiều hơn. Chắc chắn bây giờ sẽ có ít người nghĩ rằng vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội không phải là vấn đề của Đảo Ngà, của Phi châu.
Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên và Người dễ bị tổn thương do sơ điều hành được Viện Truyền giáo Công giáo Abidjan thành lập năm 2019 (Icma). Xin sơ cho biết tổng kết các hoạt động của sơ.
Sau ba năm đào tạo, nâng cao nhận thức, lắng nghe và hỗ trợ các hoạt động, chúng tôi có thể khẳng định, phần lớn Giáo hội ở Đảo Ngà đã nhận thức được các vấn đề lạm dụng dưới mọi hình thức. Với đội ngũ giáo dân, linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chuyên gia tôn giáo trong các lĩnh vực khác nhau (thần học, tâm lý học, giáo luật và dân luật), chúng tôi đào tạo sinh viên năm 4 thần học và thạc sĩ tại Viện Truyền giáo Icma. Ngoài ra, chúng tôi đang đào tạo cũng cùng các chủ đề này cho nhân viên mục vụ làm việc trong các trường học và trung tâm y tế.
Chúng tôi đã thực hiện một số hoạt động nâng cao nhận thức tại hơn một nửa số giáo phận của đất nước. Trước sự hiện diện của các giám mục và giám mục đoàn của họ, chúng tôi đã có một số khóa học về việc phòng ngừa các vụ lạm dụng. Ngoài ra, chúng tôi đã huấn luyện và cảm hóa các thành viên văn phòng báo cáo của các giáo phận khác, các giám thị và những người phụ trách phong trào thiếu nhi của một số giáo phận. Gần đây, chúng tôi đã sinh hoạt với các nhà đào tạo tập sinh ở Bouaké về chủ đề ngăn ngừa những lạm dụng trong đời sống thánh hiến.
Chúng tôi đã tạo ý thức trong sứ mệnh phúc âm hóa, và tiếp tục đến với nhiều người nhất có thể trong Giáo hội cũng như trong xã hội, vì những chứng từ chúng tôi nhận được qua các hoạt động cho thấy các vụ lạm dụng trong gia đình đã được chú trọng đến. Trong các năm tới, chúng tôi sẽ đến các cộng đoàn tín hữu kitô vùng ở miền Bắc, cũng như một số quốc gia trong tiểu vùng để nói chuyện về vấn đề này.
Theo sơ, đâu là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này vốn thường bị cấm kỵ trong nền văn hóa châu Phi, thậm chí còn cấm kỵ hơn khi liên hệ đến hàng giáo sĩ?
Một chiến lược mà tôi có thể đề xuất là tiếp tục thông báo về các vụ lạm dụng. Trong các chiến dịch nâng cao nhận thức, chúng tôi ghi nhận nhiều người không ý thức được hậu quả, tổn thương ở nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Trong hàng giáo sĩ, tôi khuyến khích các giám mục trình bày một cách có hệ thống các mô hình phòng chống lạm dụng trong chương trình đào tạo chủng sinh. Tôi cũng kêu gọi phát triển trong các tổ chức, trường cao đẳng, trường trung học, trường đại học và cộng đồng đào tạo của chúng tôi, những phản ánh về các khía cạnh văn hóa của lạm dụng tình dục để giúp mọi người thoát khỏi chủ nghĩa cấm nói. Nói cách khác, theo tôi, điều quan trọng bây giờ, khi nhìn về những gì đã xảy ra ở nơi khác, là phát triển tinh thần cởi mở và trách nhiệm chung.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Các nước đã bồi thường như thế nào?
Jean-Marc Sauvé: “Không nghi ngờ gì về quyết tâm chống lạm dụng của Đức Phanxicô”